Người trò giỏi của tuồng cổ Quảng Nam - Đà Nẵng

07.08.2023
Khánh Hòa
Sau rất nhiều lần liên hệ, tôi mới có được cuộc gặp gỡ với nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh). Câu chuyện giữa hai con người ở hai ngành nghề khác nhau nhưng cùng chung điểm “chạm” đó là sự sáng tạo, diễn ra tại một quán nước nhỏ, nằm sát vách trụ sở nhà hát (số 155 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu). Khác với hình ảnh cường điệu và đa sắc màu thường thấy khi hóa thân vào từng vai diễn trên sân khấu, ở đời thường, nghệ sĩ tuồng Văn Bá Huỳnh toát lên phong thái phóng khoáng với trang phục quần jean và áo phông rộng thùng thình.

Người trò giỏi của tuồng cổ Quảng Nam - Đà Nẵng

Hầu hết các vai diễn đều do nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh tự vẽ mặt nạ với những đường nét điêu luyện. Ảnh: KHÁNH HÒA

Chuyện đời, chuyện nghề với hơn 3 thập kỷ đeo đuổi và cống hiến cho nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng được nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh tái hiện lại một cách sinh động, đầy màu sắc, bằng chất giọng trầm ấm của người xứ Quảng. Hành trình từ cậu thiếu niên theo thầy đến lớp học diễn tuồng cổ đến lúc lên “lão làng” ấy, gắn chặt với những thăng trầm của một bộ môn nghệ thuật vốn được nhìn nhận là vốn quý cần được bảo tồn của dân tộc.

Thủy chung với nghề

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh (SN 1968) là người con duy nhất trong gia đình theo đuổi hoạt động nghệ thuật. Năm 1984, khi bắt đầu bước chân vào nghề, ông may mắn có cơ duyên được các thầy Tư Bửu, Hồ Hữu Cơ - những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ (cùng với các nghệ sĩ như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi…) nhận làm học trò. Nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh bộc bạch, được dìu dắt bởi những người thầy giỏi ngay từ bước chân chập chững vào nghề là nguồn động lực để ông thêm yêu nghề, không ngừng rèn luyện, nỗ lực cho đến tận hôm nay. Giữa chừng câu chuyện, để giúp tôi hình dung rõ hơn về bộ môn nghệ thuật này, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh lại diễn tả một vài trích đoạn tuồng cổ bằng những biểu cảm sinh động, lúc sắc bén oai dũng với những vai khanh tướng; khi lại dung dị, hài hước như các vai diễn kép xéo hay nịnh thần...

Từng cử chỉ, từ cái liếc mắt, nụ cười hay động tác giơ tay, kiễng chân… của ông đều toát lên vẻ điêu luyện của một “lão làng” đã dành trọn sự cống hiến cho nghệ thuật tuồng. Nhìn ông, tôi chợt nghĩ, nếu không được giới thiệu trước, có lẽ một người “ngoại đạo” như tôi sẽ khó mà hình dung được người đàn ông dong dỏng cao với khuôn mặt góc cạnh, đôi bàn tay thon dài cử động linh hoạt, nhất là ánh mắt cứ bừng sáng mỗi khi nói về từng vai diễn, là nghệ sĩ tuồng nổi tiếng, người góp phần làm nên thành công của nhiều vở tuồng cổ, đoạt nhiều giải thưởng ở các hội thi toàn quốc.

Bởi lẽ, như ông nói, hào quang chỉ dành cho sân khấu, cho những vai diễn mà ông hóa thân, còn khi đã “thoát vai”, ông cũng chỉ là một người lao động bình thường như bao người khác, dễ bị lẫn khuất giữa đám đông xô bồ. Ngay cả trong câu chuyện kể về nghề với chặng đường 39 năm đeo đuổi nghiệp diễn, hóa thân vào hàng trăm vai diễn khác nhau, từ những sân khấu đơn sơ đến sân khấu được đầu tư khang trang ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thì điều đọng lại sâu sắc nhất với ông vẫn là phần ký ức của thời tuổi trẻ với những buổi lên rừng gom củi về xuôi, bán lấy tiền để theo thầy đi học; là những bữa cơm đạm bạc, sức trai tráng ăn không đủ no; học từ cách chọn, pha chế màu đến vẻ mặt nạ tuồng với từng vai diễn, thể loại nhân vật…

Từ một chàng trai “tay chân gân guốc, cứng đơ” (lời của nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh), bằng sự khổ luyện từng ngày, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh đã chinh phục được những động tác múa, hát dù khó nhất, trong từng vở diễn. Gian khó và thiếu thốn là vậy, nhưng nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh cùng những đồng môn luôn sẵn sàng rong ruổi theo đoàn đi biểu diễn xa nhà hàng tháng trời; lòng luôn tâm niệm thủy chung với nghề.

Một trong những vai diễn mà nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh tâm đắc nhất trong nghiệp diễn, đó là hóa thân vào nhân vật Khương Linh Tá, một vai thứ chính, trong trích đoạn “Ôn Đình chém Tá” thuộc vở diễn kinh điển “Sơn Hậu” (thể loại Tuồng thầy). Đây là vở kinh điển trong kho tàng nghệ thuật sân khấu tuồng cổ của dân tộc, phản ánh tinh thần của giới sĩ phu giữa thế kỷ XIX, khi triều đình nhà Nguyễn bắt đầu suy vong, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Tác phẩm làm nổi bật những luân lý, đạo đức phong kiến như Tam cương (quân, sư, phụ) và Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Sức nặng của tác phẩm khiến những nghệ sĩ khi được lựa chọn để tham gia vừa áp lực nhưng cũng rất đỗi tự hào. Tại Liên hoan tuồng chèo toàn quốc năm 2018 (diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi) trích đoạn “Ôn Đình chém Tá” đã đoạt huy chương vàng.

Gìn giữ tinh hoa nghệ thuật dân tộc

Đã từ lâu, nghệ thuật tuồng (trong đó có tuồng cổ) luôn được xem là vốn quý của văn hóa truyền thống dân tộc, nơi lưu giữ và truyền bá chủ nghĩa nhân văn, đạo lý làm người, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với một số tỉnh, thành phố như Thừa Thiên Huế và Bình Định, Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những cái nôi, trung tâm lớn nhất trong sự phát triển của nghệ thuật tuồng. Cũng như các thế hệ nghệ sĩ đã dành trọn niềm đam mê và cống hiến cho nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh luôn đau đáu với nghề, tận tâm, tận lực cho công việc.

Sống bằng nghề, toàn tâm thời gian dành cho nghề nên cuộc sống đời thường của nghệ sĩ và gia đình hiện tại chỉ ở mức trung bình, đủ sống. Ấy vậy nhưng, bằng một sự thản nhiên pha chút “ngạo nghễ”, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh cho biết, làm nghề diễn viên, lại là diễn viên tuồng - một bộ môn vốn kén sân khấu và kén người xem, tuy vất vả nhưng anh em mỗi lần gặp nhau hiếm khi than vãn, chỉ động viên, chuyện trò về các vai diễn, cũng có khi là những trăn trở để làm sao nghệ thuật tuồng không bị thời gian làm hao hụt mà ngược lại, phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hầu hết họ có cùng suy nghĩ, đó là bám nghề không chỉ mưu sinh mà muốn góp phần lưu giữ lại giá trị tinh hoa của một bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Quán nước nhỏ ở vỉa hè bên hông Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chính là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay để chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời. “Đã khoác lên mình chiếc áo của người diễn viên, nghệ sĩ thì cơm áo gạo tiền chỉ là thứ yếu, được phiêu bồng và hóa thân trọn vẹn với từng nhân vật mới là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ diễn để kiếm tiền thì không theo đuổi lâu dài với nghề ni được vì vừa kén người diễn lại kén người xem”, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh khẳng định. 

Mạch chuyện đến đây lại nhắc tôi nhớ đến lần đầu tiên có cơ hội được tiếp xúc với nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh cũng như nhiều nghệ sĩ khác trong đoàn tuồng thuộc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đó là một ngày đầu tháng 11-2022, khi nhà hát tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật tại Bảo tàng Đà Nẵng, một trong những sự kiện lớn, quy tụ khá đông cán bộ, diễn viên tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham gia. Tôi đặc biệt ấn tượng với nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh bởi sự chuyên tâm trong từng nét vẽ, màu cọ.

Ông thuộc nằm lòng từng đường kẻ chân mày đến cách phối màu, nhấn nhá thêm chút viền môi để làm sao qua mỗi mặt nạ tuồng có thể khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật. Điều hấp dẫn nhất của nghệ thuật tuồng chính là mặt nạ biểu hiện tính cách các nhân vật. Với những nghệ nhân lành nghề như nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh, mỗi gương mặt nhân vật là một tác phẩm mà họ dồn hết tâm huyết để sáng tạo qua mỗi suất diễn. Và phải đến một độ tuổi nhất định, khi đã thấm sự đời, thậm chí trải qua bao phen “sóng gió” thì nét vẽ của người nghệ sĩ mới thực sự đạt được độ chín, thổi được cái hồn vào từng mặt nạ, phù hợp với từng nhân vật. Cứ như thế, từ bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, nghệ thuật tuồng nói chung, tuồng cổ nói riêng được đến gần hơn với khán giả.

Nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh bảo, ông không thể nhớ hết những vai diễn mình đã kinh qua hay những giải thưởng đã đạt được; cũng như niềm tin về tương lai sự phát triển của nghệ thuật tuồng khi hiện nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng được lực lượng khá hùng hậu các diễn viên trẻ, vừa sáng về ngoại hình vừa có tâm với nghề. Điều ông mong mỏi hơn thảy, đó là không bị lớp trẻ lãng quên khi đã “gác tay rửa kiếm”.

Gần 40 năm cống hiến cho nghiệp diễn, là người học trò giỏi của những lớp nghệ sĩ xuất sắc của nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh đã có nhiều đóng góp góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo, riêng có của nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng. Để ghi nhận những đóng góp của ông, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã giới thiệu để làm hồ sơ xét duyệt trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Đã khoác lên mình chiếc áo của người diễn viên, nghệ sĩ thì cơm áo gạo tiền chỉ là thứ yếu, được phiêu bồng và hóa thân trọn vẹn với từng nhân vật mới là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ diễn để kiếm tiền thì không theo đuổi lâu dài với nghề ni được vì vừa kén người diễn lại kén người xem”, nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh khẳng định.

(baodanang.vn)