Tết Đoan ngọ của người Việt

14.06.2021
Đinh Thị Trang
Hàng năm, cứ tới ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là người dân khắp nơi trong cả nước tổ chức đón Tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tết là tiết, đoan là mở đầu, còn ngọ là giữa trưa; hay gọi là Tết Đoan dương, bởi dương là mặt trời, là khí dương, đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan ngọ còn được người Việt gọi là bằng cái tên dân dã hơn là “Tết diệt sâu bọ” bởi trong những ngày này sâu bọ rất phát triển và người ta sẽ tìm mọi cách để có thể tiêu diệt chúng. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có ý nghĩa quan trọng và phổ biến trong đời sống văn hóa của người Việt.

Tết Đoan ngọ của người Việt

1. Nguồn gốc Tết Đoan ngọ

Tục đón Tết Đoan ngọ không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng ở Trung Quốc người ta truyền rằng, vào đời Xuân Thu, ở nước Sở có một vị tướng gọi là Khuất Nguyên. Ông là bậc đại trung, vì can gián vua Hoài Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà tự vẫn, hôm đó nhằm ngày mùng năm tháng năm. Người dân nước Sở thương tiếc người trung nghĩa nên hàng năm, cứ đến ngày đó thì đem bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài rồi bơi thuyền ra giữa sông mà thả xuống để cúng Khuất Nguyên. Người ta quan niệm rằng, buộc chỉ ngũ sắc để cho cá sợ mà không dám ăn bánh ấy. Có người lại nói rằng, tập tục Tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ chí trong thời cổ (Hạ chí theo lịch Trung Quốc cổ đại, là tiết khí khởi đầu từ điểm giữa của mùa hè, nó là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch), có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang,...

Nhưng khi tập tục này du nhập vào Việt Nam thì dường như ý nghĩa ban đầu của nó đã biến mất, dân gian cũng không mấy quan tâm đến ông Khuất Nguyên là ai, đối với họ Tết Đoan ngọ là dịp để con cháu hội ngộ với ông bà tổ tiên và cũng là để diệt sâu bọ mà thôi. Khác với Trung Quốc, ở Việt Nam lại lưu truyền một truyền thuyết khác về tục này, người ta kể rằng, vào một ngày sau vụ mùa, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến dày đặc, chúng ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau thì hàng đàn sâu bọ bỗng dưng ngã lăn ra chết. Ông lão còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì thường cúng vào giữa giờ Ngọ.

Như vậy, Tết Đoan ngọ đã được “Việt hóa” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt gọi Tết Đoan ngọ là “Tết diệt sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này, đây cũng là cái Tết mừng vụ mùa thu hoạch xong và chuẩn bị cho vụ mới… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về sum họp, các đình miễu trong xóm làng cũng được cúng kính. Nhà văn Sơn Nam trong Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam cho rằng: ở thôn quê, nơi còn miễu Thần nông, buổi lễ được cử hành khá nghiêm túc, gồm người lớn tuổi. Dân ta chuộng thực tế, mượn ngày Đoan ngọ này để sẵn dịp bày lễ hạ điền, bắt đầu vào vụ mùa. Theo lệ xưa, mùa mưa xứ nhiệt đới khởi đầu vào tháng tư, cụ thể là mồng tám tháng tư, nếu hôm ấy trời chưa mưa thì gọi là mưa đến muộn. Rồi tháng sau, tháng năm âm lịch bắt đầu cày ruộng, tượng trưng.[1]

2. Phong tục và ẩm thực trong ngày Tết Đoan ngọ

Vào ngày này, từ sáng sớm, nhà nào cũng lo chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả, hương vàng, áo giấy là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây cũng là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.

Sau khi đã cúng tổ tiên và các vị thần thì người ta chờ đúng Ngọ (12 giờ trưa) rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt. Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tùy năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo,... Kết đoạn treo giữa cửa, để trừ sự bất tường và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc.[2]

Người ta tin rằng, những lá ngải đó sẽ góp phần tạo nên sức mạnh cho con giáp có nhiệm vụ che chở cho họ mọi bệnh tật và tác nhân lây nhiễm; Đàn bà thắt chặt bụng bằng dây vôi. Sau một thời gian họ cởi dây ra và cột vào cột nhà và nói “bệnh làm thân tôi đau quặn hãy nhập vào cột này”. Bằng cách đó họ hi vọng từ nay tránh được mọi cơn đau lưng và đau bụng mà tất cả đàn bà thôn quê nước ta đều dễ bị vì họ không có điều kiện nằm lâu ở giường sau những kỳ sinh nở quá dày. Giữa giờ Ngọ, cả đàn ông và đàn bà ngoảnh về phía mặt trời chói chang, lật lông mi lên và nhỏ vào mắt ba giọt nước mưa hòa mấy hạt muối. Làm như vậy mắt sẽ nhìn rõ hơn và sẽ không bị đau nữa.[3] Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Ở thành phố, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng Ngọ ngày mồng 5 tháng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Nhiều người còn mua bùa chỉ đeo cho con trẻ. Bùa chỉ được kết bằng chỉ ngũ sắc và lấy những mụn lụa mụn the kết hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt...

Vào ngày này, sự cúng kính diễn ra giữa các vùng thường giống nhau, người ta cúng các vị thần trừ sâu bọ, cầu mong sức khỏe và thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên. Mâm cơm cúng thường là các loại trái cây và xôi, chè. Một số vùng thì còn nấu thịt vịt bày một mâm cơm để cúng.

Tại Đà Nẵng, ngoài xôi chè, trái cây, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào không có điều kiện làm bánh thì mua ở chợ. Bánh ú tro là loại bánh làm từ gạo nếp. Người ta lọc nước tro (tro bếp + vôi) rồi lấy gạo nếp ngâm vào nước ấy. Sau đó, vớt nếp ra để ráo, lấy lá đót (đã được phơi khô) đem luộc, rửa sạch, rồi lấy nếp gói lại. Dây dùng để buộc thường là dây cói, người ta buộc bánh thành từng chùm khoảng chục bánh, đem nấu ba giờ rồi vớt ra. Họ cho rằng Tết Đoan ngọ phải có bánh ú tro vì ăn bánh này trong ngày này có tác dụng diệt một số mầm bệnh về đường ruột. Vì vậy nhà nào cũng có cúng thứ bánh này.

Tết Đoan ngọ của người Việt mang nhiều nét lạ, độc đáo được cử hành thường xuyên vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, bởi do sự đe dọa thường xuyên của sâu bọ, bệnh tật đến đời sống con người. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết người ta liên tưởng đến sự tấn công dữ dội của các thần có thể gieo bệnh đó. Nên họ đã dùng những biện pháp lạ lùng và những thực hành ma thuật đã có từ rất lâu trong dân gian. Ngoài ý nghĩa diệt sâu bọ, bệnh tật thì Tết Đoan ngọ còn là dịp để mọi gia đình Việt quây quần gặp mặt nhau sau bữa cơm cúng gia tiên, mừng lúa mới.

Đ.T.T


Chú thích:

[1] Sơn Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, 2009, tr 262.

2 Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr 38.

3 Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, (Tập II) Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr 107.