Tần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn Hoa

02.10.2019

Tần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn Hoa

Dễ chừng đã có hơn 50 năm tôi đọc và yêu những bài thơ của Tần Hoài Dạ Vũ (THDV). Thơ THDV thẳm sâu tiếng nói tình người. Trong bài thơ Bài ca của tôi, ngắn, chỉ 10 câu, như khái quát cuộc đời sáng tác thơ ca của tác giả, như bản tổng kết những chặng đường đi qua của thơ và của đời. Xin trích:

Hơn một lần em trách thơ tôi sao buồn quá

những bài ca sinh ra từ đôi mắt của chiều tà

từ giọt lệ của cung đàn dang dở

từ tiếng thét đọa đày trong những đêm hoa

từ khuôn mặt mất ngủ của lương tâm đau đớn

cả cánh chim thời gian bay ra từ lồng ngực đợi chờ

dù chỉ để dâng đời tiếng hát cô đơn

tôi đã chắt từ máu mình những âm thanh cuồng  nộ     

Thơ tôi là nỗi đau buồn của chính đời tôi

nhưng chưa bao giờ là tiếng kêu tuyệt vọng ! (1) 

Năm 1963, khi đang là học sinh lớp Đệ Tam, trường Quốc Học Huế (Lớp 10), THDV bắt đầu có thơ đăng trên tạp chí Bách khoa (số 151, ra ngày 15/4/1963), với bài Giã từ quá khứ. Bài thơ này, 30 năm sau được tuyển chọn đăng trong Tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 1993).

Lần khác, cũng trên tạp chí Bách khoa, số 181, ngày 15 tháng 7 năm 1964, nơi trang 87, đăng hai bài: Con tàu và Bài ca mùa hè. Số báo đó, có Nguyễn Thị Hoàng (Hoàng Đông Phương), Nhã Ca, Vũ Hạnh, Trần Kim Thạch... Nói vậy để biết tài năng thi ca của THDV phát lộ rất sớm. Từ đó, thơ THDV xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí Bách khoa, Văn, Văn học, Đối diện,... THDV cũng là một trong những thành viên chủ chốt của  Nhóm Việt (Huế) và tham gia sáng tác trên nhiều tờ báo văn học nghệ thuật khu vực miền Trung trước 1975 như Việt, Nguồn, Ngôn Ngữ, Nhận diện, Thái Hòa, ...

Sinh năm 1946 tại làng Giao Thủy, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tên thật là Nguyễn Văn Bổn, thường ký các bút hiệu Nguyễn Giao Thủy, Nguyễn Kim Văn,... Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, giảng dạy tại Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ), Quốc học (Huế). Nghiên cứu văn học dân gian, xuất bản nhiều bộ sách về văn hóa dân gian xứ Quảng.

Song, có lẽ, nhớ THDV là nhớ những bài thơ tình đã ra đời trong mấy chục năm qua. Có lần, nhà thơ bộc lộ: "Tình yêu như một tiếng hát thầm" (Mưa đêm trăng). Trên con đường thơ của mình, tiếng hát về những cung bậc tình yêu, THDV trải dài nhiều thập niên, qua các thác ghềnh của lịch sử, qua những gian nan, thăng trầm của cuộc đời, của thế sự, vẫn óng ánh nhận ra những câu thơ tình duyên dáng, độc đáo, say đắm lòng người.

THDV có nhiều bài thơ tình hay. Những bài thơ đầu đời đăng trên Bách khoa, Văn, đã tạc dựng được một khuôn mặt thơ của miền Trung.Thơ tình THDV lãng mạn nhưng không bao giờ thác loạn, như một số nhà thơ đương thời. Trước hết, cái tôi trữ tình trong các bài thơ tình vẫn là cái tôi cá thể, nằm trong bầu khí quyển văn hóa của thơ ca đô thị miền Nam sau 1954, vừa rời cái nôi của Thơ mới, vừa tiếp nhận ảnh hưởng đa chiều của triết học phương Tây. Điều khác chăng, ở THDV, cái "tôi" đó, trong tình yêu, có nhớ nhung, có thương tiếc, song, tất cả đều chừng mực, không ồn ào, thăng hoa nhưng không kiêu bạc. Tác giả như luôn tự nén lại cảm xúc ở những vần thơ tình yêu.

Tiếng nói tình yêu trong thơ THDV thường trong trẻo, thành thực, mộng mơ, pha lẫn chút man mác, u hoài của thơ tình miền Nam. THDV cũng như Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Đynh Trầm Ca, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Phan Duy Nhân,... bắt đầu làm thơ, gửi đăng trên các tạp chí tên tuổi tại Sài Gòn, là tiếng nói tình yêu. Giọng buồn của tượng (Văn, số 15, 1/8/1964) viết năm 18 tuổi, tuổi của chớm yêu, chớm nhớ, đã mang nỗi niềm tượng đá công viên. "Tượng hồn tôi dựng đó" nhìn "lá nhớ chớm sang mùa", nghe "thương tiếc cho một đời vụng dại", "từng đêm đêm gió lạnh thổi trong hồn". Bài thơ được Tôn Thất Lan phổ nhạc, mang tên Tượng đá ngàn năm.

Một bài thơ khác, viết năm 1963, bài Giã từ quá khứ. Giã từ quá khứ là giã từ một thế giới vừa qua, bước vào khoảng trời mới, khoảng trời của mộng mơ, của "hết rồi tuổi trẻ với ngây thơ" và em đã "xanh màu thiếu nữ":

Khi mùa xuân gãy cánh rơi lại đây

Em mười tám lên xanh màu thiếu nữ...

...Trở lại đường xưa cỏ đã héo tàn

Làm khách lạ, anh giã từ quá khứ.                      

THDV thổi vào tình yêu nhiều cung bậc mới, Khi em 16 tuổi (1964), cái tuổi của e thẹn, của "tóc rối xôn xao loài dị thảo", của "môi đỏ chín âm thanh", của "rồi một buổi buồn bỗng dưng thức giấc", của "đường em về chiều hoa rụng lao xao". Những câu thơ xinh xắn, như còn thơm mùi mực tuổi học trò, lan tỏa trong không gian:

Thôi sách vở không giam vừa

ước vọng

Đôi tay hồng muốn ôm cả trời xanh

Em vỗ cánh bay trên rừng ảo mộng

Trăng sắp mờ - Tuổi nhỏ mất

dung nhan.

Song, có thể nói, Huế đã thổi hồn vào nhiều bài thơ tình của THDV, làm nên giọng riêng. Huế đánh thức tâm hồn nơi anh học trò xứ Quảng những xao xuyến, bâng khuâng, những rung động, nhớ thương, những bồi hồi, chờ đợi. Huế là một phần đời của THDV. Hẹn về với Huế (Văn, số 19, 1/10/1964) là một bài thơ như vậy. Huế của sương mờ trong tóc, của hương cau nơi vườn vắng, của những chiều mưa, của những ngày xa cách, của "Sông Hương còn trắng những sương mù", với mong ước:

Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh

Chở trăng Gia Hội vào Nội thành

Soi nghiêng mái tóc thề Tôn nữ

Thiếp giữa một vùng hương

mỏng manh...

Huế lưu giữ nhiều kỉ niệm của THDV. Những con đường rợp bóng lá Nội thành, những "chiếc nón nghiêng che một nửa môi cười/ tà áo gió trắng bay chiều Đồng Khánh/ Vai cầu nghiêng một nét xuống trang thơ?... Ôi dòng sông tâm hồn tôi ở đó" (Từ biệt Huế).

Chiều mưa uống rượu, đăng lần đầu trên tạp chí Văn, nhiều người yêu thích. Là một bài thơ tình nhưng ẩn chứa bên trong bao nỗi niềm thân thế. Một buổi chiều mưa Huế. Mưa Huế thì, chao ôi, là buồn! Người phương xa chưa về, sương chùng xuống, giọt nắng hanh vàng đầy thương nhớ, buồn như heo may, tự hỏi: 

Không biết tình xa chiều có lạnh?

người về qua một bến sông xanh

áo bay hay lá rơi vào Nội?

thương nhớ lòng theo mấy

cửa thành...

Mưa rụng thêm hồn tôi nữa đây

Chiều tàn. Rượu hết. Sầu chưa say

Mai về tay níu vai cầu cũ

cởi áo xưa buồn cho gió bay...

 Ở một bài thơ khác, bài Dòng sông phía chân trời, như tác giả viết, "gửi Huế xưa". Sông Hương đó, nơi có mùa xuân nắng ấm, có tiếng còi tàu thay lời hẹn, có sân ga nhỏ ngày mưa bụi, có bóng mặt trời phía núi, tất cả mang ảnh hình của Huế. Và, con sông ấy, thao thiết chảy, chảy muộn phiền, đầy nhớ thương qua những trang thơ THDV:

Sóng vẫn vỗ bên mạn đời tha thiết

gọi sông xưa ngày mưa ướt tiếng đàn

anh suốt đời ôm nhầm bóng

trăng tan

và dòng sông phía chân trời dâu bể.

Trước 1975, THDV có số bài thơ tạo được dấu ấn nơi người đọc. Sự đổi mới ngôn ngữ diễn đạt, không sa vào sự tung tẩy câu chữ, không biệt mù trong cảm xúc, gần gũi cuộc sống, THDV tạo được con đường riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Nằm trong bối cảnh lịch sử của một đất nước chiến tranh, phân ly, tuổi trẻ có những nỗi niềm riêng, có khi mượn chén rượu để khuây khỏa tâm trạng. Đọc thơ Vũ Hữu Định sẽ thấy rượu là rượu. THDV có Nằm bệnh, nửa đêm dậy uống rượu. Đây là một bài thơ diễn tả sự cô đơn cóng buốt của tâm hồn. Bài thơ đăng trên tạp chí Văn, số 180, ngày 15/6/1971. Toàn bộ bài thơ là tiếng nói trống vắng. Một bài ca ngậm ngùi thổi dọc một cuộc đời cô đơn, dẫu: "Tình đã khâu cho kín miệng cười":

Chiều rụng rồi chăng, lòng đã tối

Không tình nhân thắp lửa trên môi

Giường đau, phòng trọ, mưa hiu hắt

Bạn hữu vào ra mấy cánh dơi...

 

Mưa tạnh. Vườn hoang. Đêm ở góa

Lòng run như nến khuya xa nhà

Ngồi lên rót rượu chờ trăng lại

Không chắc ai người thương nhớ ta...

Và, có một điểm cần thấy là, thơ tình THDV không giống các bạn thơ cùng thời, nghĩa là không có tình lỡ, tình muộn, tình phụ. Không có những cung đàn dang dở.

Nhưng rồi, sau những năm tháng ngọt ngào, thơ tình THDV chuyển dần sang dư vị u hoài. Thơ rơi... đêm Giáng sinh, chỉ 4 câu, mô tả tình yêu đơn phương, ngóng vọng một phương trời xa ngái, đầy ngậm ngùi. Hình ảnh mảnh trăng cong, hao khuyết, không tròn đầy, "treo ngược câu hò hẹn", khiến đời thì cạn, thơ thì buồn. Không một đồng vọng, không một thanh âm, kể cả tiếng rơi:

Tôi nhớ một người không nhớ tôi

Nửa đêm ngồi dậy ngóng phương trời

Trăng cong treo ngược câu hò hẹn

Đời cạn. Thơ buồn... không tiếng rơi.

Vơi dần theo năm tháng, như tên một bài thơ, bài Mùa xuân đi qua, viết theo thể thơ tự do, thảng thốt tình đời: 

Em đã ra đi. Những chiếc loa kèn thổi mãi tiếng u buồn trong khu vườn vắng, chuỗi cười trong suốt ngày nào đã tắt trong niềm quên lãng, và mắt em đã lặn rồi vì sao kỷ niệm. Có bao giờ tình yêu không là nỗi đắng cay.

Các bài thơ như Một nửa giấc mơ tàn, Chiếc bóng chiều đông, Kinh cầu riêng cho một người, Kẻ ngoại cuộc, Tự vấn, Mùa xuân xa tít, Khuôn mặt tình yêu, Sầu cuối bến, Đợi mùa xuân chúc phúc, Liên tưởng, Nhịp khúc xuân, Về một con đường Thành Nội, Tình khúc bốn mùa,... là những "mùa xuân chín", là "lời phán truyền mặc khải", "là hoa của giấc mơ", là "chiếc lá rụng xuống hiên đời lạnh lẽo", là "chiếu đời day trở một mình thôi", là "mùa sang con chim hót trong chiều", tạo nên nhiều sắc thái mỹ cảm trong tư duy thơ và đồng vọng xuống những trang viết.

Thơ tình THDV là những khúc biến tấu, đầy tinh tế và thẳm sâu tình người. Khúc biến tấu ấy được phả lên thơ bằng sự đa dạng trong cảm xúc và mới mẻ ở nội dung thể hiện đổi mới trong ngôn ngữ diễn đạt, làm cho thơ tình Việt Nam có thêm một tiếng nói mới, tiếng nói về tình yêu với niềm mong ước được vĩnh cửu hóa.

Robert Frost (1874 - 1963), nhà thơ đương đại Mỹ, từng nói: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”. Nhận định này, trong ý nghĩa của thể loại, phần nào đã đúng với thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ.

Trong thơ THDV, bên cạnh tiếng thơ tình yêu, còn có ngọn gió nhân sinh ngân vọng trong nhiều bài thơ. Càng về sau, với tuổi đời và độ kinh lịch, ý thức sự hữu hạn của đời người, sự bất lực của con người trước cái rợn ngợp bao la của đất trời, cùng với nỗi cô đơn của thân phận trước ngày về với cát bụi,... làm cho THDV có nhiều bài thơ hết sức lay động, nhất là chùm thơ lục bát. Những suy niệm có tính chất triết học chỉ xuất hiện khi con người chạm đến vấn đề về thời gian, vũ trụ, nhân sinh, có-không, được-mất. THDV không triết luận cao vời, không tư biện, ồn ào, mà rất nhẹ nhàng, tha thiết; trăn trở, suy tư nhưng đằm thắm, chân tình. Tự vấn, đánh thức mình và chỉ mong gửi cho đời thông điệp:

Dẫu cuộc sống có từ chối ta đến

trăm lần

vẫn phải giữ lại một điều rất thực

là tình yêu còn mãi với Con Người!

(Xác định)

Không ít lần, dưới góc độ này hoặc cách nhìn khác, nhà thơ đã đề cập đến sự cô đơn hay sự mong manh của sợi chỉ đời người, với nước mắt nhân gian và chuỗi hạt của số phận. Đó là, "Tiếng gió của cô đơn thổi lại" (Tâm cảnh), "Trở về trong căn nhà xưa thừa tự nỗi cô đơn" (Trăng trong ngôi nhà cũ), "Những sợi chỉ đời mong manh" đã dệt nên "tấm áo choàng đa cảm" để "Đính đầynhững giọt lệ thế gian" (Người đa cảm), "Lần chuỗi hạt của số phận" (Tự thức), "Có con chim nhỏ/ Hót trong trời buồn/ Đèn khuya ngọn tỏ/ Ru người cô đơn" (Như ngọn gió xuân), "Dàn hòa với số phận long đong” (Ơn đời chưa cạn), "Tấm gương của bóng đời tan vỡ" (Đôi mắt thời gian), "Hư vô cũng lạnh cuối chân mày" (Quy ẩn, về đâu), "Câu thơ đi nửa bước/ Nỗi buồn dài mười năm” (Tình ca mùa xuân),... Dường như là, quê nhà thường trở về sau mỗi chuyến lưu lạc xứ người. Chốn quê đầy hoài niệm, kỳ ảo và lung linh, như sự réo gọi vô thức, lay động trái tim người con quê hương. Nói như Nguyễn Du: Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa. "Ngọn mây Tần" trong thơ THDV là bến đò sông nước tuổi thơ; là con trăng cũ soi bên cầu, đợi người về từ cõi phong ba; là thương nhớ quê tình, hỏi mây trắng bay trong chiều xa vắng, về hay chưa (?). THDV thức và nghe, đợi và chờ, ngóng và trông về một quê nhà xa lắc xa lơ trong tâm tưởng. Làng quê trở thành nỗi ám ảnh của thi sĩ:

Tuổi xuân đã lạnh tiếng đàn

Xót làm chi buổi tiệc tàn bể dâu

Dặm xa quán trọ cơ cầu

Mùa xuân mây trắng ngang đầu

 nhớ quê.

(Nửa đời lưu lạc)

Bữa tiệc nhân gian đã đến hồi kết thúc. Tiếng đàn thanh xuân đã cóng lạnh. Bể dâu phận người có xót thương cũng đành vậy, chẳng ai sẻ chia. Cuộc đời như quán trọ cơ cầu, xa hút, nói như Hữu Thỉnh, Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa (Tìm người), chỉ còn mây trắng của mùa xuân bay ngang qua đầu, gợi nhớ quê quán cũ.

Ở THDV, thường thì những bài lục bát ngắn, chỉ 4 đến 6 câu thấp thoáng bóng hình và nỗi nhớ quê xưa:

- Tay ai trả bóng chiều tà

Vẫy trong vô tận quê nhà nơi đâu

(Nợ trả chưa xong)

- Trong mơ thấy lại quê nhà

Ngàn năm một phút vẫn là bể dâu.

(Tình mộng)

- Mười năm không trở lại nhà

Bóng trưa nghiêng đổ tiếng gà trong mơ.

(Trăng ý)

Khi trở về với con sông quê nhà, sông Thu Bồn, bên bến đò Giao Thủy, nơi một đời gắn bó, chôn nhau cắt rốn, nơi bốn mùa vẫn vỗ nhịp vào mạn thuyền thi nhân và THDV viết Đò chiều đầy thao thức, mang đậm chất thiền. Những hình ảnh tiêu biểu: con đò, dòng sông, buổi chiều, chuông chùa, về mặt triết học, là những biểu hiện của tâm thức thiền. Trong đó, con đò - đời người, đi qua dòng sông thế gian vào một buổi chiều, cuối một ngày tàn, nghe ngọn gió tịch liêu thổi buốt vào hồn chiều bơ vơ. Phía bên kia, trăng đã lên, bờ tử sinh đang đứng đợi. Bài thơ có 12 câu, câu thơ nào cũng chênh chao. Ở quê mà vẫn hỏi:

Hỏi quê nào biết đâu làng

Lòng không, còn lại mấy hàng mây trôi.

Có thể nói rằng, với Đò chiều, THDV lập nên một hệ hình liên tưởng, bắt cầu từ thế giới âm thanh (tiếng chuông chùa ngân) sang thế giới hình ảnh (con đò, sông nước), từ thế giới hữu hình (con trăng, sông trôi) sang thế giới vô hình (bờ tử sinh, lời điếu tang). Những hình ảnh đó nói lên thân phận con người, chưa qua hết chuyến đò nhân thế, đã thấy bờ tử sinh đứng đợi, không biết ta là hình hay là bóng. Bài thơ ngân sâu.

Trong bốn mùa, có một mùa nhà thơ gắn bó nhiều, đó là mùa xuân. Như ngọn gió xuân, bài thơ viết theo thể 4 chữ, xinh gọn, đằm thắm. Tác giả hóa thân vào "con chim nhỏ" hót trong trời buồn, hóa thành "bông hoa đỏ, nở trước bình minh", từ đó, nói về quán trọ-đời mình, để  "Rồi tới một ngày/ Ta về trong cỏ/ Thì có xuân này/ Xin làm ngọn gió”.

Mùa xuân như men rượu rót vào đáy cốc, rót nỗi buồn cô độc và hoàng hôn rơi ở bên ngoài. Lại có lúc, mùa xuân như tiếng đàn, nhớ một người đi xa: Mai em trở lại nhà/ Tháng Giêng đời như lộc/ Chân vui đôi guốc mộc/ Tay ai làm cỏ hoa? "Mùa xuân trên núi" là cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa núi, mây, thông, ngọn gió và con người, câu hỏi vang lên:

Người đến tự phương nào

Mai đời chia mấy lối?

Đáng nhớ nhất, Đêm xuân, đọc sách trong chùa. Bài thơ 4 khổ, lối 5 chữ, cổ kính như Đường thi, diễn tả đêm xuân trong không gian vắng lặng của ngôi chùa, bên ngoài "mưa gào đau lòng đêm". Bên trong, có người nhớ quê tìm đến trang sách. Tưởng chừng như nghe được bước đi thời gian, nghe được thân thế, nghe được tâm trạng:

Tâm sự như áo rách

Không che được gió về

Gió mười năm cứ thổi...

...Trang sách chưa lật hết

Mùa xuân đã xuống dòng.

Gió cứ thổi. Sách cứ lật. Đời nông nổi. Bụi đường lấm trái tim. Mùa xuân nối tiếp. Nến khuya chưa tàn.Trang sách cũ mềm. Các hình ảnh đan xen, tạo nên vùng sâu thẳm của tâm hồn, khôn nguôi và day dứt. Kiếp người ra hoa, mang ba yếu tố, diễn đạt cái bình thường, hướng tới đột phá hình thức (biến thể câu thơ lục bát), tạo nên dư vang bài thơ: Cõng buồn/ đi hết một ngày/ Đem buồn gửi gió/ gió bay cõi người/ Cõng buồn/ đi hết một đời/ Chôn buồn xuống đất/ đất trồi lên hoa.

Nỗi buồn, một trạng thái tâm lý, được cụ thể hóa thành sự vật, có thể "cõng", có thể gửi theo gió, có thể chôn xuống đất. Nhưng rồi, buồn, vẫn là buồn. Francoise Sagan (1935 - 2004) viết Bonjour Tristesse - Buồn ơi, bắt tay. Có thể bắt tay nỗi buồn, kéo nỗi buồn về phía mình, giữ nó trong những thao thức, những vui buồn của mình. Nhà thơ sở hữu nỗi buồn, gắn với nó và đi với nó "hết một đời". Không có nó, không có thơ ca, không có tình yêu, không có thi sĩ. Thi sĩ trú ngụ trong ngôi nhà của nỗi buồn. THDV nói về nỗi buồn một cách dung dị, sâu sắc. "Nghệ thuật cũng vậy thôi. Cao siêu thường bị chối” (Nguyễn Trọng Tạo).

Ở THDV còn một mảng thơ mang khát vọng hòa bình, thể hiện tâm tình của người làm thơ trước những kêu đòi về quyền sống, trước bao biến động của lịch sử với "dòng chữ máu rưng rưng" (1971), sẽ đề cập ở một bài viết khác.

Hơn năm mươi năm làm thơ, như THDV viết, "tôi tự tìm ra được ánh sáng riêng của thế giới nội tâm mình; thứ ánh sáng lạ kỳ và mê hoặc đã không ngừng soi chiếu vào mọi ngóc ngách của số phận và rọi sáng cả kiếp người trầm luân" (Thư ngỏ gửi mai sau, Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2016).

Vẫn là một THDV yêu cuộc đời này, cảm tạ cuộc đời và chờ đón những buổi mai vui...

H.V.H

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânMắt bão - Mỹ HạnhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhĐếm tuổi - Thiều HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng