Người sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng Văn

02.10.2019

Người sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng Văn

Trận đánh vào Nhà máy đèn Liên Trì

Dáng người đậm, chắc, không cao nhưng có nhiều chuyện không mấy ai biết về ông - một đặc công biệt động từng làm rung chuyển thành phố Đà Nẵng những ngày đầu xuân năm Kỷ Dậu (1969).

Sau tết Mậu Thân (1968), nhiều cơ sở cách mạng nằm trong lòng thành phố bị bốc dỡ, cán bộ chiến sĩ mất mát nhiều. Phía Việt Nam Cộng hòa từng tuyên bố “Việt Cộng không thể trở lại Đà Nẵng được nữa”.

Nhận được lệnh của cấp trên là làm thế nào để có một tiếng vang, khẳng định bộ đội cách mạng vẫn ở thành phố. Năm 1969, có 2 đại đội đặc công biệt động thiếu, phiên hiệu Lê Độ (Ký hiệu 180), ông Thái Xuân Hổ làm chính trị viên phó đại đội Lê Độ 1; ông Nguyễn Đình Tham đại đội trưởng Lê Độ 2.

Ăn tết xong, đúng ngày mồng 5 tháng giêng, cấp trên phân công mũi ông Hổ “quất” Nhà máy đèn Liên Trì; ông Tham “oánh” Ty Cảnh sát Gia Long. Mũi ông Tham vào thành phố bị lộ, lính cộng hòa phát hiện và bắt số anh chị em này ngay từ tối.

Mũi của ông Thái Xuân Hổ tập trung về nhà cơ sở ở nội thành, đào hầm lấy vũ khí, có mấy chục quả lựu đạn, hai khẩu B40 nhưng không có đạn, cơ số đạn AK thì có đủ. Ông Thái Xuân Hổ chủ động tập kết quân và trang bị vũ khí cho anh em ngay vì mục tiêu rất gần nơi anh em trú quân. Qua thám sát quanh thành phố, biết tình hình bị động rồi.

Theo kế hoạch giờ G là 24 giờ ngày 22/2/1969 sẽ nổ súng đồng loạt. Nhưng chưa đến 22 giờ đêm, thì lính cộng hòa đã đến gõ cửa, khám xét. Ông Thái Xuân Hổ đã bố trí một tổ ở phía sau và một tổ ở phía trước nhà. Riêng ông Hổ mang theo một khẩu K54 và một khẩu AK. Trong nhà, bộ đội im ắng, không bật đèn, nên quan sát bên ngoài rất rõ. Đèn đường sáng trưng. Bí rồi, không còn cách nào khác, ông Thái Xuân Hổ quyết định cho nổ súng. Ba người lính cộng hòa chết tại chỗ. Số còn lại bỏ chạy.

Từ hẻm triển khai ra đường cái lớn mấy chục mét, bộ đội đặc công biệt động đánh cường tập vào nhà máy đèn; nhưng xung quanh có lô cốt dày, cao rất kiên cố. Anh em bám sát nhưng không thể tấn công trực diện vì súng B40 không có đạn, không diệt được mục tiêu nên chỉ còn cách đánh địch trên đường.

Quân lực Việt Nam cộng hòa đưa tiểu đoàn 10 quân trấn lên và tiểu đoàn 39 biệt động quân trực tiếp chiến đấu với ta. Ông Thái Xuân Hổ tiếp tục chỉ huy đánh tiểu đoàn 39 biệt động quân và tiểu đoàn 10 của quân trấn, đánh từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Riêng lính Quân đoàn 1 cách mục tiêu 60 mét không dám ra.

Vừa đánh vừa tiết kiệm đạn, ông Hổ ra lệnh anh em chỉ được phép bắn tỉa. Anh em có 11 người, lính cộng hòa mấy tiểu đoàn, tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo vệ nhà máy đèn, tiểu đoàn 10 quân trấn, chưa kể đến lính quân đoàn của tướng Ngô Quang Trưởng gần đó chưa tới 100 mét.

Bộ đội hy sinh ba đồng chí, trong đó có Võ Thị Nhị bị thương ở bụng được ông Hổ đưa lên máng xối của một ngôi nhà và nhờ chủ nhà băng bó giúp cô ấy, ông hẹn tối hôm sau sẽ quay lại. Nhưng sáng sớm, lính cộng hòa lùng sục và lần theo dấu máu, bắn chết đồng chí Nhị.

Trước tình hình súng còn đạn hết, ông Hổ đã ra lệnh anh em tìm mọi cách giấu súng. Anh em không thể trở vào cơ sở, vì lính cộng hòa đã bít các ngả đường. Còn lực lượng hỗ trợ bên ngoài không vào được, gần như là tự sát.

 Điện sáng, lính cộng hòa cứ đi trên đường chính. Ông Hổ quăng khẩu súng xuống cống trắng Mê Linh đường Hai Bà Trưng. Khoảng 6 giờ sáng, lính cộng hòa siết chặt vòng vây bắt số anh em còn lại và kéo xác những đồng chí hy sinh mang ra ngã ba đường Hoàng Diệu phơi nắng một ngày.

Tổ chức vượt ngục

Hết đạn. Lính cộng hòa đưa toàn bộ số anh em bị thương, còn sống sót xuống giam ở Ty Cảnh sát Gia Long. Trong lúc hỗn quan hỗn quân, dân tình đổ ra đường xem rất đông, do đó lính cộng hòa phải lo giải quyết các vụ việc, nên chưa khai thác những người mới bị bắt.

Ông Thái Xuân Hổ cho biết: “Khi bị bắt, tôi khai tên là Hồ Văn Đợi - theo giấy tờ của một người bạn chiến đấu của tôi đã mất trước đó, do ốm đau. Sau đó, lính cộng hòa dồn các anh em bị bắt lên “Trung tâm thanh lọc” (chỗ Hòa Phát bây giờ), trong đó có tôi, Lê Đình Tham, Phạm Phú Long (con trai của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhu).

 Ba anh em ở trong “trung tâm thanh lọc” tìm cách liên lạc được với thành ủy, thành đội Đà Nẵng và móc nối với anh Nghĩa đang khoác áo thầy tu, đặt vấn đề vượt ngục. Xin ý kiến với thành đội, thành ủy đều được đồng tình. Ở ngoài gửi vào cho chúng tôi 50.000 đồng tiền Việt Nam cộng hòa. Anh Tham nhắn với ông Bình - cơ sở nằm vùng - nhờ con rể của ông Bình là trung úy bác sĩ quân y có chiếc xe jeep và thuyết phục tên gác cổng nhà lao làm ngơ để anh em vượt ra ngoài ở cổng chính; còn trong phòng như thế nào thì anh em chúng tôi tự lo liệu. Tôi đưa trước 5000 đồng cho tên gác cổng. Thuyết phục, tên lính gác cũng đồng ý. Nhưng ba ngày sau thì đổi ý và trả lại tiền. Kiểu này gay rồi. Tôi bàn với anh Long, anh Tham về chuyện phá rào trốn ra ngoài. Nhưng phá bằng cách nào? Tìm mọi cách đổi phòng giam, chúng tôi quyết định dồn các anh em chí cốt lại một phòng, gồm: Tôi, Tham và Long. Đây cũng là yêu cầu của thành ủy là bằng mọi giá phải đưa ba anh em chúng tôi ra ngoài nhà lao cho bằng được. Tối hôm đó có cuộc chia tay những anh em còn ở lại trong nhà lao, mọi người ai cũng bùi ngùi.

 Tôi bàn với anh Tham nhắn với cơ sở bên ngoài mua cho 10 mét vải để cột leo tường, nhưng cắt ra mấy đoạn để địch không nghi ngờ. Khi có vải, tôi cho nối lại thành dây dài móc lên xà nhà. Quần áo thì mỗi người một bộ. Tiền thì tôi chia ra cho anh em mỗi người năm ngàn đồng ghim vào thắt lưng quần đùi. Quần áo đã được chị Năm Kèn (cũng là tù phạm nhưng làm ở nhà bếp) đưa ra sát hàng rào. Tôi giao cho anh Tham đi trước mở rào, trên tay không có gì, chỉ có mấy thanh tre chống rào lên, vừa người nằm bò sát rào. Xung quanh “Trung tâm thanh lọc” chỉ có ba bờ rào; anh Long là người thuộc địa bàn và tôi yêu cầu khi ra khỏi nhà lao, anh Long sẽ tìm cơ sở cho anh em về Quận Thanh Khê, vì đây là địa bàn của anh Long. Tôi đi cuối cùng khóa đuôi, quan sát phía sau. Anh Tham cứ lần lượt mở rào, anh Long cứ bò theo. Khi ra đến ngoài, điện đường sáng quá, chó sủa. Đám lính, vợ lính ở xung quanh cầm súng đi tới đi lui. Khi ra được đường hẻm trong xóm thì mất hơn hai giờ đồng hồ.

Trong lúc đó, lính Cộng hòa phát hiện anh Tham và đuổi theo. Đi một đoạn, thấy địch, anh Tham vội leo lên máng xối của gia đình bên đường nằm im. Nhưng địch phát hiện bắt được. Tôi với anh Long chạy thoát.

Khi tôi quay lại tìm anh Tham và chứng kiến địch bao vây ngôi nhà anh đang trốn ở trên máng xối, tôi đành đi ra tìm anh Long. Anh Long rành địa bàn,

dọt luôn. Tôi bám theo không kịp nên bị lạc. Anh Tham bị đưa đi Côn Đảo và bị tra tấn gãy cả hai hàm răng.

Trời bắt đầu sáng hẳn. Nếu cứ loay hoay sẽ bị bắt lại. Áo quần thì có, giấy tờ tùy thân thì không. Trong lúc chưa định hướng được, tôi quyết định ra chỗ đường sắt Thanh Khê ngay bãi rác, tìm cái thùng rác ngồi vào trong chờ đến đêm trốn đi. Nhưng rồi thay đổi là buổi trưa phải đi, sau khi định hướng được đường về nhà cơ sở. Áo quần mặc thì có, nhưng dép thì không. Trưa đó, tôi đi chân trần qua một ngôi nhà, mọi người trong nhà đang ngủ, những đôi dép lại để bên ngoài cửa. Tôi xỏ luôn một đôi dép đi thẳng.

Vừa đi, vừa nghĩ: Nếu đi đường chính sẽ bị bắt. Tôi xuống bầu nước gần đó rửa chân và mang đôi dép, lấy nước rửa mặt tỉnh táo. Tôi đi qua chợ nhỏ, ghé mua một cái túi vải thường đựng mìn Claymore của Mỹ, mua thêm kềm, búa giả làm anh thợ điện. Khoác túi lên

rồi bình tĩnh đi ra đường cái lớn. Biết

đường rồi, qua cổng chùa bà Quảng (Hòa Cường), lần theo bờ sông Cẩm Lệ. Tận dụng trời nắng nóng ban trưa tháng bảy âm lịch, lính cộng hòa ngại ra đường, tôi lại đi từ trong thành phố ra, qua cầu Cẩm Lệ. Đến trạm gác đầu cầu, lính gác hỏi:

 - Mày Việt cộng hả?

 - Việt cộng gì mà trong phố ra, anh? Việt cộng thì từ ngoài vô chứ!.

 Lính gác lại hỏi: - Vì sao mày không đi lính?

- Từ từ rồi cũng đi, chưa đến tuổi, nhà em ở bên kia, anh không biết à?

Tôi vừa nói vừa chỉ nhà cơ sở của mình.

Qua bên kia đầu cầu, tên lính Mỹ đen đứng ở trên cao nhìn theo. Còn lính cộng hòa ở dưới. Tôi cứ thủng thẳng đi bộ, rồi xuống mấy đám ruộng gần nhà mẹ Nam - cơ sở bí mật của tôi. Ra đây là an toàn rồi. Tên lính Mỹ đen vẫn đứng trên cao tiếp tục theo dõi.

Vào đến xóm, bụng tôi đói cồn cào khủng khiếp. Chuẩn bị vào nhà thì bé Bông (Nguyễn Thị Lan Bông) - giao liên của tôi và mẹ Nam bỗng dưng bỏ chạy lên đường cái số 1 đứng đó nhìn xuống nhà. Tôi về chẳng có ai cả, cửa nẻo trống hoang trống hoác. Một hồi lâu, Bông đi xuống, bảo:

- Em xem anh có dẫn lính về không.

 Bà Nam cũng về. Tôi kêu lên: - Đói quá mẹ ơi!

- Tao tưởng mày dẫn lính về bắt tao chứ! Tao thấy không có ai nên tao về. Tao cũng nghe tin tụi bay vượt ngục. Bán tín bán nghi, giờ chính xác rồi. Thôi ở đây, tao đã mua sẵn một ký bún tươi, trong nhà có mắm nêm mày đem ra mà ăn.

Một loáng, tôi đã làm sạch gần một ký bún tươi.

Ăn chưa xong thì lính cộng hòa ập vô. Bé Bông nhanh chân chạy ra mở nắp hầm bí mật ngoài bụi tre. Tôi nhảy xuống hầm, kéo nắp hầm đậy lại. Đám lính tuần xong lại đi.

Bắt thiếu tá tiểu đoàn trưởng Vũ Huy Minh

Trước thời gian này, ngày 25/8/1967, khi còn ở tiểu đoàn 2 (V25) đặc công tỉnh đội Quảng Đà, ông Thái Xuân Hổ làm mũi trưởng vượt cửa mở, đánh chiếm đầu cầu và thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy Tiểu đoàn công binh 102 thành phố Hội An, trung tâm thông tin điện đài, tấn công vào nhà riêng và bắt thiếu tá tiểu đoàn trưởng Vũ Huy Minh đang trốn trong nhà vệ sinh. Khi lục soát thu vũ khí, tài liệu, anh em thấy một cặp da dày cộm, hỏi ra mới biết trong đó đựng tiền vàng của gia đình, anh em trả lại cho Thúy Phượng - vợ của tên Minh. Ngày hôm sau đài Sài Gòn đưa tin tố cáo quân ta lấy hết tiền bạc của gia đình tên Minh, nhưng bà Thúy Phương lên đài phản bác tin này.

 Trận đánh kéo dài gần 1 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 2 đặc công biệt động đã làm chủ hoàn toàn căn cứ 102. Thừa thắng, các tổ xung kích, do ông Thái Xuân Hổ trung đội trưởng chỉ huy tiến lên đánh khu vực USOM và đồn thám báo, do thiếu mìn và bộc phá để mở cửa nên không vượt qua được các lớp rào và bị đại liên từ đồn thám báo bắn sang làm thương vong 10 đồng chí, trong đó có ông Thái Xuân Hổ bị thương.

Chiến công bắt giữ được thiếu tá chỉ huy Vũ Huy Minh gây một tiếng vang lớn trên chiến trường thời bấy giờ.

Người chỉ huy được khắc tên lên bia lưu niệm khi còn sống

Ai đã từng đi qua nơi giao nhau của đường Trưng Nữ Vương với Duy Tân, ngay sát ngoài khuôn viên Điện lực Hải Châu, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung của thành phố Đà Nẵng sẽ nhìn thấy một tấm bia lưu niệm khắc ghi dòng chữ “Nơi đây. Đêm 22, rạng ngày 23/02/1969 (Xuân Kỷ Dậu), 11 chiến sĩ thuộc Đại đội Đặc công - Biệt động Lê Độ (Mật danh 180) do đồng chí Thái Xuân Hổ - Chính trị viên phó đại đội trực tiếp chỉ huy đã dũng cảm tấn công vào Nhà máy đèn Liên Trì, diệt nhiều tên địch, gây tiếng vang lớn trên chiến trường Đà Nẵng”.

Tấm bia đã nhắc lại về một chiến công và cả sự hy sinh của những chiến sĩ trẻ giữa lòng thành phố. Câu chuyện của một thời, nhưng vẫn còn sâu đậm trong trí nhớ của nhiều người lúc ấy. Bia lưu niệm giữa lòng thành phố còn đó, tên người chính trị viên đại đội Thái Xuân Hổ còn đó, mà mỗi lần ông qua đây, tim ông như quặn thắt, đau đớn. Ngày nào còn ở bên nhau, những lúc nói cười vui vẻ, chia nhau từng miếng cơm, manh áo... mà thoáng chốc mỗi ngả, biệt ly.

Thời gian đã trôi qua tròn nửa thế kỷ, nhưng ký ức trận đánh vào Nhà máy đèn Liên Trì thuở nào vẫn còn hằn lên trong trí nhớ của ông.

Tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng Sài Gòn

Cứ nhìn dáng người, trầm lặng, ít nói, không bao giờ chịu kể về mình thì khó mà biết được họ chiến đấu dũng cảm, khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh như thế nào. Nể nang lắm, ông mới dành cho tôi một buổi gặp gỡ, nói chuyện thân tình. Nhưng ông vẫn buông lời: Bạn hỏi, mình kể cho bạn nghe, chiến công này vẫn luôn thuộc về anh em đồng chí, nhiều người nay đã nằm yên trong lòng đất mẹ. Thành tích này là của họ, mình không là gì cả.

Biết ông không chịu nói về mình, tôi lại phải “vòng vo” dăm ba bận, cuối cùng ông cũng “thổ lộ”. Ông Thái Xuân Hổ tâm sự:

“Tôi về lại đại đội đặc công biệt động Lê Độ tiếp tục công tác thì được cấp trên cử đi học lớp cán bộ tiểu đoàn ở mặt trận 4 Quảng Đà. Học xong, tôi đang đi xuống Quế Sơn (Quảng Nam) mang gạo, thì bị một miểng đạn canh nông găm vào gần cổ, quay đầu ra sau không được, dính cứng, xin mổ thì trạm y tế tiền phương không cho mổ. Nếu chấp nhận mổ thì tỷ lệ sống sót là 50/50. Cấp trên xét thấy cha của tôi vừa hy sinh, tôi lại là con một, nên cho tôi ra Bắc, vừa đi mổ vừa học văn hóa. Học xong văn hóa, tôi được đưa về trường sĩ quan 600 tăng thiết giáp ở thôn 8 Đồng Bông, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục đi học đến năm 1972 thì nhận tiểu đoàn tăng giáp Quân khu Hữu Ngạn. Đến năm 1973 về lại Lữ 201 Xuân Mai. Cuối năm 1973, nhận tiểu đoàn đi vào Nam chiến đấu.

Ban đầu, cấp trên có kế hoạch dự kiến giao Tiểu đoàn 4 chúng tôi đi vào chiến trường Quân khu 5. Tôi làm chính trị viên. Nhưng sau đó có điện tiếp tục hành quân lên ngã ba Đông Dương, không về Khu 5. Khi đến ngã ba Đông Dương, lại có điện yêu cầu đưa quân về huyện Cẩm Ga, giở bản đồ thì thấy ghi huyện Cẩm Ga thuộc tỉnh Đăk Lăk. Đơn vị chúng tôi được nhập vào Lữ đoàn xe tăng 273 Quân đoàn 3 Tây Nguyên tiếp tục hành quân vào đến đồn điền cao su Mai Vân, cách thị xã Buôn Mê Thuột - Đăk Lăk.

Đến ngày 10/3/1975, theo các đơn vị bạn tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, thu chiến lợi phẩm, tôi cùng đồng đội đưa một số xe tăng, trong đó tôi trực tiếp lái chiếc xe tăng M148 về thôn Đạt Lý, cách thị xã Buôn Mê Thuột khoảng 3 cây số. Sau đó đơn vị tham gia hành quân cùng đội hình quân đoàn về giải phóng Sài Gòn. Kết thúc chiến tranh, chúng tôi về đóng quân ở Phú Lợi Bình Dương. Cuối cùng về đóng quân ở sân bay Thành Sơn, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Đến năm 1977, tôi chuyển ngành về công tác tại Công an Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ theo chế độ năm 2008”.

Chia tay ông giữa một khu vườn ngập tràn những chậu cây cảnh thơm ngát, tôi miên man nghĩ về ông - một người trước khi trở thành người lãnh đạo phòng hậu cần, hiệu trưởng trường nghiệp vụ công an Lâm Đồng, trưởng phòng PA 25, trưởng công an huyện Đạ Huoai đã từng là cán bộ đặc công biệt động và sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn xe tăng thiết giáp Lữ đoàn 273 Quân đoàn 3 Tây Nguyên đã có những trận đánh vang dội một thời.

T.T.V

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânMắt bão - Mỹ HạnhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhĐếm tuổi - Thiều HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng