Những ký họa gợi lại ký ức - Thanh Quế

02.10.2019

Những ký họa gợi lại ký ức - Thanh Quế

(Nhân xem triển lãm ký họa “Ký ức chiến trường” của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ ngày 19/7 đến 30/7/2019).

Đây là lần thứ hai tôi được xem lại những ký họa của Hà Xuân Phong thời chiến tranh. Lần trước các ký họa của Phong được triển lãm chung với nhiều họa sĩ khác, kể cả người còn sống. Lần này thì chỉ có ký họa của Phong - bạn tôi.

Mỗi lần xem ký họa của Phong, ký ức về những ngày chúng tôi sống và chiến đấu cùng nhau ở chiến trường lại ùa về. Không thể nào quên những lúc chặt cây, bứt lá dong làm nhà. Hà Xuân Phong ngồi chót vót trên nóc đưa tay bắt những cuộn lá dong chúng tôi ném lên như người làm xiếc, cười hỉ hả. Không thể nào quên những khi làm rẫy, Phong vừa hít hà vừa bắt những con vắt to mọng đang bám vào cặp đùi tóp teo vì đói, vì sốt rét của anh. Sao quên được những lần đi cõng gạo, vừa dừng lại nấu ăn chúng tôi lại phải cõng vượt dốc trong đêm vì nghe tin sáng mai giặc đổ quân. Những lúc đó, Phong vừa càm ràm vừa cuộn mấy bức ký họa mới vẽ, cột trên gùi, lật đật chạy theo anh em. Lần nào đi công tác, trên gùi của Phong đều đèo thêm một bó giấy, bút và màu nước. Có lần Phong đi công tác ở vùng sâu Quảng Nam về, anh trải tấm ni-lon đi mưa trên nền nhà, bày những bức ký họa cho chúng tôi xem. Ai cũng trầm trồ:

- Này, cô du kích đang cười kia sao quen quá.

- Ồ, má Sáu ở Điện Bàn đây mà. Thằng Phong vẽ giống y sì.

Mỗi lần nghe chúng tôi khen, Phong cười lỏn lẽn như một cô gái. Rồi lặng lẽ mở gùi lấy những bao trà, kẹo mua từ đồng bằng về, dành để “liên hoan” sau cuộc “triển lãm tranh” này. Tự Phong đem hăng-gô ra suối lấy nước để pha trà, mở kẹo mời chúng tôi ăn. Chúng tôi vừa ăn vừa bàn luận sôi nổi. Ai cũng thấy ký họa của Phong rất giàu cảm xúc, sống động và có hồn. Nhưng có lẽ, những bức vẽ về các bà mẹ, các em bé là những ký họa được nhiều người ưa thích nhất (có phải vì Phong và chúng tôi đã sống xa mẹ và các em mình đã lâu, lâu quá rồi)... Trong lúc đó, Phong lại lùi vào một góc, hí hoáy ký họa cảnh chúng tôi đang “bình luận nghệ thuật”.

Nhớ mãi lần tôi cùng Hà Xuân Phong lên Kon Tum đổi heo để cơ quan bồi dưỡng cho đoàn nhà văn trẻ từ miền Bắc vào bổ sung cho Hội Văn nghệ giải phóng Khu V. Khi trở về, Phong tranh với tôi cõng gùi nặng, lại dắt heo, để cho tôi được gùi nhẹ hơn (vì mày sức yếu!). Mỗi lần nghỉ, Phong vừa nấu ăn vừa tranh thủ đem giấy bút ra ký họa những cảnh sinh hoạt của các buôn làng gần đó: những người đàn ông ngực trần bóng loáng đang gùi đạn ra tiền tuyến; những người phụ nữ lưng địu con giã gạo nuôi quân, những em bé đầu trần, chân đất vui đùa trên sân... Lần đó, Chúng tôi phải đi vòng để tránh những nơi giặc đổ quân, thành ra đoạn đường chỉ cần đi 4 ngày, chúng tôi phải đi ngót 10 ngày. Số gạo chúng tôi đổi muối cho đồng bào dân tộc cũng được vài chục lon, tưởng ăn xong vẫn còn thừa, đem về cho cơ quan, không ngờ hết veo. Chúng tôi phải mót sắn trên rẫy, hái rau rừng để ăn và cho heo ăn. Phong vừa dắt heo vừa xuýt xoa:

Ông và tôi cố gắng giữ cho heo đừng sụt cân, để anh em vào thì có cái chén ngay. Anh em hành quân đường xa thiếu “pờ-rô-tít” chắc thèm lắm.

Phong là vậy, anh lúc nào cũng quan tâm đến anh em bè bạn ngay từ những điều tưởng như rất nhỏ...

Tháng 9 năm 1973, Phong được cơ quan cho ra Bắc để vừa vẽ tranh vừa bồi dưỡng sức khỏe. Những tưởng Phong sẽ ở ngoài ấy vài năm để làm việc. Không ngờ đầu năm 1974 Phong lại vào:

- Nhớ các ông, nhớ cô Nhuận (người yêu Phong) quá nên phải vào thôi!

Lần này, bên cạnh ba lô to kềnh vì kẹo bánh, trà thuốc cho anh em, Phong còn dắt theo một con chó cái đang có mang. Hơn một tháng sau, chó sinh được 7 con. Ai cũng vui xí phần con này con nọ còn Phong thì buồn buồn:

- Người ta nói chó sinh nhiều con thì chủ chết...

- Nói bậy nào, anh em phản đối.

- Này! Phong tiếp, hồi ở ngoài đó, có lần tao dạo phố Tràng Tiền. Tự nhiên có một bà cụ mặt đỏ au níu tay tao nói “Chú mày không lấy được vợ”, bả nói tao không lấy được vợ là vì tao chết chứ gì...

Đời người chiến sĩ ở chiến trường, nay sống mai chết, nghe dự cảm không lành, mọi người chỉ im lặng...

Vào tháng 5 năm 1974, Phong lên đường đi chiến dịch Nông Sơn (Quảng Nam). Không nói ra ai cũng lo lo, ngộ nhỡ Phong nó... thì sao. Nhưng Phong đã trở về, nói cười hỉ hả, trên vai là một gùi nặng kí họa vẽ ngay trên trận địa, với những người lính đứng bên khẩu cối đã nhả đạn vào căn cứ địch ở Nông Sơn, những ngọn cờ đỏ phấp phới bay trên những núi than Nông Sơn, những bà mẹ gồng gánh đồ đạc, tay dắt con trở về làng cũ, chú chó vàng lẩn quẩn bên chân... Những ký họa với nét bút khoáng hoạt giàu cảm xúc như những cảnh phim tài liệu tái hiện lại các khoảnh khắc Nông Sơn vừa được giải phóng trước mắt chúng tôi...

Ngày 17 tháng 11 năm 1974, Phong (thay mặt Công đoàn cơ sở) cùng nhà văn Cao Duy Thảo (thay mặt Chi ủy) qua họp Ban Tuyên huấn ở bên kia sông Trà Nô. Khi hai anh đi, chúng tôi cùng lội xuống nước giàn hàng ngang đưa hai người qua sông. Lúc về, nước lớn, Ban cử người chèo đò đưa Phong và Thảo về. Giữa sông, nước chảy xiết, thuyền lật, Thảo và Phong ướt lớp ngớp, Phong bảo với hai anh lái đò:

- Hai anh lo cứu thằng Thảo, còn tôi tự lo, tôi là dân biển mà (Hà Xuân Phong quê ở Thọ Quang, Đà Nẵng).

Nói rồi, Phong khoan thai bơi qua sông. Không ngờ, chân anh va đập vào những thân cây lớn chìm trong nước, anh đuối sức... Chúng tôi đoán vậy.

Không thấy Phong về, chúng tôi chạy dọc hai bên bờ sông để tìm nhưng vẫn không ra. 3 ngày sau, có người phát hiện xác anh bị mắc vào bộ rễ của một cây to ở một con rạch.

Chúng tôi chôn Phong trên một khoảnh rẫy bên sông Trà Nô (Hiệp Đức -Quảng Nam). Con chó của Phong vừa chạy theo chúng tôi vừa tru thảm thiết. Khi chúng tôi về, nó không chịu đi theo mà nằm gục đầu và 2 chân trước lên mộ Phong, cứ tru mãi, tru mãi rồi chết...

Giờ đây, khi xem lại những ký họa của Phong, tôi tưởng như thấy Phong đang đứng trước mặt, cười lỏn lẻn khi chúng tôi khen những bức ký họa

anh vẽ về các em bé giao liên, các bà mẹ

trụ bám...

Tôi không hề cảm thấy Phong đã đi xa vì mỗi lần xem ký họa của anh lại gặp anh. Kìa, Phong đang ngồi chót vót trên nóc nhà đón bắt những cuộn dong chúng tôi ném lên như người làm xiếc, cười hỉ hả. Kìa, Phong vừa hít hà vừa bắt những con vắt to mọng bám vào cặp đùi tóp teo vì đói vì sốt rét của anh.

Nghĩa là cùng với những ký họa, cuộc sống của anh em mình ở chiến trường vẫn tồn tại, không hề mất đi, phải không Phong? Anh em chúng mình còn đông đủ cả, chẳng có ai ra đi cả, phải không Phong?

T.Q

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânMắt bão - Mỹ HạnhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhĐếm tuổi - Thiều HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng