Bán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long Vân

02.10.2019

Bán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long Vân

...Khi lên bán đảo Sơn Trà, giữa trưa nắng đi trên con đường du lịch nằm vắt ngang mạn sườn núi phía bắc gấp khúc, chênh vênh, xuyên qua khu rừng xanh ngát nhìn về đô thị Đà Nẵng trải dài dưới chân núi, bất chợt tôi có cảm giác những cơn gió biển thổi qua đây mang theo màu xanh dịu mát của rừng rải đều lên thành phố, khiến cái nóng nung người như dịu lại...

Đứng ở đồi Vọng Cảnh thông thốc gió biển, xào xạc cả vạt rừng sim đang chín rộ. Những quả sim cỡ đầu ngón tay út căng tròn kết thành chùm đã ngả màu tím sậm trông rất ngon mắt. Ngắt một quả sim cho vào miệng nhai, tận hưởng vị chát ngọt thơm lừng của nó quyện vào đầu lưỡi, bất chợt tôi có cảm giác hòa trong vị chát ngọt kia có cả vị mặn len lỏi vào tận chân răng. Phải chăng vị mặn khác lạ có được trong quả sim chín trên núi Sơn Trà này là do rừng sim nơi đây quanh năm phơi mình chắn gió biển? Ngày ngày gió từ biển mang theo mặn ủ vào từng quả sim tự lúc còn xanh đến độ chín sẫm, nên mới có hương vị khác thường đến vậy! “Đặc sản của bán đảo Sơn Trà đó em! Hái những quả sim chín này bán cho khách du lịch hẳn cũng rất thú vị!...”. Tôi bảo nữ nhà báo Thy Phương, khi nhìn thấy cô lân la từ bụi sim này sang bụi sim khác để hái những chùm quả chín mọng. Thy Phương ngừng hái sim nheo mắt nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười: “Một phát hiện khá thú vị đấy! Bây giờ tháng Bảy sim chín rộ, chứ anh lên Sơn Trà dịp tháng Tư sẽ được ngắm thỏa thích một rừng hoa sim tím... Nhưng anh lãng mạn hơi quá rồi đó. Cả cái bán đảo Sơn Trà này mở cửa cho du khách ra vào thoải mái thì mấy ai quan tâm đến những quả sim này làm gì?”. Nghe Thy Phương nói vậy, anh cán bộ du lịch đi cùng bất ngờ lên tiếng: “Tôi hoàn toàn đồng ý với cô Phương. Sơn Trà này hiện nay như cái chùa, khách thập phương ai vào cũng được. Có khác là chùa là nơi thờ tự, tôn nghiêm, khách đến để chiêm bái, thắp hương cúng Phật; còn núi Sơn Trà này du khách lên chơi, ngắm cảnh... và vô tư sử dụng những công trình mà thành phố rót ngân sách tiền tỉ để xây dựng mà không phải tốn một xu. Ngay cả việc họ đi toa-let, mình còn phải chạy xe máy xuống chân núi chở lên từng thùng nước cho họ dội rửa. Đã thế, họ cứ xả rác bừa bãi, mặc dù cơ quan quản lý cắm biển cảnh báo, cử tổ tuần tra nhắc nhở. Cháy rừng Sơn Trà vừa qua cũng do du khách cả...”.

Thảo nào, trước khi lên đỉnh Bàn Cờ, tôi gặp anh Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, hỏi anh về những vụ cháy rừng, thấy nét mặt anh buồn xo: “Có rất nhiều thanh niên nam nữ đi phượt ban đêm lên núi Sơn Trà, xe máy phân khối lớn chạy từng đoàn nẹt - pô ầm ầm nghe rất hãi. Khi lên núi, các phượt thủ còn tổ chức nấu nướng, nhậu nhẹt trên những khu đất dự án đã quy hoạch nên lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng... tuần tra phát hiện cũng chỉ nhắc nhở họ chú ý không được để lửa cháy lan, không xả rác bừa bãi, chứ không thể cấm đoán”. 

Hỏi cặn kẽ mới biết, theo Luật Lâm nghiệp quy định về phân loại rừng, chỉ có 3 loại, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; nhưng ở bán đảo Sơn Trà, lại có một loại rừng rất đặc biệt, gọi là rừng nằm trên đất khác, hay còn gọi là rừng đất dự án. Diện tích rừng cả bán đảo Sơn Trà 3.778ha, trừ đi 1.258ha rừng trên đất khác, nên rừng đặc dụng còn 2.520ha...

Cũng theo lời anh Thắng, từ trụ sở của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, đi vòng theo đường nhựa đã mở quanh bán đảo Sơn Trà phải hơn 40 cây số. Nếu tuần tra đi sâu vào rừng, sáng sớm đi thì chiều tối mới giáp vòng quay ra. Được giao quản lý một bán đảo diện tích rộng lớn, song Hạt chỉ có 9 người, công chức làm việc ăn lương 6 người, còn 3 người biệt phái nơi khác về, chưa vào công chức. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trong khi bán đảo Sơn Trà “mở cửa” cho du khách ra vào thoải mái nên khó thể ngăn chặn triệt để những vụ xâm hại rừng, săn bắt động vật hoang dã. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, qua tuần tra, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện tháo và phá hủy 405 bẫy thú rừng bằng dây cáp, dây phanh xe đạp, 15 bẫy rào (bẫy chuồng)... Tôi nhớ vào năm 2015, có một nhóm đối tượng 5 người từ Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã mang bẫy vào bán đảo Sơn Trà, dựng lán trại ngay trong rừng để săn bắt thú xẻ thịt phơi khô, xông khói đem bán. Khi cơ quan chức năng phát hiện thu được 90 bẫy thép, 10 bẫy cụp săn bắt thú thì nhóm đối tượng này đã bẫy và giết thịt nhiều động vật hoang dã, trong đó có 2 cá thể Voọc chà vá chân nâu. Băn khoăn hỏi anh Thắng thì được trả lời, sau vụ đó lực lượng Kiểm lâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra giám sát nên chưa phát hiện trường hợp nào bắt, hoặc sát hại loài linh trưởng quý hiếm Voọc chà vá chân nâu. “Số bẫy thú rừng thu được hầu hết là bẫy chồn, nhím, sóc... Nhưng đáng lo ngại là tình trạng du khách tự ý cho khỉ và voọc thức ăn. Ở bán đảo Sơn Trà hiện nay không chỉ có Voọc chà vá chân nâu mà còn có rất nhiều khỉ. Khỉ tự do sinh sôi, phát triển khá đông. Chúng kéo nhau xuống tận các khu nghỉ dưỡng ở bán đảo này, và dù đã khuyến cáo nhưng khách du lịch vẫn cho chúng thức ăn. Việc làm đó nhiều người cho là nhân văn, song nó tạo cho những con khỉ tính thụ động, không tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên mà chúng chỉ chờ du khách vất đồ ăn cho. Và, khi không có đồ ăn, bọn khỉ theo bản năng tấn công du khách để giật thức ăn, phá phách các khu nghỉ dưỡng. Đã có không ít trường hợp du khách bị khỉ cắn, cào cấu gây thương tích phải đưa đi bệnh viện khám, điều trị”, anh Thắng lắc đầu nói...

Nguy hiểm nhất là tình trạng cháy ở rừng Sơn Trà.Trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, các tỉnh miền Trung liên tục xảy ra cháy rừng. Chỉ trong hai tháng 6 và 7-2019, bán đảo Sơn Trà cũng đã xảy ra 3 vụ cháy. Theo lời anh Thắng, may mà những điểm cháy gần đường giao thông, cháy trên đất dự án đã quy hoạch và chỉ cháy cỏ, dây leo bìm bìm là chính. Cả 3 vụ cháy, lực lượng chữa cháy đã kịp thời phối hợp dập tắt. Nếu lửa cháy lan vào rừng đặc dụng thì hậu quả khôn lường. Nhìn vẻ mặt khắc khổ, với đầu tóc bạc trắng của anh Trần Thắng, tôi hiểu được phần nào lo lắng của một người được giao chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, điều khiển lực lượng quản lý, trông coi khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà trong giai đoạn mà mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, chủ yếu là khách du lịch thập phương, được ra vào bán đảo Sơn Trà tùy thích. Nhắc đến những vụ cháy rừng Sơn Trà, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an thành phố Đà Nẵng, Công an quận Sơn Trà đã cùng lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm, dân địa phương vượt qua những sườn núi chênh vênh, đối mặt bao hiểm nguy để tiếp cận đám cháy dập lửa. Như vụ cháy sườn luy âm, sát biển, khu vực gần Trạm Biên phòng Bãi Bắc trong đêm 10/6/2019, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Đà Nẵng đã phải điều 10 xe cứu hỏa, gần 100 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng trắng đêm vật lộn với “giặc lửa” mới ngăn lửa cháy lan lên rừng đặc dụng. Theo số liệu nghiên cứu của Trung tâm GreenViet được công bố vào cuối tháng 5/2017, tại rừng Sơn Trà hiện có 1.335 cá thể Voọc chà vá chân nâu sinh sống. Đến nay hẳn số lượng Voọc này cũng đã tăng lên. Bất giác tôi rùng mình khi chợt nghĩ, nếu không có lực lượng chức năng kịp thời dập lửa, đám cháy lan vào rừng đặc dụng thì số phận đàn Voọc chà vá chân nâu quý hiếm ở nơi này sẽ ra sao?...

Sau khi dập tắt vụ cháy ở sườn luy âm, sát biển, khu vực gần Trạm Biên phòng Bãi Bắc, cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường đã phát hiện một số lò nướng trong khu vực cháy và nhận định có khả năng, nhóm du khách nào đó lên núi Sơn Trà cắm trại vui chơi, nướng thức ăn và khi về dập lửa không hết nên than lửa gây ra cháy rừng. Anh Thắng tiết lộ thông tin. Tôi lại nhớ đến cuộc làm việc với anh Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Anh Hải cũng trao đổi rằng, đối với bán đảo Sơn Trà, rừng là do Kiểm lâm quản lý, đơn vị của anh chỉ được giao trách nhiệm theo dõi các dự án đã quy hoạch về du lịch tại đây, như điểm Vọng Cảnh, Bàn Cờ, Cây đa nghìn năm... Anh Hải ngao ngán khi nhắc đến các nhóm thanh niên ban đêm lên núi Sơn Trà dựng trại ở lại tụ tập nấu nướng, vui chơi, ngắm cảnh, lực lượng liên ngành khó có thể ngăn chặn, vì không có chế tài xử lý...

Liên quan đến cháy rừng ở Sơn Trà, anh Trần Thắng còn kể câu chuyện dở cười, dở mếu. Đó là do người dân đồn đại rằng, than đốt từ cây rừng Sơn Trà dùng xông hơ cho sản phụ sau khi sinh nở sẽ trừ được tà ma. Vì mê tín dị đoan nên có không ít người tìm mua than củi lấy từ núi Sơn Trà. Có cung ắt có cầu, một số người vì lợi nhuận đã lên rừng Sơn Trà đào hầm đốt củi lấy than đem đi bán. Lực lượng Kiểm lâm tuần tra phá hủy nhiều hầm đốt than, rồi phải mò mẫm sưu tầm tài liệu phối hợp với Hội Phụ nữ Sơn Trà tuyên truyền để người dân hiểu rõ không vì mê tín mù quáng mà lên núi đốt than gây nguy cơ cháy rừng. “Cực lắm anh! Giữ rừng Sơn Trà như anh em Kiểm lâm chúng tôi quả lắm vất vả. Ngay cả du khách đi xe máy lên chơi núi Sơn Trà bị hư xe họ cũng gọi đến để xin cứu hộ. Họ thấy số điện thoại công khai trên các bảng cắm tuyên truyền cấm lửa, gọi thì mình phải giúp đỡ...”. Anh Thắng buồn bã nói tiếp: “Còn tai nạn giao thông trên cung đường quanh bán đảo Sơn Trà thì thường xuyên. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 4 người chết. Hai người bị thiệt mạng trước đó là sinh viên đi phượt, còn mới đây là một phụ nữ chở mẹ và con gái nhỏ lên đỉnh Bàn Cờ chơi, khi chạy xe máy đổ dốc đã tông vào lan can đường khiến mẹ già và con gái chết thảm, còn bản thân người phụ nữ bị thương nặng. Vụ này quá thương tâm...”

Bất chợt Thy Phương nhắc tôi về chuyến du lịch sang Thụy Sĩ vào mùa đông năm ngoái. Trong chuyến đi đó, chúng tôi có dịp trải nghiệm cung đường đèo Furka - con đèo nằm ở độ cao 2.429m so với mực nước biển, vắt ngang dãy núi Alps hùng vĩ. Hôm ấy, đoàn chúng tôi cùng những du khách đến từ châu Á đã vượt đèo Furka trong tuyết trắng bằng tàu lửa chạy trên đường sắt bánh răng, mà đầu máy của những con tàu này được Thụy Sĩ mua lại của Việt Nam. Người hướng dẫn giới thiệu rằng, những đầu kéo hơi nước cổ quý hiếm, một thời sử dụng chạy trên cung đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt...

Chuyến đi đã để lại trong tôi bao tiếc nuối khi được biết tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt từng là tuyến đường sắt độc đáo xếp hạng thứ hai trên thế giới. Theo tài liệu, trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến 1932, Công ty Đường sắt Đông Dương Chemin de Fer de l'Indochine (CFI) lúc bấy giờ đã đặt hàng mua của Thụy Sĩ 9 đầu máy đặc hiệu để đáp ứng chạy tàu vượt độ cao 1.500m so với mực nước biển và độ dốc 12% đoạn Krong Pha - Đà Lạt, với 3 đoạn đường ray răng cưa, gồm 16km, trong tổng số 84km toàn tuyến đường. Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt hoạt động chạy được 27 chuyến, tới tháng 8/1975 thì ngưng và bị tháo dỡ ray, tà vẹt để dùng vào việc đại tu tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đáng tiếc hơn, lúc đó người ta chỉ lấy dùng những gì có thể dùng được, còn lại bỏ phơi mưa nắng và đem bán phế liệu... Nhưng điều khó thể ngờ tới, chừng 10 năm sau, Công ty Dampfbahn Furka - Bergstrecke AG (DFB) của Thụy Sĩ tái khai thác tuyến đường sắt leo núi Furka trong dãy Alps để phục vụ du lịch đã mở chuyến dịch tìm kiếm lại những đầu máy hơi nước cổ có bánh răng cưa. Họ đã tìm đến ga Đà Lạt, phát hiện 4 đầu máy hơi nước cổ nằm rỉ sét tại đây. Trong khi DFB vui mừng khôn xiết thì Công ty Đường sắt Việt Nam đã không chút ngần ngại ký bán cho họ những đầu máy hơi nước cổ “độc nhất vô nhị” với giá rẻ mạt. Năm 1990, Thụy Sĩ đưa những đầu máy hơi nước độc đáo này về và tân trang, để rồi 3 năm sau đưa vào sử dụng cho những đoàn tàu vượt đèo Furka lên dãy núi tuyết khắc nghiệt nhất vùng Tây Âu, trở thành tâm điểm thu hút du khách năm châu khi đến “xứ sở đồng hồ” tham quan, du lịch...

Nhắc lại câu chuyện du lịch lên núi Alps, tôi lại nhớ về chuyến du lịch đến Thái Lan, thăm núi dát vàng - Trân Bảo Phật Sơn hồi tháng trước. Cách đây 22 năm, hoàng gia Thái Lan đã bỏ ra đến 999kg vàng 24 kara để khắc nổi trên vách núi Khao Chee-Chan bức tượng phật Thích ca Mâu ni cao 130m, rộng 70m. Quyết định táo bạo này đã mang lại sự thay đổi rất lớn cho miền đất hẻo lánh của tỉnh Chon Buri. Trân Bảo Phật Sơn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đi du lịch Thái Lan...

Đứng trên đỉnh Bàn Cờ lộng gió, nhắc lại những chuyến đi du lịch đến núi Alps của Thụy Sĩ và núi dát vàng của Thái Lan, Thy Phương nhìn tôi trầm ngâm rồi khẽ bảo: “Sơn Trà đẹp như tranh vẽ, nhưng bị đối xử thật bất công, phải không anh?!”. Giọng của Thy Phương nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa bao trách móc. Tôi nhìn người con gái mảnh mai trong gió biển mà lòng trĩu nặng. Những người trẻ như Thy Phương cũng như tôi, vì yêu Sơn Trà, yêu Đà Nẵng “núi trong lòng thành phố” mà đã ấp ủ bao khát vọng về sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng. Mà ai yêu Đà Nẵng hẳn cũng có suy nghĩ như vậy thôi. Bán đảo Sơn Trà đẹp như tranh vẽ, với lợi thế thiên nhiên ban tặng, núi dầm chân biển, là nơi sinh sống của loài linh trưởng “nữ hoàng”, song vì lý do gì mà mãi đến nay vẫn chưa được quy hoạch thành một điểm đến của du lịch, kết hợp với bảo vệ và phát triển môi trường bền vững. Trong khi, nhìn từ góc độ an ninh du lịch, với những gì đã và đang diễn ra, rõ ràng bán đảo Sơn Trà đang đối mặt quá nhiều nguy cơ. Và điều đó càng thúc bách, đòi hỏi chính quyền Đà Nẵng cần xây dựng ngay quy chế nghiêm ngặt để bảo vệ Sơn Trà, để giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm nơi đây, nhất là loài Voọc chà vá chân nâu. Có thể giải pháp trước mắt là phải hạn chế tối đa phương tiện cơ giới lên Sơn Trà. Mà để giảm thiểu tác động du lịch đến Sơn Trà, cũng cần xây dựng các trạm canh ở đầu các tuyến đường lên núi để kiểm tra, kiểm soát lượng người ra vào. Khách du lịch muốn vào Sơn Trà ngắm vẻ đẹp hoang sơ của bán đảo, tham quan các điểm du lịch như Cây đa nghìn năm, đỉnh Bàn Cờ... phải được bố trí đi theo tour và có hướng dẫn chứ không thể tự do “xài chùa” như hiện nay... Nghe tôi thử nêu một số giải pháp như thế, nữ nhà báo Thy Phương đồng tình và cho rằng, nếu chính quyền thành phố Đà Nẵng làm được một số vấn đề đó cũng đã đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo nguồn thu nhập để tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà. Và tôi, cứ mãi đau đáu với những trăn trở đó về một bán đảo Sơn Trà “lá phổi xanh” của Đà Nẵng, nơi trú ngụ của loài Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng”...

L.V

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânMắt bão - Mỹ HạnhHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhĐếm tuổi - Thiều HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng