SONATA MƯA trong tác phẩm SINH MỆNH của Trương Thị Bách Mỵ
10.11.2021
Những cơn mưa trong đời thực hay trong cuộc đời của mỗi người, xét cho cùng, đều là một sinh mệnh, có đời sống riêng, có tiếng nói riêng. Những cơn mưa ấy dẫu nằm trên tầng cao, vùi sâu trong đất hay ngủ yên trong lòng mỗi người vẫn luôn hiện hữu. Vì thế, có những cơn mưa làm ướt mãi một đời người không thể hong khô, và có những cơn mưa là “ giọt nước tinh lành nuôi dưỡng trùng khơi”, mang “ước nguyện sinh trưởng cho muôn loài.”
“Mưa” chỉ là một chi tiết trong tác phẩm Sinh Mệnh nhưng không kém phần quan trọng, bởi đó là hình ảnh chủ đạo mang nhiều ẩn dụ xuyên suốt và làm nên hơi thở cho tác phẩm.
Ở một góc độ nào đó, trong tác phẩm Sinh mệnh, có thể nói Mưa là bản Sonata dịu êm với nhiều giọng, nhiều điệu thức và nhiều biến tấu, mà mỗi biến tấu là một sắc thái cảm xúc khác nhau trên nền hòa âm đẹp đẽ; để rồi khi khép cuốn sách lại, giai điệu tí tách nhẹ nhàng, mềm mại của cơn mưa vẫn còn âm vang, day dứt trong lòng người đọc.
“Ai đã từng có một cơn mưa xa trong lòng mình? Cơn mưa mịt mù ngay cánh đồng sát nhà nhưng lại là một cơn mưa xa!”
Chủ đề chính vang lên ngay từ phần mở đầu tác phẩm, đầy suy tư trăn trở. Câu hỏi khắc khoải về một hoài niệm, về một vùng ký ức không ngủ yên, và cũng là một ray rứt khôn nguôi trong lòng nhân thế về một kiếp sinh tồn. Một hiện hữu mang hình hài của một tiền kiếp xa xăm, một ranh giới mơ hồ giữa thực và mơ đan xen trộn lẫn.
” Những cơn mưa xa thường là những cơn mưa mù mịt.” Một cơn mưa không rõ ở không gian nào, thời gian nào, gần đó mà xa xôi đó, khó xác định rõ ràng nhưng vẫn là một thực tại hiển bày. Phải chăng, đó là những bóng dáng ký ức chập chờn hay là một cõi xa mơ trong miền tâm thức?
Cuộc đời có mẹ là cuộc đời hạnh phúc nhất của mỗi người. Mẹ gánh gồng những bão giông băng qua cuộc đời để con cập bến bình yên. Mẹ chọn tăm tối, lầm lụi cho đời con tươi sáng, chọn ướt át mưa rơi cho con khô ráo ấm êm. Vì thế, mẹ là dòng suối, cơn mưa ngọt ngào trong đời con. Và những hồi ức về mẹ, về những cơn mưa thời thơ dại luôn hồn nhiên trong trẻo, chẳng bận lòng với những lo toan mưa nắng của mẹ cha:
“Tôi đã có mẹ trong những cơn mưa cuộc đời. Ngày ấy, mẹ tôi ướt và tôi ráo hoảnh. Ngày đó, mẹ tôi lặng lẽ và tôi cười giòn. Mẹ bấm những ngón chân mình dưới mưa còn tôi đã tự do để ngã trượt.”
Cho đến một ngày, khi “cơn mưa cuộc đời” khác ập xuống, ta mới ngộ ra:
“Ngày tôi biết mưa chỉ là mưa, có biết đâu rằng, mưa lại là cơn nắng cháy khác khi tôi đã bước những bước đi xa làng, xa mẹ.” Đó là khi đã lớn khôn, đã trưởng thành, khi mà dòng đời xô những bước chân ta vội vã đi về phía phù hoa, mới thấy những dấu chân mình đã rời xa nguồn cội, ghẻ lạnh với thương yêu, mới thấy khát khao cháy bỏng về một dấu yêu mà ta đã thờ ơ quên lãng.
Cơn mưa xa ấy có khi là sự mong muốn trở về nương náu, là những hóa thân đi giăng mắc nhớ thương khắp miền cố xứ, là kiếm tìm những hương yêu ngày cũ đã ngủ yên trong kỷ niệm.
“ Trong những phút lặng im, Biên luôn thấy mình là một cơn mưa, cùng với những người bạn thơ ấu, những hạt mưa đã thấm và nẩy lên trên những tán lá xanh, lướt qua những cánh đồng, giăng mắc khắp núi đồi trong một buổi chiều muộn. Những hạt mưa sống trong hốc cây nách lá, hạt đậu trên tóc trên vai, hạt ngủ vùi trong chum vại hiên nhà, hạt trốn trong đôi mắt mẹ… Mưa là Biên, mưa cũng là những em bé miền xa đang tìm lại những bàn tay khum hứng chìa vào quá vãng.”
Những cơn mưa của đất trời vốn luôn đẹp đẽ, sáng trong, luôn mang lại những hạnh phúc tươi non như đòng lúa ngọt. Hãy nghe biến tấu hai bè xuân hạ song song nhịp nhàng:
“Cơn mưa mùa xuân phơi phới làm ướt những bộ áo váy mới, ướt những sân vạn thọ thơm nức đêm giao thừa, ướt những nhành mai vàng rưng rưng giữa đất trời giao thoa nối liền hạnh phúc. Những cơn mưa mùa hè bất chợt kịp xua tan cái khô khốc của nền đất quen hơi ẩm mùa xuân. Mưa mùa hè như chàng trai hào hoa, lãng tử ghé lại những cánh đồng con gái khi lúa bắt đầu lên đòng ngậm sữa.”
Nhưng đó là cơn mưa của buổi nguyên sơ, lúc cuộc đời chưa vẩn đục, lấm lem bụi bặm. Và khi những móng vuốt của tham ái cuồng mê trở nên vô độ, những cơn mưa là hình hài nước mắt vỡ tan, đau đớn xé lòng:
“Nhìn lên ngọn đồi, mưa như giăng kín lối về cố xứ, trong Biên nỗi đau rớt ra như từng mảng đất rừng sụt lở. Có những con đường vừa rơi vào vô tận. Có những hàng cây vừa sẩy chân xuống vực thẳm mênh mông.”
Mưa trong Sinh Mệnh là những cơn mưa từ tâm thức, từ những tiền kiếp xa xôi hiện về. Thực ra, đời mưa hay đời người chẳng có gì khác mấy, chỉ là những hình tướng khác, cũng trầm luân qua nhiều nẻo, và có sáng trong hay không tùy vào cách mỗi người lựa chọn. Khi những ước nguyện thiện lương vẫn chưa thành, sau mỗi lần gieo đời sống mình cho đất mẹ, cho con người, mưa làm lại cuộc hồi sinh mới để thức hiện trọn vẹn chí nguyện của mình. Và ở đây, mỗi cơn mưa là một đời sống, một sinh mệnh, chịu luân hồi qua nhiều kiếp trên những xứ sở khác nhau, cùng với những buồn vui nhân thế mong thức tỉnh con người:
” Chúng ta đã và sẽ kinh qua những kiếp sống của mình như một cơn mưa. Những cơn mưa lắng xuống để rồi sống lại nhiều cơn mưa khác. Và chúng ta luôn có sự chọn lựa để gieo mình, rồi sẽ trở lại vào mùa xuân, mùa thu… hay sẽ giao mùa trong trời đất.”
Tác giả Trương Thị Bách Mỵ
Trong cuộc trầm luân ấy, ta như nghe thấy tiếng nói xót xa, tiếc nuối. Đó là khi ta cứ cố níu giữ một giọt nắng trên tay, mãi chạy theo một áng mây chiều; là gọi tên một điều không thật có, và không thấy rõ lẽ sinh diệt vô thường:
“ Ai đã gọi tên tôi là mưa khi tôi đã thành bão tố, gọi tôi là mây khi tôi đã làm gió đẩy, gọi là hoa khi tôi đã là đất ải, gọi một tên người khi tôi đã là nước trôi xuôi!”
“Ai hay điều gì làm nên những cơn mưa? Người đừng thắc mắc câu hỏi ấy khi ngày còn đang nắng. Khi ở dưới cơn mưa chúng ta sẽ tường tận chúng, và sẽ tường tận chính mình”. Khi thấy được rằng mưa cũng là nắng,” nước là ánh sáng, màn đêm cũng là ánh sáng thì bến luân hồi đã ở lại phía sau lưng.” Đó là cái thấy uyên nguyên như thật, vượt ra ngoài hình tướng ( Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai- Kinh Kim Cang ), không còn dính mắc; là cách nói vượt khỏi diễn bày của ngôn ngữ chế định; là cái thấy của trùng trùng duyên khởi duyên sinh, một trong tất cả, tất cả trong một của vạn pháp.
Không khó để thấy rằng, hình tượng mưa là cơn pháp nhũ nhiệm màu gội rửa bụi bặm phiền não, tham ái vô minh. Mưa là giọt nước cành dương rưới lên ngọn lửa tham dục sân hận, tưới tẩm thương yêu. “Mưa là khúc hồi quy chân thật”. Đó là sự trở về với bản tánh chân như, uyên nguyên sáng trong của miền tịnh độ; là hồi đầu thị ngạn, rời xa bến mê để thấy rõ chân tâm thường trụ.
Ước nguyện thiện lành nào cũng đẹp. Nếu như ước muốn “tôi muốn hóa cơn mưa đầu mùa, để thấy em về bên lá non xanh” ( Như khúc tình ca) chỉ vẻn vẹn trong em, thì ở đây, tác giả Sinh Mệnh mời gọi sự “quay về nhìn lại để kiến thiết đường đi tới”, vì “mỗi bước quay về là một cơn mưa”, “là một thời kinh sám niệm”; muốn gửi gắm một sứ mệnh yêu thương rộng lớn hơn qua hình tượng cơn mưa. Tư tưởng cốt yếu trong tác phẩm nói chung, và qua hình tượng cơn mưa nói riêng, là sự thương yêu, thiện lương, là lời tạ ơn trời đất cỏ cây, là lời kinh sám , là một ước nguyện sáng trong: “ Những cơn mưa như người nhà về thăm lại đất đai và tắm gội cỏ cây, muôn loài bằng những dòng nước mát lành.”
Phần cuối của tác phẩm, chủ đề được tái hiện với đường nét nhẹ nhàng thanh thoát, khi cơn mưa đã cất mình lên khỏi những nhiễm ô, đã gạn đục khơi trong làm nên những giọt nước lành, và con người đã hồng hóa nhục thể của mình, đã làm một cuộc hồi sinh, trở về với nguồn cội đạo lý sáng trong:
“Người đã lên đường, người đã đi xa. Đi vào hành trình chuyển sinh của mình là một chuyến đi dài như cơn mưa vừa kéo ngang qua những ngọn đồi ngày đầu thu lắng dịu.”
Trên đây chỉ là vài nét lan man, vụn vặt về hình tượng cơn mưa trong tác phẩm Sinh Mệnh. Và với một cảm nhận cạn cợt của một người ngoài giới văn chương, khó mà trình bày, phân tích hết những hiệu ứng nghệ thuật mà Bách Mỵ đã khéo tạo nên trong tác phẩm của mình. Chỉ riêng với những giai điệu mưa thôi, cá nhân người viết bài này đã cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp của lối hành văn đầy quyến dụ, trong veo như nước đầu nguồn và êm mượt như thơ.
10.11.2021
Ngô Đức Bình
Có thể bạn quan tâm
"Văn học châu Phi” và những tranh cãiMột quyển sách quý hiếmTrong khu vườn của người đàn bà tên ThúyCuốn sách giải mã cuộc hôn nhân sóng gió của tác giả "Hoàng tử bé"Maksim Gorky trong hồi ức của người cháu gáiHaruki Murakami: Tôi sống một cuộc đời giản dịNhà thơ Hoàng Trung Thủy: Mặt trời phập phồng theo biển thởVị thế của con người trong sáng tạo văn học thời đại trí tuệ nhân tạo phát triểnNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhiHát cùng Y Phôn K’sor