"Nắng dậy thì" và nỗi nhớ quê xưa…

12.09.2024
Lâm Bình Thái
Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, cùng với nhiều cây bút trẻ xứ Quảng, Nguyễn Ngọc Hạnh tham gia trại bồi dưỡng viết văn làm thơ ngắn hạn do Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Từ đó, anh gắn bó với thơ, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. “Nắng dậy thì” là tập thơ thứ 4 của anh được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2023.

"Nắng dậy thì" và nỗi nhớ quê xưa…

Bìa tập thơ “Nắng dậy thì”.

Quê kiểng trong thơ…

Tập thơ “Nắng dậy thì” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khá dày dặn, in trên giấy trắng láng với những bức tranh phụ bản của Đặng Tiến, trang nhã và sang trọng. “Nắng dậy thì” gồm 64 bài thơ và 24 bài viết, trích từ những nhận xét, đánh giá, bình luận về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của các nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi: Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Xuân Nguyên, Tần Hoài Dạ Vũ, Phạm Phú Phong, Ngô Minh, Thanh Quế…

Nhà thơ có câu thơ rất hay viết về quê kiểng dịch chuyển theo thời gian khiến người đọc chạnh lòng khi nghĩ về nơi cắt rốn chôn nhau: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”. Anh sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên sông Vu Gia của huyện Đại Lộc. Khi vào đời với nghề dạy học rồi sau này chuyển sang làm báo, định cư nơi phố thị Đà Nẵng, nhưng tận đáy sâu cõi lòng không lúc nào anh nguôi ngoai nỗi nhớ thương quê kiểng với dòng sông con đò, với cánh đồng làng thơm mùi rạ, với xóm mạc la đà ngọn khói lam chiều.

Vì thế, trong thơ anh luôn có bóng dáng làng quê của một thời đã xa. Ngay cả những tập thơ trước đây của anh như “Khi xa mặt đất”, “Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh”, “Phơi cơn mưa lên chiều”,… cũng có không ít bài thơ viết về quê kiểng làm lay động trái tim độc giả. 

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Qua thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, làng quê anh hiện lên thân thương và gợi nhớ bao điều. Từ “gió chiều trôi thương nhớ đầy vơi” đến “tuổi thơ mềm ngọn cỏ” rồi “tay cầm tay bên nhau tình đầu” để bây giờ “Ôi ngày xưa cơn mơ ngậm ngùi/ Trái tim rơi chiều trôi mơ hồ/ Tìm đâu ra bóng em xa mờ”.

Đã bao lần đứng trước dòng sông quê, nhà thơ tự hỏi: “Nói gì đây với Vu Gia/ Sông quê cũng chẳng nói ra một lời/ Bao người lưu lạc trăm nơi/ Mà sao ai cũng bời bời nhớ mong”. Không chỉ riêng tác giả mà nhiều xa quê mỗi độ xuân về tết đến lại đau đáu ngóng trông về “cố quận”. Bởi ở đó có hình bóng người thương từ thuở mới biết yêu, có hình bóng mẹ già sớm hôm tần tảo, có hình bóng người cha: “Cả một đời trèo non/ Cha gánh hết muôn phần khổ nhọc”.

Và đặc biệt người mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vừa lam lũ nhẫn nại, vừa thương chồng yêu con hết mực. Mỗi lần về thăm làng, ngang qua chợ quê, dẫu người mẹ đã đi xa, nhưng anh vẫn nhận thấy “chợ quê bóng mẹ vẫn còn đâu đây” và rồi anh bật lên thảng thốt: “Về đây bên chỗ mẹ ngồi/ Dép ai một chiếc lẻ đôi bên đàng/ Chân trần lặn lội đò ngang/ Nhớ đôi dép mẹ thương mòn đời con”.

Đêm ở quê, ngắm nhìn cảnh quê trong đêm trăng sáng, anh lại nhớ mẹ thiết tha: “Trăng phía thượng nguồn/ Nghiêng soi bóng mẹ/ Gối đầu lên bờ sông kia lặng lẽ/ Lời ru buồn xô dạt bến trăng quê”

Và nỗi nhớ cội nguồn

Điều dễ nhận thấy khi đọc tập thơ “Nắng dậy thì” là quê kiểng và nỗi nhớ cội nguồn nơi cắt rốn chôn nhau. Nguyễn Ngọc Hạnh “ôn cố” bằng giọng trầm buồn tuy không bi lụy nhưng cũng khiến người đọc chạnh lòng đồng cảm.

Khi ở Atlanta, Hoa Kỳ vào mùa đông tuyết rơi đầy trời, anh “phiêu bạt xứ người xa xôi ấy” mới thấy hết nỗi lòng của kẻ tha hương: “Cứ ngỡ quê nhà nơi cố quận/ Nơi con sông bồi lấp mưa nguồn/ Đâu ai biết đêm xứ người cô quạnh/ Một góc trời lặng lẽ cháy hoàng hôn”. Khi ở quê nhà anh vẫn nhớ… quê nhà một thuở đã xa: “Nhớ một ngày xa xôi/ bỏ làng ra đi, cha tôi không về/ mẹ dẫn đàn con chạy giặc/ con đò trôi xuôi/ mà gió nồm thổi ngược/ cánh buồm căng bịn rịn phía quê nhà”.

Mẹ nhớ xóm mạc, nhớ giàn trầu trước sân, còn anh: “Nhớ ánh nắng chiều vàng/ nhớ tiếng trâu gọi bầy/ thương anh em tôi đứt ruột…”. Bởi theo anh, “mỗi đời người chỉ có một quê” để mà hoài niệm.

Bạn bè thân hữu đến với Nắng dậy thì của Nguyễn Ngọc Hạnh

Trong tập thơ “Nắng dậy thì” người đọc bắt gặp những “giếng xưa”, “quê ngoại”, “chợ quê”, “bầu trời thơ dại”, “chỗ ướt mẹ nằm”… với những câu thơ chân mộc gợi nhớ về miền ký ức đã dần nhòe mờ làm người đọc rưng rưng xúc động. Nhà thơ tâm sự bằng thơ: “Làng tôi núi bọc bốn bề/ Ấp iu như vòng tay mẹ/ Ôm tôi cả thời thơ bé”. Vì thế, ký ức luôn thường trực trong anh: “Làng xưa cứ mỗi lần về/ Lời ru dịu mềm ngọn cỏ/ Không còn mẹ mà ra đầu ngõ/ Mà nghe ai gọi thì thầm”.

Vì sao thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lại đau đáu với quê như thế? Câu hỏi ấy được nhà thơ trả lời bằng một khổ thơ trong bài thơ có tựa đề “Vô thường”: “Có lạ gì cát bụi thời gian/ Ai chẳng muốn quên những điều không thể nhớ/ Thời gian như là hơi thở/ Tắt lịm rồi ký ức cháy bùng lên”. Thế nên nỗi nhớ cội nguồn quê kiểng cứ đầy dần lên theo năm tháng.

Viết về Nguyễn Ngọc Hạnh, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ có nhận xét chân xác: “…trước sau Nguyễn Ngọc Hạnh, dù là trong thơ hay trong văn xuôi, cũng là người của quê nhà; anh ra đi từ làng, mang theo trong trái tim cả cái làng quê xưa nồng nàn để cuối cùng vẫn quay về làng cũ; văn chương với anh trở thành máu thịt của mảnh đất quê nhà”.

Qua tập thơ “Nắng dậy thì”, độc giả mới thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh yêu quê tha thiết nhường nào, mới viết được câu thơ nổi tiếng: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”.

(baoquangnam.vn)