Nghệ sĩ Nhân dân Thu Nhân – đi trọn đời tuồng - Trần Phú Yên

28.07.2014

Diễn viên Nguyễn Thị Thu Nhân, hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sinh năm 1953, tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hiện ở tại 116 Tô Hiến Thành, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tôi may mắn được Thu Nhân tiếp đón và tâm sự về nghiệp diễn của chị với những buồn vui của đời nghệ sĩ.

Năm 1969, Thu Nhân trúng tuyển vào ngành diễn viên, khoa Tuồng, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (bây giờ là Trường đại học Sân khấu - điện ảnh). Ba năm sau đó, Thu Nhân tốt nghiệp và được chọn vào Đoàn đi B (đi chiến trường B). Hai năm được huấn luyện ở cánh rừng Hòa Bình của miền Tây bắc đất nước, chị được trang bị đầy đủ các kĩ năng tác chiến – biểu diễn nghệ thuật trong rừng, giữa bom đạn, giữa sự sống và cái chết mong manh.

 Nghệ sĩ Nhân dân Thu Nhân – đi trọn đời tuồng - Trần Phú Yên

Năm 1974, Thu Nhân cùng gần năm mươi nghệ sĩ khác lên đường đi B. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đoàn nghệ sĩ của Thu Nhân cuốc bộ cùng các chiến sĩ xuyên tất cả những cánh rừng Trường Sơn từ Tây bắc vào đến xứ Quảng, chị mang trên vai tất cả những gì thuộc quyền sở hữu trong công việc biểu diễn, nào là trang phục biểu diễn, thức ăn, bát đũa…đoàn nghệ sĩ của chị cứ đi xuyên ngày đêm, cứ mỗi lần dừng chân ở một trạm giao liên nào đó trong rừng, chị và các văn nghệ sĩ khác lại thay trang phục diễn cho bộ đội xem. Vào đến miền đất xứ Quảng, chị trở thành diễn viên của Đoàn tuồng Khu V B…

            Chị nhớ lại buổi diễn đầu tiên trước người dân trong rừng, đó là buổi diễn vở tuồng Trần Bình Trọng, chị vào vai một ái nữ, con gái của một vị tướng nhà Trần. Một chiếc đèn măng xông cắm ở trên sân khấu, một chiếc nữa cắm đằng sau sân khấu để các diễn viên hóa trang, mấy chiếc mic treo ngược bởi sợi dây rừng trên sân khấu được dựng lên bằng những cây rừng, và bộ phận đạo cụ luôn sẵn sàng. “Công chúa” Thu Nhân bước ra trước hàng ngàn cặp mắt đen tròn, đó là những người dân của đồng bào Cơ tu ở phía tây xứ Quảng, họ bị máy bay địch dội bom tàn phá khắp bản làng, họ được bộ đội che chở và tập trung về đây.

Hình như bom đạn chiến tranh mới là phép thử cao nhất đối với nghệ thuật và niềm đam mê cống hiến phục vụ của nghệ sĩ. Nhiều đêm đang diễn, bất ngờ tiếng máy bay gầm rú trên cao, tất cả đều phải giải tán, chị vừa chạy khỏi sân khấu được một đoạn thì sân khấu đã bị biến thành hố bom còn nguyên mùi khói thuốc. Chị đã đi biểu diễn bao nhiêu lần ở những cánh rừng? Chị cũng không nhớ nổi, nhưng chị chỉ nhớ những vở tuồng Trần Bình Trọng, Trưng Trắc Trưng Nhị, Ngọn lửa Hồng Sơn, Nghêu sò ốc hến… đi theo suốt cuộc đời chị.

            Sau ngày miền Nam giải phóng hoàn toàn, đoàn văn nghệ của chị người còn người mất, chị cùng đoàn văn nghệ xuôi về Đà Nẵng, nơi chị đặt chân xuống đầu tiên là mảnh đất phường Thanh Bình, và Đoàn tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng của chị cắm ở đây suốt thời bao cấp. Với chị và các văn nghệ sĩ lúc đó thì quan trọng nhất là không gian thanh bình để biểu diễn, để thể hiện tột đỉnh niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn tuồng. Vì thế mà cuộc sống vật chất dù gian khổ bao nhiêu vẫn không lung lay được tình yêu văn nghệ trong chị. Thời đó, mỗi lần về các vùng nông thôn nghèo Quảng Nam biểu diễn, bà con ăn uống thế nào thì đoàn tuồng ăn uống như thế, có bữa sắp diễn mà dạ dày đói quá, chị chạy vào nhà bà con ăn tạm tô cơm nguội rồi ra diễn. Sau mỗi lần kết thúc một chuyến biểu diễn, món quà của bà con tặng chị là sắn, khoai lang, chuối…bà con thời đó đi xem tuồng thường đem theo mấy củ khoai lang, mấy đoạn sắn, đoạn mía, mấy nải chuối tiêu…để tỏ lòng với văn nghệ sĩ. “Thời đó khổ lắm! Ăn uống kham khổ nên nhan sắc cũng bị giảm! Không sung sướng được như bây giờ đâu! Nhiều năm tết đến không có quần áo mới, không có gì để sắm tết, cả nhà lang thang đi chơi ngoài đường cho khuây khỏa, đi ra nhiều lúc không dám nói mình là diễn viên vì sợ nhiều người không hiểu, chê mình nghèo quá…”- Chị nhấn mạnh như thế qua dòng hồi tưởng. Với chất giọng trữ tình, chị kể một cách chân thật, lúc bổng lúc trầm…nhưng có một sự thật mà tôi có thể cảm nhận được lúc này, đó là tình yêu của chị với nghiệp tuồng, với khán giả, với cuộc đời, thứ tình yêu đó mới là mãi mãi. Nguyễn Thị Thu Nhân suốt đời chung thủy với sự nghiệp biểu diễn, ròng rã 40 năm hoạt động nghệ thuật và biểu diễn phục vụ công chúng từ thời khói lửa đến hòa bình, chị đã khắc vào lòng những người yêu nghệ thuật Tuồng bằng những vai diễn để đời, đạt huy chương tại các hội diễn toàn quốc như vai Thúy Ngọc (trong vở Ông Ích Khiêm), vai Mỵ Châu (trong vở Mỵ Châu -Trọng Thuỷ); vai Bạch Xà tại Liên hoan các trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc năm 1993; vai Lý Chiêu Hoàng  (trong vở Lịch sử hãy phán xét)… Huy chương vì sự nghiệp Sân Khấu Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn Học nghệ thuật Việt Nam(1998), Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực miềnTrung 2003 với vai Mẹ Châu (trong vở tuồng Mẹ), Giải C, giải thưởngVăn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất 1997 – 2005, Bằng khen của Bộ Văn hóa(2007). Trước sự cống hiến to lớn suốt đời biểu diễn phục vụ nhân dân, năm 2012, chị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

            Mặc dầu chị đã nghỉ hưu nhưng “máu” tuồng thì vẫn cứ chảy hằng ngày trong huyết quản. Và dẫu biết rằng thời bây giờ con người không còn mặn nồng với tuồng như trước nhưng chị vẫn thầm lặng tiếp tục truyền bá nghệ thuật tuồng cho lớp trẻ, như một giáo sĩ thầm lặng truyền một thứ tôn giáo nào đó cho con người. Chị chạy xe máy vào tận vùng nông thôn huyện Duy Xuyên của Quảng Nam để kêu gọi, phối hợp với phòng giáo dục huyện mở lớp đào tạo nghệ thuật tuồng cho học sinh nơi đây. Những ngày tháng dong xe đi mở lớp tuồng cho học sinh với ngọn lửa đam mê không quản khó nhọc. Đó là chút thành quả nho nhỏ mà chị đã vun lên sau 5 năm nghỉ diễn ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. “Mình dạy tuồng cho các em không dám mong sau này các em sẽ đi làm tuồng, mà chỉ dám mong lớp trẻ hiểu biết về tuồng, bà con hiểu biết về tuồng” – chị nói thế. Giờ đã ngoài sáu mươi, đi lại không còn thoăn thoắt như trước, nhưng Thu Nhân vẫn không rời sân khấu, vẫn tiếp tục bồi dưỡng cho lớp diễn viên trẻ tại Nhà hát tuồng. “Đó là vốn quý không phải ai cũng có được, là báu vật của tổ tiên bao đời ông cha ta sáng tạo và truyền lại, nên tự hào lắm” – chị tâm sự.

            Một Thu Nhân giản dị và thầm lặng giữa đời thường, nhưng trong lòng luôn rạo rực niềm đam mê không ngừng lan tỏa nghệ thuật tuồng vào lòng công chúng, vào thế hệ trẻ với những bước chân thầm lặng, chưa bao giờ mỏi mệt.

                                                                                                                          T.P.Y