Người Quảng trong Thơ Mới

06.01.2022
Bảo Anh
Đến mùa xuân 2022 này, Thơ Mới tròn 90 năm tuổi. Dù vậy, Thơ Mới dường như vẫn chưa “cũ”, chưa “già” đi theo quy luật thời gian... Và, sau 90 năm, người ta vẫn không thể quên những đóng góp quan trọng, trực tiếp; trong đó có những đóng góp mang tính khai phá của một số văn nhân thi sĩ xứ Quảng đối với phong trào Thơ Mới.

Người Quảng trong Thơ Mới

Vẫn trẻ trung một khối "Tình già"

Bài thơ “Tình già” của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122, ngày 10.3.1932, cùng với bài viết giới thiệu mang tên “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Ngay ở thời điểm ấy và cho đến tận bây giờ, bài thơ và bài viết này vẫn được xem là phát súng lệnh, báo hiệu và mở đầu phong trào Thơ Mới.

“Tình già” là bài thơ mà từ kết cấu, nội dung đến hình thức thơ ca đều khác biệt, mới lạ, chưa từng có trong thơ ca Việt Nam trước đó. Và điều kỳ lạ là, cho đến nay, những cái mới của nó dường như vẫn còn nguyên. Đó là sự đột phá khi đề cập vấn đề riêng tư, tự do luyến ái, dám công khai nói chuyện yêu và dám yêu. Vương một chút buồn tủi nhưng bạo dạn, “xé rào”: “...Dưới ngọn đèn mờ, trong ngôi nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở”.

Đó là sự “phá thể” khi bày ra một bài thơ không niêm luật, không giới hạn số chữ ở mỗi câu và trong toàn bài; được đặt trong một kết cấu phi đối xứng - với khổ/ đoạn đầu có tới 7 câu thơ rất dài và khổ/ đoạn sau gồm 3 câu cũng thuộc loại dài. Ngoài ra, bài thơ này còn sử dụng nhiều ngôn ngữ nói, rất đời thường và... kém “sang”, trái ngược hẳn với quan niệm về ngôn ngữ thi ca lúc bấy giờ.

Có gây ra tranh cãi, đàm tiếu, “hục hặc”, nhưng rồi, từ bài thơ “Tình già”, “một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo giấu giếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận” (Hoài Thanh - Hoài Chân). Để rồi, Thơ Mới được sinh thành và phát triển, làm nên một “thời đại thi ca” rực rỡ.

Ngày nay, thơ hiện đại Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ, tạo nên nhiều khác biệt độc đáo cả trong sáng tạo lẫn tiếp nhận. Trong không khí thơ ca ấy, đọc lại bài “Tình già” của Phan Khôi, vẫn cứ... giật mình vì “tính mới”, “tính hiện đại” của nó.

Một số đặc trưng chủ yếu của thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại, như tư tưởng vượt thoát, khai thác cái riêng, nội tâm của con người, thể điệu tự do, ngôn ngữ giàu hơi thở cuộc sống và cả xu hướng phản tư, giải trung tâm, giải cấu trúc... dường như đều ít nhiều có bóng dáng ở “Tình già”.

4 người Quảng trong Thơ Mới

Trong phong trào Thơ Mới - theo sự “thừa nhận” của Hoài Thanh - Hoài Chân, vùng đất “chưa mưa đà thấm” góp mặt tới 4 người. Suốt mấy mươi năm qua, nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhiều tao nhân mặc khách đã tìm về Điện Bàn, Đại Lộc - quê hương của 4 gương mặt Thơ Mới xứ Quảng, không phải để lý giải vì sao lại là 4 con người ấy, mà để cảm nhận, ngưỡng vọng và chia sẻ. Đơn giản vì chỗ đứng của họ trong Thơ Mới, trong dòng chảy dằng dặc của thơ Việt, và trong lòng quê hương nơi họ sinh thành, là rất xứng đáng.

Đọc thơ Hằng Phương, từ Hằng Phương - Thơ Mới đến Hằng Phương - nhà thơ hiện đại, một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, lúc nào cũng thấy tình quê, tình người đầy ắp, ngọt ngào. Đó chính là yếu tố giúp thơ bà neo lại được giữa đời sống, giữa lòng quê nhà Điện Bàn - Quảng Nam, hôm qua và hôm nay.

Đọc “Đường xa ngoảnh lại ngẩn ngơ,/ Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh” hay câu “Ai về cố quận cho ta nhắn,/ Gửi chút lòng thương nhớ núi sông”, cứ nghe dào dạt những nhớ thương quê kiểng vời xa, nghe tha thiết những niềm riêng không dễ gì thổ lộ. Thể điệu ấy, tâm thức ấy, vẫn quen, vẫn mới cứ như không phải được viết ra từ hơn 90 năm trước.

Trong 4 nhà Thơ Mới của Quảng Nam, có nhiều duyên nợ với Huế nhất là nhà thơ quê Đại Lộc: Nam Trân. Ông nổi tiếng với tập thơ “Huế đẹp và thơ”, được mệnh danh là “thi sĩ của xứ Huế” và hơn thế, theo Hoài Thanh thì “tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân”. Thơ về Huế của ông được nhiều người yêu thơ thuộc lòng, đặc biệt là công chúng Huế.

Và người đọc còn tìm về, nhớ đến một Nam Trân tinh tế, đa cảm, yêu người và yêu đời: “Tim ta như sợi đờn tranh/ Trời sinh ra để đồng thanh với trời,/ Với mây, với nước, với đời/ Những người phận hẩm là người ta yêu”; một Nam Trân dịch giả tài hoa với những bản dịch thuộc hàng “tuyệt bút” về thơ Đường, thơ Tống, thơ văn Lý Trần và đặc biệt là tập “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh.

Một người khác, Xuân Tâm, cũng là nhà thơ có nhiều duyên nợ với Huế. Ông nổi tiếng với tập thơ “Lời tim non”, bài thơ “Nghỉ hè” sáng trong, tinh khiết và đặc biệt là hai câu trứ danh “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh - Hoài Chân đã dẫn hai câu thơ trên vào phần giới thiệu về thơ Xuân Tâm, thành ra nhiều người cho đó là thơ Xuân Tâm, vì quá hay, quá gần gũi nên đã bị “ca dao hóa”.

Bây giờ, chưa có lời giải minh xác, nhưng nhắc đến mối quan hệ Huế - Quảng là người ta lại nhắc tới Xuân Tâm và hai câu thơ ấy. Dù vậy, với Xuân Tâm, Quảng Nam vẫn là yêu thương máu thịt. Ông làm thơ ngợi ca phẩm tiết và tưởng nhớ cụ Hoàng Diệu; ông làm thơ trong đau đáu nỗi nhớ quê cha đất mẹ Điện Bàn, như là để dặn lòng mình: “Ôi nói gì đây với Điện Bàn/ Khi từng xa cách mấy mươi xuân/ Sông Hương núi Ngự nuôi tôi lớn/ Mà máu trong tim thấm Điện Bàn”.

Cùng với Hằng Phương, Xuân Tâm, từ Điện Bàn góp mặt với Thơ Mới còn có Phạm Hầu. Từ khi được Hoài Thanh - Hoài Chân “phát hiện” cho đến lúc qua đời, Phạm Hầu chỉ để lại trên dưới 20 bài thơ, nhưng hầu hết là những bài thơ vượt ra ngoài quy phạm gia thế.

“Gặp tình cờ song chẳng biết vì đâu/ Chân em trắng vậy mà lòng anh lạnh” là hai câu thơ được nhắc nhiều vì sự “thật thà một cách hiện đại”. Hay, trước câu thơ “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai”, ngay cả với người đang mang “tâm thức hậu hiện đại” vẫn dễ dàng bị xiêu lòng, dễ dàng bị trùm lấp bởi cảm giác tiêu sái, lạc loài, thương nhớ mênh mang trước vũ trụ bao la...

 (baoquangnam.vn)