Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn Thái

16.03.2018

 Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn Thái

Nhà thơ Phan Minh Mẫn (1952 -  2011) nguyên quán ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 2006 anh cho ra mắt tập thơ “Tiếng chim sau vòm lá” tạo được dấu ấn riêng, nhất là thể thơ lục bát. Đến năm 2011 trong lúc anh đang chuẩn bị bản thảo để in tập thơ thứ 2, thì đột nhiên anh bị tai biến và ra đi nhẹ nhàng tại nhà riêng - phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Mỗi dịp xuân về, tôi lại nhớ anh - một người bạn thơ hiền hậu, sắt son. Vào những đêm tĩnh lặng, bên dòng Trường Giang (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) quê mẹ, tôi thường đọc thơ Phan Minh Mẫn.

Ví đời là bức tranh quê

xin làm thân cỏ xa lề dối gian...

                  

Xin làm thuyền chở tình yêu

chở người sang bến chở chiều qua sông...

Phan Minh Mẫn đã dụng công chắt lọc từ ngữ: xa lề dối gian, chở chiều qua sông. Hình ảnh thơ trở nên sinh động, cuốn hút hơn khi tác giả chuyển đổi những gì cụ thể, thường tình (dối gian/ chiều qua sông) thành những từ đa nghĩa lột tả được tâm tư, tình cảm của tác giả về thế thái nhân tình.

Nhiều câu thơ, đoạn thơ lục bát của Phan Minh Mẫn gây ấn tượng khó quên trong lòng người đọc bởi anh đã rải hồn chữ lên trang viết. Chỉ có tình yêu nồng nàn và say đắm đối với con người, tác giả mới có thể dệt nên các câu thơ “say” như thế này:

Những toan trả tuổi cho trời

Trả tình cho đất, trả đời đa đoan.

Say rồi!

Trả nhớ trả quên

Tỉnh ra mới biết rằng đêm đã tàn.

                        (Uống rượu giao thừa)

Bao nhiêu dự tính trong cơn say của mộng mị, mơ hồ... Nhà thơ đã vay nhân thế này những gì mà phải trả, phải trả quá nhiều: trả tuổi cho trời, trả tình cho đất... và phải trả cả nhớ, quên? Men rượu tiễn đưa năm cũ vào thời khắc giao thừa pha trộn niềm vui và nỗi buồn, sự luyến tiếc níu kéo giữa hai bờ thời gian, tạo nên sự xung đột nội tâm dữ dội:

“Xuân xưa rót với tết này

Tay bưng chén cạn tình đầy rượu vơi”

Và khi rượu - thơ - đời trở nên chếnh choáng nên cho dù không ghiền rượu cũng thử say một lần“Rượu không biết uống một lần thử say".

Những ngày còn sống, Phan Minh Mẫn thường nói chuyện với tôi rằng anh mê thơ lục bát của Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn. Anh xem những nhà thơ đi trước này là “tri kỷ thơ ca”. Phan Minh Mẫn nhọc nhằn cày xới trên cánh đồng thơ lục bát, và đã để lại những bông - hoa - thơ thơm ngát:

Thôi thì thôi, cứ dửng dưng

Trầu xanh như thể chưa từng có cau

Hoặc:

Làm gì có nhớ để quên

Có thương để ghét, có ghen để hờn.

Nghệ thuật tu từ so sánh - liên tưởng cùng với hình thức lặp từ (thôi, có, để...) giúp tác giả chuyển tải thành công cảm nghĩ về vui buồn, trăn trở, day dứt trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Dòng đời luôn cuộn chảy, mọi vật thể đều dịch chuyển trong không gian và thời gian, Phan Minh Mẫn ý thức được lẽ sống này khi anh hạ bút:

Ngày đi ôm cả ước mơ

Nay về chỉ với câu thơ chưa tròn.

Ta còn một mối tình son

Giấu trong cỏ dại hoa ngàn nhớ thương.

“Mối tình son” với bạn thân, với thi ca mà Phan Minh Mẫn từng nâng niu, lưu giữ có thể chưa được đủ đầy, trọn vẹn chăng khi nhà thơ tự chất vấn, bùi ngùi "Nay về chỉ với câu thơ chưa tròn"?

Tự ám ảnh, đày ải bản thể tôi vào cô đơn, hoang vu cũng là sự tự đào xới, khám phá bản thân mình: cảm nhận - ngộ nhận, khổ đau - hạnh phúc, được - mất, bại - thành,... Trong các cặp phạm trù này, nhà thơ như đã va chạm, thử thách và tự vượt qua:

Ngày em rời bỏ phố xa

Lục bình vẫn tím sông nhà... đó thôi,

Mười năm rồi bỏ cuộc chơi

Ta đi bắt bóng bên trời... bóng bay!

Nguyện chạm khắc bóng mình, bóng đời vào trang viết không đơn thuần là việc “dạo chơi” mà đó là sự trải nghiệm, thách đố. Quay về miền sóng nước Mỹ An - Ngũ Hành Sơn, tôi phát hiện rằng người em thân thương ngày nào giờ “đã hóa người dưng mất rồi" nhưng tác giả “Mười năm sông cũ” vẫn một lòng, một dạ tỉnh thức đợi chờ, hoài mong, tự nguyện gắn bó “Tôi về gom hết bồi hồi tặng em”. Một thủy chung thật đáng quý, đáng yêu. Phan Minh Mẫn đạt được hiệu quả thẩm mỹ khi khéo léo lèo lái con - thuyền - chữ - nghĩa vượt qua thác ghềnh đầy cam go, thử thách.

Trong thơ Phan Minh Mẫn có một ẩn tình khá lạ lùng, hình ảnh cỏ hoa thường trở đi, trở lại: đồi cỏ hoa, giấc mơ hoa, bờ cỏ hoa.... Ắt hẳn thi tứ này có lực trì kéo, níu giữ đến độ trở thành "ảm ảnh không phai” trong tâm thức nhà thơ? Không lẽ quê hương sông Thu Bồn, Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam lại trở thành vườn thiêng ngan ngát cỏ hoa trong tâm trí thi nhân? Câu hỏi này xin để độc giả cảm nhận qua thơ anh và đi tìm ẩn-tình-cỏ hoa mà Phan Minh Mẫn giấu kín sau những con chữ kia.

Lời tự thuật trong tác phẩm Tiếng chim sau vòm lá (NXB Đà Nẵng, 2006), tác giả bày tỏ "Tôi sẽ yêu cho đến hết cuộc đời. Dù vẫn biết cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng... Tôi đã và sẽ cố gắng sống sao cho phải lẽ làm người, dù vẫn biết làm người không phải dễ”. Vâng “làm người không phải dễ", làm Người chân chính, hữu ích đối với đời sống là một cam go, đầy thử thách. Nhưng, tôi hằng tin, Phan Minh Mẫn sẽ là một con - người - thơ - chân - chính, mặc dù hôm nay anh đã từ bỏ cõi đời còn nhiều trắc ẩn, ngổn ngang này…

N.T.T

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng