Chuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn Lanh

16.03.2018

Chuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn Lanh

Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của những bậc tiền bối, chúng ta bắt gặp nhiều chuyện thật thú vị thể hiện sự sáng tạo, mưu trí và đầy bản lĩnh. Bài viết này xin giới thiệu vài mẩu chuyện về những người gieo “hạt giống đỏ” đầu tiên trên ở xứ Quảng.

Ông bầu của đội bóng đá “Ô-ro”(1)

Tháng 10/1927, tại Nhà sách Đức An -
số 83 đường cầu Nhật Bản (nay là 129 - Trần Phú), tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Hội VNCMTN) Hội An được thành lập do Năm Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư. Chi hội chủ trương thành lập đội bóng đá lấy tên là “Ô-ro” do hội viên làm nòng cốt để thông qua đó mà tuyên truyền và phát triển lực lượng cách mạng.

Đội bóng đá “Ô-ro” ngày càng thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, công nhân trẻ và những người lao động thủ công. Đội thường xuyên tổ chức các trận đấu ở nội ô và các vùng nông thôn như: Thanh Hà, Lai Nghi, Chợ Chùa, Kim Bồng, Bảo An, Chợ Được... Các cầu thủ không chỉ đá bóng hay mà còn tuyên truyền tư tưởng cách mạng và giác ngộ được nhiều thanh niên vào các tổ chức quần chúng. Năm Thêm tổ chức thêm gánh hát cải lương cũng lấy tên là “Ô-ro” diễn những kịch bản có nội dung tiến bộ.

Bọn mật thám tay sai bẩm báo lên Công sứ Pháp rằng “Ô-ro” phiên âm từ tiếng Pháp “Aurore” có nghĩa là Rạng Đông. Ẩn ý của Rạng Đông là bình minh, là ước mong một ngày mới, một đời mới, một xã hội mới. Rạng Đông còn có nghĩa là thức tỉnh, là chỉ về Phương Đông, về nước Nga cộng sản... Như vậy, đội bóng đá “Ô-ro” là một hội kín.

Nghe thế, Công sứ Cô-lôm-bô đâm hoảng, ra lệnh gọi ông bầu Năm Thêm vào tòa sứ, đích thân tra hỏi:

- Hội hè của mày làm ăn có khá không?

Năm Thêm bình tĩnh đáp:

- Thưa ngài! Chúng tôi không lập hội để làm giàu!

- Nhưng để làm chính trị chứ?

- Ngài đã nghi oan rồi! Đá bóng và hát cải lương cốt để cho vui khỏe thôi!

- Vậy thì tại sao chúng mày đặt tên là Rạng Đông?

- Chúng tôi thấy con gà gáy buổi sáng, biểu tượng của nước Pháp, vừa hay lại vừa đẹp nên nghĩ ra tên Rạng Đông.

- Mày láu cá lắm nhưng không qua được mắt tao đâu! Hội Rạng Đông của mày là hội kín.

- Chúng tôi đá bóng trên sân bãi và diễn cải lương trên sân khấu trước hàng trăm, hàng nghìn người đó chứ! Còn nếu ngài không thích cái tên Rạng Đông thì chúng tôi đặt cái tên khác vậy! Hoàng Hôn chẳng hạn!

Công sứ Cô-lôm-bô giận tím mặt, đập tay xuống bàn:

- Mày cút đi cho khuất mắt tao!

Cho đến cuối tháng 6/1929, khi truyền đơn kêu gọi đồng bào đấu tranh xuất hiện ở Hội An, Công sứ Cô-lôm-bô lại cho gọi ông bầu Năm Thêm lên chất vấn và lần này thì ra lệnh:

- Phải giải tán ngay hội “Ô-ro”. Từ nay về sau ai nhắc đến tên hội “Ô-ro” thì bắt bỏ tù ngay!

Người Cộng sản trong lớp áo lái xe nhà sứ(2)

Tháng 4/1928, Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam được thành lập. Phan Văn Định - thành viên Hội VNCMTN Đà Nẵng được tổ chức khéo léo bố trí vào thế chân cho tài xế riêng của Công sứ Cô-lôm-bô để tham gia hoạt động trong Hội VNCMTN của Hội An. Với tấm bằng lái xe loại ưu, biết chữa ô tô, giỏi tiếng Pháp, lại từng là tài xế riêng cho một bác sĩ người Pháp ở Đà Nẵng nên anh có đủ tiêu chuẩn mà Công sứ tuyển dụng. Nhưng với con mắt thực dân cáo già, ngay từ đầu Cô-lôm-bô đã nghi vấn và muốn “thử lửa” anh chàng tài xế riêng của mình.

Hôm đầu tiên đến nhận việc đúng vào ngày cuối tuần, Phan Văn Định được lệnh lái xe đưa vợ chồng Công sứ đi Đà Nẵng. Trên đường đi, Công sứ Cô-lôm-bô lục vấn anh về gia đình, tuổi tác, quê quán, sở thích... rồi đột ngột hỏi:

- Tôi biết ở Đà Nẵng có một tổ chức Cách mạng Thanh niên. Nghe nói anh cũng đứng trong tổ chức đó phải không?

Phan Văn Định bình tĩnh tắt máy, dừng xe:

- Tôi muốn làm cách mạng thì dại gì chui vào một nơi mà lúc nào cụ sứ cũng kè kè, vô ra đều có lính xét hỏi. Tôi lấy làm hãnh diện và mong cầu vinh khi được làm tài xế riêng cho ông. Nhưng ngay bữa đầu mà ông còn nghi ngờ như thế, tôi xin phép trả lại cho ông tay lái!

Nói xong, anh bước ra khỏi xe, Công sứ Cô-lôm-bô vẫn không đổi sắc mặt, thản nhiên mở cửa sau bước lên ngồi vào buồng lái, mở máy xe và nói tỉnh bơ:

- Hãy ngồi vào ghế sau với cô Hê-len (vợ hắn), để tôi cầm lái. Bây giờ anh không đủ bình tĩnh nữa rồi!

Cô-lôm-bô mỉm cười đầy ngụ ý nhưng thấy Phan Văn Định vẫn đứng bên vệ đường tỏ ý bỏ đi, nên bước ra khỏi xe nắm lấy vai anh và đẩy về phía xe:

- Anh là người có tư chất, tốt lắm! Tôi thử chơi như vậy, anh đừng tự ái làm gì!

 Phan Văn Định thầm nghĩ: Nếu cứ tiếp tục làm căng sẽ hỏng việc. Anh đổi giọng nói nhẹ:

- Tôi nghe nói ông là người Pháp lịch lãm nên mới tìm đến làm việc cho ông. Nghề của tôi không nên uy hiếp tinh thần, tôi cần phải tỉnh táo và thoải mái đầu óc. Nếu xảy ra chuyện gì, tôi thì chẳng sao vì đây là Tổ quốc tôi, còn ông và bà Hê-len nơi chôn nhau cắt rốn ở tận chính quốc xa xôi!

Vợ chồng công sứ nhìn anh sững sờ. Phan Văn Định bước lại buồng lái:

- Ông hãy xuống ngồi ghế sau, trách nhiệm đưa ông bà đi đến nơi về đến chốn là của tôi!

Từ đó Phan Văn Định trở thành người lái xe của tòa sứ.

Với bộ đồ sốp-phơ mang biển hiệu nhà sứ R.F (Résidence - Fai Foo) anh đã trở thành đầu mối quan trọng của tổ chức và phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Ngày 28/3/1930, Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập, Phan Văn Định được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Một đám cưới giả(3)

 Từ khi Phan Văn Định trở thành người lái xe của nhà sứ thì ga-ra tòa sứ trở thành nơi in ấn, cất giấu tài liệu của Tỉnh ủy. Sang năm 1930, trùm mật vụ La-boóc-đơ được cử sang làm Công sứ ở Quảng Nam thay cho Cô-lôm-bô.

Một lần, La-boóc-đơ bất ngờ kiểm tra ga-ra, tự tay mở các thùng phụ tùng, lật các tấm bạt đậy xe và thỉnh thoảng liếc nhanh cặp mắt thăm dò anh tài xế đang “ngậm bồ hòn” gắng mỉm cười như không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng, La-boóc-đơ bước tới thùng đựng đồ nghề sửa xe. Điếng người vì dưới đáy thùng ấy là hòm tài liệu mật nhưng Phan Văn Định vẫn làm vẻ tỉnh bơ:

- Ngài để tôi mở cho, thùng đồ nghề bẩn quá!

 Thấy anh tài xế mở nắp thùng xáo tung những cờ lê, mỏ lết, kìm, ốc vít… lổn ngổn, La-boóc-đơ quệt mồ hôi trán:

- Thôi được! Xếp cả vào, đưa xe về Cửa Đại tắm biển!

Sau sự việc trên, Phan Văn Định bàn với các đồng chí trong Tỉnh ủy:

- Ga-ra nhà sứ đã không an toàn, ta phải mua một cái nhà để làm cơ quan bí mật cho Tỉnh ủy hoạt động. Để che mắt địch, anh Lắm và chị Dư đang yêu nhau nên tổ chức lễ cưới rồi đến ngôi nhà đó ở.

Huỳnh Lắm cân nhắc:

- Làm như thế khác nào “Thưa ông tôi ở bụi này!”. Vì nhà tôi nghèo xơ xác, một mẹ già với túp lều tranh, giờ bỗng dưng lại có tiền cưới vợ, mua nhà riêng thì làm sao bịt mũi được bọn mật thám! Hay là ta tìm cho cô Dư một người chồng giả?

Phương kế đó được các đồng chí trong Tỉnh ủy nhất trí. Thế là Huỳnh Lắm trở thành ông mối sốt sắng đi tìm một người chồng giả cho người yêu của mình, chuẩn bị lễ cưới, đăng ký xin phép lý trưởng… Người được chọn là một đảng viên thuộc chi bộ Đảng của Duy Xuyên đang làm nghề hớt tóc ở Hội An. Ngày cưới diễn ra như thật, chú rể khăn đóng, áo dài, quần the, còn cô dâu thì đầu chít khăn điều mỏ quạ, tai đeo đôi khuyên vàng trước sự chứng giám của đông đủ bà con họ hàng, bạn bè.

Cặp vợ chồng mới cưới đưa nhau về ở trong một căn nhà tranh vách trét đất sét ở Xóm Da (Cẩm Phô - Hội An) đã được mua sẵn. Hằng ngày, “chồng” ôm hòm đồ nghề đến tiệm hớt tóc Trương Cảnh Mai, còn “vợ” làm nghề tiêu ký nhận hàng về bán lấy hoa hồng. Gian buồng kín được dành riêng cho đồng chí Trần Đại Quả (đặc phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ) và các đồng chí hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam. Nơi đây trở thành cơ quan in báo “Lưỡi Cày”, tờ báo đầu tiên của Tỉnh ủy.

Sau này cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, cả “ông mối”, “cô dâu” và các đồng chí đều bị bắt. Trải qua những năm tháng chịu đựng bao hà khắc của nhà tù, sau này “ông mối” Huỳnh Lắm và “cô dâu” Trần Thị Dư lại gặp nhau trong một mái ấm gia đình hạnh phúc thật sự.

Cộng sản diễn thuyết ở nội ô giữa ban ngày(1)

Tháng 8/1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Trung ương Đảng kêu gọi cả nước đấu tranh mạnh mẽ, ủng hộ và chia lửa với đồng bào Nghệ Tĩnh. Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định tổ chức một cuộc mít-ting giữa ban ngày trong nội ô Hội An. Đồng chí Trần Kim Bảng từ Duy Xuyên được điều về phụ trách diễn thuyết, chi bộ Đảng của Hội An có nhiệm vụ huy động quần chúng, bố trí tự vệ  bảo vệ trật tự và an toàn cho diễn giả.

Đúng như kế hoạch đã bàn, 11h30 trưa ngày 01/9/1930, lúc các công sở vừa tan tầm và cảnh sát các bót đổi phiên gác, quần chúng đã được báo trước lần lượt tập trung về bến ghe trước chùa Quảng Triệu. Mọi người đang chờ đợi người sẽ chủ trì cuộc mít-ting lịch sử này. Bỗng nhiên một anh thanh niên đứng lên chiếc ghế đá dưới bóng cây phượng vĩ, rút từ trong ngực áo ra lá cờ đỏ búa liềm gắn vào một đầu cây gậy phất lên:

- Thưa đồng bào tôi là một người cộng sản!

Lập tức một vòng người quây quanh ghế đá. Mọi người hết sức ngạc nhiên vì anh chàng mặt áo chàm vá, đội nón cời, quần xắn tới bắp vế, tay cầm một cây gậy trông như người chăn trâu ngồi cạnh họ nãy giờ đích thực là nhà diễn thuyết cộng sản.

Dưới bến sông, hai bên đầu đường, trong các ngõ hẻm đồng bào gọi nhau:

- Cộng sản diễn thuyết! Tới nghe cộng sản diễn thuyết bà con ơi!

 Người kéo đến mỗi lúc một đông. Trần Kim Bảng vừa phất cờ vừa nói chuyện tố cáo tội ác của thực dân phong kiến, nêu rõ mục đích đấu tranh của Đảng nhằm giành độc lập, tự do, đưa lại cơm no, áo ấm cho mọi người. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh quần chúng đã nổi dậy giành chính quyền, đồng bào trong tỉnh phải đứng lên đấu tranh, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh...

Mười phút, mười lăm phút... bỗng nhiên quần chúng xôn xao. Tên Hương Một - lý trưởng xã Minh Hương vừa kêu cảnh sát vừa nhảy lên ghế đá định bắt sống người diễn thuyết. Nhưng những cú đấm thốc của đội bảo vệ làm hắn té ngửa. Cảnh sát ập đến nhưng Trần Kim Bảng đã kịp ném nón cời, lột quần áo chăn trâu bên ngoài, theo hướng dẫn của đội bảo vệ chạy vào ẩn trong một ngôi nhà do tổ chức đã sắp đặt trước.

Tên giám binh Gờ-ra-néc tay cầm lá cờ thu được, đạp xe đến nhà sứ, hổn hển báo cáo với Công sứ La-boóc-đơ:

- Thưa ngài! Cộng sản diễn thuyết ngoài chùa Quảng Triệu!

- Thế cộng sản đâu rồi? La-boóc-đơ mặt đỏ ngầu.

- Chỉ thu được cờ này thôi còn cộng sản biến mất!

- Đồ ăn hại! Tôi cần cộng sản chứ không cần cờ. Lục soát toàn thành phố, bắt cho được cộng sản!

Cả thành phố náo động, cảnh sát kêu la, chạy ngược chạy xuôi, huýt còi inh ỏi. Quần chúng đổ ra đường đông như hội. Mọi người rôm rả bàn tán về cuộc diễn thuyết, về cộng sản:

- Cộng sản diễn thuyết hay thật!

- Nghệ Tĩnh là ở đâu mấy bà?

- Có nghe thế mới thấy dân mình gan dạ thật!

- Không bắt được cộng sản đâu, cộng sản biết tàng hình mà!

Chính lúc đó, Trần Kim Bảng với lớp vỏ mới: Áo thâm quần trắng, kiếng mát, mũ trắng, cặp nách tập báo rẽ vào quán nước bên đường mua một gói kẹo vừa đi vừa ăn đến điểm khuất nhanh chóng lách mình trở về cơ quan Tỉnh ủy ở Xóm Da. Tại đây, chị Trần Thị Dư đã chuẩn bị nồi chè đậu xanh đặc sánh cùng các đồng chí trong cơ quan Tỉnh ủy bí mật chờ sẵn cho một cuộc “liên hoan” mừng thắng lợi

“Cảm ơn ngài công sứ!”(1)

Cuộc mít-ting giữa ban ngày ở Hội An gây một tiếng vang lớn. Chính quyền thực dân phong kiến điên cuồng mở một cuộc khủng bố trắng. Cơ quan bí mật của Tỉnh ủy bị bại lộ, các đồng chí trong Tỉnh ủy và đảng viên ở các phủ, huyện lần lượt bị địch phát giác, bắt bớ.

Ngày 22-10-1930, Công sứ La-boóc-đơ bảo Phan Văn Định đánh xe đi công chuyện ở Đà Nẵng nhưng lần này tự cầm lái và bảo Phan Văn Định ngồi vào ghế sau. Đến Vĩnh Điện, đột nhiên La-boóc-đơ quay ngược đầu xe chạy về lại Hội An, vừa lái xe vừa nói chậm rãi :

- Cô-lôm-bô là một công sứ tồi! “Nuôi ong tay áo mà chẳng hay!”. Tôi bắt buộc phải giam giữ anh!

Phan Văn Định vẫn thản nhiên:

- Tại sao tôi bị giam giữ, thưa ngài công sứ?

- Anh tham gia Đảng Cộng sản và tôi cũng xứng đáng để lái xe hầu một vị lãnh tụ cộng sản như anh chứ?

- Không dám! Bây giờ ngài đưa tôi đi đâu đây?

- Nhà lao! Thưa ngài lãnh tụ cộng sản!

- Cảm ơn ngài công sứ!

Đó là mẩu đối thoại cuối cùng giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và công sứ Pháp cầm đầu chính quyền thực dân bảo hộ ở Quảng Nam. Giai đoạn hoạt động dưới lớp áo tài xế nhà sứ của Phan Văn Định chấm dứt từ đây để chuyển sang cuộc đối đầu mới, quyết liệt hơn.

N.V.L

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng