Bút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu Hương

16.03.2018

Bút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu Hương

1. "Dòng ý thức" là một kỹ thuật tự sự hiện đại, chủ yếu dựa vào ký ức và dòng hồi tưởng trong tâm lý nhân vật. Nó được manh nha ở phương Tây từ cuối thế kỷ XIX và đặc biệt phát triển ở đầu thế kỷ XX với những tên tuổi nổi tiếng như Henry James, James Joyce, Virginia Woolf, đặc biệt là Marcel Proust với hành trình Đi tìm thời gian đã mất đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với ý thức và kỹ thuật sáng tác của các nhà văn Việt Nam vào những thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI.

Đặc điểm nổi bật của bút pháp "dòng ý thức" là rất coi trọng ý thức và những phản ánh tâm lý của nhân vật. Sự kiện và chi tiết do vậy chỉ thực sự có ý nghĩa khi được lọc qua "trung tâm ý thức" của nhân vật. Những hình ảnh hiện thực mà nó phản ánh cũng không phải là "hiện thực của hiện thực" mà hiện thực của nội tâm, tâm linh gắn với tâm trạng nhân vật. Cũng vì xoay quanh ý thức nhân vật nên cốt truyện của những loại tác phẩm viết theo bút pháp này cũng thường không rõ ràng, không thể kể và không tóm lược được. Kết thúc tác phẩm cũng không phải bằng cách khép lại như trong hình thức tự sự truyền thống mà nó "mở ra", bỏ lửng hoặc gợi ý đến sự đi vòng ngược lại từ đầu. Với cách viết này các nhà văn đã “khám phá ra phương thức hòa tan thực tại vào một trò chơi những phản chiếu nhiều mối và đa trị của ý thức”(7) nhờ sự nhạy cảm, và trực giác của mình. Làm cho  “những vùng mờ của vô thức, tiềm thức được khai lộ trước mắt người đọc”. Đây thực sự là một kỹ thuật sáng tác hiện đại, mới mẻ, giàu tiềm năng đối với các nhà văn nhưng cũng là một thách thức lớn đối với cảm quan và cách thức tiếp nhận của độc giả. Chính vì vậy có người đã cho rằng những tác phẩm viết theo bút pháp này là “một sự phủ nhận về hình thức, một sự phá vỡ bố cục truyền thống. Một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời”, thậm chí “điên loạn”(3). Dẫu có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí tỏ ý chưa đồng thuận với lối viết "rối rắm" này nhưng đây là một hướng đi mới đầy triển vọng cho văn học thế giới nói chung, văn xuôi Việt Nam nói riêng, cải thiện tình trạng cũ mòn, đơn điệu trong lối viết và sự kém năng động trong tư duy, từng bước làm mới ngôn ngữ và tư duy văn chương.

2. Với khát khao khám phá và chiếm lĩnh thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn của con người, mong muốn vượt thoát ra khỏi những mô phạm của một thời kỳ chỉ quan tâm đến những "đại tự sự" lại có điều kiện tiếp thu những sáng tạo nghệ thuật của các nền văn học trên thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây. Các nhà văn Việt Nam hôm nay đã chứng tỏ tư duy tiếp cận nhanh nhạy, sắc bén, khả năng sáng tạo và bản lĩnh nghệ thuật của mình trong các tác phẩm văn chương qua việc vận dụng thủ pháp dòng ý thức trong sáng tác, có ý thức biến cái "cũ" của người thành cái "mới" của ta. Trong một chừng mực nào đấy nó còn phù hợp với đặc điểm tâm lý người Việt nữa. Thực ra, thủ pháp dòng ý thức đã được các nhà văn thuộc "lớp trước" như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng vận dụng vào tác phẩm một cách khá tinh tế qua việc miêu tả dòng ý thức của các nhân vật. Nhưng trong sáng tác của các nhà văn này, kỹ thuật dòng ý thức mới chỉ tồn tại như một thủ pháp nghệ thuật mang tính cục bộ. Phải đến Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, kỹ thuật dòng ý thức mới được vận dụng một cách triệt để, nhuần nhuyễn. Kỹ thuật của tác phẩm không chỉ thể hiện tư tưởng của tác giả mà còn trở thành một nguyên tắc nghệ thuật chi phối cách tổ chức kết cấu của tác phẩm. Tiếp nối Bảo Ninh, các nhà văn thuộc thế hệ tiếp theo như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận và một số nhà văn khác cũng có xu hướng sáng tác theo bút pháp này. Tuy mức độ sử dụng kỹ thuật sáng tác "đậm - nhạt" khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện sự nỗ lực của các nhà văn Việt Nam hôm nay trên con đường đổi mới văn phong và tư tưởng. Đặc biệt với sự xuất hiện của nhân vật nhà văn như một "hiện tượng" của văn xuôi Việt Nam đương đại, "làm thay" một số công việc của tác giả như định hướng tư tưởng thẩm mỹ, nối kết các nhân vật, sự kiện và hơn hết là làm một số "thí nghiệm" về lối viết và kết cấu tác phẩm... làm cho sự tự mang nội dung của "hai lần hư cấu".

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh được kể lại qua ký ức và dòng hồi tưởng của Kiên - "nhà văn cấp phường" - cũng là một người lính trở về sau chiến tranh với một tâm hồn đã mãi mãi "ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy". Đó là “những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người” của một thời chiến tranh loạn lạc. Sống hôm nay nhưng luôn nghĩ đến hôm qua. Và những sự thật của một cuộc chiến tranh tàn phá, đổ nát, hủy diệt cả nhân hình lẫn nhân tính con người được hiện diện qua dòng lịch sử của tâm hồn Kiên như những mảnh vỡ của tâm trạng đan xen, lồng ghép, chắp nối. “Nhà văn muốn nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn từ bên trong, từ những "mắt bão" nhưng lại triển khai mạch chuyện từ cái nhìn "sau bão"(7). Và nhà văn Kiên bằng hồi tưởng của mình lại muốn dựng lại một “cuộc chiến của riêng anh”. Dĩ nhiên, tiếp xúc tác phẩm người đọc sẽ nhận ra đây là ý đồ nghệ thuật của Bảo Ninh nhưng những gì được triển khai trong tác phẩm lại được thực hiện bởi một "nhà văn khác". Là tôi trong thì hiện tại đang nhìn về Kiên trong quá khứ. Hình thức đồng hiện tạo nên một vòng tròn đồng tâm. Những suy nghĩ của nhân vật có khi trùng khít với suy nghĩ của tác giả. Sự tự thể hiện ấy được hé lộ ngay từ đầu tác phẩm, khi Kiên bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tay với bao trăn trở. Kiên những tưởng sẽ viết được một cách trơn tru lưu loát với một cốt truyện rõ ràng, sự kiện dồn dập, có sự tách bạch cảm xúc, trình tự mạch lạc… Thế nhưng đà viết đã cuốn trôi đi hết mọi dự định hoặc xáo trộn làm mất trình tự và mạch lạc mà anh mong muốn. “Ngay từ chương đầu tiên, cuốn tiểu thuyết của anh đã buông lơi cốt truyện truyền thống, không gian và thời gian tự ý khuấy đảo không kể gì đến tính hợp lý, bố cục bấn loạn, dòng đời các nhân vật bị phó mặc cho ngẫu hứng” và tâm trạng của anh cũng không hơn gì - một tâm trạng đang "mấp mé bờ vực"(5). Ngay từ đầu Kiên đã hé lộ hậu trường văn học của mình làm cho người đọc vừa đọc tác phẩm vừa được chứng kiến quá trình suy nghĩ và viết lách của nhà văn. Cốt truyện do vậy bị cuốn theo dòng tâm trạng của nhân vật, bao gồm cả ý thức và vô thức, giữa những phần tưởng như có thể nắm bắt, sắp xếp được như ý tưởng, cốt truyện hóa ra lại trở thành "bất khả tri nhận" trong ý thức người cầm bút. Đây là một hiện tượng phân rã cốt truyện theo dòng ý thức của nhân vật và cũng là đặc điểm lớn của nghệ thuật tự sự hiện đại. Vì thế “thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính, tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các "mảnh vỡ"của cuộc đời nhân vật chính… Thay vì triển khai tự sự bám vào "cuộc phiêu lưu của nhân vật" nhà văn lại biến tự sự trở thành một "cuộc phiêu lưu của cái viết", nghĩa là sự chắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vỡ, những sự kiện phân tán và rời rạc”(2).

Điều này cũng đúng với trường hợp của Kiên. Sự ý thức của nhà văn về lối viết không kéo được anh ra khỏi "vòng xoáy của nghịch lý hiểm nghèo của bút pháp". Hơn nữa, sự hối thúc mãnh liệt của ý thức "phải viết" để dựng lại một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng vô cùng oanh liệt, yên ủi linh hồn người đã mất và cho người đời sau hiểu được cái giá phải trả và ý nghĩa của cuộc sống hòa bình hôm nay. Đây cũng là lý do khiến anh phải vòng về quá khứ bằng những dòng hồi tưởng nóng hổi. Và nó đã làm cho tác phẩm của anh trở thành một “dòng chảy của tâm linh, thần hứng”, của lối viết tự động. Những sự kiện, biến cố của cuộc chiến do vậy không hiện lên một cách rành rẽ theo trật tự thời gian gắn với từng địa điểm, không gian cụ thể mà đan theo ý thức của nhân vật nhà văn... Ở đây “nhà văn không mô tả trực tiếp hiện thực mà "ghi lại" hình chiếu của hiện thực qua tấm gương của một ý thức cá nhân - một phương thức phản ánh hiện thực mà các nhà nghiên cứu xác định là một phương diện của quá trình “cá nhân hóa hư cấu”(4). Và hiện thực mà Kiên miêu tả không phải từ góc nhìn cận cảnh mà là một cái nhìn xa theo chiều sâu của nó. Có cảm giác Bảo Ninh và Kiên đang sống lẫn lộn giữa tiểu thuyết và cuộc đời. Dòng hồi ức đã đưa nhà văn từ hiện tại lẫn sang quá khứ lúc nào không hay. Có lúc nó được dẫn bởi những từ chuyển đoạn như "hàng bao nhiêu lần", "hồi ấy", "Kiên nhớ lại", "hồi xưa", "người ta kể rằng", "cách đây không lâu"… Cũng có khi nó lại nhập nhòa vào nhau, đan xen nhau tạo nên những kết cấu lỏng mà chặt, rời rạc mà kết dính, đứt gãy mà liên tục. Dòng ý thức được đẩy đến cao độ qua những giấc mơ của Kiên. Những giấc mơ đưa Kiên trở lại với truông Gọi Hồn, với dòng suối, những con đường và những cánh rừng xa thẳm ngút ngàn, gặp gỡ lại những con người đã từng một thời bền gan chiến trận và cuộc sống đầy gian truân của đời lính, cả những cảnh tàn sát đẫm máu và nỗi đau khôn nguôi về thân phận con người. Tất cả đều lần lượt hiện ra trong tâm tưởng anh như "những thước phim quay chậm". Và qua những cơn mơ, anh được sống thật với chính mình vì “mơ bao giờ cũng thực hơn bởi nó là phần sâu nhất của ngã”(7).

Trong văn xuôi đương đại, các nhà văn thường xây dựng dạng tình huống những giấc mơ thông qua kỹ thuật dòng ý thức để biểu hiện độc thoại nội tâm. Nếu như Kiên của Bảo Ninh mơ những giấc mơ dài thì tôi - nhân vật nhà văn trong Phố Tàu của Thuận lại thường mơ những giấc mơ ngắn. Mỗi giấc mơ là một thảm kịch gắn với ký ức về những người thân trong gia đình và nỗi sợ cô đơn của một con người lẻ loi, tha hương xứ người. Có lúc tôi còn mơ ngay cả lúc thức. “Giấc mơ ngắn nhất, chưa đầy một phút đã xảy ra ngay tại lớp học. Tôi và Thụy dẫn thằng Vĩnh ra công viên Thủ Lệ, que kem cốm chưa kịp mút miếng nào thì thằng Vĩnh bị một con đười ươi 18 tháng bắt làm con tin. Tôi sợ quá bưng mặt khóc. Lũ học trò quay ra ngơ ngác”(8). Tạo ra một sự lẫn lộn giữa mơ và thực cũng là một sự thể nghiệm đầy độc đáo của việc sáng tạo theo bút pháp "dòng ý thức".

Cũng sáng tác dựa theo mạch hồi tưởng của nhân vật nhưng nhân vật nhà văn trong Phố Tàu của Thuận thường không sử dụng những lời chuyển để phân biệt quá khứ với hiện tại mà cố ý để cho nó đan xen nhập nhòa bằng những câu văn ngắn. Và hồi ức của một người phụ nữ Việt Nam tha hương được dựng lại trong hai tiếng đồng hồ. Từ khi bắt đầu "Đồng hồ đeo tay chỉ số mười" và kết thúc "Đồng hồ đeo tay chỉ số mười hai" nhưng đã làm sống lại một "thời gian đã mất" gần bốn chục năm với các sự kiện, biến cố không theo một trật tự nào, đặc biệt là sự phân đoạn thời gian. Đây là một kỹ thuật kể chuyện hiện đại với “nghệ thuật sắp xếp sự cố vào trong thời gian”. Một điều đã được Marcel Proust phát biểu trong Đi tìm thời gian đã mất: “những người đã tự tạo cho mình một cuộc sống nội tâm lan tỏa, không để ý gì đến tầm quan trọng của sự cố. Cái thay đổi hẳn trình tự suy nghĩ, chính là một cái gì đó có vẻ như không có chút tầm quan trọng nào nhưng nhờ nó mà đảo lộn cả trật tự các thời gian”(7).

Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh lại được sáng tác theo kỹ thuật lắp ghép nhưng vẫn dựa vào nguồn cảm hứng chính của "dòng ý thức" nhân vật. Đặc biệt qua việc sáng tạo nên những nhân vật song trùng, cuộc sống người này được soi sáng trong ý thức người kia tạo nên một dòng hồi tưởng xoắn kết lẫn lộn. Có lúc nhân vật còn cảm thấy mình không có khả năng ghi nhớ bất cứ điều gì, bị "trượt đi" trong một chiếc hang sâu hun hút, phi thời gian, phi ký ức và nỗi sợ vô hình luôn đeo bám như một "nỗi đau không của riêng ai". “Những dòng ý thức và những mảnh tiềm thức đan vào nhau như một ma trận cực kỳ phức tạp của thế giới bên trong con người. Trật tự tuyến tính giả định của hiện thực bên ngoài bị triệt tiêu, để từ đó một "trật tự" khác của thế giới bên trong được nhìn thấy đúng như chính nó ở một thế giới phi thời gian, phi không gian, bất định, năng động và vĩnh viễn bất khả đoán”(9).

Chính vì vậy ẩn dưới những giấc mơ, những dòng độc thoại triền miên, những "dòng ý thức khốn khổ" là hành trình nhân vật đi tìm mình. Tìm đến những giá trị đích thực của cuộc sống và lời cảnh báo về một thế giới với những con người có nguy cơ bị số hóa, máy hóa, đơn điệu như rô-bốt, “luôn luôn có nguy cơ bị biến dạng, bị nhiễu, bị sai lạc về tín hiệu hoặc mất hút mà không ai cần biết lý do”(1).

3. Do bị cuốn vào dòng chảy của ý thức nên các tác phẩm viết theo bút pháp này có một đặc điểm rất dễ nhận diện, đó là ngôn ngữ đậm chất thơ. Chất thơ được sử dụng với tỷ lệ khá đậm đặc ở tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh qua những câu văn dài, lời văn dồn dập, câu này mở đường cho câu kia theo hình thức móc xích vừa đẹp về ngôn từ lại vừa đậm chất triết lý. Đối với Kiên mặc dù giành cả cuộc đời còn lại của mình cho hành trình tìm về với quá khứ, với ký ức chiến tranh nhưng không phải để bi lụy, để dựng dậy chiến tranh mà tìm về quá khứ để mở con đường đi tới tương lai. “Dĩ vãng không điểm tận cùng và dĩ vãng là vĩnh viễn thủy chung, với tình bạn, tình anh em, tình đồng chí, và nói chung, bất diệt những tình người”(5).

Phố Tàu của Thuận cũng tràn ngập những câu văn giàu chất thơ với nhịp điệu ngắn, cấu trúc lặp làm nên những điệp khúc tạo dư ba trong lòng người. Đó là những kỷ niệm về tình yêu đơn côi: “Tôi đã yêu Thụy như yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn. Yên Khê mãi mãi là điều bí ẩn đầu tiên. Yên Khê”. Và nỗi buồn thấm thía của thân phận tha hương khi những gì của hiện tại đang dần trở thành quá khứ: “Những con sông ở lại sau lưng. Những cánh rừng ở lại sau lưng. Hà Nội đã hoàn toàn ở lại sau lưng”(8).

Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương lại dẫn người đọc vào một không khí sáng tạo mờ mờ ảo ảo giữa mơ và điên của tác giả. Ẩn dưới những dòng hồi tưởng giữa ý thức và vô thức, ngẫu hứng, điên loạn, chắp nối là những câu văn đẫm đầy chất thơ. Thể hiện qua những suy nghĩ hỗn độn của Tính: “Muốn về, cứ về đi. Sương cọ vào nhau rin rít. Mắt chó vàng như trăng”. Cũng có khi nó thể hiện qua lời trần thuật của tác giả: “Lạnh. Khí lạnh. Khí lạnh về. Những hàng cây xám”(6).

Ngay những suy nghĩ rối bời của tôi trong Đi tìm nhân vật cũng tạo thành những câu văn mang nhịp điệu của thơ: “Tôi là ai? Là tôi? Là hắn? Hay không phải là tôi?”.

 4. Việc để nhân vật nhà văn xuất hiện trong tác phẩm và thể hiện một số thí nghiệm trong bút pháp vừa tạo sự dân chủ cho nhân vật, cũng như tạo nên những "khoảng trống", "giếng trời" (từ dùng của Bùi Việt Thắng) cho người đọc được tiếp cận từ nhiều hướng. Đồng thời nhân vật này với quá trình sáng tác của anh ta cũng tạo nên một cấu trúc mới cho tiểu thuyết. Từ kiểu cấu trúc đơn sang kiểu cấu trúc kép, cấu trúc vòng tròn, cấu trúc lồng (lồng tiểu thuyết vào trong tiểu thuyết)... dựa vào dòng ý thức của lịch sử - tâm hồn. Biến văn học thành một dạng của trò chơi rubíc mà muốn "chơi" được nó bắt buộc phải động não, phải tư duy. Điều đặc biệt là các nhà văn thời hậu - Đổi mới bắt đầu tìm kiếm "con người bên trong con người" và những sự thật kín đáo hay những tiềm ẩn đằng sau những sự thật chính thức ai cũng đã biết.

Có người cho rằng: chân lý nghệ thuật chỉ hé lộ với những ai có tri thức, tài năng và lòng dũng cảm. Với việc thí nghiệm bút pháp "dòng ý thức" (được thể hiện qua nhân vật nhà văn), các tác giả đã chứng tỏ sự dũng cảm của mình trong tiếp cận một địa hạt mới của văn chương. Một cái mới khác lạ bao giờ cũng gây nên những thách đố trong cảm quan thẩm mỹ của người đọc và thách thức cả "tay nghề" của tác giả. Tuy nhiên mỗi sự tìm tòi của người nghệ sĩ cũng là một nhân tố tích cực thúc đẩy văn chương phát triển và vì thế nó rất đáng được coi trọng.

P.T.T.H

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng