Nhớ anh tôi -  liệt sĩ Trần Duy Chiến

27.07.2021
Trần Duy Dũng
Mỗi lần đi trên con đường Trần Duy Chiến, con đường được đặt tên người anh trai của tôi và được gắn biển vào đầu năm 2020, tôi không bao giờ nén được nỗi nhớ thương. Con đường rộng và dài bắt đầu từ đường Trương Định đến đường Vương Thừa Vũ...

Nhớ anh tôi -  liệt sĩ Trần Duy Chiến

 Một thoáng nhớ trôi về trong ký ức, nhìn tấm biển đặt tên đường mà nước mắt tôi chảy xuống, tôi chui vào ô tô đóng cửa lại rồi khóc... ! Tôi nhớ ngày chia tay cũng là lần cuối khi ấy còn bà nội, với một bữa cơm rau với vài ba con cá liệt nhỏ xíu bằng ngón tay, thế là anh khoát ba lô lên vai... tôi ra đầu ngỏ đứng nhìn theo... bóng anh tôi xa dần rồi mờ hẳn... !

Rồi tôi lại đón anh về, thành phố Đà Nẵng đón anh về nghĩa trang Gò Cao

Anh về trong túi ni lông

Màu cờ đỏ phủ quanh hồn liệt sĩ

Trần Duy Chiến anh tôi, sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyên Điện Bàn tỉnh Quảng Nam nhưng sinh trưởng tại phường Thọ Quang quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng. Anh là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tham gia tại chiến trường Campuchia. Anh nhập ngủ ngày 07/ 10/ 1978 và sau hai năm chiến đấu trên chiến trường ác liệt, anh đã hy sinh vào ngày 20/8/1980.

Trong hai năm đầy máu lửa đó anh đã viết và để lại cuốn nhật ký chiến trường mà Nhà xuất bản hội nhà văn và nhà văn Đặng Vương Hưng biên tập lấy tựa đề là “Tây tiến viễn chinh”.

Tôi nhớ ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật còn sống,  khi vào Đà Nẵng, tôi có đưa anh đi thăm thú nhiều cảnh đẹp, nhiều con đường thành phố Đà Nẵng.  Trong buổi trò chuyện Nhà thơ Phạm Tiến Duật mong ước một điều là tên liệt sĩ Trần Duy Chiến được đặt tên một con đường của thành phố này. Và hôm nay tên đường Trần Duy Chiến đã hiện diện trên thành phố thân yêu này.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả của bài ca nối tiếng một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, với đường ra trận mùa này đẹp lắm.... những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến ... như tình yêu nối lời vô tận... Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn Tây hào hùng lãng mạn, khi đọc nhật ký của Trân Duy Chiến có nhận xét: “Trần Duy Chiến mới là người viết thật. Đói thì viết đói. Đau thì kêu rên. Sợ chết thì nói là sợ chết! Đây mới thực thụ là một con người, một người lính với hình hài bằng xương bằng thịt…”

Tôi rất xúc động khi đọc lại những dòng tâm huyết của Nhà thơ Đặng Vương Hưng viết về giây phút cuối cùng của anh tôi: “Sáng sớm ngày 20-7-1980, trên đường đi truy quét định, tiểu đội của Trần Duy Chiến đã không may sa vào ổ phục kích của chúng. Tiểu đội chỉ có 5 người, mỗi người đi cách nhau 10 mét, Chiến là A trưởng nên đi đầu. Một quả mìn địch gài trên đường bất ngờ phát nổ đã khiến một đồng đội đi sau Chiến bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải. Đồng đội kể lại: Trước khi kiệt sức vì mất máu nhiều, Chiến còn bắn hết một băng AK về phía bọn địch, rồi mới gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta lên tới nơi, thì Trần Duy Chiến đã hy sinh. Khuôn mặt của anh bị bọn địch bắn nát, không thể nhận ra. Anh Nguyễn Văn Chính, người bạn đồng hương thân thiết nhất, cùng đại đội, mà nhiều lần Trần Duy Chiến đã nhắc tới trong nhật ký, kể lại: Chính anh là người đã trực tiếp vuốt mắt cho Chiến. Hồi đó, mặt trận này rất ác liệt, mấy ngày sau, khi chiếc xe ô tô chở thi hài Chiến và một số liệt sĩ khác về gần tới Pai-lin, lại bị trúng mìn chống tăng lần nữa. Xe cháy và hỏng hết. Thêm một cán bộ của ta hy sinh. Như thế, có thể nói Trần Duy Chiến đã hy sinh tới hai lần! Năm 1984, hài cốt của Trần Duy Chiến được quy tập từ Campuchia về nước. Đầu tiên, ngôi mộ của anh được đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Thuận Giao, tỉnh Sông Bé. Sau đó, được sự trợ giúp của một số đồng đội, gia đình đã xin chuyển hài cốt của liệt sĩ về quê. Tôi cũng có may mắn được tham gia chuyến đi cùng việc làm thiêng liêng và nhân văn đó”.

*

Đọc cuốn Tây tiến viễn chinh có nhiều đoạn văn đầy rung cảm, buồn và đẹp đến nao lòng:

"Tôi như cánh cò hoang dưới trời nhạt nắng, lang thang tìm chút dư hương, trên đồng vắng lững lờ không nơi trú ẩn. Cò bay mãi... cho tôi được nhìn quê hương qua đôi mắt nhỏ, tôi không ước mơ danh vọng cao sang, bạc vàng châu báu, tôi chỉ giữ lại trong tôi hình ảnh một buổi chiều êm ả khi nắng vàng nhộm mái tóc em".

Và còn đây nữa khi người lính nói thật lòng minh :

“Mẹ ơi! con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá mà con đang mặc, nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc, con muốn trở về bên mẹ, để những chiều mưa không làm con ướt và lạnh cóng, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân, để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, con chuột chạy không làm con phải giật mình ôm súng nhảy vọt ra công sự , để những cánh rừng rậm không làm phủ kín những ước mơ của con...”

Và đây như là lời trăn trối:

"Nếu một mai tôi chết thì cuốn nhật ký này sẽ là những gì còn lại của cuộc đời tôi, đó là một người bạn vô tư trong sáng và thủy chung mà tôi yêu quý nhất, tất cả tâm hồn và khối óc tôi đã trao gởi vào đây. Nếu một mai tôi không còn nữa xin dành những ước mơ đẹp nhất cho quê hương yêu dấu... !"

Xin mượn lời của nhà văn Chu Lai cũng là người anh thân tình của tôi đã viết về Trần Duy Chiến:

"Xin dành một vòng hoa trắng cho anh, và cũng xin dành một vòng hoa đỏ nữa cho anh, cho những con chữ bay lên từ tâm hồn người liệt sỹ" .

Tôi nhìn lên bảng tên đường màu xanh mang tên Trần Duy Chiến bên kia đường và mường tượng như thấy thấp thoáng linh hồn anh tôi ở đó.

 T.D.D