Đà Nẵng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử  

10.10.2020
Nguyễn Nho Khiêm

Đà Nẵng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử   

 

Trong thời gian qua, các hoạt động văn hóa của thành phố ngày cành phát triển và đi vào chiều sâu. Hệ thống Bảo tàng của thành phố thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật và Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Nhà trưng bày Hoàng Sa là một địa chỉ văn hóa, lịch sử mới của thành phố, nằm ở vị trí thuận lợi đón khách tham quan. Nhà Trưng bày tuy không gian còn nhỏ nhưng ý nghĩa lịch sử rất lớn, nơi đây đã trưng bày một cách thuyết phục bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa từ thời vủa Minh Mạng đến nay. Trong thời gian qua. chúng ta đã phát huy tốt giá trị của Nhà Trưng bày Hoàng sa, góp phần giáo dục lòng yêu nước, khẳng định chủ quyển biển đảo của Việt Nam.

Việc bảo tồn, phát huy các di tịch lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tôi dùng từ “chuyển biến mạnh mẽ”, bởi vì như chúng ta biết, Hải Vân Quan được phong là “Đệ Nhất hùng quan” nằm ngay trên đỉnh đèo Hải Vân tuyệt đẹp nhưng bỏ hoang phế. UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ di tích, và đã được được Bộ VH-TT-DL công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là chúng ta bảo tồn, phát huy gia trị Hải Vân Quan như thế nào để làm sống dậy văn hoá vùng tây – bắc của thành phố. Tôi thấy các giá trị văn hóa vùng tây – bắc của thành phố, mà cụ thể là vệt không gian văn hóa từ Nam Ô – sông Cu Đê - đèo Hải Vân và di tích Hải Vân quan chưa được đánh thức. Nếu vùng không gian văn hóa này được tôn trọng, phát huy, không bị các dự án kinh tế, nhà cao tầng che lấp thì vùng tây – bắc của thành phố sẽ phát lộ các giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Đà Nẵng.

 Đặc biệt, chúng ta vui mừng và tự hào khi di tích “Thành Điện Hải” đã được Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Di tích Thành Điện Hải một thời gian dài bị lấn chiếm, bị hủy hoại và dường như bị “xóa sổ” trong ý thức cũng như trong hành động của các cấp lãnh đạo.

Vừa qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có những quyết định khôi phục, tôn tạo, phát huy Thành Điện Hải là một việc làm đáng trân trọng đối với những giá trị mà tiền nhân đã để lại. Những ứng xử cao đẹp của chúng ta ngày hôm nay đối với Thành Điện Hải là một dấu mốc lịch sử đáng ghi nhớ của ngành văn hóa thành phố.

Đà Nẵng không phải là thành phố “không có ký ức” như một số người nhận định. Hãy đến Nghĩa địa Y Pha Nho (nghĩa địa Pháp – Tây Ban Nha), Nghĩa trũng Khuê Trung, hãy lên bán đảo Sơn Trà, hãy về Nam Ô, hãy đến vườn đình Khuê Bắc tại Ngũ Hành Sơn… sẽ còn bao “ký ức” còn tiềm ẩn nơi đây. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng tiến lên phía trước văn minh, hiện đại nhưng không được hủy hoại các giá trị văn hóa truyền thống. Đà Nẵng càng hiện đại, văn minh thì càng cần bản sắc đậm đà truyền thống của bao lớp người đi trước để lại cho chúng ta.

Ứng xử đúng đắn với di tích lịch sử, văn hóa trong môi trường phát triển đô thị nhanh như Đà Nẵng là công việc không dễ dàng. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố bước đầu được quan tâm thực hiện tốt. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; một số phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm.

Rất tiếc trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19 các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trên thành phố có chững lại. Hy vọng với sự nỗ lực chung, trong thời gian tới đời sống văn hóa Đà Nẵng tiếp tục phát triển xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch của đất nước.