Thiếu "biên kịch vàng" cho điện ảnh, truyền hình Việt
Phim “Hạ cánh nơi anh” là tác phẩm của “biên kịch vàng” Park Ji-eun, người nhận thù lao hơn 2 tỉ đồng một tập phim. (Ảnh: SHELIKE.ASIA)
Đây được cho là nguyên nhân khiến điện ảnh, truyền hình Việt chưa có được những kịch bản đột phá, sáng tạo với đội ngũ "biên kịch vàng" gắn liền các tác phẩm chinh phục khán giả.
Thị trường phim Hàn Quốc phát triển mạnh, kịch bản là yếu tố góp phần lớn bên cạnh các yếu tố khác về đạo diễn, diễn viên... Nhiều phim Hàn Quốc với các đề tài đa dạng, mới lạ từ cổ trang đến hiện đại, từ cuộc sống người bình dân đến giới thượng lưu, từ tình cảm xã hội đến trinh thám, tội phạm đều được khai thác sâu nhiều chiều, chinh phục được khán giả.
Nhiều nhận định cho rằng phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc thành công phần lớn nhờ đội ngũ "biên kịch vàng" tài năng. Đây là một đội ngũ biên kịch không chỉ có được thù lao cao ngất cho mỗi phim mà còn có quyền chọn lựa đạo diễn, diễn viên cho dự án của mình trong khi ở thị trường Việt đây là đặc quyền của nhà sản xuất, nhà đầu tư vốn vào dự án.
Những "biên kịch vàng" của phim truyền hình Hàn Quốc như Kim Eun-sook - tác giả của kịch bản phim "Hậu duệ mặt trời", "Khu vườn bí mật"... - thù lao nhận được gần 2 tỉ đồng mỗi tập phim; Park Ji-eun, người viết kịch bản phim "Vì sao đưa anh tới", "Hạ cánh nơi anh"..., thù lao hơn 2 tỉ đồng một tập phim; Kim Soo-hyun, biên kịch của phim "Sự phẫn nộ của người mẹ", cũng có thù lao hơn 2 tỉ đồng mỗi tập; Park Hye-ryun, biên kịch phim "I hear your voice", "Pinocchio"..., thù lao hơn 1 tỉ đồng mỗi tập.
Các con số thù lao này sẽ càng tăng lên khi thương hiệu của các biên kịch tăng theo qua số lượng phim thành công. Biên kịch phim điện ảnh Hàn Quốc cũng nhận thù lao nhiều hơn so với phim truyền hình do vốn đầu tư các tác phẩm điện ảnh luôn cao hơn. Chính vì nhận được thù lao tương xứng với công sức lao động, biên kịch Hàn Quốc có sự cạnh tranh cao để khẳng định tên tuổi, thương hiệu.
Những người đã có được thương hiệu cũng phấn đấu hết mình để giữ vững tên tuổi, tránh sự đào thải của thị trường. Thêm vào đó, nguồn thu nhập sau mỗi phim ăn khách đủ để cho các biên kịch tăng khoảng cách nghỉ ngơi giữa các dự án. Họ đi du lịch tìm ý tưởng, bỏ thời gian trải nghiệm cuộc sống, tìm kiếm nguồn cảm hứng để cho ra các tác phẩm tiếp theo chứ không chạy theo số lượng. Vốn đầu tư các dự án phim cao cũng là động lực giúp các biên kịch tự do sáng tạo, không ngại ngần đưa những yếu tố đòi hỏi nhiều kinh phí vào kịch bản.
Trong khi đó, ở thị trường Việt, thù lao biên kịch mảng điện ảnh vẫn ở mức dưới 1 tỉ đồng, mức trung bình thông thường từ 400 - 500 triệu đồng, một số dự án kinh phí cao dao động từ 500 - 700 triệu đồng. Ở truyền hình, thù lao cho biên kịch vẫn chỉ dao động quanh con số vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng mỗi tập. Nhiều năm qua, các con số này có tăng nhưng không đáng kể và chỉ những biên kịch có danh tiếng mới nhận được thù lao tương đối, còn những biên kịch trẻ, mới vào nghề, làm chung nhóm với các biên kịch khác thì sống với nghề khá chật vật.
Đội ngũ trẻ không nhiều sân chơi, khó có cơ hội tiếp cận với nhà sản xuất; còn đội ngũ đã có được vị trí riêng cũng không nhiều động lực thử sức cái mới, cứ theo khuôn mẫu lâu nay để đáp ứng nhu cầu nhà sản xuất hơn là đưa ra ý tưởng mới thuyết phục nhà sản xuất làm theo, là hiện trạng chung của biên kịch Việt hôm nay.
(nld.com.vn)