Nhạc cổ điển Việt Nam: Những thanh âm hy vọng

03.11.2021
Tuấn Phong
Giống như các lĩnh vực khác của đời sống văn học nghệ thuật, nhạc cổ điển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID - 19. Nhưng trong muôn vàn khó khăn ấy, những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã không ngừng nỗ lực để tạo nên những điểm sáng hy vọng...

Nhạc cổ điển Việt Nam: Những thanh âm hy vọng

Nhạc trưởng Lê Phi Phi (trái) và NSƯT Vương Thạch trong một buổi Hòa nhạc trực tuyến.

Trong điều kiện bình thường, so với các loại hình khác ở lĩnh vực âm nhạc nói riêng cũng như văn học nghệ thuật nói chung, nhạc cổ điển đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Huống hồ, khi dịch bệnh bùng phát, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải tạm dừng hoạt động thì con đường đến với khán giả của loại hình âm nhạc này lại càng chông gai hơn. Cũng như trên thế giới, các nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật này phải tìm mọi cách để thích nghi, nhạc cổ điển Việt Nam vẫn có được những hoạt động ý nghĩa giữa những ngày dịch bệnh.

Cuối tháng 9 vừa qua, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đồng hành và phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa và Đại sứ quán Nga, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức buổi Hòa nhạc thính phòng ghi hình (không khán giả) mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của nhà soạn nhạc Nga vĩ đại Secgey Prokofiev tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện ANQGVN. Chương trình được đầu tư, dàn dựng công phu giới thiệu những tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc này thông qua biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Mặc dù chương trình không có khán giả theo dõi trực tiếp sự cống hiến hết mình của các nghệ sĩ cho một chương trình quy mô, hoành tráng đã tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống nghệ thuật nước nhà.


Trước đó, với mong muốn đóng góp tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân đã kết hợp cùng các nghệ sĩ nổi tiếng 2 miền Nam - Bắc tổ chức một buổi hòa nhạc online dưới sự ủng hộ của Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam vào ngày 8-8. Buổi hòa nhạc có sự tham gia của Trưởng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam cùng các nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Sỹ Luân, nghệ sĩ Opera Đào Tố Loan, nghệ sĩ thính phòng Đỗ Tố Hoa, nghệ sĩ xẩm Thu Phương...

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cho biết, chị và các đồng nghiệp mong muốn được đứng trên sân khấu trực tiếp biểu diễn cho công chúng nhưng vì điều kiện dịch bệnh nên phải cậy nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ. Đây cũng là dịp để nghệ sĩ 2 miền đất nước tụ họp, truyền tải thông điệp về sự đoàn kết, niềm tin vào sức mạnh tinh thần thông qua các tiết mục nghệ thuật.

Buổi biểu diễn cũng là hoạt động đánh dấu sự kiện nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân được bổ nhiệm làm "Đại diện danh dự Âm nhạc Rumani tại Việt Nam". Đây là danh hiệu được công nhận của Bộ Ngoại giao Rumani, có hiệu lực trọn đời. Danh hiệu này không chỉ là vinh dự to lớn với bản thân nghệ sĩ mà còn là cơ hội để giới thiệu âm nhạc cổ điển Việt Nam bước ra với bạn bè thế giới.

Trong mất mát và đau thương do dịch bệnh gây ra, âm nhạc đã trở thành món ăn tinh thần xoa dịu nỗi đau tinh thần. Nhiều chương trình nghệ thuật đã được các nghệ sĩ đứng ra tổ chức còn mang đến ý nghĩa thiết thực cho những người dân còn gặp nhiều khó khăn. Như tên gọi "Chia sẻ để gần nhau hơn", chương trình hòa nhạc kết nối người dân Việt Nam và các nước Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã được tổ chức cuối tháng 6 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ: nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy từ châu Âu, NSƯT Vương Thạch cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Thu Minh từ Singapore...

Với những tác phẩm đỉnh cao, buổi hòa nhạc được giới chuyên môn đánh giá thực sự đã mang đến những giai điệu của hy vọng. Chương trình không chỉ quyên góp, hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID - 19 mà còn kết nối trái tim, xoa dịu tâm hồn con người bằng âm nhạc. Tương tự, nhiều buổi hòa nhạc khác cũng được trình diễn trên nền tảng số. Tiêu biểu như buổi hòa nhạc điện tử Việt - Đức mang chủ đề "Nghe những gì còn lại... và hơn thế nữa" (ngày 5-7) tại Viện Goethe Hà Nội của nghệ sĩ Nhung Nguyễn (Hà Nội) và Cedrik Fermont (Đức). Chương trình là sự kiện thuộc dự án Reconnect - giúp hiện thực hóa các cơ hội gặp gỡ xuyên quốc gia bằng hình thức cộng tác trực tuyến.

Không chỉ có những sự kiện âm nhạc mà sự nỗ lực của nhiều nghệ sĩ đã tạo được những điểm sáng hy vọng cho nhạc cổ điển Việt Nam. Những ngày cuối tháng 3, trong chương trình hòa nhạc Evolution Vol.2 - "Hành trình âm nhạc qua bốn thời kỳ" tại Không gian của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội, nghệ sĩ piano trẻ Lưu Đức Anh và những người bạn cùng chí hướng đã mang đến một bữa tiệc âm nhạc thú vị. Anh cùng những đồng nghiệp của mình đã đưa người xem đi qua bốn không gian của 4 thời kỳ âm nhạc khác nhau; tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn và hiện đại.

Tốt nghiệp thủ khoa bậc đại học và cao học chuyên ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Hoàng gia Liegơ (Bỉ), sau đó là khóa nâng cao tại Học viện âm nhạc Manmo (Thụy Điển) cũng như  là người sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, có đầy đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp ở những quốc gia có nền âm nhạc phát triển, nhưng Lưu Đức Anh lại quyết định về nước khởi nghiệp. Nghệ sĩ sinh năm 1993 này đầu quân cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và trở thành một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất. Để hiện thực hóa mong muốn tạo không gian ươm mầm tài năng âm nhạc cổ điển cho đất nước, anh mạnh dạn thành lập trường âm nhạc Inspirito.

Hay, việc "thần đồng piano" Nguyễn Việt Trung đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18 đã thực sự là một tin vui giữa mùa dịch bệnh. Hơn 40 năm sau giải nhất của NSND Đặng Thái Sơn, Việt Nam mới có thêm một nghệ sĩ lọt vào vòng chung kết cuộc thi piano danh giá bậc nhất thế giới này. Nguyễn Việt Trung là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 87 người bước vào vòng biểu diễn cuối cùng được tổ chức vào tháng 10 tại thành phố Warsaw (Ba Lan).

Được biết, sau 2 lần hoãn vì dịch bệnh COVID-19, cuộc thi đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ piano đến từ nhiều quốc gia trên thế giới bằng hình thức gửi bản ghi âm. Từ 500 bản ghi âm, ban giám khảo đã chọn ra 164 người đủ điều kiện và chỉ có 87 người được biểu diễn trực tiếp ở vòng sơ kết). Trước đó, Nguyễn Việt Trung là nghệ sĩ trẻ từng sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế danh giá như giải Nhất cuộc thi "Emmy Alberg" 2015; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi tài năng trẻ piano Zyrardow 2006; Giải Nhì cuộc thi "Chopin quốc tế" dành cho tài năng trẻ 2010; giải Nhì cuộc thi piano quốc tế Rotaract - Rotary (Tây Ban Nha)...

Trước khi dịch bệnh bùng phát, dù chưa được như mơ ước nhưng với sự nỗ lực của những người làm nghề, nhạc cổ điển đã có nhiều chuỗi chương trình thường niên, đẳng cấp. Tiêu biểu như chuỗi chương trình "Hòa nhạc Toyota" đã trở thành thương hiệu quen thuộc với khán giả hằng chục năm nay. Số tiền thu được từ bán vé đêm nhạc này tại Việt Nam đều được dành trọn cho quỹ học bổng hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc với gần 1.000 suất đã được trao.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID - 19 đã làm mọi thứ thay đổi. Trên thế giới, đại dịch COVID - 19 có ảnh hưởng nặng nề đến âm nhạc cổ điển, đặc biệt là ở các nước châu Âu - nơi được ví như cái nôi của âm nhạc cổ điển. Ở mọi quy mô và hình thức, từ nghệ sĩ trực thuộc các dàn nhạc quốc gia, các nhóm nhạc thính phòng tư nhân đến những nghệ sĩ tự do đều phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay. Không được biểu diễn đồng nghĩa với không có thu nhập. Từ cá nhân nghệ sĩ đến đơn vị đều đứng trước khó khăn về tài chính.

Mặc dù chính phủ một số nước như Pháp, Anh, Đức đều có những chính sách ưu tiên để phục hồi văn hóa, bao gồm các đề xuất các khoản đầu tư cho nghệ thuật. Tuy nhiên, điều đó chỉ giúp giảm bớt phần nào những khó khăn trong đời sống. Giống như các nghệ sĩ trên thế giới, các nghệ sĩ Việt Nam cũng đã xoay xở thay đổi hoàn cảnh bằng các buổi biểu diễn không khán giả, biểu diễn nhóm khán giả nhỏ hoặc độc tấu... Hy vọng rằng, cùng với việc dịch bệnh sẽ dần được khống chế, sự nỗ lực không ngừng của những người làm nghề, nhạc cổ điển Việt Nam sẽ dần viết thêm thật nhiều thanh âm hy vọng.

(vnca.cand.com.vn)