Nhà văn Từ Kế Tường: Còn viết là hạnh phúc
02.01.2018
Hiện nay, nói đến nhà văn viết cho thiếu nhi hay tuổi mới lớn, nhiều người nghĩ ngay Nguyễn Nhật Ánh. Thế nhưng có một nhà văn có hàng trăm tác phẩm viết về lứa tuổi này, sau 20 năm vắng bóng vừa trở lại với bạn đọc.
Đó là Từ Kế Tường, nhà văn sinh năm 1948 tại Bến Tre, người có nhiều tác phẩm neo lại trong lòng bạn đọc tại miền Nam từ trước 1975 cho đến nay.
NXB Văn hóa Văn nghệ vừa tái bản cùng lúc 3 truyện dài Mối tình như sương khói, Áo tím qua đường, Còn những bóng mưa tan viết về tuổi mới lớn của Từ Kế Tường. Ba tập truyện này đều được xuất bản lần đầu vào năm 1972 và 1974, sau đó bị thất lạc vì tác giả không còn lưu lại sách.
Trong một lần, nhà văn Từ Kế Tường quen được một bạn đọc trên mạng xã hội và người đó nói đang còn giữ 3 bản sách này. Nhà văn mở lời xin lại những đứa con thất lạc của mình nhưng vị độc giả này không cho vì 3 cuốn sách với họ là kỷ vật gắn bó mấy chục năm. Vị độc giả tốt bụng đã ngồi gõ lại trên máy tính từ đầu đến cuối cả 3 cuốn truyện dày gần ngàn trang in rồi gửi e-mail cho tác giả. Chính nhờ vị độc giả này, ba tác phẩm tưởng đã biến mất khỏi cõi đời của nhà văn Từ Kế Tường mới có duyên tái ngộ. Điều này cho thấy, độc giả của nhà văn Từ Kế Tường có một tình yêu nhất định đối với tác phẩm của ông. Nhà văn cho biết, khi biên tập 1 trong 3 cuốn sách này của ông, bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn hóa Văn nghệ, đã rưng rưng xúc động. Nếu đứng ở góc độ một bạn đọc thông thường, không riêng bà Thảo mà rất nhiều người đã xúc động trước các câu chuyện của nhà văn Từ Kế Tường, với ngôn từ đẹp, buồn và nhân văn.
Nhà văn Từ Kế Tường đến với nghề văn, nghề báo khá sớm và ông chỉ làm một nghề duy nhất là viết và viết. Năm 19 tuổi, nhà văn làm cho một tờ nhật báo, phụ trách mảng thiếu nhi và viết truyện dài kỳ đăng hàng ngày. Lúc đó, tuần báo Tuổi Ngọc dành cho tuổi mới lớn chuẩn bị ra số đầu tiên, nhà văn được đề nghị viết một truyện dài kỳ đăng hàng tuần. Và ông đã viết truyện dài Huyền xưa, đăng báo xong được in ngay thành sách, xem như tác phẩm đầu tay của ông. Lúc đó, Tuổi Ngọc bán rất chạy và truyện của nhà văn Từ Kế Tường được nhiều người tìm mua. Ở Tuổi Ngọc, Từ Kế Tường không chỉ viết mà ông còn lo luôn công việc bếp núc của báo, cũng như sau này ông làm Thư ký Tòa soạn Báo Công an TPHCM.
Nói về Huyền xưa, nhà văn Từ Kế Tường hồi tưởng: “Đây là tác phẩm hư cấu… 70%, chỉ có 30% là dính dáng tới tình cảm lãng mạn của tôi khi vừa bước sang tuổi 19. Cô Cúc Huyền trong truyện là có thật, ở một thị trấn nhỏ vùng cao nguyên mà một lần tôi lên thăm gia đình người chị bà con tình cờ quen nhau. Khi tôi trở lại thị trấn nhỏ này thì Cúc Huyền bị bệnh nặng và qua đời, tôi và Tiểu My, bạn thân của Cúc Huyền đi lang thang gần hết thị trấn trong một cơn mưa bụi lạnh tái tê vùng cao nguyên. Tình đầu của tôi đó, rất lãng mạn và rất buồn. Thế là tôi viết Huyền xưa bằng chính trái tim u buồn của mình. Và có thể vì ai cũng một lần có trái tim u buồn như vậy nên tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt. Những năm trước đây, khi NXB Trẻ tái bản Huyền xưa cũng in được số lượng lớn”.
Có thể ví von rằng, Từ Kế Tường và Nguyễn Nhật Ánh là 2 lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa, Hai ông đều viết rất khỏe chung một mảng đề tài thiếu nhi và tuổi mới lớn. Nếu Nguyễn Nhật Ánh tạo nên một kho tàng về tuổi thơ, thì Từ Kế Tường cũng có một “thiên đường không tuổi” từng khiến nhiều độc giả nhận thấy mình trong đó. Điểm tương đồng của 2 nhà văn này đôi khi khiến độc giả nhầm lẫn. Một dạo, cộng đồng mạng tranh cãi tập truyện Bờ vai nghiêng nắng là của Nguyễn Nhật Ánh hay Từ Kế Tường. Nhà văn của “thiên đường không tuổi” xác nhận: “Đúng là có chuyện vui này. Đây là cuốn truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Từ Kế Tường, khi xuất bản lần đầu tiên nó mang tên là Đường phượng bay, đến khi NXB Trẻ tái bản vào năm 2000, tôi có sửa chữa và viết thêm chương kết cho đầy đặn và “có hậu” hơn, vì lần đầu cái kết gần như bỏ lửng khiến độc giả trách, tại sao tôi “ác” với nhân vật chính trong truyện. Còn lý do tại sao cư dân mạng “nhầm lẫn”, có lẽ do tôi và Nguyễn Nhật Ánh viết rất nhiều tác phẩm cho lứa tuổi học trò nên các bạn trẻ mới “nhầm lẫn”. Dẫu sao, đây cũng là một chuyện vui… của làng văn nghệ”.
Nhà văn Từ Kế Tường đã về hưu tính theo tuổi hành chính và ông về quê ở Bến Tre, tạm xa phố thị ồn ào. Nhưng với văn chương chữ nghĩa, ông vẫn viết rất khỏe các thể loại và tên ông vẫn xuất hiện đều đặn trên nhiều ấn phẩm báo chí. Ông nói, với tôi không có gì dễ dàng hơn khi viết và viết, còn viết là hạnh phúc!
Nhà văn được người đời nhớ đến không gì khác ngoài tác phẩm. Từ Kế Tường có hơn 100 tác phẩm đủ thể loại (thiếu nhi, tuổi mới lớn, chân dung văn nghệ, truyện hình sự, kịch bản phim…), trong đó có hơn 50 tác phẩm viết cho thiếu nhi mang tên chung Thiên đường không tuổi. Tác phẩm của Từ Kế Tường nếu được tái bản mỗi tháng một cuốn, thì phải mất hơn 10 năm mới in hết sách của ông.
Hoàng Nhân
(sggp.org.vn)
Hoàng Nhân
(sggp.org.vn)
Có thể bạn quan tâm
Nhà thơ Vương Cường: Dấu chân không có trên lối mòn“Thương ngàn” - chỉ dấu sinh thái từ nghề báo, nghiệp văn Vĩnh QuyềnNhà văn Nguyễn Văn Bổng: con trâu là đầu văn nghiệpCHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Vạn Lộc - Hồn nhiên sống cùng thơViết về chiến tranh là viết về tình yêu và thân phậnLê Anh Dũng: Mắt phù sa - Ẩn tích chân thường.Trúc Cương, rượu và thơNhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Tế Hanh (20.6.1921 -2021), nhớ về những kỷ niệm cùng ôngNhà thơ viết phê bìnhNhững căn rể của sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1954