Cây bút đa thanh đất Quảng

20.12.2022
Nguyễn Thị Thu Thủy
Nam Xương tửu quán (NXB Hội Nhà văn - 2022) là tập sách thứ 11, nhà văn Trương Điện Thắng ra mắt bạn đọc ở những ngày cuối của năm 2022 nhằm ghi dấu một chặng đường sáng tác ở tuổi thất thập cổ lai hy.

Cây bút đa thanh đất Quảng

Trương Điện Thắng là một trong những cây bút tài hoa của văn hóa - nghệ thuật đất Quảng, có thâm niên và từng đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2017, 2019 cùng nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Đà Nẵng. Với 10 đầu sách xuất bản ở mọi thể loại, Trương Điện Thắng đã chứng tỏ một ngòi bút đa dạng cùng niềm say sưa với văn chương nghệ thuật. Đọc trang viết của ông, ta hiểu thêm nhiều điều về văn hóa truyền thống, lịch sử phát triển của vùng đất xứ Quảng.

Những ký ức không ngủ yên

Phần đầu của cuốn sách gồm 9 truyện ngắn, là hồi ức không quên về chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh, được lồng trong câu chuyện tình yêu; qua đó gửi gắm những suy ngẫm về thế sự, về quy luật cuộc đời. Nhà văn đã tạo ra những tình huống có vấn đề, có thể là cuộc hội ngộ sau cả nửa đời lạc mất; có thể là chia xa mãi nhưng tâm hồn đôi lứa vẫn hướng về nguồn cội, về những kỷ niệm thân thương thời thơ bé. Tình yêu chỉ là cái phông nền để nhà văn lộ dần những ý tưởng ẩn đằng sau câu chuyện: Cây mai hạ, Đêm ấy ở Woodland, Một giấc mơ dài, Lời cầu hôn ở biển… Truyện ngắn được lấy tên đặt cho cả tập sách là Nam Xương tửu quán, viết về những chí sĩ yêu nước ở xứ Quảng những năm 1933, 1934. Trần Cao Vân và Trần Hàn có mối thâm tình đặc biệt bởi họ là những sĩ phu vừa uyên thâm, vừa có chí hướng cứu đời. Tửu quán ấy là nơi họ thường xuyên trò chuyện và đây cũng là nơi con cháu 2 gia đình gặp gỡ, luận bàn thế sự. Sông cũ người xưa, Cái ảng nước, Xóm cũ… là dòng hồi ức về kỷ niệm đã qua với những nhân vật từ làng quê chuyển ra học nghề ở phố hoặc đi tản cư xa quê nhưng ý thức gìn giữ gốc gác, cội nguồn không hề phai nhạt trong họ.

Ở chùm truyện ngắn của Trương Điện Thắng, hồi ức về chiến tranh luôn có mặt, trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Thời thế vần xoay khiến con đường dấn thân của một thế hệ phải chia nhiều ngã rẽ nhưng ở họ ý thức dân tộc không bao giờ bị chi phối. Chiến tranh cùng những mất mát không làm họ hận thù hay đổ lỗi mà càng làm cái nhìn của họ bao dung và nhân hậu hơn. Về thi pháp, truyện ngắn của Trương Điện Thắng kết cấu hợp lý, cách kể giản dị nhưng thu hút, ngôn từ đậm đặc chất Quảng Nam. Nhà văn luôn tìm được chi tiết “đắt” để xoáy vào, từ đó làm bật lên thông điệp cần nhắn gửi. Lối kết thúc mở trong truyện ngắn của ông thường giàu tính triết luận, vừa khơi nguồn cho khả năng đồng sáng tạo ở độc giả, vừa gợi lên những dư vị mênh mang: Trong cái im lặng của cây còn có tâm hồn người bền quyện (Cây mai hạ); Cuộc đời nào rồi cũng như giấc mơ dài, chỉ có điếu thuốc này là ngắn (Một giấc mơ dài)

Những câu chuyện của hôm nay

Tôi thật ấn tượng với chùm ký sự nhiều kỳ của Trương Điện Thắng ở sự quyện hòa của yếu tố chính luận, tính thời sự và chất trữ tình trong từng câu chuyện của ông. Ký sự vốn là một loại hình ghi chép người thật việc thật về một vùng đất, gắn với một chặng đường mà người viết đã chứng kiến, đúc kết những suy ngẫm và hoạch định cho tương lai. Người viết ký sự không chỉ có tầm hiểu biết mà còn phải thật sự tâm huyết với vấn đề mình đặt ra. Ký sự Đà thành của Trương Điện Thắng tổng hợp từ những bài viết đăng báo theo từng kỳ nhưng chứa đựng cái nhìn tổng quan của tác giả về Đà Nẵng trong sự đối sánh xưa - nay. Thiên ký sự quả là cuốn phim quay chậm về vùng đất được thiên nhiên ưu ái, là bức tranh toàn cảnh về thành phố chiếu theo trục thời gian từ quá khứ đến hiện tại; theo trục không gian từ non cao đến biển rộng, từ đường biển đến đường bay… Mỗi phần trong ký sự về Đà Nẵng, nhà văn luôn gửi vào đó những suy tư về bước đổi thay và đề xuất hướng phát triển cho tương lai: Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng đã mở ra những lối hòa nhập vào thế giới, nhưng tấm lòng của con người Đà Nẵng nếu chưa mở ra để đón bạn bè phương xa bằng phong cách mới vừa hiện đại lại vừa biết hãnh diện bởi truyền thống của mình thì e rằng khát vọng phát triển cũng chỉ là những giấc mơ (Đến Đà Nẵng từ đường hàng không).

Tập sách của Trương Điện Thắng là bức tranh khá toàn diện về xứ Quảng qua góc nhìn văn hóa, lịch sử, phong tục. Với vốn sống dồi dào cùng sự mê say tìm tòi, trải nghiệm, trang viết của ông vừa giàu tính thời sự vừa đậm đà chất trữ tình. Và theo tôi, chính mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã tạo nên chất liệu hiện thực sinh động để trang văn của ông vừa phóng khoáng, vừa uyên thâm, đọng lại trong lòng người đọc tình yêu và niềm gắn bó sâu đậm với quê hương xứ sở.  

(ĐNO)