Nhà văn Trang Thế Hy: Sự nhất quán giữa con người và trang viết

14.12.2015

Nhìn lại sự nghiệp của nhà văn Trang Thế Hy, có thể nói ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam bộ nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Câu nói “Văn học là nhân học” không phải lúc nào cũng đúng, nhưng với trường hợp nhà văn Trang Thế Hy là hoàn toàn chính xác khi ông nhất quán giữa con người và trang viết.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, sau những nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Kiên Giang, bây giờ thêm một đại thụ của văn chương đương đại Nam bộ nữa ra đi: nhà văn Trang Thế Hy, một tài năng và nhân cách độc đáo của Nam bộ. 

Nhà văn Trang Thế Hy: Sự nhất quán giữa con người và trang viết

Hơn 20 năm trước, khi nhà văn Trang Thế Hy còn sống và làm việc tại TPHCM, tôi đã được gặp và trò chuyện với ông trong những lần đến thăm bậc lão thành trên chung cư văn nghệ ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Không phải là người có nhiều cơ hội gần gũi với ông nhưng tôi rất quý trọng tài năng và nhân cách của một trong những “người hiền” của Nam bộ. 

Bắt đầu cầm bút từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng đến sau Hiệp định Geneva, về hoạt động cách mạng tại Sài Gòn, nhà văn Trang Thế Hy mới xuất hiện nhiều trên các báo dưới nhiều bút danh khác nhau: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm… Nhà văn Trang Thế Hy cùng với những đồng nghiệp đồng niên Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Bình Nguyên Lộc, Viễn Phương, Kiên Giang, Lê Vĩnh Hòa, Truy Phong… đã làm nên “thế hệ vàng” của văn chương yêu nước và cách mạng ở Nam bộ.

Sở trường của nhà văn Trang Thế Hy là truyện ngắn, với những tác phẩm chính đã xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993)... Ngoài ra, ông còn làm thơ, tác giả tập thơ Đắng và ngọt (2009), trong đó có bài thơ Cuộc đời vốn được nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng trên Báo Vui sống năm 1959 dưới bút danh Minh Phẩm và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Quán bên đường nổi tiếng với nhiều giai thoại.

Yêu mến và chịu ảnh hưởng của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, thơ ông thường có cốt truyện nhưng rất bay bổng, lãng mạn và luôn thể hiện ngôn ngữ, hình ảnh khá hiện đại, ẩn chứa những thông điệp thú vị, làm người đọc giật mình. 

Chẳng hạn bài Bứt đứt sợi chỉ hồng (lời một cô gái có người yêu là nhà thơ):
Hồi mình mới yêu nhau, cây kéo kiểm duyệt tạm trú trong đầu anh như khách không mời mà đến.
Chỉ thỉnh thoảng nó mới e dè cắt bỏ một vài bông hoa tư duy nhỏ nở ra trên trang viết của anh.
Nó ái ngại thấy anh ứa lệ nhìn những giọt nhựa tươi rỉ ra từ những cuống hoa bị cắt xén.
Từ ái ngại nó chuyển qua thương anh rồi tội nghiệp anh như một nhà thơ nhát gan.
Bây giờ cây kéo kiểm duyệt không phải là khách, nó có hộ khẩu thường trú trong trái tim anh.
Trước sự dửng dưng vô cảm của anh, nó cắt xén không thương tiếc những bông hoa cảm nghĩ của anh, kể cả những búp chưa kịp nở.
Nó lạnh lùng nhưng đôi khi cũng nói. Nó không nói anh nhát gan, nó nói anh hèn…

Cuối năm 2014, nhân dịp mừng thọ nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi, NXB Trẻ đã tái bản 4 cuốn sách của ông, gồm: 3 tập truyện ngắn Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt và tập thơ song ngữ Đắng và ngọt do hai dịch giả Nguyễn Bá Chung - Martha Collins dịch sang tiếng Anh, cùng 11 bài thơ của Rabindranath Tagore được nhà văn Trang Thế Hy chuyển ngữ sang tiếng Việt. Một cuộc tọa đàm về văn nghiệp của ông cũng diễn ra vào dịp này tại NXB Trẻ, TPHCM.

Câu nói “Văn học là nhân học” không phải lúc nào cũng đúng, nhưng với trường hợp nhà văn Trang Thế Hy là hoàn toàn chính xác khi ông nhất quán giữa con người và trang viết, giữa nhân cách và tài năng, giữa những đề tài hay chi tiết nhỏ nhất và những vấn đề nhân sinh và nghề nghiệp cao cả mà suốt đời ông hướng tới.

Nổi tiếng với nhiều giai thoại, cuộc đời nhà văn Trang Thế Hy mang nhiều bí ẩn. Một trong những bí ẩn lớn nhất từng gây tranh luận trên báo chí là chẳng hiểu vì sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn chưa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng giống như người bạn thân Sơn Nam, điều đó bây giờ chẳng còn ý nghĩa với người hiền Trang Thế Hy nữa rồi khi ông đã thanh thản vĩnh biệt cõi trần, mãi mãi “đi chỗ khác chơi”! 

Phan Hoàng
(sggp.org.vn)