Nhà thơ Vương Cường: Dấu chân không có trên lối mòn

17.06.2019

Nhà thơ Vương Cường luôn nghĩ về công việc làm thơ của mình. Trong tiểu luận “Với thơ không có sinh sản vô tính”, ông viết “Những con suối ồn ào khó đi về tới biển”. Ông luôn tìm lối đi riêng, của chính mình trong thơ...
1. Vương Cường làm thơ từ khi học tiểu học, có thơ đăng báo Trung ương từ rất sớm, từng đoạt giải Nhì thi thơ trên báo Tuổi trẻ năm 1981 cho 4 bài thơ: “Phía sau và phía trước”, “Anh mang về cho em”, “Những điều khó nói”, “Khi tôi cầm tay em”… 

Nhà thơ Vương Cường: Dấu chân không có trên lối mòn

Và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam “muộn” so với tuổi là người ta có cảm giác rằng ông chỉ ghé “chiếu thơ” cho “xôm” thêm chút thôi, chứ không nặng lòng với nó.
Tiếp xúc với ông mới thấy, ông trĩu lòng với thi ca. Ngay cả quãng dài mười lăm năm gần như không viết thơ (chỉ được 3,4 bài chi đó như ông nói) thì ông vẫn không nguôi nghĩ về nó. “Có thể tôi kỹ tính chăng, nhưng tôi quan niệm thơ phải là sự khác biệt. Nếu mà anh viết cũng giống tôi, thì chẳng sinh ra thêm một nhà thơ nữa làm gì. Mỗi người thơ phải đi một con đường sáng tạo riêng để đến với thi ca. Vì thế tôi không thích dạng thơ vần điệu, thơ “công thức”.

Tôi chủ trương thơ không vần điệu mà lấy nhạc điệu làm nền. Tôi biết mình nói ra sẽ có ít nhiều đụng chạm, nhưng đó là quan điểm của tôi. Và tôi luôn trăn trở để tìm “lối đi” của mình”, ông trải lòng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rất chí lý khi nói về công việc làm thơ: “Tài thơ phát ra từ mỗi người có khác nhau. Giữ được khả năng sáng tạo thơ cũng mỗi người mỗi khác. Có người lóe lên rực rỡ như sao băng rồi vụt tắt. Có người sáng dần trên bầu trời đêm cho mãi đến rạng sáng mới thấy lấp lánh sao mai. Thậm chí có người tên nổi hơn thơ”.Ở tuổi vào thất thập, Vương Cường mới “trình làng” 3 tập thơ riêng “Bài hát đi tìm một người” (NXB Văn hóa, 1997); “Đám mây hình thiếu phụ” (NXB Văn học, 2010); “Canh chừng lãng quên” (NXB Hội Nhà văn 2016). Gần đây nhất là “Thơ chọn” (NXB Hội Nhà văn 2018) cùng với đồng đội Thành cổ Quảng Trị, nhà thơ “Lửa không cần trang phục” Đoàn Xuân Hòa. Ông đau đáu nhưng cẩn trọng, khúc chiết trong tư duy. Ngoài việc chuẩn bị in tản văn “Người đánh hòa trời”, nhà thơ Vương Cường chuẩn bị công bố “Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận”, tập lý luận phê bình thơ của mình.

2. Nhà thơ Vương Cường luôn nghĩ về công việc làm thơ của mình. Trong tiểu luận “Với thơ không có sinh sản vô tính”, ông viết “Những con suối ồn ào khó đi về tới biển”. Ông luôn tìm lối đi riêng, của chính mình trong thơ. Ông muốn bước ra khỏi thơ “khuôn mẫu” vần điệu, điển hình là lục bát, đưa ra một khái niệm mới: thơ nhạc điệu trọng vần. “So với 2 tập thơ “Bài hát đi tìm một người” (NXB Văn hóa, 1997); “Đám mây hình thiếu phụ” (NXB Văn học, 2010) đến “Canh chừng lãng quên” (NXB Hội Nhà văn 2016) tôi mới phát hiện ra mình”, Vương Cường thật lòng.

“Anh nghẹn bát cơm nếp nương/thơm nỗi niềm khói xới/anh dậm lên chân mình/vấp điệu lăm vông/anh đội mưa hoa/vượt cánh đồng xa cách.../thương nhớ lom khom/bò qua bậu cửa ướt mềm...” (Viết từ Xiêng Khoảng, 2008)

Vương Cường kể, khi đọc bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói “khói xới” là 2 chữ rất mới và thốt lên: “Vương Cường đã thay đổi”.

Tôi được đọc mấy tập thơ gần đây của nhà thơ Vương Cường. Đúng là, từ ngày bé tí được cùng mẹ ra đồng đuổi gà để bảo vệ những mầm thóc quý giá khi mẹ ông gieo mạ, ông đã thấy có gì “cựa quậy” trong trái tim thơ. Cho đến bây giờ, thơ Vương Cường ngày càng chiêm nghiệm hơn, kỹ hơn. Ông là một tiến sỹ lý luận trước khi bước ra thi đàn trình diện với tư cách là nhà thơ chính danh, có lẽ vì thế mà Vương Cường “chín” và “kỹ” chăng? “Có những bài thơ tôi sửa đi sửa lại nhiều lần, thay chữ, đổi câu, thậm chí có bài tôi bỏ”, Vương Cường trải lòng. Có lẽ vì thế, thơ ông mới về thi pháp, “nặng” hơn về tình yêu, thân phận.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong lời tựa của tập thơ “Canh chừng lãng quên” của Vương Cường đã viết rằng: “Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/lấp lánh”... Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống”.

Chính Nguyễn Trọng Tạo cũng bất ngờ. Bài giới thiệu ông phải viết lại lần thứ hai và 11h30 đêm đó ông gọi điện cho Vương Cường: “Mày xem tao đánh giá thế đúng không, nếu không cảm nhận ra mày tao viết lại”. Nhà thơ Vương Cường bảo: “Chính mình không ngờ Nguyễn Trọng Tạo, một người tinh tế và tinh tường về thơ lại khiêm tốn đến vậy”.

Là người đang học dở dang đại học thì nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và đi miết cho đến ngày giải phóng nên không khó hiểu, thơ Vương Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại về sự hy sinh. Những linh hồn sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới xoáy sâu vào cõi tâm linh thi sĩ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng với nhà thơ Vương Cường vẫn luôn ám ảnh. Ám ảnh bằng hình ảnh rất riêng và “nhịp Vương Cường”.

“Chỉ có pháo bắn thật gần/mới được cười thoải mái/bom nổ loạt thật dài/mới hát hết một câu…”, “và đội hình chúng tôi vượt qua/hàng dọc/thành một dấu cộng/ mặt trời khi ấy chưa lên”. Con người anh tự khám phá, dấn thân và niềm tin mãnh liệt “Mặt trời sẽ lên thôi/ chúng tôi đẩy mặt trời lên/ để nhìn rõ Sài Gòn phía trước/ để viên đạn bay đi khỏi lạc/ bầy chim xòe quạt đón mặt trời” (Khi ấy mặt trời chưa lên). Bài thơ này ông viết khi đang cùng đồng đội vượt sông Đồng Nai, tiến vào giải phóng Sài Gòn sáng 30/4/1975.

Khám phá, cả trên đường đời nhà thơ đã qua và đường thơ của chính mình. “Đặt chân lên lối mòn mà hành trình thì rất dễ, nhưng sao có thể tạo ra dấu chân mình”, Vương Cường ví von.

3. Nhà thơ Vương Cường sinh ra ở một làng quê huyện Đô Lương, Nghệ An, nơi có ngọn núi Quỳ với vô vàn đá và hoa dại, tên ngọn núi ấy trở thành bút danh của nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ. “Một làng nhỏ, một họ không lớn có 5 nhà thơ, trong đó 3 là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng đáng tự hào đấy chứ”, Vương Cường chia sẻ.

Vương Cường kể rằng, những ngày xưa ấy, ở làng ông và trong họ Vương của ông, người ta hay nói chuyện văn thơ. “Mở mắt ra là nói chuyện văn chương rồi. Mà cái dòng họ tôi lạ lắm, gặp nhau nói toàn chuyện thơ phú, chứ tôi nhớ tuyệt không thấy nói chuyện làm ăn. Cũng có thể vì họ đã quanh năm suốt tháng lo làm ăn trên đồng ruộng, hay đi làm nơi phương xa rồi, nên gặp nhau thì muốn nói những chuyện cao quý hơn chăng?”.

Rồi ông tiếp: “Tôi còn nhớ mãi những đêm văn nghệ ở làng xưa ấy, người ta đọc thơ, diễn kịch chúng tôi nghe không muốn rời dù tôi còn nhỏ lắm. Ngày ấy có cả các nhà thơ lớn Trung ương về đọc thơ trên sân khấu làng.

Đọc xong là tôi đã gần như nhớ hết. Tất cả những bài thơ mới tôi thuộc được, không phải qua sách vở, vì ngày ấy sách vở đâu có dạy thơ mới, tôi thuộc nhờ nghe lỏm các chú, các anh tôi nói chuyện, đọc thơ cho nhau nghe”. Nhà thơ kể, sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn, ông có về bái Tổ. Chú họ của ông là cụ Vương Trâm năm nay 85 tuổi, nói rằng, họ Vương ta người có ngàn tỷ cũng có, 200 tỷ nhiều, 50 tỷ thì rất nhiều nhưng không phải vì thế mà được báo cáo Tổ tiên đâu. Tổ tiên ông “trọng chữ”, Tết nhất gặp nhau chỉ nói chuyện chữ, chuyện học, không có chỗ cho chuyện “mánh mung”.

“Anh mang về từ chiến trường cho em/với tiếng hát vu vơ/chiều tháp pháo/phút cắm cờ/đất trờ như bão/ôm nhau cuống lên/máu bạn chuyển tim mình” (Anh mang về cho em). Bài thơ này Vương Cường viết năm 1976, sau khi đất nước đã thống nhất, như một “khế ước tinh thần” với dòng họ, quê hương. Nhà thơ mải miết cả hành trình, đứng “canh chừng”, ông sợ sự “lãng quên”. Vương Cường trân trọng quá khứ và “thổi” vào thơ bằng tất cả chiêm nghiệm, rất riêng. 

Ngô Đức Hành
(vnca.cand.com.vn)