Nhà thơ Phan Vũ: Vẽ tranh, làm thơ để chống lại tử thần
17.06.2018
Phan Vũ tên thật Trần Hồng Hải, là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh và họa sĩ. Ông sinh năm 1926 tại Hải Phòng. 20 tuổi đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện VN tại Hà Nội và làm báo.
Năm 1972, ông viết trường ca Em ơi! Hà Nội phố, mãi đến năm 1985, khi nhạc sĩ Phú Quang phổ một đoạn trong trường ca này, công chúng mới biết đến nhiều và đầy đủ hơn Em ơi! Hà Nội phố. Khi đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM. Từ những năm 1990, ông chủ yếu vẽ tranh.
92 tuổi, khi những người thầy và bạn bè gần như mất hết rồi, cuộc chiến với tử thần đã “lượm” của ông sức khỏe, mắt mờ, tai điếc, chân tay run, nhà thơ Phan Vũ vẫn “dùng thứ vũ khí của tôi để chống lại tử thần, là tranh, là thơ” dù ông biết “mình sẽ thua, nhưng là thua một cách vinh quang”.
Chỉ thích chơi với người trẻ
Một ngày của ông khởi đầu như thế nào?
Tôi dậy từ 3, 4 giờ sáng. Có khi không làm việc ngay nhưng dậy để suy nghĩ, về bài thơ hay bức tranh nào đó. Đến 6, 7 giờ, tôi đi chơi, uống cà phê. Đó là quán gần nhà, chủ quán vì mê thơ tôi và mê tôi nên dành cho tôi cái phòng riêng để tôi gặp bạn bè ở đó. Cà phê tán gẫu xong thì chủ quán lại đưa tôi về nhà, tiếp tục làm việc, cả ngày làm không hết việc đấy.
Bạn bè ông hay gặp bây giờ là ai?
Toàn thanh niên thôi, cỡ hăm mấy ba mấy. Chúng kết bạn với tôi cũng vì thích thơ tôi. Gặp ở ngoài cũng có, qua Facebook cũng có. Tôi chơi Facebook nên chúng nó biết rồi tìm đến. Mấy cậu này hầu hết làm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật cả. Nói chuyện với họ, tôi hứng thú và thích lắm, về tình yêu, về cuộc đời, mãi không chán. Chứ ở tuổi này mà ngồi với mấy ông bạn già của tôi thì... buồn lắm. Tôi hay đùa: nói chuyện với mấy ông, tôi thấy giống như... ông ngoại tôi quá (cười).
Vậy là mỗi khi đi chơi, ông đều có bạn bè đến đưa đón?
Năm ngoái tôi còn tự đi xe máy được nhưng từ đầu năm nay con trai tôi (đạo diễn Phan Điền - PV) tịch thu xe máy vì thấy sức khỏe tôi yếu đi nhiều. Bây giờ đi đâu chơi đều có tụi nhỏ đến chở. Nói yếu vậy thôi chứ tôi vẫn uống rượu được. Hôm nào có trận bóng hay tôi đều xem. Trong nước thì tôi mê Hoàng Anh Gia Lai, còn thế giới tôi thích Liverpool. Bóng đá Anh dù sao vẫn hay nhất. Dạo này tôi hay đau nên ít ra ngoài, ít tiếp xúc. Có đi chơi cũng chỉ đi đâu đó gần nhà thôi.
Ông về đây (nhà ở Thủ Đức, TP.HCM, có phòng tranh riêng để làm việc - PV) có phải để dành nhiều thời gian hơn cho công việc sáng tạo?
Không, chỉ là vì vợ tôi muốn tôi chuyển về đây. Còn sáng tác với tôi không quan trọng không gian. Nhưng ở nhà trung tâm Sài Gòn thì thích hơn, vui hơn vì đi đâu cũng tiện. Vừa rồi nhân dịp ra mắt tập thơ Ta còn em, nhà xuất bản mời tôi ra Hà Nội để giao lưu nhưng đợt đó tôi ốm nặng không đi được. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bảo, cũng may mà tôi không ra, chứ nếu đi thì một là lên máy bay chắc đã bị cho về vì không đảm bảo sức khỏe, hai là ra Hà Nội thì người yêu thơ tôi xếp hàng dài vài cây số, ký tặng hết chắc cũng xỉu tại chỗ (cười).
Nếu có thể về lại Hà Nội, ông muốn thăm ai hay nơi nào đầu tiên?
Một cô nào đó. Chắc là vậy. Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên được ra Hà Nội đọc thơ. Lúc đó ông Dương Tường bạn tôi dành hẳn một dãy ghế đầu mời khách. Mà khách là ai xa lạ đâu, tất cả là những cô bé ngày xưa 17, 18 tuổi hay nghe tôi đọc thơ, giờ ngồi nghe lại những bài thơ ấy, chỉ khác là những mái tóc đen huyền ngày xưa nay bạc trắng cả rồi.
Tình yêu đi qua đời tôi mãi
Nhắc đến vợ ông - nhà báo Diễm Chi, bạn bè thường hay đề cập đến câu chuyện về 73 và 37?
Là tôi cưới cô ấy lúc tôi 73 còn cổ 37. Sau khi vợ tôi (diễn viên Phi Nga - PV) mất, tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó hôn nhân với một ai đó nữa. Nhưng chuyện tình yêu cũng khó nói lắm. Diễm Chi là đồng nghiệp với con gái tôi (nhà báo Việt Nga - PV), khi ấy đang làm ở báo. Cô ấy đến viết bài về tôi sau khi được con gái tôi giới thiệu. Sau khi phỏng vấn, tôi nghĩ con nhóc này làm sao viết nổi về mình, ai dè sau đó bài cô ấy viết được tòa soạn khen thưởng. Từ đó thỉnh thoảng cô ấy đến chơi với tôi. Mỗi lần chia tay tôi bảo: Kể như anh đã hôn em rồi nhé. Nhưng một hôm cổ khóc, bảo em không thích anh đùa như vậy. Tôi bảo thế bây giờ thật à? Cô nói, em phụ trách chuyên mục về hôn nhân gia đình trên báo, nếu chúng ta không làm đám cưới thì sẽ bị lời ra tiếng vào không hay. Thế là tôi đành liều nhắm mắt đưa chân (cười).
20 năm sống với nhau, nếu ngày mới cưới tôi coi cổ như con nít, nghĩ sẽ về dạy bảo nhiều đây, thì bây giờ ngược lại. Vì tôi hay quên, quên không tắt đèn, quên không giật cầu... nên chuyện gì cũng bị cổ nhắc nhở. Trong tập thơ Ta còn em, tôi có 2 bài về Diễm Chi đấy: Sự trồi sinh nỗi nhớ và Chân dung em.
Cùng với thơ viết cho vợ hiện tại, thơ gửi theo hương hồn Phi Nga (3 bài), tập thơ còn có nhiều bài dành tặng cho những “hình bóng” khác...
Bạn bè hay bảo tôi nhiều người yêu quá. Họ nói xưa Tào Tháo có người con trai Tào Thực đi 7 bước làm được một bài thơ, còn tôi đi 7 bước có một chuyện tình (cười). Không phải thế đâu. Tôi nói rồi, tình yêu khó nói lắm. Trừ người vợ đã mất Phi Nga và vợ hiện tại là Diễm Chi, còn lại chỉ thoáng qua thôi.
Trong thơ tôi, có rất nhiều người đi qua đấy nhưng mình phải giữ cho họ chứ, nên có bài tôi không để tên, chứ bài nào cũng có dính dáng đến một hình bóng nào đó. Thành ra tập thơ này, đến hôm nay mới ra cũng phải, vì các chuyện tình đã xong hết rồi, người ta bây giờ con cháu đề huề cả rồi.
Vậy có thể hiểu tình yêu, với ông, là chỉ dành cho vợ?
Phụ nữ lúc nào cũng khổ, cũng chịu đựng nhiều. Thành ra chuyện gặp nhau, đến với nhau rồi đi qua nhau hay dù thế nào thì mình cũng thương người ta nhiều hơn. Từ thương trước rồi mới yêu. Mà nói gì thì phải có tình yêu mới làm thơ được chứ. Tình yêu đi qua đời tôi mãi.
Em ơi! Hà nội phố như bùa hộ mệnh
Ông có thể kể lại đôi chút kỷ niệm về bài thơ Em ơi! Hà Nội phố?
Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi! Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về. Tôi viết trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm dưới mưa bom xối xả. Nếu kẻ thù muốn làm mất Hà Nội thì tôi, nhân danh một nhà thơ, đáp trả lại những trận bom ấy bằng những câu thơ giữ Hà Nội: Ta còn em!
Và phải mất gần nửa thế kỷ sau, tập thơ mới chính thức được phát hành?
Vì nhiều lý do, sau khi tờ Nhân Văn đình bản, thơ của tôi cũng không được lưu hành chính thức. Vì thế mỗi khi bạn bè đến nhà chơi, đọc thơ thì tôi lại chỉnh sửa khi thấy chưa vừa ý, cũng như tranh sau này vậy, tôi hay chỉnh sửa lắm. Đó cũng là lý do vì sao Em ơi! Hà Nội phố có nhiều dị bản. Nhưng bản phát hành lần này (do Nhã Nam - NXB Hội Nhà văn ấn hành - PV) là chính thức đấy.
Đọc Em ơi! Hà Nội phố, khó mà biết được ông không phải người Hà Nội?
Nhiều người công nhận tôi là người Hà Nội, sau khi đọc bài thơ này. Nhưng tôi gốc Đà Nẵng. Ba mẹ tôi đều là người Đà Nẵng, gặp nhau ở Hải Phòng rồi sinh ra tôi ở đó. Tôi có khi cũng quên lai lịch gốc ở đâu, vì bài thơ nhập vào tôi một cách kỳ lạ. Tôi tồn tại là do Em ơi! Hà Nội phố. Bài thơ như bùa hộ mệnh của mình...
Có nhiều “nhà” trong ông: nhà biên kịch, đạo diễn, nhà thơ rồi họa sĩ. Nhạc sĩ Dương Thụ bảo rằng nếu ông viết nhạc nữa thì chắc nhạc của ông cũng sẽ rất hay!
Toàn bộ những gì tôi có đều là tự học. Thời trước tôi mua sách cũ của Pháp về kịch bản, đạo diễn... đọc để làm nghề. Thơ tôi cũng làm từ nhỏ, khoảng 16 tuổi. Còn vẽ tranh là do hồi xưa tôi chơi với mấy ông họa sĩ, đều là những người nổi tiếng như ông Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Ông Phái hay vẽ phố Hà Nội, còn tôi làm thơ về Hà Nội vì hay lang thang cùng ông. Chuyện vẽ của tôi mãi sau này mới bắt đầu, là bởi lúc bấy giờ mấy ông đã vẽ quá đẹp rồi, làm sao tôi dám vẽ. Khi các ông chết rồi tôi mới cầm cọ. Thật ra cũng còn một, hai ông. Các ông có liếc qua tranh tôi và tỏ ra ngạc nhiên vì sao tôi vẽ được dù chẳng học. Rồi mấy ông khuyến khích tôi vẽ thêm. Tôi vẽ dĩ nhiên là khác hẳn các ông. Tôi không làm theo những gì có sẵn. Tính tôi bướng, từ xưa đến giờ vẫn vậy, bây giờ vẽ thành chuyên nghiệp rồi, sống được bằng tranh nên mới có thêm tên họa sĩ. Tôi đã có 9 cuộc triển lãm tranh trong nước và Pháp, Singapore.
Tuổi này, tôi dùng thơ, họa để làm vũ khí chống lại lưỡi hái tử thần. Làm những việc đó tôi thấy mình đang tồn tại. À, trong vài tháng tới, tôi sẽ ra mắt tạp văn đấy. Các bạn tiếp tục chờ và đón đọc nhé!
Nguyên Vân
(thanhnien.vn)
Nguyên Vân
(thanhnien.vn)
Có thể bạn quan tâm
Hoàng Phủ Ngọc Tường với tình đất, tình người xứ QuảngXứ Quảng hơn 470 năm trướcLê Vượng - Người ham mê đi tìm vẻ đẹp dân tộcNgô Văn Phú: Thi sĩ của đồng quêNhững nỗi niềm trong "Ngày không gió"Người Đà Nẵng với Chế Lan ViênAnh bộ đội Cụ Hồ, biểu trưng của bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt NamNhà thơ Cao Xuân Sơn: Chàng "cao bồi" có ánh mắt trẻ thơNhà văn Colombia, Gabriel Garcia Marquez: Sống như không để chếtThu Bồn - Nhà thơ đa tình, đa tài xứ Quảng