Nguyễn Khắc Phê kể chuyện được Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài dạy viết văn
Nguyễn Khắc Phê bị nhà văn Nguyễn Công Hoan “trách” là “phung phí” vốn sống, còn Tô Hoài bảo “với đề tài như thế này, cậu chưa thành công thì ba mươi năm sau cũng phải viết lại”.
Đó là lời nhận xét của các nhà văn tiền bối với cuốn Đường qua làng Hạ, theo Nguyễn Khắc Phê, là tiểu thuyết, nhưng trong bản in đầu tiên năm 1968, NXB Thanh Niên ghi là “truyện” - cách gọi khiêm tốn của tác giả mới vào làng văn.
Trong cuốn hồi ký Số phận không định trước (NXB Hội Nhà văn), Nguyễn Khắc Phê kể lại, cuốn tiểu thuyết đầu tay Đường qua làng Hạ được ông viết sau khi dự lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 3 và được Hội nhà văn cho về Trại viết văn Quảng Bá, Hà Nội để hoàn thiện.
Lúc đó, ông đang là cán bộ Ty Giao thông tỉnh Quảng Bình. Trước đó, ông đã ra mắt tập ký sự đầu tiên mang tên Vì sự sống con đường, cuốn sách được ra đời nhờ sự động viên của vị Trưởng ty Giao thông Lại Văn Ly và sự hỗ trợ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà viết kịch Học Phi.
Sau khi hoàn thành bản thảo Đường qua làng Hạ, Hội nhà văn thể hiện sự quan tâm đến một cây bút ở “tuyến lửa” với đề tài có tính thời sự, đã mời các nhà văn nổi tiếng là Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Bùi Huy Phồn đến nghe ông đọc bản thảo tại trụ sở Hội nhà văn ở 65 Nguyễn Du suốt mấy buổi liền.
“Nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ dẫn cho tôi đến cả cách đặt dấu phẩy sao cho đúng “đắc địa”, ví dụ như đoạn đầu, tôi viết "Xa nữa là Trường Sơn", nhà văn chữa lại: "Xa nữa, Trường Sơn" - như thế, câu văn vừa nhẹ nhàng, vừa gợi một khoảng cách cho người đọc tưởng tượng”, Nguyễn Khắc Phê kể lại.
Và nghe theo lời khuyên của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khắc Phê đã chữa lại bản thảo ba lần trước khi đem in.
Sau này, Nguyễn Khắc Phê có bộ đôi tiểu thuyết Đường giáp mặt trận và Chỗ đứng của người kỹ sư, vẫn bám theo chủ đề quen thuộc của ông là ngành giao thông trong chiến tranh chống Mỹ. Đường giáp mặt trận nói về câu chuyện mở tuyến đường hiểm trở vùng Bãi Dinh dưới chân đèo Mụ Giạ và cuộc chiến đấu trên đường số 12A, còn Chỗ đứng người kỹ sư nói về mối quan hệ giữa lãnh đạo và trí thức cũng như phẩm chất của người trí thức trong thời đại mới.
Đường giáp mặt trận được Nguyễn Khắc Phê viết tại Trại sáng tác do Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn tổ chức 6 tháng liền tại Yên Sở. Khi giúp đọc bản thảo, nhà văn Kim Lân đã nói: “Cậu viết trúng vấn đề rồi đó, nhưng viết thế dễ bị “đánh” lắm!”.
Tuy nhiên Nguyễn Khắc Phê nhìn nhận nguyên nhân tác phẩm không bị “đánh” như sau: “Là người trong cuộc thì con mắt dễ nhìn trúng và tấm lòng phải là thiện ý. Có ai dại khờ mà tự nói xấu mình, làm hại mình?”
Đọc bản thảo, nhà văn Nguyên Hồng chỉ khuyên: “Mình nghĩ Phê nên khoanh câu chuyện quanh cái đáy móng”.
Khi Đường giáp mặt trận được in ra, nghe Nguyễn Khắc Phê hé lộ trong tập 2 sẽ cho nhân vật Loan hy sinh ngay trong những ngày đầu Mỹ dội bom xuống đường, nhà văn Nguyễn Khải đã khuyên: “Nhà văn không dễ dựng được một nhân vật có góc cạnh thế đâu, đừng để cô ấy “chết” sớm quá!”. Nghe lời khuyên, Nguyễn Khắc Phê đã cho Loan trở thành nhân vật sinh động cho đến cuối chuyện.
Cuốn sách ra đời năm 1976 và đã được đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam suốt nửa tháng liền. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi khen ngợi: “Cuốn sách viết được lắm! Tôi khen không phải vì nhân vật hát bài Người Hà Nội đâu…”.
Nhà thơ Chế Lan Viên thì khuyên: “Viết đơn xin vào Hội Nhà văn đi! Chỉ cuốn Đường giáp mặt trận là thừa tiêu chuẩn rồi!”. Và chỉ sau khi cuốn sách xuất bản một năm, Nguyễn Khắc Phê đã được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam.
Cùng với Đường giáp mặt trận, tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở sau đó đã giúp Nguyễn Khắc Phê nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Nguyễn Khắc Phê sinh năm 1939, quê tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, là con trai của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông có những người anh trai nổi tiếng như Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia xây dựng một số cây cầu đầu tiên trên miền Bắc như cầu Ba Thá, cầu Tế Tiêu, rồi được điều vào xây dựng cầu, đường ở miền Tây Nghệ An, sau đó là Quảng Bình.
Sau 15 năm công tác trong ngành giao thông, ông chuyển ngành sang Hội Văn nghệ Quảng Bình, rồi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông từng giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nhưng bị cho thôi chức chỉ sau 9 tháng.
Ông có nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhớ như Biết đâu địa ngục thiên đường, Những ngọn lửa xanh, Mười ngày và cả mười năm, Thập giá giữa rừng sâu…
Trong cuốn hồi ký Số phận không định trước, ông kể lại nhiều câu chuyện thú vị về gia đình, tuổi thơ, quá trình trưởng thành, viết văn cũng như nhiều quan niệm của ông về cuộc sống, thời cuộc.