Người đi bán chổi cau

05.05.2021
Mỹ An

Người đi bán chổi cau

Ôm tàu mo cau trên tay, chị bâng khuâng nhớ lại cuộc đời vốn chẳng ai biết trước được điều gì. Ngay cái tàu mo cau ngày xưa và bây giờ cũng đã khác xa nhiều lắm.

 Ngày xưa, nhớ những lần chị đi học cấp ba ở cả ngày trên huyện, mẹ phải dậy từ sáng sớm để thổi cơm, gói vào chiếc mo cau. Đến trường, trưa mở gói cơm ra, đem cắt từng lát cơm dẻo thơm, rủ vài đứa bạn ăn với mắm thơm muối mè nghe đậm đà ngon chi lạ. Giờ vẫn nhớ nguyên cái mùi cơm gạo mới quyện với mùi thơm ngọt đặc trưng của mo cau lúc ấy ghi dấu lại những tháng ngày hồn nhiên vô tư tuổi trăng tròn. Làm sao chị có thể quên được trong căn bếp nhỏ bập bùng ánh lửa, bóng mẹ in lên vách gầy guộc như tàu mo cau vàng úa sắp lìa thân.

Một năm sau đó, mẹ như cái tàu cau vàng úa ấy đã rụng xuống thật rồi. Lúc đó, mẹ nắm tay chị, môi mấp máy như muốn trối trăng điều gì đó nhưng không còn đủ sức, mẹ nhắm mắt buông tay chị ra và lịm dần trong một đêm mưa gió. Người làng biết tin đến thăm hỏi rất đông. Bà con anh em bạn bè lặng lẽ đưa tiễn mẹ đi khuất dần, khuất dần trên cánh đồng mờ xa về với góc núi bên đồi, nơi cha yên nghỉ cách mấy năm trước.

Mẹ mất, căn nhà chỉ còn một mình chị, mỗi lần nhớ mẹ, chị lại ra sân ngước nhìn lên những hàng cau thấy chùm hoa như mái tóc bung xõa được kết từ vô số cành hoa vươn dài những chuỗi hạt vàng nhạt theo thời gian đổi sang màu xanh và lớn thành những quả cau trầu duyên nợ.

Giữa cái cô đơn trống trải một mình đó, anh người bạn học thời cấp ba năm xưa, vừa tốt nghiệp đại học về thăm chị, đã làm cho hương hoa cau nhà chị thơm hơn mùi dịu ngọt. Chị bắt đầu nghe từng ngọn gió se lạnh bỗng dưng ấm lại chảy len lén vào lòng, bất chợt chị nhận ra rõ mình là con gái đương vào tuổi biết yêu rồi.

Một đêm, chị trằn trọc, thấy trống vắng khó ngủ và không dám nghĩ đến chuyện nhớ anh. Giữa cái đêm huyền hoặc pha chút sương như khói làm ánh trăng vàng mờ đục rải đều trên vòm cây trong vườn đứng lặng yên đợi gió. Bất chợt nghe có tiếng bước chân vội vàng gấp gáp từ ngoài ngõ, chị nhận ra anh đang đến với chị. Lòng chị mừng không tả xiết nhưng lại sợ. Nỗi sợ không phải vô cớ khi que củi nằm yên trên bếp lạnh hễ gặp lửa lại cháy bùng lên.

Giữa không gian đêm tĩnh mịch, anh và chị ngồi trên chiếc ghế thẻ kê ở góc sân nhà nơi có mấy cây cau tàu như xõa tóc. Chị không nghe anh nói gì mà chỉ nghe bên tai mình tiếng thở gấp gáp của anh. Lạ kỳ thật, cơn gió khuya lùa về lành lạnh, bỗng chốc ấm dần lên bên hơi thở ấm áp của anh đang ngồi sát truyền vào chị bao giờ không hay biết. Chỉ nghe lửa lòng đã cháy, đôi tay anh đã ôm chặt lấy chị. Đã đôi lần, chị muốn gỡ tay anh ra nhưng rồi chị lại để yên như vậy. Chị nghe trái tim anh đập dồn dập và tim mình cũng rung lên thở mạnh!

Anh bảo:

- Trời lạnh rồi, mình vào nhà đi em!

Chị chỉ còn biết ngoan ngoãn làm theo...

Sáng hôm sau, chị thức dậy thì anh đã ra đi không một lời từ biệt. Chị nghĩ như vậy có phải tình yêu không? Chị đã non nớt để tình cảm vồ vập và niềm tin bắt đầu vỡ vụn. Niềm tin đã vỡ rồi thì có nhặt lại cũng chỉ làm cho bấu xước thịt da thôi.

Biết vậy nhưng chị vẫn đến nhà tìm anh như tìm chim. Gặp người nhà bảo:

- Không biết, nó đi đâu mất rồi!

Vậy là anh bặt vô âm tín, còn chị vài tháng sau nghe trong người có sự thay đổi lớn. Hàng cau trước nhà đã chín trái còn cơ thể chị bắt đầu thèm quả ngọt trái chua. Đêm nằm nghe như có một mầm sống nào đó đang sinh sôi nẩy nở trong lòng. Vậy là chị đã biết “cái nỗi sợ không phải vô cớ trong đêm ấy” đã thực sự đến rồi. Chị đã biết mình nhẹ dạ, bỏ buông lý trí để chạy theo cảm xúc nhất thời, đến bây giờ mang trong người giọt máu của kẻ bạc tình chạy trốn, một đi không trở lại.

Thế là không biết bao nhiêu đêm đứng trước bàn thờ mẹ chị khấn vái hương hồn mẹ, mong mẹ tha thứ cho sự lầm lỗi của con. Lại thấy đôi mắt mẹ buồn buồn nhìn con dường như oán trách “Mẹ không có đứa con khờ dại như con! Lần khác chị lại thắp hương xin mẹ cho chị xóa bỏ cái mầm sống ngày càng lớn trong người chị. Lần này lại thấy đôi mắt mẹ nhìn vào chị tra vấn: con có còn là con của mẹ nữa không? Hồi nhỏ con theo cha lên rẫy thường thấy trong đàn khỉ, có chết khỉ mẹ cũng không bao giờ bỏ con, về nhà ở bên mẹ con thấy có con gà mái nào dửng dưng đứng nhìn con diều hâu lao xuống bắt con của mình không? Vậy mà những suy nghĩ của con lại như vậy! Con bỏ con ư? Vì cái gì? Vì danh dự à? Giết một sinh linh để đổi lấy danh dự của một con người thì được gì, mất gì. Sao lại thế?”. Chị nghe choáng váng mặt mày, nao nao khó thở. Lạy mẹ mấy lạy rồi đến nằm vật vã trên cái giường tre, tay sờ nhẹ lên bụng dưới tự nhiên nghe hơi ấm lan ra khắp người làm chị tỉnh hẳn ra. Chị thở dài và trở nên cứng cỏi, không muốn khóc nhưng nước mắt vẫn cứ trào ra...

Và sau đó người ta thấy suốt ngày chị im lặng ít nói, lững thững đi lượm những tàu mo cau vàng rụng khắp làng, đem về cắt bẹ làm quạt, làm mo đài múc nước, còn tước lá bỏ đi, chỉ giữ lấy từng cộng nhỏ rồi đem phơi khô, cột chặt năm sáu cái tàu cau được một cái chổi. Chị chăm chỉ cần mẫn làm được ba bốn trăm cái chổi chất đầy ở một góc nhà. Thời gian còn lại, chị lầm lũi chăm chút cái thai trong bụng. Đến một ngày biết mình sắp trở dạ chị nhờ đứa bạn làm hộ sinh đến giúp chị sinh được bé trai kháu khỉnh. Nghe tiếng khóc oe oe vừa lọt lòng, bạn chị thì cười mừng mẹ tròn con vuông, còn chị lại khóc lúc nhìn mặt con. Ở đời cũng lạ thật, khi con người bị đau khổ đến tột cùng không chịu nỗi phải khóc đã đành, còn chị, ai mà biết được chị khóc do cái gì? Khóc vì sự cô đơn đau đớn trong lúc sinh con hay vì cái cảm giác ngọt ngào khi nhìn thấy giọt máu của mình vừa mới ra đời, hứa hẹn sẽ dẫn đưa chị sang một ngã rẽ khác, ngã rẽ được làm mẹ. Từ đây, chị không còn cô độc nữa vì bên đời còn có con. Nhưng chị lại cô đơn như ta thường ở giữa đám đông mà cứ thấy mình trống trải.

Cũng giống như nước thủy triều lên xuống, tâm tình của con người cũng biến đổi theo thời gian. Thời gian làm cho Cu Cún của chị phổng phao lớn lên trông thấy. Trong căn nhà tranh nhỏ dù vô ra một mình nhưng mỗi lần nhìn thấy con có đôi mắt to, sóng mũi cao và gương mặt giống chị là như có mặt trời trong lòng chị. Bây giờ được làm mẹ rồi chị mới hiểu hơn cái tình mẫu tử như trời biển ngày xưa mẹ đã dành cho chị như chị bây giờ dành lại cho con.

 

Trời vào đông, đêm mưa rả rích, cái rét bên ngoài tràn vào khe liếp giữa hai mặt ván gỗ ghép vào nhau làm tường bao quanh nhà. Gió thổi lạnh làm hai mẹ con run run. Chị đắp tấm chăn mỏng lên Cu Cún. Thấy không an tâm, chị vội xuống bếp nhen lửa. Một lúc sau, mấy khúc củi đã cháy thành than hồng. Chị lấy cái nồi cũ sứt quai bỏ vào một ít tro bếp rồi đổ lớp than hồng lên trên, lấy tro lấp lại, đem đặt ngay dưới chõng chỗ Cu Cún đang nằm cho ấm giấc.

An tâm, chị ngồi thẫn thờ nghe từng tiếng mưa đêm rơi trên mái lá. Mưa  gieo vào lòng người chị những cảm xúc lộn xộn mơ hồ ngổn ngang như có chút gì đó hoài niệm đau đớn trống trải lạnh lùng.

Mưa tạnh, nghe tiếng bà Tư ở nhà bên gọi đến:

- Con ngủ hay thức đó Ba?

- Dạ, con còn thức, có chi rứa bà Tư.

- Tao có nấu miếng cháo gà hầm đậu đen, mày sang đây mang ít về cho hai mẹ con bồi dưỡng!

- Dạ cảm ơn bà, con đến đây!

Chị lấy vội cái nón lá đội trên đầu tay cầm cái đèn dầu lửa đi sang nhà bà Tư lấy cháo. Chị vào nhà đang sớt cháo vào tô, bà Tư che mắt nhìn sang nhà chị hỏi:

- Ở nhà mày nấu cái gì mà sáng ghê rứa?

- Dạ có nấu chi mô! Chị linh cảm có điều chẳng lành, không kịp cầm tô cháo, chị chạy như bay về nhà mình nhìn vào chiếc chõng tre Cu Cún đang nằm im, nồi lửa đã bốc lên cháy từ chăn chiếu đến mùng mền phủ lấy Cu Cún. Như tên bắn chị lao vào đống lửa ôm Cu Cún bị cháy nám từ đầu đến chân. Nó chỉ kêu ú ớ vài tiếng, ừng ực mấy cái, rồi xuôi cả hai tay ngoẹo đầu sang một bên. Chị ôm Cu Cún lăn ra ngoài sân trong lúc bà Tư ân hận hốt hoảng gọi làng đến cứu:

- Bớ làng! Cháy nhà chết Cu Cún con cô Ba rồi!

Bà con chòm xóm nghe tin chạy đến rất đông nhưng chỉ kịp dập lửa chữa lấy cái nhà. Còn chị ôm lấy Cu Cún vào lòng quỳ gối giữa sân ngửa mặt lên trời kêu thảm thiết:

- Trời ơi! Chết con tôi rồi trời ơi! Trời ơi!... Trời ơi!...

Từ đó không lâu, cứ tờ mờ sáng, khi những giọt sương đêm còn đọng lại trên những ngọn cỏ ven đường về phía chợ huyện Kim Sơn, người ta lại thấy người phụ nữ có gương mặt trái xoan sạm nắng hốc hác, đôi mắt to tròn quầng thâm buồn buồn nhìn xa xăm khó hiểu, mái tóc dài rụng nhiều được búi gọn trên đầu, đội chiếc nón lá đã chuyển sang màu nâu sẫm, tay ôm bó chổi, bước đi như đếm, rong ruổi trên khắp các con đường thị trấn Sơn Phúc, huyện Kim Sơn để bán chổi cau.

Ngày thứ Nhất, người ta thấy ngờ ngợ, chẳng ai mua.

Ngày thứ Hai cũng thế! Phần lớn người ta chỉ gọi vào hỏi thăm chị ở đâu. Vì sao phải đi làm cái công việc này. Sau tất cả những câu hỏi ấy, họ chỉ nhận được nụ cười nhân hậu nhưng vô hồn trên gương mặt xanh gầy của chị.

Ngày thứ Ba và những ngày tiếp vẫn vậy. Có người để ý thấy đến trưa chị lại vác chổi đi về.

Tuần sau chẳng có gì khả quan... Tháng sau cũng chẳng tiến triển gì. Nhưng chị lại thuộc hết tên gọi của bà con ở các tuyến đường thị trấn. Còn họ chẳng biết chị là ai?

Những năm sau, đều đặn ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng, khi những giọt sương đêm còn đọng lại trên những ngọn cỏ ven đường, người ta lại thấy chị vẫn thế, lang thang đi bán chổi cau trên các con đường phố huyện. Lâu dần, nhiều người đã quý, đã thương chị mà mua chổi, hầu hết số chổi chị đem đi đều bán được. Chị thành người nhà của bà con ven đường lúc nào không hay biết.

Rồi một ngày người ta không còn thấy chị đi bán chổi nữa. Tự nhiên con phố nhỏ của thị trấn này vắng chị đi qua, vắng một người phụ nữ nhân hậu khả ái gật đầu chào mọi người với nụ cười thân thiện. Phố như bắt đầu buồn vì thiếu chị.

Nhiều người thấy nhớ chị. Họ hỏi nhau:

- Không biết sao chị ấy hôm nay không đi bán chổi nữa?

 Người khác lo lắng:

- Không biết gia đình chị ấy có gặp vấn đề gì không?

Ông tổ trưởng dân phố chạy đến thông tin thêm:

- Đã nhiều lần tôi có hỏi nhà chị ở đâu? Nhưng tôi chỉ nhận được nụ cười và sự im lặng đến tận cùng của chị ấy!

Chị phụ nữ khối phố vén lại mớ tóc ra sau lưng, buồn buồn nhận xét:

- Chị ấy là người biết tự trọng vô cùng! Nghe bà con khối phố mình kể lại: thấy chị thật thà hiền hậu có nhã ý vừa mua chổi vừa giúp đỡ chị nên giá mỗi cái chổi độ 10.000 đồng, họ thấy thương chị nên gửi luôn 20.000 đồng, có người dúi vào túi chị 50.000 đồng. Nhưng một mực chị  từ chối. Chị chỉ lấy đủ số tiền mỗi cái chổi 10.000 đồng mà thôi!

Ông Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi khối phố trên đường đi bộ thể dục về ghé tai nghe câu chuyện, ông nghẹn ngào lên tiếng:

 - Thời đại bây giờ mà có được con người như chị ấy quả là khâm phục vô cùng. Tôi có nghe loáng thoáng nhà chị ấy ở đâu xã dưới, còn nghèo khó lắm. Nhưng chị không vào hộ nghèo. Xã có trợ cấp kinh phí vì người nghèo cho chị. Nhưng chị không nhận mà xin nhường lại cho những gia đình khác khó hơn. Chị nói:

- Tôi còn sức, còn đi bán chổi được mà! Với chị ngay cả khi trong túi chị hết tiền, cái nón rách trên đầu chị cũng phải đội cho thật ngay ngắn.

Có người sốt ruột hỏi:

- Rứa, ông biết nhà chị ấy ở đâu?

Ông Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi khối phố vò tai bứt tóc:

- Rứa mà tui không hỏi để biết mới khổ chứ!

Nhiều người thoáng hiện trên gương mặt nét suy tư buồn buồn tiếc nuối cho chị. Chị đã coi lòng tự trọng là không thể thương lượng với sự giàu sang, hay bất cứ thứ gì khác.

Giờ thì người ta không còn thấy chị nữa nhưng hình bóng của chị ôm bó chổi cau rong ruổi đi bán để xoa dịu lòng trắc ẩn  mà số phận đã dẫn dắt chị vào ngõ cụt. Nhưng chị ơi! Ở đời chính lòng tự trọng của chị đã  là món quà vô giá tặng cho mọi người, được mọi người thương yêu quý trọng chị. Chị mãi là cái bóng ngã đầy lòng yêu thương nhân hậu thấm đượm từng nhà từng người trên đường quê lối phố này, giờ không thấy chị nữa, từ trong sâu thẳm của mỗi người, ai cũng tha thiết thốt lên:

- Bây giờ chị ở đâu, hỡi người đàn bà  bán chổi?

Tiên Phước, tháng Mười năm Canh Tý - 2020

M.A