Ngô Tự Lập viết về những mặt người ở biển

25.08.2017

Ngô Tự Lập viết về những mặt người ở biển

Ngô Tự Lập từng viết: “Chỉ có một con đường, tên là vô tận/ Xin chớ hoài công tìm kiếm con tàu mang theo linh hồn tôi”.

Con đường trong sáng tác của Ngô Tự Lập chính là biển khơi mênh mông, ở đó những mảnh bí ẩn biển cả được khai phá, những số phận được vén màn. Con đường mênh mông vô tận đó, anh dấn thân vào, bằng một nỗi buồn vạn dặm, thê thiết.

Tập truyện ngắn Truyện biển khơi của Ngô Tự Lập gồm mười truyện ngắn, gửi gắm những câu chuyện về số phận con người, mang vác trên vai đầy những ẩn ức, cực nhọc, đầy những nỗi trớ trêu, trắc trở của đời người.

Biển khơi lừng lững ấy, có những thân phận như Ba Nghệch, Biền, Các, Cảo... đều được tác giả dựng nên bằng một hệ thống ngôn ngữ giàu chất thơ, khắc khoải và trừu tượng.

Truyện ngắn Bão lạc mùa kể về câu chuyện cuộc đời của Ba Nghệch, vốn được coi là hạng người “rác rưởi”, xuất thân là kẻ trộm cướp, nhưng rồi cơ duyên đưa đẩy anh trở thành một người làm thuê lênh đênh trên thuyền, để rồi vì gặp bão mà đến Hòn Nhĩ và nên duyên với Chắt.

Có lẽ những người đi thuyền, chọn cho mình được một nơi để nguyện ý dừng lại như Ba Nghệch không phải là hiếm. Ba Nghệch là một số phận trong rất nhiều số phận lênh đênh khác, nhưng cái kết cục cuộc đời Ba Nghệch thì có lẽ bi đát hiếm có.

Ba Nghệch đã sống được một đoạn đường hạnh phúc, chôn chặt quá khứ trước đây, hết lòng vì gia đình nhỏ của mình. Chỉ tiếc rằng, ở đảo Hòn Nhĩ khắc nghiệt ấy, dân làng không ai chấp nhận quá khứ của gã, nó buộc gã phải chịu một kết cục đau đớn.

Không chỉ riêng Bão lạc mùa mà mười truyện ngắn in trong tập Truyện biển khơi đều có kết cục buồn thảm. Đọc những gì Ngô Tự Lập viết, đến cuối cùng đều bất thần mà nhận ra nỗi cay đắng trong lòng, nỗi cay đắng của những số phận trớ trêu.

Ngô Tự Lập có lối viết rất đẹp. Cái đẹp tỏa ra từ trong chính những khắc khoải cay đắng của mỗi câu chuyện, lại được bắt nối thêm cùng cách tạo dựng không khí hư ảo, xen lẫn vào rất nhiều những huyền thoại của biển khơi, khiến mỗi truyện ngắn của Ngô Tự Lập đều hư hư thực thực.

Những truyện ngắn như Được ngọc, Ngô Tự Lập kể dưới hình thức một truyền thuyết được kể lại, về câu chuyện Võ Biền được con ễnh ương trả công bằng một viên ngọc xanh lam đẹp mắt, và từ đó như có ánh hào quang tỏa ra xung quanh Võ Biền, khiến Võ Biền đi đến đâu, được yêu mến tha thiết đến đó.

Cái hào quang lấp lánh ấy, đã khiến con mắt của thiên hạ lóa đi, nhìn Võ Biền như một vị thánh. Cái tứ huyền thoại trong truyện của Ngô Tự Lập này có nhiều tương đồng với ý tứ của truyện cổ tích Zaches tí hon mệnh danh Zinnober của văn hào người Đức E.T.A. Hoffmann.

Tại một thành phố mang tên Kezepes của nước Đức, có một người kỳ dị tí hon tên là Zaches, với biệt danh Zinnober luôn nhận được sự tung hô, ngợi ca của tất thảy đám đông ở những nơi cậu xuất hiện. Zinnober đã từng bước thăng tiến trong xã hội và trở thành quan thượng thư của triều đình, với đầy đủ sự tin cậy, tín nhiệm của Đức vua. Chính là một phép thuật đầy ma quái đã phủ kín đôi mắt của người đời, và biến Zaches thành hào quang.


Ngô Tự Lập đặc biệt có thế mạnh trong việc tạo dựng không khí hư ảo cho những câu chuyện của mình. Bối cảnh chung là biển lớn mênh mang, nhưng biển trong sáng tác của Ngô Tự Lập gói gém đầy hư ảo, đầy sương khói, và nhiều nhất là sự buồn bã.Tuy nhiên, Võ Biền không được may mắn như Zaches, và cũng bởi cái chất huyền thoại mà Ngô Tự Lập theo đuổi, nó gắn kề với chất đời với đầy những trăn trở suy tư mang đậm tính Phật giáo, nên kết cục Võ Biền theo đuổi một đoạn tu nghiệp và trở nên đắc đạo.

Giữa lúc đọc truyện của Ngô Tự Lập, có lẽ nhiều độc giả sẽ cảm thấy, tại sao tác giả lại luôn đặt nhân vật của mình vào những số phận đau đớn đến như vậy. Có lẽ bởi thế mà chất đời trong sáng tác của anh đầy đặn, mặc dù ngôn ngữ truyện lại đượm chất thi vị và âm nhạc.

Là một nhà thơ, dịch giả, lại sáng tác nhạc nên văn chương của Ngô Tự Lập nhuần nhuyễn bồng bềnh, dễ cuốn hút độc giả vào những câu chuyện vừa hoang đường vừa chân thật.

Bắt đầu sáng tác năm 1989, Ngô Tự Lập làm thơ, viết truyện ngắn và tiểu luận. Anh cũng ghi dấu ấn ở vai trò một dịch giả tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Hà Nội, anh đã xuất bản trên 20 tác phẩm sáng tác, dịch thuật và biên soạn.

Thủy Nguyệt
(news.zing.vn)