Người bạn đồng hành thú vị trong chuyến lãng du văn hóa

31.08.2018

Người bạn đồng hành thú vị trong chuyến lãng du văn hóa

Bộ sách của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, đúng như tên gọi, là chuyến lãng du kỳ thú trong văn hóa Việt Nam. Chuyến đi được chia làm ba chặng tương ứng với ba tập sách: Đất Việt, Lịch sử - Truyền thống, và Văn hóa - Bản sắc dân tộc - Văn học - Nghệ thuật.

Ở chặng đường thứ nhất, tác giả đưa người đọc qua nhiều địa danh trên đất Việt từ Bắc chí Nam, kể loạt chuyện nhỏ về làng xã, hội hè, về cây cỏ và con vật, về món ăn thức uống… Sang chặng thứ hai, góc nhìn địa lý được thay thế bởi góc nhìn lịch sử, để tác giả xới lên nhiều vấn đề văn hóa từ tôn giáo tín ngưỡng đến cách thức suy nghĩ, từ gia đình đến xã hội.

Chặng đường thứ ba, tác giả lại hướng người đọc đến bao suy ngẫm về sự sinh tồn của bản sắc dân tộc trong mối liên hệ với văn hóa nói chung, từ cả góc nhìn bên trong lẫn bên ngoài, với nhiều câu chuyện đặc sắc về nghệ thuật và văn học. 

Một chuyến đi dài cùng dãy “hành lý” thoạt nhìn có thể làm du khách chùn bước, song thật đáng ngạc nhiên, chuyến lãng du ấy hóa ra vô cùng sinh động: Các chặng hành trình được thiết kế một cách hợp lý để nuôi dưỡng cảm hứng của lữ khách, những khúc quanh và ngả rẽ bất ngờ, những khám phá mới mẻ ngay cả ở nơi chốn tưởng quá đỗi thân quen.

Và, như người ta thường nói, điều đáng nhớ nhất trong một hành trình nhiều khi không phải điểm đến mà là người đồng hành. Với tác giả Hữu Ngọc - một người Hà Nội gốc Kinh Bắc, một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm - chúng ta có bạn đồng hành tuyệt vời. Trong suốt chuyến đi, ông hiện diện bên người đọc như người dẫn đường thông thái, lịch lãm, một người bạn vong niên ân cần và tinh tế. 

Hàng trăm trang sách xoay quanh một vấn đề: Văn hóa Việt Nam. Đó là nơi Hữu Ngọc gửi gắm trọn vẹn niềm yêu thương lẫn những day dứt, trăn trở. Ông soi chiếu nó qua nhiều lăng kính: Địa lí và lịch sử, truyền thống và hiện đại, cái nhìn trong cuộc của con dân đất Việt và cái nhìn từ bên ngoài bạn bè quốc tế. Dù được nhìn qua lăng kính nào, văn hóa Việt Nam đối với ông chưa từng và sẽ không bao giờ là một khái niệm trừu tượng, xa lạ.

Văn hóa, như ông đã hơn một lần nhắc đến trong bộ sách, chính là cách chúng ta chung sống với nhau hàng ngày. Bởi vậy, xuyên suốt chuyến lãng du, Hữu Ngọc dày công dựng lên hàng nghìn mảnh ghép qua những câu chuyện cụ thể, những con người cụ thể, những chi tiết cụ thể. Nhờ hàng nghìn những thứ nho nhỏ cụ thể ấy, bức tranh toàn cảnh về văn hóa Việt Nam trở nên hết sức giản dị và sinh động.

Nhưng chớ lầm tưởng cái cụ thể với cái vụn vặt, và sự giản dị với sự sơ sài! Đằng sau những chuyện ông kể, những con người hữu danh và vô danh mà ông dẫn đến cho ta làm quen, các chi tiết ông mô tả đôi khi là tầng tầng lớp lớp hàm ý gắn với chiều sâu văn hóa và sự phức tạp của lịch sử mà người đọc không dễ gì hiểu ngay. Nhưng có hề chi, vì đứng trước bức tranh từ nghìn mảnh ghép ấy, mọi người xem đều bình đẳng. Tác giả trao cho chúng ta các mảnh ghép, ghép như thế nào và trong thời gian bao lâu là việc của mỗi người. 

Một điều đáng trân trọng ở bộ sách này là cái cách người bạn đồng hành Hữu Ngọc, trong suốt cuộc hành trình, vừa đóng vai người dẫn đường, vừa đóng vai người chia sẻ. Con người cá nhân của ông, một cách kín đáo và lịch thiệp, được thể hiện qua từng trang viết.

Đó có thể là cái nhìn đa chiều trước những chủ đề gây tranh cãi (như thực dân và xứ thuộc địa, toàn cầu hóa và bản sắc dân tộc…), là sự cẩn trọng đáng quý khi đánh giá bất cứ điều gì (kể cả những vấn đề gai góc như thói quen ăn thịt chó của người Việt), là góc nhìn duy mĩ khiến ông phát hiện ra vẻ đẹp ở những thứ tưởng đã quá quen thuộc (như trang phục truyền thống của dân tộc Tày màu chàm hài hòa với màu xanh của núi rừng), và cả điều ông hơn một lần nhấn mạnh như cách tự nhắc mình: Mọi thứ đều đang thay đổi, cho dù là truyền thống văn hóa hay tập tính dân tộc.  Quay về dĩ vãng không phải để dừng lại ở đó, mà để sống tốt hơn với hiện tại và tương lai. 

Trên hành trình qua các địa danh khắp Việt Nam, hơn một lần Hữu Ngọc khẳng định vai trò của trải nghiệm cá nhân: “Một địa danh chỉ là từ ngữ đối với ta, nếu không mang nặng cảm xúc của kí ức cá nhân.” (Nước non Cao Bằng); “Một địa danh trở nên sống động khi được gắn với những kỉ niệm cá nhân của chúng ta” (Ấn tượng Côn Lôn).

Càng trân trọng chuyến lãng du kỳ thú mà người bạn đồng hành thú vị mang lại, chúng ta càng có động lực dấn bước vào những chuyến lãng du của riêng mình. Đó hẳn là món quà đáng giá nhất mà nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc trao tặng cho những bạn đọc trẻ.

Nguyễn Thị Diệu Linh

(news.zing.vn)