Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phụng Ký – nữ biệt động thành Đà Nẵng kiên cường - Nguyễn Phước Tương

13.08.2013
Bà Phụng Ký  có tên khai sinh là Nguyễn Thị Phụng, con gái của ông Nguyễn Phương là một người có học và bằng cấp quê ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, làm công chức Sở Thương Chánh, thành phố nhượng địa Đà Nẵng và bà Nguyễn Thị Thanh ở xóm Trung Bình, xã Thạc Gián (nay nằm trên đường Phan Thanh), Đà Nẵng, làm nghề thợ may thuê ở chợ Hàn.
Thân sinh của Phụng là một người cương trực, trung thực vì bị chèn ép nên đã bỏ cơ quan về nhà làm nghề vẽ truyền thần cùng một số bạn bè để kiếm sống. Ông là người thạo công việc ở cơ quan nên sau đó, Sở Thương Chánh đã mời ông làm việc lại, do đời sống gia đình gặp khó khăn nên ông đã nhận lời.
 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phụng Ký – nữ biệt động thành Đà Nẵng kiên cường - Nguyễn Phước Tương

 

Phụng sinh vào một ngày 1 tháng 5 năm 1915 tại quê mẹ trong hoàn cảnh như vậy. Khi Phụng mới 11 tuổi, thân sinh của mình lại bị mất việc, cơ quan cho nghỉ việc trong tình hình nước ta bị suy thoái kinh tế dưới thời Pháp thuộc. Bởi vậy, người cha phải mang theo con gái lặn lội vào tận Phan Rang để kiếm sống, ở nhờ nhà của một người bạn cũ là ông Nguyễn Xuân Ninh có mở một hiệu ảnh nhỏ. Tại đây, ông vẽ truyền thần để lấy tiền nuôi con gái. Ông vừa vẽ vừa dạy cho con gái vẽ.

Phụng có dáng người mảnh khảnh, gầy gò nhưng thông minh và khéo tay, được nhận một việc làm ở hiệu ảnh là rửa kính chụp ảnh khi mới mười hai tuổi đầu.

Nhiều đêm Phụng nhớ mẹ và em trai Nguyễn Hồ mà không dám khóc sợ làm phiền lòng cha. Với quyết tâm học nghề cao, Phụng lặng lẽ cặm cụi làm việc chăm chỉ nên dần dần nắm bắt được việc vẽ truyền thần và rửa kính máy ảnh, kiếm thêm tiền dành dụm để một ngày nào đó có thể gửi về giúp mẹ nuôi em.

Rồi đến lúc những bức họa truyền thần sau nhiều ngày kỳ công hoàn thành đã làm cho lòng Phụng cảm thấy thích thú và sung sướng vô cùng vì đã thừa hưởng được nghệ thuật của cha truyền lại. Phụng cũng ra sức học nghề chụp ảnh và thực sự thấy đó là một công việc rất thú vị khi ghi được những tấm ảnh đẹp.

Một hôm, người cha bảo với con gái cố gắng thu xếp công việc để hôm sau trở về quê với mẹ, Phụng rất vui mừng.

Người cha về thăm gia đình trong vài ngày rồi lại lên đường ra đi làm việc. Trong những ngày sống với mẹ, Phụng đã nhờ mẹ tìm nơi học thêm nghề chụp ảnh để kiếm sống.

Vì nhà nghèo, Phụng không được đến trường như các cô gái khác, nhưng vốn thông minh, Phụng đã mày mò tự học chữ Quốc ngữ và chỉ sau hai năm Phụng đã đọc được và viết được chữ Quốc ngữ. Phải nói rằng ở thời đó không dễ mấy người làm được như vậy.

Về sau, bà mẹ đã xin được việc làm cho con gái tại Hiệu ảnh Lê Văn Tư ở trên đường Avenue du Musée (nay là đường Trần Phú) khi Phụng mới mười bốn tuổi, trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.

Công việc của Phụng là phụ việc, cùng người nhà của hiệu ảnh đi chụp dạo dọc sông Hàn, tại ga Đà Nẵng hay chợ Hàn. Hiệu ảnh rất tin tay nghề của Phụng. Ngoài ra, do Phụng khéo tay và biết vẽ truyền thần, Phụng còn được giao công việc trang điểm cho khuôn mặt người chụp trên phim hay trên ảnh, nên được mọi người trong hiệu ảnh nể trọng dù chỉ là một tay thợ nữ tuổi đời còn trẻ. Vì vậy, ở hiệu ảnh, chị thủ quỹ Phạm Thị Hương Kỳ rất quý mến Phụng.

 

Vào những năm 1929 - 1930, ở tuổi mười lăm, qua chị Phạm Thị Hương Kỳ, Phụng làm quen với các chị của Nữ Công Học Hội Đà Nẵng do nhà văn nữ Huỳnh Thị Bảo Hòa thành lập, mà Phụng không ngờ rằng chị Hương Kỳ là một thành viên của tổ chức cách mạng Thanh niên Đồng chí Hội. Chị Hương Kỳ thường rủ Phụng đến Hiệu sách Việt Quang (về sau đổi thành Việt Quảng) là cơ sở hoạt động công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đà Nẵng và được làm quen với các chị Thái Thị Bôi, Phạm Thị Xuân Cảnh, Phan Thị Nể cùng các anh Lê Văn Hiến, Đoàn Bá Từ.v.v... đặc biệt là anh Nguyễn Sơn Trà là anh cô cậu ruột với Phụng.

Năm 1934, Phụng lập gia đình với anh Hà Quốc Thể là một người hiền lành, thật thà, cũng làm nghề chụp ảnh với mình ở Hiệu ảnh Lê Văn Tư sau 6 năm quen biết và có quan hệ tình cảm với nhau. Năm 1935, Phụng sinh con trai đầu lòng là Hà Quốc Tâm. Hai vợ chồng phải nuôi con, nhưng cố gắng dành dụm tiền để mua riêng cho mình một chiếc máy ảnh còn tốt để làm “cần câu cơm”.

Đến năm 1936, Hiệu ảnh Lê Văn Tư phải đóng cửa do bị trận bão lớn làm hư hại nhiều, chủ hiệu không có tiền sửa chữa, vợ chồng Phụng phải xách máy ảnh đi chụp dạo trên đường phố. Chính việc chụp ảnh người với cảnh phố phường đã giúp cho Phụng nâng cao tay nghề, biết cách tạo dáng cho người chụp, cách chọn cảnh, làm cho chất lượng các bức ảnh chân dung - phong cảnh ngày càng được nâng cao về nghệ thuật, tạo được dấu ấn cho khách hàng và Phụng bắt đầu trở nên nổi tiếng với hình ảnh một người phụ nữ mặc bộ đồ bà ba màu đen đứng chụp ảnh bên hè phố.

Ông chủ Hiệu ảnh Tân Mỹ biết rõ điều đó, nên sau đó đã mời Phụng về làm việc cho hiệu ảnh của mình và giao hẳn cho Phụng việc chụp ảnh chân dung. Mỗi khi cầm máy ảnh, Phụng có nụ cười hồn hậu, ánh mắt tươi cười, thái độ ân cần làm khách hàng cảm thấy mình được quý trọng và có cảm tình với Phụng. Có lẽ nhờ uy tín và tài năng của Phụng mà Hiệu ảnh Tân Mỹ ngày càng đông khách hơn nhờ Phụng có tài vẽ trang trí trên phim ảnh cảnh quang thiên nhiên, hoa lá, chim thú theo ý muốn của khách hàng nhờ kỹ năng truyền thần điêu luyện của mình. Và Phụng thực sự trở thành nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Thành, tạo nên những tấm ảnh chân dung có hồn bởi một con người có tâm hồn nghệ sĩ, một trái tim yêu người, yêu đời làm say đắm lòng người.

Khi chiến thanh thế giới II nổ ra 1939 - 1945, đời sống nhân dân càng cơ cực, gia đình Phụng cũng không nằm ngoài tình cảnh đó. Vì vậy, Phụng đi đến một quyết định táo bạo là lập ra một hiệu ảnh cho riêng mình để kiếm sống. Nhờ vay được tiền của nhạc phụ và một số bà con, sau Tết Canh Thìn - 1940, Phụng thuê một hiệu may trên đường Hùng Vương gần chợ Hàn bị ế khách ngừng hoạt động để dựng lên tại đó hiệu ảnh lấy biển hiệu là Phụng Ký với ý nghĩa Phụng là tên của mình còn có ý là phụng sự nghệ thuật và là ghi lại, ghi lại hình ảnh con người và cuộc sống.

Từ đó, Hiệu ảnh Phụng Ký trở thành cái tên thân quen với người dân Đà Nẵng qua các giai đoạn lịch sử từ trước cách mạng tháng 8/1945 đến nay. Việc chụp ảnh chỉ do hai vợ chồng Phụng đảm nhiệm, làm việc suốt đêm để kịp giao hàng. Về sau có nhiều khách hàng đến nỗi chồng Phụng phải vào  Sài Gòn thuê thêm thợ giỏi.

Nhân một gia đình ở số 23C Hùng Vương hồi cư về nông thôn khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp nổ ra, Phụng quyết định mua ngôi nhà và miếng đất của họ để sử dụng khi cần.

Ngày 20.12.1946, tiếng súng đánh Pháp của quân dân Đà Nẵng nổ ra, vợ chồng Phụng đã đưa gia đình tản cư ra vùng tự do ở khu bán sơn địa Việt An, huyện Thăng Bình. Đầu năm 1947, Phụng nhận được tin buồn cậu em trai Nguyễn Hồ đã hy sinh ngày 7.1.1947 trong trận đánh Pháp tại Đà Sơn, gần đèo Đại La. Rồi một đêm thổn thức nhớ em, những vần thơ sau đã tuôn trào từ trái tim người chị:

Trong tim tôi em còn sống mãi,

Tay em ôm gọi chị Năm ơi.

Ngày từ biệt là ngày vĩnh biệt,

Mối thù này quyết trả thay em!

Gần một tháng sau, một nỗi đau tê tái khác lại đến với Phụng: đứa con trai mới hơn một năm tuổi đã qua đời do bị ngã nước không chữa chạy được. Nhưng Phụng là một phụ nữ mạnh mẽ, nén chặt nỗi đau trong lòng để cần mẫn chăm sóc thương binh, tham gia Hội phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ.v.v... tích cực hoạt động cùng chị Lê Thị Kinh (cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh), bà Phan Thị Châu Liên (con gái cụ Phan Châu Trinh).v.v... nên chiếm được lòng tin của nhiều người trong và ngoài hội và đến giữa năm 1947, Phụng được chị em bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam và là thành viên đi dự Đại hội Phụ nữ Liên khu V tại Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.

Vào dịp kỷ niệm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1947, ở tuổi 32, Phụng vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản. Qua đầu năm 1948, Phụng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam.

Sống ở Việt An gặp nhiều khó khăn, nên vợ chồng Phụng đã chuyển về Tam Kỳ vào năm 1950. Đến đầu năm 1951, ông Võ Bá Huân, Sở Công an Quảng Nam mời Phụng mở lại Hiệu ảnh Phụng Ký để phục vụ cách mạng, chụp ảnh làm hồ sơ cho cán bộ kháng chiến, ngoài ra để mưu sinh và đóng góp Quỹ kháng chiến. Phụng được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Hội Phụ nữ Tam Kỳ và kiêm luôn Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ Tam Kỳ.

Hiệu ảnh Phụng Ký ở Tam Kỳ hoạt động tiến triển tốt, nhưng chỉ được ba năm thì phải ngừng lại, một phần do chồng bị bệnh hen suyễn nặng phải quay về Đà Nẵng chữa bệnh và một phần do thiếu thợ giỏi. Sau đó vài tháng vào năm 1953, tổ chức đã quyết định đưa Phụng về lại Đà Nẵng hoạt động hợp pháp sau gần bảy năm tham gia kháng chiến ở vùng tự do.

Về lại Đà Nẵng, Phụng lập ngay Hiệu ảnh Phụng Ký trên miếng đất đã mua trước đây ở số 23C Hùng Vương, nay là 79 Hùng Vương, nhờ vay tiền của bạn bè và người quen cũ. Hiệu ảnh là nơi hành nghề của Phụng đồng thời là cơ sở hoạt động nội thành, nơi ăn ở đi lại cho cán bộ kháng chiến và cũng là cơ sở kinh tế Đảng để nuôi cán bộ. Phụng mang bí danh Bắc Giang.

Các đồng chí trong Thành ủy Đà Nẵng như Trương Trọng Cảnh và Đoàn Tiềm đã thay nhau đến ở tại Hiệu ảnh dưới vỏ bọc thợ học nghề ảnh và trực tiếp bàn bạc với Phụng nhiệm vụ hoạt động nội thành, đặc biệt là việc làm “giấy tờ giả” để cung cấp cho cán bộ ta dễ dàng hoạt động trong lòng địch. Và nhiều cán bộ của ta đã được Phụng làm cho giấy tờ hợp pháp như vậy. Phụng đã xem công việc khó khăn phức tạp này là một loại vũ khí bí mật để chống kẻ thù. Vào thời kỳ này, nhân dân Đà Nẵng thường gọi Phụng là Bà Phụng Ký với lòng quý mến và kính nể.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết tháng 7.1954, Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách bắt thanh niên đi lính xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Đà Nẵng, bà Phụng Ký đã vận động giới phụ nữ, trong đó có chị em tiểu thương Đà Nẵng sáng ngày 1.8.1954 tổ chức biểu tình với hàng ngàn người tham gia và khẩu hiệu đòi thi hành Hiệp định Genève không được bắt lính, trả thanh niên về gia đình, vây chặt cổng đồn Võ Tánh (nay là góc đường Trần Phú - Trưng Nữ Vương). Hai chị Phùng Thị Tương và Đặng Thị Trợ đã trèo lên cổng đồn giật lá cờ của chúng xuống và cắm lá cờ đỏ sao vàng lên thì bị lính Việt Nam Cộng hòa bắn tử thương. Đám tang của hai chị trở thành cuộc tuần hành, đấu tranh sôi sục trên đường phố Đà Nẵng. Bà Phụng Ký được tổ chức giao làm các vòng hoa đặt trên xe tang và hai biểu ngữ lớn đòi thi hành đình chiến.

Địch đã trả đũa bằng cách khủng bố, bắt bớ nhân dân. Trong gia đình bà, người đầu tiên bị bắt là chồng bà, chúng nhốt ông ở nhà lao Con Gà (nay là Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản Thành phố Đà Nẵng), bị tra tấn tàn bạo đến thổ huyết, bắt chỉ nơi ở của cán bộ Đào Tiềm, nhưng ông cương quyết không khai báo, nên chúng phải thả ra sau hơn một tháng giam cầm!

Do một số cơ sở của ta không đảm bảo bí mật, nên một số cán bộ chủ chốt của ta bị bắt như Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Văn Định, Trương Đào, Nguyễn Thị Thương.v.v... Bà cũng bị Nha Công an Trung Phần bắt giữ, bị đánh đập, tra khảo, nhưng một mực không khai báo nên chúng phải thả ra. Anh Trương Trọng Cảnh bị đày đi Côn Đảo, chị Nguyễn Thị Thương bị tra tấn đến chết...

Vài tháng sau khi ra tù, tổ chức yêu cầu Bà Phụng Ký đến các tổ chức Phật giáo vận động đấu tranh hợp pháp và quyên góp lập quỹ nuôi quân. Bà đã bàn với chồng cùng tham gia Phật giáo để làm vỏ bọc tránh địch nghi ngờ. Bà lấy pháp danh là Quảng Cung còn chồng lấy pháp danh là Quảng Điện. Một thời gian sau, bà đến chùa Tịnh Giác ở, lấy nơi đây làm cơ sở để hoạt động nội thành.

Năm 1960, bà bị bắt lần thứ hai theo luật 10/9 của Ngô Đình Diệm vì có hai con trai tập kết ra Bắc, bị giam hơn một tháng rồi mới được thả ra. Đến năm 1963, bà bị bắt lần thứ ba vì bị địch xem là “phần tử xúi giục làm loạn”, bị tra khảo đủ thứ nhưng bà vẫn trả lời là bà có chồng đau yếu, nhiều con, chỉ biết làm nghề chụp ảnh để nuôi gia đình, không biết cộng sản, nên sau hai tháng bị giam chúng cũng phải thả bà ra.

Từ năm 1964 cho đến  1967, mỗi tháng bà đã đóng góp 6.000đ cho quỹ nuôi quân và sau 1968 số tiền đó là 153.000đ (theo biên lai còn lưu lại) và tiếp tục làm giấy tờ giả cho cán bộ ta ra vào Đà Nẵng hoạt động, lo bố trí nơi ăn ở cho 7 - 10 người, đồng thời bà tham gia Tổ công tác Bình Triệu với bí số T60, do ông Nguyễn Văn Thiệt có bí số M40 phụ trách, có nhiệm vụ tìm kiếm thuốc men, dụng cụ y tế cung cấp cho chiến khu và vải vóc để may quần áo cho cán bộ cải trang hoạt động nội thành hợp pháp. Trong những năm 1964 - 1970 Tổ công tác này đã tìm cách chuyển về hậu cứ của ta hàng chục chuyến hàng có giá trị và còn vận động thanh niên “nhảy núi”, bố trí cho họ lên chiến khu kháng chiến.

Cán bộ của ta ra vào Đà Nẵng hoạt động ngày càng đông, trong đó có anh Năm Dừa (Nguyễn Thanh Nam), Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà và quỹ nuôi quân cần phải tăng lên, nên vào năm 1968 Bà Phụng Ký quyết định mở thêm cơ sở mới cho hiệu ảnh của mình là Hiệu ảnh Phụng Ký II ở gần Chợ Cồn, do bà trực tiếp quản lý và năm 1969 mở thêm Hiệu ảnh Phụng Ký III ở ngã ba Thanh Khê, có lúc giao cho ông Mười Xí điều hành. Bà khéo léo phấn đấu làm sao để đủ tiền thuê nhà còn có thêm tiền để cung cấp cho cơ sở hoạt động nội thành của ta.

Chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân - 1968 ở Đà Nẵng, một trong nhiều vị trí ém quân của Quân Giải phóng có Tổ Đặc Công T89 do Lê Nguyên Hồng chỉ huy đã bí mật đóng quân tại Hiệu ảnh Phụng Ký để đánh vào đơn vị Quân vụ của địch và đã làm tan rã đơn vị này.

Sau Tết Mậu Thân, Bà Phụng K‎ý tiếp  tục làm căn cước giả hợp pháp cho cán bộ ta nhiều hơn mặc dù ngụy quyền thay đổi mẫu mã căn cước với ảnh đóng dấu nổi và tên người đánh máy chữ. Sau đó, chẳng bao lâu, nỗi đau lớn liên tiếp đã đến với bà là tang chồng rồi nối tiếp tang mẹ.

 

Nỗi buồn gia đình chưa nguôi thì vào tháng 5.1970, bà bị bắt lần thứ tư, có lẽ là có người khai báo cho địch bà làm căn cước giả. Chúng lục soát Hiệu ảnh Phụng Ký để phát hiện nơi ở của anh Năm Dừa nhưng không được, đem bà giam tại Kho Đạn rồi sau đó chuyển đến Nhà lao Thanh Bình. Ba tháng sau, chúng mở phiên tòa xét xử bà với tội danh “làm giấy tờ cho Việt Cộng” với mức án hai năm tù giam và giam bà tại Nhà lao

Thủ Đức ở Biên Hòa.

Trong nhà tù những năm 1971 - 1972 có mặt các bà Nguyễn Bá Thành (nhũ danh  là Phạm Thị Thanh Vân), Hoàng Thị Mai là những trí thức cùng một số chị em cốt cán tổ chức văn nghệ đón xuân. Bà Phụng Ký vẽ panô “Dòng sông lao lung” làm phông cho sàn diễn. Đêm diễn, bà Nguyễn Bá Thành đã hát rất hay với lời ca “Lao tù là nơi ta đấu tranh không cầm vũ khí, là nơi ta rèn tâm trí đấu tranh!”

Những ngày lao tù với bao nỗi gian nan, cực khổ, không có tự do, Bà Phụng Ký đã cảm tác một bài thơ hài hước sau đây:

Có thú chi hơn thú ở tù,

Ăn rồi nằm ngủ khỏe như ru...

Công danh phó mặc ba thằng dại,

Phú quý dành riêng mấy thằng ngu!

Mỗi ngày hai bữa cơm vẫn đủ,

Ăn tiêu không tốn một đồng xu...

Ai về nhắn nhủ đàn con trẻ,

Muốn sướng đua nhau đến ở tù!

Bà đem ra đọc cho chị em bạn tù nghe, làm nổ ra một trận cười vỡ bụng.

Giữa năm 1972, mãn hạn tù, bà được trả về Đà Nẵng nhưng bị quản thúc trong một năm, đi đâu phải trình báo và được phép của chính quyền ngụy. Nhưng mới ra tù, bà đã nhận ngay nhiệm vụ mới là vận động các nhân sĩ, trí thúc ủng hộ cách mạng đấu tranh cho hòa bình, thi hành Hiệp định Genève. Bà đã vận động được bác sĩ Trần Đình Nam, nguyên thị trưởng Đà Nẵng thời chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Ngô Khắc Tuấn, nguyên Hội trưởng Hội Liên Việt... tham gia phong trào.

Năm 1973 bà bị bắt lần thứ năm sau khi đi gặp Bí thư Hồ Nghinh báo cáo lại kết quả vận động bác sĩ Trần Đình Nam và các trí thức khác. Không khai thác được gì, chúng nhốt bà mấy ngày rồi phải thả ra cho về.

Tháng 10.1973 bà Nguyễn Thị Phụng vinh dự được triệu tập dự Đại hội Phụ nữ Đặc khu Quảng Đà lần thứ IV. Sắp xếp việc nhà và hiệu ảnh xong, bà bí mật rời Đà Nẵng lên đường đến xã Xuyên Hiệp, huyện Duy Xuyên để dự Đại hội. Bà được nghe truyền đạt Nghị quyết của Trung Ương Đảng tháng 7.1973 về con đường bạo lực của cách mạng miền Nam và nhiệm vụ đặc thù của Đặc khu Quảng Đà. Nhiệm vụ cụ thể của bà được Đảng giao cho là tổ chức hoạt động hợp pháp ở nội thành Đà Nẵng, công tác binh vận và tiếp tục làm kinh tài nuôi quân.

Bà về Đà Nẵng thực thi nhiệm vụ, cùng chị em Hội Phụ nữ tích cực làm công tác binh vận và vận động tầng lớp giáo giới, sinh viên, học sinh ủng hộ cách mạng, giải phóng miền Nam.

Trưa ngày 29.3.1975, khi xe tăng quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, bà chợt nhận ra nhiệm vụ quan trọng, lao về nhà ngay, bảo con gái là Hà Thị Bé Hiền lấy máy ảnh cùng đứng trên ban công hiệu ảnh của mình, ghi lại những hình ảnh tuyệt vời của những giây phút hào hùng Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày giải phóng, bà và chị em Hội phụ nữ Đà Nẵng đã vận động Giáo hội Thiên Chúa giáo giải thể Cô nhi viện, trả các cháu về với gia đình và thành lập Nhà trẻ Đà Nẵng đầu tiên vào ngày 1.1.1976 ở số 3 đường Pasteur, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoan nghênh.

Tháng 4.1976, Quảng Đà và Quảng Nam hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam-  Đà Nẵng, bà được cử làm Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh. Đến năm 1979, bà được Nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi 64, sau gần 40 năm tham gia cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cho đến cuối đời vào năm 2000 khi đã vào tuổi 85, bà vẫn cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh đổi mới của Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước.

Do công lao đóng góp to lớn cho cách mạng và kháng chiến, bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba. Bà thường nói với mọi người: “Con đường cách mạng mà tôi đã chọn, một đời tôi luôn đi theo và quyết tâm đi tới đích”.

Bà qua đời ngày 20.5 Kỷ Sửu - 2009 tại thành phố Đà Nẵng hưởng thọ 94 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Phụng là một phụ nữ nghèo, nhân hậu, sớm giác ngộ cách mạng, đã bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 1930 khi mới 15 tuổi cho đến 85 tuổi, xứng đáng được vinh danh là Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của xứ Đà Thành và là Nữ nghệ sĩ chép lịch sử Đà Nẵng bằng hình ảnh. Trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng đã sử dụng máy ảnh như một vũ khí chiến đấu chống kẻ thù, một nữ biệt động thành Đà Nẵng kiên cường năm lần bị địch bắt giữ và giam cầm, đã để lại cho đời hàng ngàn bức ảnh chân dung đẹp hiện nay còn lưu lại trong nhiều gia đình ở Đà Nẵng, hàng trăm tấm ảnh về lịch sử cách mạng của Đà Nẵng mà một số còn được lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Hiệu ảnh Phụng Ký mang tên bà, được thành lập từ năm 1940 đến nay vẫn được con cháu bà nối nghiệp ở địa điểm xưa tại số nhà 79 Hùng Vương, Đà Nẵng.

                                                                            N.P.T