Một lối đi riêng cho lục bát

15.02.2016

Một lối đi riêng cho lục bát

Với người Việt, lục bát là một thể thơ gần gũi, thân thương, khởi nguồn từ ca dao dân ca và trở thành điệu hồn dân tộc qua mấy mươi thế kỉ. Sừng sững trong thơ Việt là một lục bát Truyện Kiều, Tản Đà, Nguyễn Bính và gần hơn là Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Thiên Thư… cùng bao nhiêu câu lục bát ngọt ngào, đằm thắm khác đã nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam qua bao thăng trầm, dời đổi.

Thế nhưng trong một thời đại phát triển nhanh chóng và quá nhiều biến động như hiện nay, dễ có cảm nhận rằng thơ lục bát đã trở nên cũ kĩ, đơn điệu, sáo mòn. Với một lối thơ có vẻ đều đều và những quy định chặt chẽ về cách gieo vần, hài thanh, ngắt nhịp, lục bát hình như thích hợp hơn cho việc diễn tả những tình cảm chân quê, mộc mạc như trong ca dao thuở trước nhưng lại khó có thể chuyển tải được những bấn loạn nội tâm, những chấn thương tâm lí của con người hiện đại trước một thế giới đầy hoen rỉ, bất an.

Vậy mà không, những bài lục bát nhàm chán như thế chỉ là sản phẩm của những nhà thơ kém tài. Nếu được thăng hoa từ một thi tài thực sự, lục bát vẫn có khả năng diễn tả và diễn tả rất hay những biến chuyển tế vi trong đời sống tâm hồn người. Tuy nhiên, để làm được một bài lục bát đúng nghĩa, lột tả được thế giới cảm xúc vô cùng phức tạp của con người hiện đại thật không phải chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi ở nhà thơ tài năng, lòng đam mê và khát vọng sáng tạo cháy bỏng.

Làm một bài lục bát cho hay đã khó, làm lục bát hai câu theo cách của Nguyễn Đăng Khoa trong “Một - lục - bát - tôi” (NXB Văn học, tháng 12 năm 2015) càng khó hơn rất nhiều. Chỉ với một cặp sáu tám ngắn ngủi mà phải vừa toát lên được hồn lục bát, lại vừa phải gửi gắm được những thông điệp sâu sắc về nhân sinh thì đòi hỏi cách viết của nhà thơ phải đạt đến độ hàm súc cao và phải có một khả năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, tinh tế.

Xuyên suốt tập thơ gồm 48 bài lục bát hai câu này, tôi đã bắt gặp những câu thơ hay, diễn tả được nỗi buồn, nỗi cô đơn đến khắc khoải trong tâm trạng nhân vật trữ tình “Không còn xứ khác để tuôn/Tôi làm mưa xuống nỗi buồn của tôi” (Tuôn), “Lầm lũi trên áo sơ mi/ Cô đơn như những người di tản buồn” (Người di tản); diễn tả được những trăn trở, suy tư về bản thể “Lạ lùng tinh mơ thấy mình/ Nổi trôi trong đáy của nghìn mắt đêm” (Mắt đêm), “Mình đi mua vé xem mình/ Rồi xem vai diễn rồi hình như đau” (Tự trào). Cũng với những cặp sáu tám ngắn ngủi, giản dị ấy, Nguyễn Đăng Khoa đã gửi đến những triết lý sâu sắc về nhân sinh “Hạnh phúc là quả bóng bay/ Loài người là trẻ vụng tay muôn đời” (Hạnh phúc), “Chuyện buồn nhất của nghìn năm/ Loài người quên mất cách cầm tay nhau” (Tôi bắt đầu kể). Chính những vần thơ như thế đã khiến “Một - lục - bát - tôi” tạo được dấu ấn trong lòng người đọc.

Dù rằng trong “Một - lục - bát - tôi”, chỗ này, chỗ kia vẫn không tránh khỏi có những bài còn hơi gượng gạo, vụng về nhưng với những giá trị mà tập thơ đem lại cả về ý tưởng lẫn nội dung, nghệ thuật; Nguyễn Đăng Khoa đã tạo được một thành công nhất định nào đó trên hành trình trăn trở tìm cho mình một lối đi riêng - một lục bát Nguyễn Đăng Khoa - giữa muôn vàn nẻo đường quen thuộc đã được mở sẵn ra cho thơ lục bát.

Tôi từng khuyên Nguyễn Đăng Khoa khi đọc tập thơ đầu tay “Con đường tự trôi” khá thành công của nhà thơ trẻ rằng bạn không nên in thơ vội quá, nên tuyển lựa cho kĩ, chọn được những bài tinh tế nhất hãy in. Nhưng một người say thơ như Nguyễn Đăng Khoa đã không thể quá thận trọng như vậy. Với Khoa, con tim rung động thì viết ra và khi đã viết ra thì ngay lập tức khao khát được sẻ chia cùng người đọc. Một trái tim say thơ như thế thật hiếm gặp giữa thời này. Được viết ra từ tấm lòng thơ ấy, “Một -lục - bát - tôi” xứng đáng được xem là một thể nghiệm, một tìm tòi đáng trân trọng dành cho thơ lục bát.

Hồ Tấn Nguyên Minh
(vanhocquenha.vn)