Lê Huy Hạnh - Tình yêu và cái đẹp

21.07.2024
Bùi Xuân
Nhà thơ, hoạ sĩ Lê Huy Hạnh, sinh ngày 23/9/1950, quê quán Yên Nhân, Thạch Hà, HàTĩnh, là em ruột của nhà thơ, hoạ sĩ Lê Huy Quang, vừa rời cõi tạm vào lúc 05 giờ ngày 20/7/ 2024 tại thành phố Đà Nẵng, quê hương thứ hai của anh, sau những ngày chống chọi lại với bệnh tật. Gia tài của Lê Huy Hạnh là những tượng đài chiến thắng, gắn với những nghĩa trang liệt sĩ và di tích lịch sử, là hàng trăm bức tranh mỹ thuật, 9 tập thơ và một tập ca khúc phổ thơ của anh. Thơ Lê Huy Hạnh đa dạng về để tài: ký ức chiến tranh, những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những suy nghĩ về cuộc sống, tình yêu và cái đẹp…

Lê Huy Hạnh - Tình yêu và cái đẹp

Chân dung Nhà thơ Lê Huy Hạnh

Hình như khi tuổi đã về chiều, Rabindranath Tagore mới làm thơ tình. Những bài thơ tình nồng nàn của nhà thơ vĩ đại người Ấn Độ lay phay sương khói cùng với mái tóc đã hoa râm của ông. Ngược lại, với rất nhiều nhà thơ khác, họ làm thơ tình từ khi còn rất trẻ và bước chân vào thế giới thơ ca với chiếc túi rủng rỉnh những bài thơ tình.  

Có lẽ, Lê Huy Hạnh là một trường hợp như vậy. Cùng với tình yêu quê hương và ký ức chiến tranh, tình yêu lứa đôi là một đề tài sung mãn và là một cửa sổ nhìn ra thế giới ở bên ngoài của anh. Lúc nào Lê Huy Hạnh cũng như người đang yêu. Anh hân hoan khi người yêu đến. Anh rầu rĩ khi người tình bỏ ra đi. Anh nhớ thương người yêu đang ở một nơi xa xôi nào đó. Anh xót xa cho những mối tình tan vỡ của mình...

Những sớm  mai tôi tìm lại tôi

Nhặt vội nỗi buồn dấu vào ký ức

Những hạ trắng, thu vàng, đông buốt

Đã trở thành kỷ niệm riêng

                          (Những sớm mai)

 Với anh, tình yêu là cái đẹp mang đậm tính chất duy mỹ, trong sáng như thuỷ tinh và tinh khiết như sương mai. Tình yêu như thế là rất hiếm hoi ở trên đời này, mà nhà thơ của chúng ta thì không phải là người may mắn, nên mấy lần ngỡ như đã tìm được bến đỗ thì cũng bấy nhiêu lần tan vỡ, khổ đau. Anh vẫn cứ phải là lữ khách “gót chân vẹt mòn thời gian” trên con đường đi tìm tình yêu và cái đẹp; lại “cứ thấp thỏm, âu lo đến lạ” khi tình yêu đến và reo ca khi gặp lại mối tình đầu trong trẻo, cũ xưa:  

Chợt sớm mai lạc trong thanh sương

Mắt môi dùng dằng mối tình đầu ấy

Sấp ngửa bàn tay cho ta tìm lại

Hương thời gian ngưng đọng tháng năm

                                    (Lạc trong thanh sương)

Nhưng tình yêu chưa thể làm nên những trái cây chín bói, thế mạnh của Lê Huy Hạnh vẫn là đề tài chiến tranh, là ký ức về những năm tháng cả nước ra trận mà sự hy sinh đã trở thành biểu tượng cao nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng… Vì vậy, trong 9 tập thơ của Lê Huy Hạnh, mặc dù số lượng bài thơ về đề tài chiến tranh ít hơn thơ tình nhưng để lại ấn tượng sâu sắc hơn, tiêu biểu như hai bài thơ: Dẫu có muộn màng - viết về 14 thanh niên xung phong hy sinh ở Truông Bồn và Mười bông sen trắng - viết về sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc… Ở những bài thơ đó, lời thơ của Lê Huy Hạnh khúc chiết, tự nhiên, dạt dào cảm xúc; nó như được viết ra trong những khoảnh khắc thăng hoa nhất của tác giả:

            Vẫn còn đó những cung đường,

                                                            suối, truông, trọng điểm…

            Dẫu thịt nát, xương tan lòng vẫn kiên trung

            Và biết bao đêm dưới lập loè pháo sáng

            Các con làm cọc tiêu cho xe vượt tuyến…

            

                                              (Dẫu có muộn màng)

    Hay:

           Lời mẹ ru nghìn năm giặc giã

           Trăng trắng cánh cò bay la, bay lả

           Làm nên bao mùa vàng nứt nẻ bàn tay

           Gió Lào sắc như dao cứa nát lưng trần

           Mẹ lại một lần mang nặng đẻ đau

           Dâng hiến  cho đời những người con gái                             

                                            (Mười bông sen trắng)

Thơ anh cũng như tranh và tượng của anh vậy, có tình yêu và cái đẹp, có hạnh phúc và khổ đau, song hạnh phúc thì ngắn ngủi, đứt đoạn, còn khổ đau thì cứ như con đường dài hun hút, cuốn chàng hoạ sĩ – nhà thơ của chúng ta đi về phía gió bụi xa mờ. May mà anh đã từng là một chiến sĩ. Cái bản lĩnh của người lính, chiếc lưng dựa quê hương và niềm tin yêu cuộc đời này luôn là bà đỡ nhân từ và độ lượng, vực anh dậy, cho anh năng lượng sống dồi dào để anh còn có thể lầm lụi đi tìm cái đẹp sương mai của tình yêu.  

Bài viết nhỏ này của tôi về thơ Lê Huy Hạnh như một nén tâm nhang tiễn biệt anh: một nhà thơ và hoạ sĩ đa tài.

B.X