Khi bằng cấp không còn là lực cản của danh hiệu

19.04.2021
Thảo Vy
Nghị định 40/2021/NĐ-CP (Nghị định 40) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (Nghị định 89) quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND); Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành sau khi đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/5/2021. Dư luận xã hội cho rằng với Nghị định 40 bằng cấp đã không còn là “thước đo” của danh hiệu.

Khi bằng cấp không còn là lực cản của danh hiệu

Nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng NSND khi tuổi đời đã lên đến 90 và tuổi nghề hơn 60

Với nghị định 40, nội dung quan trọng đầu tiên được sửa đổi là quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân. Nếu Nghị định số 89 quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở thì tại Nghị định 40, quy định này được sửa đổi, bổ sung thành: Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân được tính từ khi tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở; hoặc cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở.

GỠ KHÓ TỪ CƠ CHẾ

Đón nhận nghị định 40, nhiều nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng lại không tốt nghiệp tại một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đã không giấu được niềm vui khi có thể chạm tay vào danh hiệu NSND hay NSƯT, do những quy định về bằng cấp đã không còn là lực cản trên con đường khẳng định tài năng và sự cống hiến của họ trong nghệ thuật. Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch: Điểm cộng của nghị định 40 chính là đã gỡ khó cho những nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh vực nghệ thuật đặc thù mang tính chất truyền nghề. Nếu cứ cứng nhắc theo Nghị định 89 (cá nhân bắt buộc phải tốt nghiệp tại một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp) mới đủ điều kiện xét công nhận NSND, NSƯT thì sẽ rất thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

Trên thực tế, đối với những lĩnh vực như Xẩm, Tuồng, Chèo cổ... rất ít các cơ sở đào tạo thu hút được học viên tham gia, cho dù có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Có nhiều cách để lý giải cho sự khát nhân lực của những bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhưng căn nguyên chính được người trong cuộc đưa ra chính là sự thờ ơ của công chúng hiện nay với nghệ thuật truyền thống và sức ép của các loại hình giải trí thời thượng.

Khi những gameshow truyền hình thực tế nở rộ với những chương trình thực cảnh rộng lớn như Ký ức Hội An được tổ chức trên sân khấu rộng 25.000 m2; hay Dạ tiệc thực cảnh đa phương tiện Tinh hoa Việt Nam  tại Phú Quốc có sân khấu rộng 11.200m2, thì Chèo, Xẩm hay Quan họ vẫn chỉ khiêm tốn ở góc chiếu sân đình, cổng tam quan hay một hội quán nào đó. Có người nói, nghệ thuật truyền thống vốn là sự khiêm nhường trong cái thanh tao của nhạc lý, thoát tục của người nghệ sĩ khi họ thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật truyền thống, vì thế không thể ồn ào, dung tục, thậm chí không thể lấy bài toán kinh tế để cân đong đo đếm nghệ thuật truyền thống. Nhưng, cái lý ấy chỉ đúng một phần, bởi sự “thanh tao” ấy muốn tồn tại, phải được lòng công chúng, được công chúng yêu mến và tìm đến bất chấp những cám dỗ của nghệ thuật đương đại, trong đó có nghệ thuật đường phố. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hiện chúng ta không có tác giả ở nhiều loại hình sân khấu truyền thống như Tuồng, Dân Ca, Múa Rối. Do đó, rất cần cơ chế, tạo điều kiện để đào tạo nguồn tác giả cũng như diễn viên cho các loại hình sân khấu truyền thống.

Sự thiếu hụt về đội ngũ tác giả (giáo viên) và cả học viên trong các cơ sở giáo dục nghệ thuật là một thực tế khiến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang rơi vào nguy cơ đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chùng chờ cơ chế để mời gọi học viên. Còn bước ra khỏi cánh cổng các cơ sở đào tạo, đời sống nghệ thuật dân gian cũng đang chứng kiến sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi, nắm giữ trong tay những làn điêu cổ, những kỹ năng gieo vần, nhả chữ vô cùng chuẩn xác, chưa kịp trao chuyền cho hậu thế. Dù họ được xem là báu vật sống, nhưng danh hiệu mà họ có được cũng vô cùng gian nan.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, để nghệ thuật truyền thống neo lại và sống được trong lòng công chúng cần phải tạo ra sự kết nối mật thiết giữa những nghệ nhân, nhạc sĩ giỏi nghề với người trẻ. Khi người trẻ được truyền dạy, được thắp lửa đam mê, họ sẽ có tình yêu và giữ nghề...Trong một chừng mực nhất định, phải khẳng định đây là một sáng kiến đúng. Nhưng, nếu xét trên thực tiễn hoạt động nghệ thuật, kết quả lại đưa đến những sai số nhất định. Trong khi một ca sĩ hát nhạc trẻ, lời mới, thù lao đêm diễn lên đến hàng trăm triệu thì một ca sĩ hát nhạc truyền thống thù lao lại chỉ ở mức vài triệu thậm chí vài trăm nghìn đồng. Hay một nghệ sĩ xiếc, mức lương khởi điểm chỉ 2-3 triệu đồng/ tháng trong khi ca sĩ thị trường thu nhập lên đến hàng trăm triệu... do sản phẩm của họ phù hợp với thị hiếu của người nghe/ xem. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã trình Chính phủ nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Trong đó có quyết tâm phải gieo được tình yêu nghề cho người trẻ, để họ hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống.

CHUẨN THỜI GIAN THAY CHO BẰNG CẤP

Đặt câu hỏi, tại sao khán giả trẻ hiện nay tôn sùng âm nhạc đường phố, nhạc Hàn, nhạc điện tử có tính chất thương mại. Còn các loại hình âm nhạc đặc sắc như Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan Họ, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Trù, Hát Xoan… dù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng lại không được số đông người dân quan tâm, yêu thích, dẫn đến cảnh “chợ chiều” và buộc phải nghĩ đến “sân khấu hóa” kéo theo vô vàn hệ lụy. Người ta mới hiểu ra rằng, những quan niệm về dạy và học, về nuôi dưỡng, phát triển tài năng và đãi ngộ tài năng để họ có thể giống như con tằm rút ruột nhả tơ phục vụ công chúng yêu nghệ thuật là cả một bài toán khó. Đòi hỏi phải có phương án lâu dài, bền bỉ và cần có thời gian mới có thể biến những quyết định trên giấy trở thành hiện.

Và nghị định 40 cũng đang hướng tới điều đó, khi sửa đổi về tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT được quy định tại Điều 8,9 về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, bên cạnh những quy định “cứng” mang tính định tính, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên. Riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa mang tính đặc thù ngắn hơn, nên cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên. Ngoài ra, nghị định 40 cũng được xem là thông thoáng hơn nghị định 89 khi không quá khắt khe với các danh hiệu của cá nhân nghệ sĩ về giải vàng cấp quốc gia. Mà sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn, đảm bảo tính chính xác, khách quan trong công tác xét tặng, tôn vinh những tài năng, cống hiến của các nghệ sĩ đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Ngoài ra, nghị định 40 cũng đã có những quy định bổ sung về các trường hợp đặc biệt, thay vì xét đặc cách như trước đây. Những tiêu chí linh hoạt tới đây sẽ được áp dụng chính là xem xét đến sự cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp Hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được thực hiện 2 năm một lần, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã có nhiều hơn những cá nhân được nhận danh hiệu NSND; NSUT. Nhưng để có những ghi nhận đồng đều, xứng đáng vẫn rất cần có những đổi mới trong ghi nhận sự cống hiến của các nghệ sĩ. Nghệ thuật là lĩnh vực mà ở đó ẩn chứa rất nhiều sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, tập thể, vì vậy không thể dùng bài toán định lượng để cân đong, đo đếm sự sáng tạo. Thế nên, việc nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng NSND khi tuổi đời đã lên đến 90 và tuổi nghề hơn 60 là một trường hợp cụ thể, cho thấy sự bất cập của chính sách cần phải sửa đổi. Có phải các nghệ sĩ chưa đủ độ chín của tài năng và thời gian công hiến. Câu trả lời xin được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ chủ quản và Hội đồng thi đua khen thưởng cấp quốc gia.

(baovannghe.com.vn)