Âm nhạc truyền thống tiếp sức chống dịch

16.08.2021
Đắc Linh
Trong những ngày này, khi cả nước chung sức, đồng lòng, nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, âm nhạc là một trong những liều "vắc-xin tâm hồn" hiệu quả, cổ vũ tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh âm nhạc hiện đại, âm nhạc truyền thống cũng đã thể hiện được khả năng chuyển tải dòng chảy thời sự với nhiều sáng tác ý nghĩa, thấm đẫm tính nhân văn về đề tài chống dịch.

Âm nhạc truyền thống tiếp sức chống dịch

NSND Tự Long và nghệ sĩ Xuân Hồng trong MV "Chặn dịch kiên cường thành phố yêu thương".

Thời gian qua, hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều loại hình âm nhạc truyền thống gắn với nội dung phòng, chống dịch Covid-19 đã ra đời, như: Hát chèo "Chiếc khẩu trang nghĩa tình" của Hoàng Thị Dư; hát xẩm "Tiêu diệt Corona" của nhóm Xẩm Hà thành; "Việt Nam kết đoàn chống dịch Covid" viết trên nền điệu ví giận thương của Nguyễn Trọng Tâm; hát chèo "Bài ca chống dịch nCovy", hát then "Lời then chống dịch", ca Huế "Mười thương chống dịch Covid" của Mai Văn Lạng; "Trống cơm" phiên bản chống Covid của Khúc Ðạo Minh; tân cổ cải lương "Ông bà anh thời Covid-19" được NSND Bạch Tuyết cải biên lời mới dựa trên ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu… Ca từ giản dị, thông điệp rõ ràng từ những sáng tác này không chỉ tiếp thêm sức mạnh chống lại đại dịch, mà còn giúp khẳng định giá trị của âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hôm nay.

Nói đến vai trò góp sức chống dịch của âm nhạc truyền thống, không thể không đề cập gần 20 tác phẩm âm nhạc đặc sắc ở các thể loại chèo, cải lương đã được tác giả Lê Thế Song tập trung sáng tác những ngày qua. Chứng kiến hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế - những người đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh vì tính mạng, sức khỏe của người dân; những chiến sĩ bộ đội sẵn sàng chấp nhận cảnh màn trời, chiếu đất để nhường chỗ ăn, ngủ cho đồng bào cách ly, anh cảm thấy bản thân không thể đứng ngoài cuộc. Ðể rồi khi Bắc Ninh, Bắc Giang trở thành tâm dịch, anh có ngay ca khúc "Bắc Ninh - Bắc Giang, niềm tin chiến thắng" kết hợp giữa dân ca quan họ và cải lương. Khi tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh trở nên căng thẳng, anh lại có bài cải lương "Chặn dịch kiên cường thành phố yêu thương", "Thành phố nghĩa tình căng mình chống dịch", bài chèo "Gửi anh người lính biên phòng" hay "Hãy đợi em về". Những giai điệu đẹp đã chở đi lời nhắn gửi yêu thương cùng lòng biết ơn sâu sắc dành cho tuyến đầu chống dịch, đồng thời cổ vũ người dân cùng nhất trí, đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Lê Thế Song cũng làm nên dấu ấn đậm nét với nhiều ca khúc chống dịch đi vào lòng người như: bài chèo "Ngày về chiến thắng", "Vượt hết chông gai", "Nụ cười chiến thắng Việt Nam", cải lương kết hợp chèo "Khúc hoan ca chiến thắng Corona", cải lương "Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona"...

Là một soạn giả, tác giả kịch hát dân tộc với khoảng 30 vở diễn sân khấu đã được dàn dựng, Lê Thế Song có nhiều thuận lợi trong lựa chọn làn điệu, soạn lời ca khúc. Anh chia sẻ, những làn điệu trữ tình, sâu lắng của âm nhạc truyền thống vô cùng phù hợp để chuyển tải những câu chuyện thời sự hiện nay, chẳng hạn như điệu vọng cổ của cải lương, hay những điệu "Chinh phụ", "Ðào liễu", "Quân tử vu dịch" của chèo... Những ca khúc chống dịch của tác giả Lê Thế Song đã được sẻ chia, lan tỏa bởi nhiều nghệ sĩ âm nhạc truyền thống nổi tiếng như các NSND: Tự Long, Thúy Ngần, Thanh Tuấn, Thanh Hương, Khắc Tư; các NSƯT: Hồ Ngọc Trinh, Diệu Hằng, Phương Mây, Hoàng Tùng, Ngọc Bích, Thùy Linh, Hà Bắc...; các giọng ca trẻ của sân khấu như Quốc Phòng, Võ Minh Lâm, Quỳnh Sen... Trong đó, NSND Tự Long tham gia tới 10 bài chèo, hai bài cải lương; NSND Thúy Ngần, NSƯT Diệu Hằng mỗi người năm bài chèo; nghệ sĩ Xuân Hồng bốn bài cải lương... NSND Thanh Tuấn, một giọng ca gạo cội của sân khấu cải lương phía nam dù đã bước qua tuổi thất thập cũng đã góp sức tham gia thu âm hai tác phẩm. Không chỉ thể hiện ca khúc, các nghệ sĩ còn nhiệt tình chia sẻ trên trang Facebook cá nhân để nhiều đối tượng khán giả được tiếp cận, thưởng thức. Ðiều này không chỉ thể hiện nhiệt huyết, tình yêu nghệ thuật của các nghệ sĩ mà còn cho thấy trách nhiệm xã hội, tinh thần sẵn sàng cống hiến của họ trước những vấn đề mang tính vận mệnh của đất nước, không phân biệt tuổi tác, vùng miền, cũng không có đường biên giữa các loại hình âm nhạc.

Được biết, những ca khúc âm nhạc truyền thống khi được phát hành trên các nền tảng số đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Nhiều bài hát nhận về hàng triệu lượt xem, hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Ðiều này cho thấy, bám sát hơi thở cuộc sống, chuyển tải những vấn đề thời sự của xã hội chính là một trong những con đường để âm nhạc truyền thống tiếp cận công chúng hôm nay, từ đó phát huy giá trị và khẳng định sức sống.

(nhandan.vn)