Hồn ngủ nơi thắt lưng em...

14.07.2015

Hồn ngủ nơi thắt lưng em...

Cuốn sách du ký của nhà báo Đặng Minh Huệ dẫn người đọc tới những miền đất lạ, chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa các dân tộc

Hình như sách ở đời vẫn được chia làm hai loại. Một là sách chắt ra từ sách. Nghĩa là chắt ra từ cái đọc. Nhờ đọc nhiều, tra khảo nhiều, tiếp nhận, phản biện, nung nấu nhiều mà viết ra những cuốn mới. Làm loại ấy vốn là nghề của đám học thuật. Hai là sách chắt ra từ đời. Nghĩa là chắt ra từ cái sống. Do đi nhiều, gặp nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, rồi ngẫm nghĩ, đúc kết mà viết ra cuốn sách của mình. Loại này, cánh nhà văn, nhà báo vẫn bạo hơn.

Thì cũng cần, cũng quý cả. Nhưng, hình như, loại trước là ngọn, loại sau mới là gốc thì phải ?

 
Đâu phải vô cớ mà xưa nay, tri thức được chưng cất từ trải nghiệm trường đời của chính kẻ viết vẫn được xem là loại tri thức ròng. Nghĩ thế, tôi thấy cuốn sách đang cầm trên tay như nặng hơn. Thì được viết từ bao chuyến thâm nhập vào các vùng miền xuôi ngược với địa chỉ xác định, từ những gì mắt tận thấy tai tận nghe, từ những nhân chứng sống luôn đầy đủ căn cước, mỗi bài ở cuốn Hồn ngủ nơi thắt lưng em này chẳng phải đều mang những thông tin, những tri thức tươi sống thú vị về văn hóa của các vùng miền, các tộc người sao? Chẳng phải cánh Nhân học, Dân tộc học, Văn hóa học có thể tìm thấy ở đây những nguồn tài liệu tin cậy sao ? Chẳng phải những quan sát, những thu lượm, những cảm nhận phong phú về văn hóa ở đây có thể gieo những hạt mầm cho sự ra đời của những cuốn sách kế tiếp sao? … Càng đọc, càng thấy vui, và không khỏi có chút… ghen tị với cuộc đời làm báo của bạn tôi, tác giả Đặng Thị Huệ. 


Phải, không phải nghề báo, làm sao có được cơ duyên và thành công này. Làm báo, lại ở Hệ Phát thanh Dân tộc của đài Tiếng nói Việt Nam, hệ có chức năng quan trọng là bám sát các vùng miền, các tộc người - cơ hội đi, cơ hội trải nghiệm, đương nhiên, là rất nhiều. Cứ xem những địa danh ghi cuối mỗi bài viết, thì thấy bàn chân tác giả đã đặt tới bao nhiêu nơi, toàn những chốn tiềm ẩn vô vàn nét đẹp văn hóa. Chả trách mà tới đâu Huệ cũng có thể lượm đầy một túi ba gang. Song, nói thế, chứ đâu dễ thế. Bởi đâu phải cứ đi là lượm được. Khối người đi rất nhiều mà lượm chẳng bao nhiêu. Phải biết trông nhìn. Phải biết lắng nghe. Phải để tâm. Phải mê. Phải nhạy. Thì mới may ra… Chẳng thế sao? Chả mê đến mức ghiền, chả nhạy nắm bắt những tinh thể văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền vốn tản mác, tiềm ẩn ngay trong bụi bặm đời thường khắp những nơi được đặt chân đến, giỏi lắm, tác giả chỉ viết được các bài báo phát một lần rồi quên, dễ gì có nổi những bài đọng lại được thành tập sách này.

 

Hơn hai trăm trang sách, bao nhiêu là cần mẫn, là trân trọng, nâng niu. Trang nào cũng lấp lánh một nét văn hóa độc đáo nào đó được chi chút thâu lượm trong mỗi chuyến đi. Trang nào cũng tràn đầy một niềm hân hoan của người có cơ duyên tầm được đồ quí. Được thế, có dễ gì đâu. Nhận ra thế, cơn ghen tị thầm kia đã biết điều mà lẳng lặng tiêu tan.


Trong nội dung, có không ít những cuộc phỏng vấn, nhưng dáng dấp chung củaHồn ngủ nơi thắt lưng em vẫn là một tập kí, nghiêng về du kí. Thoạt nghĩ, nhà báo viết kí, thì đương nhiên là kí báo chí rồi. Có “văn nghệ hóa” thì vẫn là báo chí thôi. Nhưng, có hẳn vậy không nhỉ ? Kí báo chí cần sự việc hơn tâm sự. Tác giả báo cần trình căn cước của mình hơn hiện cái tôi của mình. Lời văn báo chí cầu thông tin hơn cầu tạo hình. Giọng điệu báo chí thường tẩy trắng để khách quan đâu cần tạo chất giọng chủ quan… Thế thì tập kí này chả thuần là các bài kí, phỏng vấn hay phóng sự vụ việc nữa. Xem ra, Hồn ngủ nơi thắt lưng em “nhập tịch” sang văn rồi.*

Thì cả tập sách đâu phải chỉ là những thông tin, những tri thức về văn hóa thuần túy. Mỗi điều ấy đều gắn với một gặp gỡ, một câu chuyện, đều thuộc về một bầu tâm sự đầy những thiết tha và bàng bạc những lo âu về nguy cơ mai một mất mát.

Thì cũng là những chuyến công tác, nhưng tác giả hiện ra chả giống lắm một nhà báo đi cơ sở, mà hao hao một tay phượt, từa tựa một tay điền dã, giông giống một du khách lãng du vào quá khứ. Dù có cái vẻ rất nhàn tản, nhưng những chuyến lên ngược xuống xuôi về không gian có khác nào những chuyến ngược quá khứ về thời gian. Ấy là những cuộc truy tầm quá khứ trong hiện tại. Chả giống cái cách thóc mách săm soi rồi “phóng” lên các “sự” bằng những thông tin hot. Mà mỗi cuộc đi chỉ để mải mê cảm nhận và hết mình trải nghiệm. Nhờ thế, mà nhận ra những trầm tích văn hóa chợt lấp lánh dưới gót chân ngựa Mông (Việt) và Mông Cổ, trên đầu sư tử Pu Péo, trên trán những chú bò chọi, trong bùa yêu của Tây Bắc, trong lối đánh cồng Tây Nguyên, ở bia mộ vùng này, nơi cây mắm cây đước vùng kia… Lắm lúc còn say sưa bình phẩm văn hóa, văn học đến là thăng hoa, rồi đính chính đến là ngọn ngành những điều chưa được hiểu đúng, thậm chí nêu ra cả những khác biệt tinh vi trong dân ca Mông giữa hai vùng núi đất và núi đá … Mỗi nét văn hóa ấy khác nào một thứ tinh thể của quá khứ tuy khuất chìm đâu đó nhưng vẫn tỏa ánh sáng khiêm nhường của nó trong hiện tại này. Mỗi nét đẹp đó như một sợi rễ sâu vẫn lặng lẽ nối hiện tại với quá khứ nay bất ngờ lộ thiên dưới mắt người kiếm tìm, thâu lượm.

Thì lời văn mềm mượt, giàu biểu cảm và nhiều chất tạo hình. Đọc lối văn thế này : “Họ hát quên thời gian, hát từ lúc mặt trời giấu mặt vào núi, sương bắt đầu buông cho đến khi lá cây rừng dầm dề sương đêm…”, “Hơn một giờ sáng. Dòng ánh sáng đèn ô tô, xe máy ngược núi. Thỉnh thoảng lại thấy từng cặp, từng cặp trẻ tơ dắt nhau men theo những lối mòn lên ngọn đồi. Họ khuất ngay sau lùm cây, lặn vào bóng đêm”, hay lối này : “Nếu thích ai thì bỏ nhà bỏ cửa đi theo, mà không thích thì trâu béo, bạc nén cũng chẳng thèm. Tình yêu khiến người ta vượt trăm sông, ngàn suối để đến với nhau. Tình yêu thành lời hát suốt đêm thâu, thành tiếng sáo khắc khoải mỗi phiên chợ, thành tiếng kèn môi vắt ngang sườn núi. Lời hát, tiếng khèn bỗng hoá “bùa yêu”!”… hẳn người đọc đã hoàn toàn quên là mình đang đọc báo chí. 

Thì giọng điệu đây lúc nào cũng duyên dáng và dí dỏm. Đúng là chất giọng tự nhiên thuộc cá tính trong đời thường của Huệ. Đem được cái giọng của mình khi nói vào làm thành cái giọng điệu riêng khi viết thế này chả phải là sự sáng tạo giọng điệu cho tác phẩm văn sao :  … Mua Mí Hồng nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, người Mông không gọi là cướp vợ đâu nhá, mà chỉ gọi là “kéo” thôi. Hay là “bắt vợ” thì cũng có nghĩa là thế. Nhưng không thể gọi là “cướp vợ”, vì mình có đi cướp vợ của ai đâu! (Ừ phải, sao lại gọi là cướp cơ chứ!) … “Sao trông đẹp đôi thế này mà hai người lại...bỏ nhau”? Hỏi trêu đùa thế, ai dè, anh Chao thật thà: “Lý do là cái hồi đấy, chưa đủ tuổi, Núm mới 14.  Mình thì đủ 18 tuổi rồi, phải lấy vợ rồi nên đành chia tay nhau, phải đi liên hệ, lấy người khác”. Tôi bỗng thích cái từ “liên hệ” của anh Chao thế chứ!” ... “Chả nhẽ ai cũng buộc phải nhuộm răng đen? Pham cười bẽn lẽn, nói nhỏ: “nhuộm đen răng bóng như vậy thì con trai mới thích, mới đến hỏi làm vợ”. Nghe Pham nói thế, tôi biết mình sẽ là “gái ế”, nếu bỗng một ngày đẹp giời biến thành phụ nữ dân tộc Lự”! Ai đã thân với tác giả, hay chỉ đôi lần trò chuyện thôi, cũng thấy ngay cái giọng đôn hậu mà dí dỏm này chính là giọng hàng ngày của Huệ.

Tôi không nghĩ đó là các chiêu “văn nghệ hóa” để tăng sức hấp dẫn của một tay viết báo tinh nghề. Đó là chất văn của một hồn văn.

Đọc cả tập sách, thấy tác giả tỏ ra thính nhạy về quan sát, nắm bắt và thâu lượm những nét lạ trong tập tục của văn hóa tộc người và văn hóa vùng miền. Tóm được một nét lạ nào đó, nhất là những “của độc” là xem như xong. Cái tứ của bài lập tức hình thành. Cái giọng lập tức cất lên. Chữ bèn gọi chữ. Trang liền nối trang. Lời dẫn thì linh hoạt. Lời vấn thì ý nhị. Lời bình thì dí dỏm. Trang nào cũng dậy lên thứ văn của thích thú và trân trọng. Tôi tin đó là sở trường của cây bút này./.

Chu Văn Sơn
Nhà phê bình văn học
(vov.vn)