Cô gái áo xanh của Nguyễn Quang Thiều

05.04.2018

Cô gái áo xanh của Nguyễn Quang Thiều

Trong những năm ấu thơ của mình, những đứa trẻ như tôi lớn lên ở những làng quê không có tivi, không có đài phát thanh, không có sách, thậm chí không có đèn vào các buổi tối. Ngày ấy, thôn quê với những mái nhà lợp rạ lúp xúp, cây cối rậm rạp, nhiều chim chóc, nhiều hoang thú và côn trùng. Đêm xuống, cả làng chìm trong bóng tối. Lũ trẻ con ngày đó chẳng biết làm gì vào những buối tối như thế ngoài việc được bà hay mẹ kể chuyện cho nghe. Đó cũng là món quà lớn nhất đối với mọi đứa trẻ. Nhưng những câu chuyện của bà, của mẹ những năm tháng đó đều không phải là những câu chuyện từ những cuốn sách. Đó là những câu chuyện mà những người bà, người mẹ mà trong đó có những người bà, người mẹ không biết chữ được nghe khi họ còn ấu thơ và kể lại cho con cháu họ. Lũ trẻ chúng tôi đã nghe những câu chuyện ấy và một thế giới của trí tưởng tượng mở ra vô tận.

 

Điểm nổi bật nhất của những chuyện kể hồi đó là hầu hết các câu chuyện đều mang tính kỳ bí mà chúng ta gọi là chuyện ma. Sau này lớn lên, tôi nhận ra những câu chuyện ma ấy đều liên quan đến những người cụ thể ở mỗi làng quê và có cả những câu chuyện liên quan đến những người thân yêu đã khuất của trong gia đình mình. Nhưng vì khi sống có những oan khuất, những trắc trở, những đau buồn, những tiếc nuối, những ân nghĩa, những khát khao... mà khi chết vẫn hiện về như muốn nói với những người đang sống một điều gì đó hoặc muốn làm một điều gì đó. Một điều quan trọng mà tôi nhận ra từ những câu chuyện kỳ bí ấy là nó vẫn chứa đựng những thông điệp cho cả cuộc sống bây giờ.

 

Chúng ta đang sống trong một đời sống hiện đại. Mỗi đứa trẻ đều đã có một điều kiện sống đầy đủ hơn trước kia rất nhiều. Nhưng quả thực, chúng không có được những buổi tối quây quần quanh bà, quanh mẹ và đợi chờ những câu chuyện từ họ với một cảm xúc lạ thường. Mỗi ngày, chúng tiếp xúc với muôn vàn trò chơi điện tử trong một cái iphone, ipad nhưng chúng đang mất đi trí tưởng tượng vô tận từ chính ngôi nhà của chúng, từ tiếng côn trùng trong đêm, từ một lùm cây, từ một triền sông hay từ một đêm trăng huyền ảo...Trí tưởng tượng đã làm lên sự phong phú của tâm hồn và mở rộng chiều kích tư duy của một đứa trẻ. Những câu chuyện kể từ người bà, người mẹ đã gắn kết những đứa trẻ với con người và thiên nhiên ở nơi chúng sinh ra và lớn lên. Đến lúc này, chúng ta phải tự hỏi rằng: một thế giới vật chất bề bộn và một thế giới xum xuê của cây lá tâm hồn thì cái nào sẽ giúp làm lên một con người thực sự ?

 

Chính vì những lý do đó mà tôi ngồi xuống và kể lại những câu chuyện mà tôi đã từng nghe từ bà, từ mẹ tôi trong những năm tháng ấu thơ và từ những người dân khác. Khi viết xong những câu chuyện này, tôi đã đọc lại và nhận ra một điều vô cùng thú vị mà khi viết tôi cũng chưa nhận ra. Đó là những câu chuyện gọi là chuyện ma này là chuyện ma thuần Việt. Cho dù những điều tôi kể lại vụng về đến đâu thì nó cũng chẳng giống những câu chuyện ma của người Trung Quốc, Ấn Độ hay của một số nước phương Tây. Bởi đời sống nào, văn hóa nào sẽ làm lên những câu chuyện của đời sống đó và của nền văn hóa đó.

 Nguyễn Quang Thiều
(nhavantphcm.com.vn)