Họa sĩ Vũ Dương-Biển và mùa xuân

05.01.2015


Họa sĩ Vũ Dương quê quán tại  Huế, nhưng trưởng thành và hoạt động nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng. Từ sau 1975 đến nay, Vũ Dương đã góp mặt gần 20 Triển lãm cá nhân, Triển lãm nhóm... trong và ngoài nước. Anh có tranh sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam cùng  nhiều Giải thưởng  mỹ thuật  Trung ương và địa phương...

 Họa sĩ Vũ Dương-Biển và mùa xuân


Nhắc đến họa sĩ Vũ Dương, người ta thường liên tưởng ngay đến những bức tranh sơn dầu có kích cỡ lớn, với nét bút phóng khoáng, sắc màu trong veo lấp lánh, đầy gợi cảm hiện diện trên vách tường của những salon sang trọng. Tranh của anh chứa đựng đề tài phong phú, đa dạng, nhưng luôn đem đến người thưởng ngoạn sự liên kết gần gũi, thân thiết, bới đó là những gì anh chắt lọc được từ nhựa sống chung quanh. Sinh thời, nhà thơ Trinh Đường có lần nêu nhận xét về Vũ Dương: “Tưởng như anh nói bằng ngôn ngữ màu sắc, hóa ra anh lại nói bằng chính lòng anh. Tưởng như anh sẽ bộc bạch hết tâm tư, hóa ra anh chỉ gợi lên, đánh động đến tiềm thức để tìm sự đồng cảm của những người cùng thời. Trí tưởng tượng không cho phép người nghệ sĩ lặp lại những ước lệ  và chụp ảnh cái cũ mòn, cái tẩm thường.  Nó khuyến khích một không gian và thời gian nhiều chiều, nhưng cái chiều cần phấn  đấu, cái chiều sâu lắng nhất đối với một nghệ sĩ đã thể hiện ở Vũ Dương, đó là chiều sâu tư tưởng, chiều sâu về nhân sinh...”. Còn nhà văn Hoàng Trọng Dũng khi nhận định bức tranh chân dung Vũ Dương vẽ về cha mình (cụ Hoàng Châu Ký) đã nói: “Mà mầu của Vũ Dương theo ý tôi là mầu đẹp, nó cứ trong veo, không mấy họa sĩ có mầu như anh. Bức sơn dầu chân dung ông cụ tôi do Vũ Dương vẽ tặng, không còn là chỉ của ông cụ tôi nữa. Nó là hình ảnh một thời, một thế hệ những người trí thức đấy!”

Tuy nhiên, có lẽ từ triển lãm cá nhân vào năm 1978 về sau, Vũ Dương mới thực sự được công chúng yêu chuộng mỹ thuật và giới chuyên môn chú ý, đánh giá anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa đất Quảng. Tranh anh tạo cho người xem có cảm giác được bộc phá bởi sự dồn nén và cách điệu cao. Năm 1988, Vũ Dương lại tiếp tục có Triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Anh cũng có tranh chọn lựa triển lãm tại Đan Mạch (1995), đồng thời cùng các họa sĩ Từ Duy, Bùi Công Khánh tổ chức triển lãm tranh “Nắng phương Nam” tại Pháp (2002)…...

Điều thú vị, đến nay, trải qua hơn 40 năm cầm cọ, với hàng loạt cuộc triển lãm khắp mọi nơi, Vũ Dương mới bất ngờ nhận ra, đa phần tranh của anh luôn xoay quanh ở hai chủ đề : biển và mùa xuân. Chắc hẳn, trong một lần đầu tiên nào đó, một người bạn yêu tranh nào đó đã phát hiện và nêu thắc mắc này với Vũ Dương. Anh cười vui không giấu diếm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, rồi lại Đà Nẵng, từ thời thơ ấu đến nay, cứ “mở mắt ra là thấy biển”. Biển dữ dội mà gần gũi, thương yêu, đi sâu vào tâm hồn mình với biết bao kỷ niệm.  Chính vì vậy, biển đảo bước vào trong tác phẩm một cách tự nhiên, tự lúc nào mình cũng chẳng hay”. Có thể kể những tác phẩm điển hình của Vũ Dương về tình yêu thiên nhiên, biển đảo được nhiều người nhớ như:  Cá, Người và biển, Cá về, Ngư thuyền và biển, Chợ về, Mùa đông, Chọn áo mùa đông, Thuyền và phố... Mới đây, hưởng ứng cuộc phát động sáng tác “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng hướng về biển, đảo quê hương” do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật  Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 7/2014, các tác phẩm “ Cảng biển Đà Nẵng”, “Âu thuyền Cù Lao Chàm”, “Biển động”… tạo nhiều ấn tượng với người thưởng ngoạn.

Riêng về mảng tranh mùa Xuân, Vũ Dương có một chuỗi sơ-ri gần 20 tác phẩm. Điều đó thật dễ hiểu, bởi nói đến mùa Xuân là nói đến thiên nhiên, hoa cỏ, phố phường, thiếu nữ… Chung quy là ngợi ca cái đẹp, mà theo Vũ Dương, điều kiện ắt có đầu tiên để làm nên một tác phẩm mỹ thuật là “Cái đẹp”. Anh bộc bạch: “ Thiên nhiên và cuộc sống chung quanh cũng như trong bản thân luôn mới mẻ, lạ lùng, lôi cuốn khát vọng nắm bắt nhưng mãi mãi tồn tại đâu đó đằng sau những sắc màu, ánh sáng, nét hình là bí ẩn nhiệm màu của sự sống, cái đẹp vĩnh hằng. Đến với hội họa là tôi đã chọn con đường khám phá thế giới bí ẩn đó. Tôi không vẽ những gì nhìn thấy mà vẽ những gì tìm thấy và cảm nhận. Tôi không ngần ngại uốn nắn phương pháp họa, tạo hình ảnh diễn tả cảm xúc, tư duy một cách đơn giản nhất”. Vũ Dương cũng nói thêm về sự ra đời những bức tranh mùa Xuân: “Cứ mỗi lần ngày Xuân, Tết đến, con người ai lại không thấy xôn xao, hưng phấn . Đặc biệt, với người nghệ sĩ, sự thăng hoa sáng tạo càng trội dậy mãnh liệt hơn. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp như vậy, tôi lại có vài ba bức tranh xem như “khai bút” đầu năm. Trong đó, những bức tranh tôi yêu thích và có nhiều kỷ niệm nhất  là: “Nàng Xuân”, “Tĩnh vũ Xuân”, Khúc vũ Xuân”…”

Họa sĩ Lưu Công Nhân trong một bài viết “Một vài tình cờ  ở Đà Nẵng”, đã nhắc lại lời tâm sự của Vũ Dương nói với ông: “...nhiều lúc khó khăn, tôi muốn bỏ nghề kiếm cách sống dễ hơn, nhưng rồi vậy đó. Tôi chỉ có một “tính tốt”: kiên nhẫn sống và vẽ. Chỉ sống bằng tranh ở cái đất...sỏi đá cũng thành...tranh thì phải kiên nhẫn. Cóp nhặt tí sơn, mét vải và vẽ. Vẽ cái chung quanh mình thôi. Cứ sống và vui buồn với nó là có tranh….Tôi vẽ tranh bằng tình yêu của tôi. Nên chi, tôi ao ước tranh tôi đến với người yêu tranh trên cổ xe tình yêu...”

Cứ nhứ thế, mùa Xuân này, Vũ Dương lại miệt mài có thêm những tác phẩm Biển và Mùa Xuân, một đề tài vẫn gần gũi thân quen, nhưng người thưởng ngoạn vẫn luôn gặp nơi ấy biết bao cảm xúc tươi trẻ và mới lạ./.

Một số tác phẩm của Vũ Dương:
 



Nàng Xuân (sơn dầu)
 



Thiếu nữa Xuân ( sơn dầu)




Phố Xuân ( sơn dầu )



                                                                                                                                                                    Trần Trung Sáng