Giải nhiếp ảnh thế giới 2023 gọi tên những cái chạm đầy cảm xúc

06.07.2023
Trần Anh Thùy Dương (dịch)
Những bức ảnh đoạt giải vừa là minh chứng cho sự đa dạng sinh học của thế giới, vừa lột tả được những thách thức mà thế giới hiện phải đối mặt.

Giải nhiếp ảnh thế giới 2023 gọi tên những cái chạm đầy cảm xúc

Cuộc thi nhiếp ảnh BigPicture Natural World đã kéo dài được 10 năm, thu hút hàng nghìn bài dự thi từ khắp nơi trên thế giới. Mục đích của nó là làm nổi bật những khoảnh khắc kì diệu và vẻ đẹp phi thường trong tự nhiên, đồng thời khiến mọi người phải quan tâm hơn đến các hệ sinh thái cần được bảo vệ và bảo tồn.

Bất cứ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có cơ hội tham gia cuộc thi cũng như được trưng bày tác phẩm tại Học viện Khoa học California (Mĩ).

Các tác phẩm tham gia dự thi năm nay là những bức ảnh thể hiện sự sống trên Trái đất và minh họa một số mối đe dọa mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt. Sau đây là 10 bức ảnh đã giành được giải thưởng và lọt vào vòng chung kết của cuộc thi.

1. Chó sói đồng cỏ băng qua đường: Giành giải thưởng lớn nhất Grand Prize Winner

Trên khắp nước Mĩ, các vụ va chạm xe cơ giới là nguyên nhân gây ra ít nhất 1 triệu ca tử vong ở động vật có xương sống mỗi ngày và Chicago cũng không ngoại lệ. Chó sói đồng cỏ ở thành phố này thường chỉ sống khoảng 3 năm trong khi những khu vực tự nhiên khác chúng có thể sống tới 10 năm và thậm chí 18 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất của chúng là bị ô tô đâm.

Tuy nhiên, giống như nhiều loài động vật hoang dã sống trong môi trường đô thị đông dân cư, chó sói đồng cỏ đã tìm ra những cách khéo léo để cùng tồn tại với con người. Ở Chicago, nơi tác giả Corey Arnold làm việc cùng với các nhà khoa học từ Dự án Nghiên cứu chó sói đô thị quận Cook, chó sói thường xuyên sử dụng đường ray xe lửa như trong ảnh để đi qua các đường cao tốc đông đúc. Chúng cũng thay đổi hành vi bình thường của mình như săn mồi chủ yếu vào ban đêm để ít gặp phải con người hơn. Ảnh: Corey Arnold

2. Phát hiện: Hạng mục Động vật hoang dã trên cạn

Thoạt nhìn bức ảnh có vẻ giống như một con báo tuyết mẹ (Panthera uncia) đang chơi với con của mình. Tuy nhiên khi nhìn kĩ hơn những dấu vết trên lông của con báo con mới thấy đây thực chất là một con mèo rừng trưởng thành thuộc loài mèo Pallas (Otocolobus manul), một loài mèo rừng có kích thước như mèo nhà. Chúng sống ở khắp Trung Á trên những thảo nguyên, ngọn núi và sa mạc cao, nơi ở ưa thích của báo tuyết.

Mặc dù có chung sở thích về khí hậu lạnh và độ cao, nhưng có rất ít bằng chứng khoa học về việc báo tuyết săn mèo Pallas. Vì vậy, khi nhiếp ảnh gia Donglin Zhou nhìn thấy con báo tuyết này lén lút tiếp cận mèo mẹ Pallas trên cao nguyên Quinhai-Tây Tạng, cô đã vô cùng kinh ngạc. Cô nói: “Cả hai loài này vốn đã khó có thể gặp được chứ đừng nói là xuất hiện cùng nhau”. Zhou đã dành nhiều ngày để quan sát mèo mẹ cho mèo con ăn và vô cùng đau khổ khi chứng kiến ​​mèo mẹ bị báo tuyết vồ ​​lấy. Khi nhìn thấy mèo mẹ nằm trong miệng con báo, cô chia sẻ: “Tôi không thể ngừng rơi nước mắt”.

Sau khi con báo tuyết rời đi, Zhou, người hướng dẫn của cô và các nhân viên kiểm lâm quyết định để lại một số con vật đã chết ở ngoài hang cho 3 chú mèo con. Trong ba tuần, họ bảo vệ và cho mèo con ăn đến khi những con mèo Pallas nhỏ sẵn sàng rời khỏi hang và đủ khả năng tự bảo vệ mình. Ảnh: Donglin Zhou

3. Mũi chạm mũi: Hạng mục Thiên nhiên - con người

Kể từ năm 2006, các nhà phát triển đã xây dựng hàng chục phân khu mới ở ngoại ô Melbourne, Australia, biến vùng đất từng là nơi trú ẩn của chuột túi (kangaroo), gấu túi, cáo bay và các động vật hoang dã khác thành những con đường ngoại ô. Khi môi trường xây dựng lấn chiếm môi trường hoang dã, ngày càng có nhiều động vật bị ô tô đâm phải. Những con vật sống sót, nếu may mắn có thể được chăm sóc tại Khu bảo tồn Joey và Bat gần Melbourne.

Nhiếp ảnh gia Douglas Gimesy đang ghi lại công việc tại khu bảo tồn vào năm ngoái thì anh gặp một con chuột túi mũi trần (Vombatus ursinus) đã mất mẹ vì bị ô tô cán. Gimesy quan sát một sinh viên thú y trẻ tuổi cho con chuột túi mồ côi bú bình. Khi bữa ăn kết thúc, cô sinh viên chạm mũi mình vào mũi của con vật rất dịu dàng như sự gắn kết giữa người và động vật. Ảnh: Douglas Gimesy

4. Động vật chân đầu tuyệt đẹp: Hạng mục Cuộc sống dưới nước

Màu sắc lấp lánh đối xứng của loài bạch tuộc chăn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình săn mồi của loài động vật chân đầu. Hầu hết những con bạch tuộc chăn được quan sát là con cái, giống như con trong bức ảnh này được chụp ở Philippines. Con bạch tuộc chăn cái có thể dài tới hai mét và nặng hơn tới 40.000 lần so với con đực có kích thước bằng quả óc chó và có một “tấm chăn” đặc trưng phủ trên các xúc tu của chúng, khiến chúng trông thậm chí còn lớn hơn. Ảnh: Heng Cai

5. Tái sinh: Hạng mục Phong cảnh trên cạn, dưới nước và hệ thực vật

Giống như nhiều hệ sinh thái ở nửa phía tây của Bắc Mĩ, nhiều khu rừng ở Công viên Quốc gia Jasper ở Alberta, Canada, được hưởng lợi từ các vụ cháy rừng xảy ra tự nhiên với cường độ thấp. Lửa bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, giữ cho rừng không trở nên đồng nhất và thúc đẩy sự phát triển của các bụi cây mọng mà gấu xám Bắc Mĩ và các động vật hoang dã khác thích nhai.

Nhưng kể từ năm 1913, các nhà quản lí công viên đã tích cực dập tắt các vụ cháy rừng trên khắp công viên. Các nhà quản lí đất đai trên khắp Alberta cũng áp dụng các hoạt động tương tự. Không có lửa, cây cối mọc dày đặc một cách bất thường và những khúc gỗ chết tích tụ trên nền rừng. Loại gỗ này khi gặp phải điều kiện khô nóng do biến đổi khí hậu, những đám cháy rừng xảy ra lớn hơn và dữ dội bất thường.

Giờ đây, các nhà quản lí rừng đang cố gắng đảo ngược một thế kỉ quản lí sai lầm bằng cách tạo ra các đám cháy có kiểm soát và để một số đám cháy rừng bùng phát tự nhiên. Dù hình ảnh những hàng thông và vân sam xanh khi bị đốt cháy trong bức ảnh khác biệt với những gì mà du khách quen thuộc, nhưng chúng vẫn rất hấp dẫn như cũ. Ảnh: Miquel Angel ArtusIllana

6. Cuộc sống trên bờ vực: Lọt vào chung kết hạng mục Động vật hoang dã trên cạn

Dê núi Nubian sống ở sa mạc với thảm thực vật khan hiếm và khí hậu khắc nghiệt. Chúng cũng sống ở những rìa vách đá. Loài vật này có sừng cong ngược dài hơn một mét. Chúng sử dụng những chiếc sừng này để chống lại kẻ săn mồi và cạnh tranh với những con khác về quyền sinh sản. Bức ảnh cho thấy hai con đực đang đụng độ ở sa mạc Zin của Israel. Ảnh: Amit Eshel

7. Nấm ma thuật: Hạng mục Nghệ thuật tự nhiên

Những người lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của J Fritz Rumpf đã tưởng tượng ra rất nhiều khung cảnh như sóng biển hay các rãnh ở hẻm nũi, nhưng tất cả đều không chính xác. Đó thực chất là mang của một loại nấm thuộc chi Lactarius, hay còn được gọi là nấm nắp sữa vì chất lỏng giống như mủ trắng đục chảy ra khỏi cây nấm khi bị cắt.

Vào một buổi chiều tháng 8, tác giả Rumpf đang tìm kiếm nấm ở ngọn núi White Mountains, Arizona (Mĩ) thì vô tình thấy loại nấm này và vô cùng ngạc nhiên về màu sắc của chúng. Nhiều cây nấm có màu xanh lam âm u như bị “bầm tím” do hóa chất bên trong chúng tiếp xúc với không khí. Ảnh: J Fritz Rumpf

8. Tất cả con của tôi: Lọt vào chung kết hạng mục Thiên nhiên - Con người

 
Tại Khu bảo tồn Linh trưởng Lwiro ở Công viên Quốc gia Kahuzi-Biega ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhiếp ảnh gia Marcus Westberg được chứng kiến những người chăm sóc đối xử dịu dàng với những con tinh tinh giống như chăm sóc những đứa trẻ.

Những con tinh tinh hoang dã thường ở gần mẹ cho đến khi chúng khoảng 5 tuổi. Vì vậy khi một con tinh tinh mẹ bị những kẻ săn trộm giết hại, sự chia cắt này có thể gây ra hậu quả lớn đối những con tinh tinh non đang phát triển. Nhiều con tinh tinh mồ côi được đưa đến các khu bảo tồn với tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Tại đây chúng sẽ được một số người chăm sóc cho ăn, ôm ấp, giúp phục hồi tinh thần… Ảnh: Marcus Westberg

9. Hãy bắt tôi nếu bạn có thể: Hạng mục Cuộc sống trên không trung

Một con cò ở một hồ nước gần Hạ Môn, Trung Quốc đã mất cảnh giác khi con cá nhỏ mà nó đang để mắt bị một con cá lớn hơn đuổi lên khỏi mặt nước. Nhiếp ảnh gia Xiaoping Lin đã sử dụng kĩ thuật chụp liên tục tốc độ cao để bắt được khoảnh khắc con cò giật mình cất cánh trên những con sóng cuộn trào. Hình ảnh thu được giống như một khung cảnh bị đóng băng với gam màu trắng và bạc, đẹp như một bài thơ. Ảnh: Xiaoping Lin

10. Lưỡi dao và gai: Hạng mục Thủy sinh

Khi tác giả Kate Vylet lặn ngoài khơi vịnh Carmel, California (Mĩ), cô đã nhìn thấy một lưỡi tảo bẹ lỏng lẻo đang bị một loài nhím biển màu tím và đỏ nuốt chửng. Bức ảnh như minh họa cho vai trò của loài nhím biển trong việc cân bằng hệ sinh thái. Ảnh: Kate Vylet.

(VNQĐ)