Các giáo sư của cô ngỏ ý Tara nên kể lại câu chuyện của mình, thế là tự truyện "Được học" (Nguyễn Bích Lan dịch, NXB Phụ nữ - 2019) ra đời. "Được học" trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2018 và trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao đứa trẻ trên thế giới, tìm kiếm con đường thay đổi thông qua kiến thức.

Hành trình phi thường

Trong "Được học", Tara thuật lại câu chuyện đời mình, từ thuở còn là cô bé sống cùng gia đình trong một ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi, với tuổi thơ gần như phó mặc cho tự nhiên và xa lánh hết thảy nền văn minh. Cũng giống như 7 người anh chị em của mình, tuổi thơ Tara chưa bao giờ đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Dù gia đình Westover không giàu có nhưng cũng không đến mức không thể cho các con đến trường. Tất cả chỉ vì cha của Tara nghĩ rằng trường học sẽ làm các con ông xa rời đức tin Thiên Chúa. Là tín đồ giáo hội Mormon (Mặc Môn), ông không tin tưởng các trường công lập nên đều cho các con mình tự học ở nhà.

Thật ra ở Mỹ, cho con học ở nhà không phải là trường hợp hiếm hoi. Cha mẹ sẽ tự dạy cho con cái hoặc thuê gia sư về giảng dạy. Nhưng nhà Westover cũng không được như thế, họ chỉ dạy chữ, dạy một cách thờ ơ, mặc đứa trẻ tiếp nhận thế nào. Tương lai của chúng rồi sẽ giống như người cha, quanh quẩn bên ngọn núi mà Tara gọi là "núi Buck", nhặt phụ tùng những chiếc xe hơi hỏng. Cuộc đời chúng rồi cũng sẽ sống như vậy, sẽ sinh ra những đứa con không bao giờ biết đến phấn trắng bảng đen, với những người bạn.

Cho đến một ngày, trong ngôi nhà nhỏ ấy, bóng người anh trai miệt mài bên trang sách sau một ngày làm việc vất vả đập vào mắt Tara. Lần đầu tiên, cái ánh sáng le lói từ ánh đèn ấy hé mở cho cô bé thấy chân trời khác. Chân trời của sự học. Chính người anh đấy sau này đã thi đậu ATC (một kỳ thi quốc gia của Mỹ, giống như thi tốt nghiệp phổ thông) và rời bỏ núi Buck để học đại học. Đối với Tara, đó là cuộc cách mạng, còn với người cha, đó là sự phản bội.

Ít lâu sau, Tara sẽ thực hiện hành động "phản bội" đó.

Cuộc lột xác

Để thực hiện được hành trình phi thường của mình, có lẽ cửa ải đầu tiên Tara phải vượt qua đó chính là bản thân cô, để dứt ra khỏi thân phận đứa con gái yếu đuối, tuân phục người cha độc đoán và thích kiểm soát: "Trong điều kiện tốt nhất tôi là hai con người, một phần hồn rạn nứt. Đứa con gái ấy bên trong và xuất hiện bất cứ khi nào tôi bước vào cửa nhà cha tôi".

Cuốn hồi ký này có nhiều hơn một câu chuyện để kể ngoài vẻ giản đơn của một cuộc đi tìm chữ. Nó còn là những phức cảm bị đè nén, ẩn giấu để dần dần được hé lộ, chấp nhận và kháng cự. Nó còn là cuộc đời một người anh - đứa con trai dưới cái bóng của người cha quyết định ra đi để tìm một thiên đường của riêng nó.

Chạy xe ba tiếng để tìm người giảng bài, làm lao công để có tiền học phí hay là những nỗ lực để bước nhanh hơn bù lại khoảng thời gian hoài phí… đó là những gì cô bé 17 tuổi đã nếm trải cho chính lựa chọn của mình. Văn phong của tác giả không đủ mạnh, nhưng quyển sách thì đầy ắp những chi tiết, lớp lang như một bộ phim truyền hình nhiều tập. Sự hấp dẫn ở chỗ, ngay từ lúc chưa thật sự đọc quyển sách ta biết thừa nó đã nói gì. Cái kết là cô bé nhà quê trở thành tiến sĩ chẳng còn quyến rũ ta nhiều nữa. Nhưng cuối cùng thì độc giả vẫn nhẫn nại đi hết tác phẩm dày dặn này.

Sau 10 năm rời xa núi Buck, 10 năm không trở lại căn nhà với người cha giận dữ vì sự "phản bội" của đứa con gái, Tara quyết định quay về, tất nhiên cô không được phép gặp cha mình còn mẹ cô thì từ chối gặp cô, như trong một bức thư dài bà gửi. Rốt cuộc, cô còn phải trả thêm một cái giá nữa để có được tri thức: đánh mất gia đình mình, bị cha mẹ từ mặt. Nhưng rồi như cô viết: "Những quyết định mà tôi thực hiện sau thời điểm đó không phải là quyết định mà đứa con gái ấy đưa ra. Đó là những quyết định của một người đã thay đổi, một bản ngã mới". 

Thành công về phê bình lẫn thương mại

Bill Gates đã nhận xét rằng: "Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi liên quan đến một câu chuyện về việc lớn lên trong một gia đình người Mormon, nhưng cô ấy là một tác giả giỏi đến nỗi tôi phải nghĩ về chính đời mình khi đọc về thời thơ ấu khắc nghiệt của cô". Cuốn sách này hấp dẫn Bill Gates đến mức ông đã xếp "Được học" vào danh sách đọc yêu thích của ông năm 2018. Ông cũng dành riêng một buổi trò chuyện với Tara Westover về cuốn sách.

Cho đến thời điểm này, tác phẩm "Được học" của Tara Westover đã nhận được những đánh giá tích cực từ báo chí Mỹ kể từ khi được xuất bản. Đối với một tác giả không chuyên, thành công về phê bình lẫn thương mại như cô lần nữa khẳng định con đường mà cô chọn là đúng đắn.

Có lẽ người đọc trong nước không còn xa lạ cái tên Nguyễn Bích Lan. Hành trình đi đến con đường dịch giả của cô là một kỳ tích. Vì thế, tác phẩm "Được học" có thể xem như cuộc hội ngộ của hai kỳ tích, tác giả và dịch giả gặp gỡ nhau trong một nỗ lực không ngừng.

Huỳnh Trọng Khang
(nld.com.vn)