Đoàn Huy Giao, khát vọng làm người

03.03.2022
Huỳnh Văn Hoa

Đoàn Huy Giao, khát vọng làm người

Đoàn Huy Giao qua nét vẽ của họa sĩ Vĩnh Phối

oàn Huy Giao, tên khai sinh Nguyễn Trì (còn có tên khác Nguyễn Lãng), sinh năm 1945 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc mới làm thơ, làm báo, ông lấy bút danh Trình - NH. Sau đó, ông chọn bút hiệu Đoàn Huy Giao, với lý do họ Đoàn trùng với họ mẹ của ông.

Trước 1975, ông làm báo, làm thơ, cùng Đoàn Thạch Biền, Phạm Quang Dương chủ trương tập san văn chương Của Ngõ (1965) rồi giai phẩm Tương lai hướng về những người lao tác cùng Nguyễn Tịnh Đông, Uyên Hà, Lê Đình Phạm Phú... (1973)

Tác phẩm: - Cho con vật hai chân, NXB Da Vàng, Đà Nẵng, 1969

- Phẫn nộ ca, cùng Trần Ngọc Châu tự in (1970)

Sau 1975, ông về chân núi Sơn Trà làm rẫy, rồi làm đạo diễn các phim tài liệu, chủ yếu về vùng Tây Nguyên: Lá hát, Sự huyền ảo của văn hóa rừng, Tây Nguyên miền mơ tưởng, Những dòng sông trong rừng, Gỗ thiêng, Những dấu chân phương Nam... (Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) và xuất bản các tập thơ: Bài ca trái tim mạ non (1987), Ngọn lửa cuối cùng (1992), Con chim gỗ nhìn tôi (2001), Tụng ca viết trên lá tối (2017) và kịch bản văn học: Tu viện mùa đông (1982).

Hiện nay, Đoàn Huy Giao được biết đến là một nhà sưu tầm cổ vật, có Bảo tàng Đồng Đình nổi tiếng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, nơi lưu giữ những hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt, Trung Hoa và nhiều nền văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á...

Ông cũng là bạn văn của Đoàn Thạch Biền, Hồ Đắc Ngọc, Vũ Hữu Định, Đynh Trầm Ca, Uyên Hà, Phạm Phú Hải, Hạ Đình Thao, Thiếu Khanh...

Trước sau, thơ Đoàn Huy Giao, vẫn là tiếng nói của một tấm lòng, của một khát vọng. Không có tấm lòng thì không có khát vọng. Khát vọng lớn nhất trong thơ Đoàn Huy Giao là khát vọng làm người, khát vọng công bằng. Khát vọng này, qua chuỗi hình ảnh, trở thành nét chủ đạo cho cả con đường thơ ca Đoàn Huy Giao. Thơ Đoàn Huy Giao như một món hàng bỏ quên giữa chợ đời, có chút phong trần, bụi bặm của gã lang thang trên quê hương nhiều đổ nát, nhiều đau thương:

ngày chui thân đi ngủ/ tối lết quán cà phê/ đêm nằm khai mộng mị/ muôn thú dữ quay về ...

người gọi ta thiên đường/ người gọi ta niết bàn/ người gọi ta lý tưởng/ không, ta loài lang thang

ta tiếp tuyến điên khùng/ điệu buồn lên cơn mưa/ ta còn gì để nhớ/ ta còn gì say sưa

(Món hàng bỏ quên)

Đây là buổi chiều của Đà Nẵng trong những năm 60 của thế kỷ XX, buổi chiều của ta và của đám nông dân, của ta và người kiếm hòa bình, của ta và của đứa trẻ sụt sùi. Một buổi chiều lạnh giá, kiếm tìm một đốm lửa, buổi chiều của người hành khất, dang tay kiếm đồng xu, độ nhật:

- Chiều trên bờ sông Bạch Đằng (KD bỏ 2 chữ)/ chiều của ta và của đám nông dân kiếm nghề (KD bỏ 2 dòng)/ chiều trên xóm chợ quê dớn dát/ chiều của ta và người kiếm hòa bình/ chiều của đốm lửa nuôi lòng băng giá (KD bỏ 1 dòng)/ chiều trên bến đò ngoại kiều tấp nập/  chiều của ta và của đứa trẻ sụt sùi/ chiều của đồng xu dang tay hành khất (KD bỏ 1 dòng).

Chiều trên cánh đồng hôi tanh xác chết/ chiều của ta và của Việt  Nam nhàu nát/ chiều của chiến tranh le lói điêu tàn/ nghe vết chém hoài hoài lớn dậy ...

(Chiều)

Tác giả nhập thân vào con vật hai chân. Con vật hai chân đó lang thang trên hè phố, tìm ngọn lửa nhen lên để sưởi ấm và soi đường, giữ trái tim khô còn giọt máu sau cùng, vỗ tay reo cho hòa bình, cho thống nhất. Một cách chân thành, nhà thơ viết:

mai sẽ có hòa bình/ em ngoài ruộng xanh/ em trên ngàn núi/ em xui chân thị thành

mừng vui biết mấy/ chuyến nay Sài Gòn/  vuốt tóc lúa Đồng Nai/ chuyến mai Hà Nội/ nằm Hồ Gươm đốt thuốc/ tâm sự mất còn mỏng sợi nắng gay

con vật hai chân lang thang trên hè phố - anh đấy - anh chân thành gọi lớn tên anh

(Con vật hai chân)

Thừa tự, một bài thơ bị kiểm duyệt, bỏ đến 15 dòng, giọng thơ nhiều âm sắc, vừa xót xa, cay uất vừa cô đơn, kêu đòi. Của thừa tự để làm vốn liếng cho chính tôi - thằng tù nhân thứ nhất - là trái tim biết lý lẽ, biết căm hờn, muốn ngâm khúc ca dao, muốn kiếm tự do:   

chút sáng nào soi hoài con không

rõ mặt

những luồng mưa roi cha làm

thừa tự cho con

những luồng mưa vọng bờ tre  

con mõ kiến gọi chiều

trương biểu ngữ hô to mày khốn nạn!

còn gì nữa không, để con làm

vốn liếng

(KIỂM DUYỆT bỏ 10 dòng)

còn nỗi cô đơn nào bằng cánh tay

đưa lên

rằng chính tôi thằng tù nhân thứ nhất

tội kiếm gạo đồng và ngâm khúc

ca dao

- tội kiếm tự do

(KD bỏ 5 chữ)

tội kiếm nhân tình trên xảo trá

tình nhân

bấy nhiêu đấy dành cho một cánh tay

còn một nửa để dành cho giọt máu

của trái tim biết lý lẽ

biết căm hờn.

 

ôi! giọt máu cuối cùng hân hoan

biết mấy.

Nhưng rồi, cay đắng hơn, khi phải làm người và chứng kiến:

rồi sáng ngày sau hắn trở về nhìn mẹ trong đống tro

rồi trưa ngày sau hắn trở về nhìn cha ngoài bờ ruộng

rồi chiều ngày sau hắn trở về hôn lên xác chết người tình

xong hắn cười ha hả như mưa trút

xong hắn ôm mặt khóc tức tưởi như đứa trẻ trong nôi.

(Thuở hắn làm người)

Từ đây, không lạ gì cho sự xuất hiện chuỗi hình ảnh về quê hương: Cửu Long, Hồng Hà, Cà Mau, Lào Cai, Trường Sơn, Hà Tiên, Đồng Tháp, Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng ...

và một con đường

nối dài từ

ải Nam Quan

tới mũi Cà Mau

làm xương sống cho vinh danh

thuần nhất

(Bài ca Nam Bắc mới)

hãy thở thật tròn hơi thơm mùa

chín tới

tay muôn tay điệp điệp Trường Sơn

hãy mở rộng lòng mừng bao la

Đồng Tháp

triệu tim hồng reo dậy khúc giao ca

(Bài cho ngày mai)

Trước 1975, trong những người làm thơ xứ Quảng, khi in thơ, bị kiểm duyệt (KD), tước bỏ câu chữ thuộc dạng nhiều nhất, có thể từ một, hai từ ngữ đến một dòng, hai dòng, năm dòng và hơn nữa (10 dòng), đó là thơ Đoàn Huy Giao. Tập Cho con vật hai chân chưa đến 50 trang, theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 20 lần như thế. Với Đoàn Huy Giao, khát vọng làm người biểu hiện ở nhiều phương diện, trước hết, ở việc chọn tên cho tập thơ, bài thơ, rồi đến hình ảnh thơ. Một lớp từ vựng mới xuất hiện:

- con vật hai chân nào lang thang trên hè phố

- anh còn hai chân mừng vui biết mấy/ chuyến nay Sài Gòn/ vuốt tóc lúa Đồng Nai/ chuyến mai Hà Nội/ nằm hồ gươm đốt thuốc/ trong khói mất còn mỏng sợi nắng cay (Con vật hai chân).

- tôi bảo hắn đứng lại... đứng lại/ hắn vẫn cắm đầu chạy/ cắm đầu chạy vào rừng thiêng nước độc/ cắm đầu chạy về thành đầy đàng điếm ngụy trang.

- hoan hô khổ nhục/ đả đảo hiển vinh/ tôi miền thượng/ anh miền kinh/ thôi câm miệng/ nhai chữ hoài chán lắm

Đọc các bài thơ trong Cho con vật hai chân (1969) và Phẫn nộ ca (1970), ta gặp một tiếng nói vừa yêu thương vừa tức tưởi của một trái tim bị vò xé bởi thực tại. Những dòng thơ đầy trăn trở, đầy bi thương, thoát ra từ cổ họng nghẹn ngào của một con vật hai chân ngày và đêm lang thang trên hè phố quê hương, cô đơn, trốn chạy:

- chiều rũ xuống hắn chạy lên tìm chúa/ đêm sa thân hắn lẫn quất tìm chùa/ trời hực sáng hắn ra đồng tìm lúa mạ/ a ha ta một thưở làm người/ ta làm người vinh nhục (Thuở hắn làm người)

Năm 1966, trên Tuần báo Nghệ thuật, (Sài Gòn), số 57, từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 15 tháng 11 năm 1966, có bài Năm phiên khúc. Phiên khúc nào cũng đau xót, kinh hoàng, cũng màu đêm của địa ngục đang gầm thét, cũng tiếng oan hồn làm rung chạy bóng đêm. Mỗi phiên khúc hiện lên những hình ảnh mỏi mòn, thấy những tử thi đứng dậy biểu tình (phiên khúc 1), thấy bầu trời bình yên bỗng nổi lên bão táp (phiên khúc 2), nghe tiếng hú ma trơi trên nghĩa địa tử tù (phiên khúc 3), thấy mình thành gã bất hạnh đi nghiêng ngã trên đường (phiên khúc 4), nghe tiếng hát buồn nôn của loài chim trừ tịch (phiên khúc 5).

Thơ Đoàn Huy Giao làm ta dễ liên tưởng đến Upton Sinclair (1878-1968), nhà văn Mỹ, không ngừng dấn thân trong thực tiễn và nghệ thuật, đưa những cảnh đời rác rưởi lên trang viết, xoáy vào mặt trái xã hội, mong có những đổi thay, cải thiện. Ngòi bút Đoàn Huy Giao như một lưỡi kiếm. Lưỡi kiếm đó, có thể không/ chưa tạo nên những tác động xã hội trực tiếp và kịp thời như mong muốn, song, qua đó, thể hiện một trái tim nhân đạo của người làm thơ đối với quần chúng trong một thời kỳ u uất, đầy phẫn nộ. Từ đó thấy ra rằng, thơ Đoàn Huy Giao là một tiếng lòng, một hoài vọng về tình yêu cuộc sống, tha thiết với mọi mạch nguồn của quê hương đất nước, muốn chống lại mọi thứ chông gai, bất công, mọi thứ rào cản, dù biết:

- Và cuộc đời! - Cuộc đời như một

đứa trẻ

bán quà rong dậy sớm, để

suốt ngày rao một thứ ngôn từ

mòn vặt

(Năm phiên khúc)

Dẫu là thế, từ sâu thẳm, vẫn ngời lên những tin yêu, hy vọng, vẫn làm anh nông dân, lao tác trên thửa ruộng, dự cảm và hăm hở:

- mai anh ra đồng bàn tay anh hồi lực

đất ấm cơn mơ chân cứng đá mềm

mai anh ra đồng

nghe niềm xưa vời vợi

từ mé đê cao

trong đáy nước xanh trong

bao dự cảm cuộn mình sông hăm hở.

(Bài cho ngày mai)

Trên Tuần báo Khởi Hành, số 5, ngày 29-5-1969, bài Không ngủ yên, 21 dòng, Xin phấn son cho chút hy vọng nào còn sót lại/ làm chút nắng thiên thần/ đốt sáng mặt mày tôi, qua những lần nguyện cầu, ngắm nhìn, nói ra, đưa cái đấm tay, chờ cuộc ra đi, thèm mẹ ru, thèm cha dạy, thèm thuồng được ám sát kẻ giúp súng đạn/ kẻ hiếu chiến và kẻ cướp quyền làm người/ và những lần đưa mắt nhìn lên như một ân huệ sau cùng.

Như câu thơ đầu và cuối: Xin phấn son cho chút hy vọng nào còn sót lại. Vẫn là lời cầu xin, chút hy vọng còn sót lại của phấn son thôi ! Song, đây là một tâm hồn “không ngủ yên”, luôn thao thức, đợi chờ, đi về phía cái thiện.

Tháng giêng năm 1973, ở vào thời điểm của cuối cuộc chiến tranh, bài thơ Về cái chết của một thiếu nữ ở ngã ba Hội An, như tác giả nêu, đó là, một nữ giao liên, một cái chết phản ánh hai cách nhìn, hai cách ứng xử. Giọng thơ không bình yên, gay gắt. Nhà thơ mô tả xác nàng phơi giữa ngã ba đi vào thành phố, “lồ lộ những chiếc răng nanh/ những vết nhơ tội ác”, về “một những điếu thuốc cũng khói xanh/ làm trò vui/ trên khoảng thân thể thầm kín nhất của nàng/ trò chơi hiểm nghèo của trái tim rẻ mạt/ trên xác một bông hoa sỗ sàng/ những giọng cười ruồi xanh/ ôi điếu thuốc trên xác một bông hoa/ cứa máu lồng ngực ta”.

Những dòng thơ cuối của bài thơ như một vòng hoa xiển dương cái chết với một yêu cầu tràn ngập tin yêu:

“hãy chôn tôi trên miền đất tôi cầm trận chiến đấu

hãy lấp tôi khỏi nụ cười ruồi xanh

hãy để máu tôi loan truyền vào những trái tim yêu nước

và hãy để hương thơm cái chết tôi xóa đi khói thuốc xanh của bọn bạc lận

mọi người sẽ bình yên và tiến bước”.

 

Giai phẩm Tương lai hướng về phía những người lao tác, Đà Nẵng, 1973, Bài ca tình châu thổ, một tiếng nói đầy khát khao, như không có gì ngăn nổi về: những tiếng kêu đòi/ sau lưng cày cuốc/ người hãy theo thơ/ trẩy rễ ao tù/ những bạo ngược sẽ làm mồi phân bón/ ươm mầm xanh/ đất sẽ chịu ơn ta/ và hãy bổ những giòng sông máu đỏ/ chảy ra đồng/ cây trái sẽ đền ơn.

Có lẽ, bằng tình yêu đối với châu thổ, quê nhà, Đoàn Huy Giao có  những dòng thơ trong trẻo, chân thành, một tiếng thơ vẽ nên tương lai:  

cấy thi ca

cùng mạ nõn ra đồng

những bài thơ lấm bùn

những bài thơ nẩy rễ

 

tôi sẽ gởi niềm hạnh phúc đến người

trong thi ca

chính là giòng thác đổ

từ nguồn cao chảy xuống đồng bằng

là những rừng lá giao mùa

chờ đâm chồi nẩy nụ.

 Tư duy thơ Đoàn Huy Giao là tư duy đứt đoạn qua liên kết bên trong ngôn từ. Lối tư duy này có từ những bài thơ của nhóm Sáng Tạo, rõ nhất ở Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Phương thức tư duy đứt đoạn được kiến tạo qua liên kết các yếu tố ngôn ngữ, xem ngôn ngữ như những toa rời, nối kết nhau trên con tàu thơ ca, băng qua đường ray của những sự kiện trong đời sống. Thơ Đoàn Huy Giao ngồn ngộn hiện thực.

Về hình thức, Đoàn Huy Giao ít làm thơ có vần luật như bao nhà thơ khác. Câu thơ thường dài. Cấu trúc theo kiểu thơ văn xuôi (poème en propose).

Vì vậy, có thể nói, không có ngôn ngữ nào mà không biểu đạt nội dung và không có nội dung nào lại không diễn đạt bằng một ngôn ngữ. Thơ Đoàn Huy Giao là thứ ngôn ngữ riêng, kêu đòi và tỏ bày khát vọng. Albert Camus (1913-1960) đã viết: “Tôi nổi loạn, vậy chúng ta cùng nổi loạn.” (Je révolte donc nous sommes). Đoàn Huy Giao là một hiện tượng nổi loạn, nổi loạn cả tư duy thơ, ngôn ngữ thơ và đời sống trong thơ.

Cả đời thơ, như có lần, Đoàn Huy Giao viết: Đó là hy vọng lương thiện duy nhất của người biết vẽ rồng rắn các ký tự trần ai trên giấy.

H.V.H