Cát trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian

03.03.2022
Bùi Văn Tiếng

Cát trong thế giới nghệ thuật  văn chương dân gian

Tạp chí Non Nước số 237 phát hành tháng 9 năm 2017 có đăng bài khảo cứu rất công phu của Huỳnh Văn Hoa - bài Cát và Thơ, khẳng định: “Cát có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người, như xây dựng, trang trí nội thất, nghệ thuật (tranh cát) và trong sáng tạo văn chương, nhất là thơ ca”. Tuy nhiên phạm vi khảo cứu trong bài viết của Huỳnh Văn Hoa chỉ mới dừng lại ở thế giới nghệ thuật của văn học viết/ văn học thành văn với rất nhiều cát trong thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tế Hanh, Xuân Diệu, Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm... Bài viết này muốn tiếp cận cát trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian Việt Nam, chủ yếu trong truyện cổ dân gian.

Trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian, cát xuất hiện không nhiều - phải cố công “đãi cát tìm vàng” trong bao nhiêu cổ tích, ca dao... mới thấy - nhưng cũng rất ấn tượng, kể cả khi cát không phải là “nhân vật chính” như trong mấy câu ca dao đất Quảng: Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi; hay: Giếng Bình Đào vừa trong vừa mát/ Đường Bình Đào lắm cát dễ đi/ Em ơi má thắm làm chi/ Để anh thương nhớ mấy con trăng ni không về... Rõ ràng “nhân vật chính” ở đây là khoai lang, là con đường quê và cô thôn nữ, nhưng dường như cát đã làm cho khoai lang trồng trên cát ngon hơn bùi hơn, đã làm cho con đường quê và cô thôn nữ bước đi trên đường làng đầy cát trở nên gần gũi hơn. Thậm chí có lần cát còn được dân gian dùng để thay cho bùn trong đầm nước nhằm cực tả bản chất cao quý của hoa sen: Hoa sen mọc bãi cát lầm/ Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen. Trong mấy câu ca dao dẫn trên, cát đều ở trên bờ - ở nơi trồng sen, ở nơi trồng khoai, ở con đường làng... Người Việt còn có một câu ca dao - Nguyễn Đổng Chi gọi là tục ngữ - cũng nói về cát trên bờ nhưng được mang ra tận biển: Dã tràng xe cát Biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Câu ca dao này gợi nhớ đến một truyện cổ dân gian với cái nhan đề đầy cát - Dã Tràng xe cát. Khác với lối kết thúc có hậu ở phần lớn truyện cổ dân gian, Dã Tràng xe cát có một đoạn kết đầy bi kịch: “Sau cùng, ông dự tính cho cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ rõ đường lối đến cung điện của Long vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển để làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được. Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con dã tràng, ngày ngày xe cát để lấp biển. Tục ngữ có câu: Dã tràng xe cát Biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì; hay là: Công dã tràng hằng ngày xe cát/ Sóng biển dồn tan tác còn chi; hay là: Con còng còng dại lắm không khôn/ Luống công xe cát sóng dồn lại tan”.

Nói đến cát trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian, cũng không thể không nhắc tới bãi cát trên hoang đảo - nơi vợ chồng Mai An Tiêm bị đi đày. Có thể nói bãi cát hiện lên trong truyện cổ dân gian Sự tích dưa hấu như là biểu tượng cho cái khắc nghiệt của thiên nhiên sinh tồn: “Hôm đi đày, tuy ai nấy hết lời can ngăn nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn nhất quyết theo chồng ra hải đảo. Nàng bồng cả con trai đi theo. Tất cả mọi người đều cho là việc rồ dại. Còn nàng thì tin ở lời chồng: - Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì! Nhưng khi bước chân lên bãi cát hoang vu mịt mù, người thiếu phụ đó cũng không ngăn nổi cảm giác tủi thân, nức nở gục vào vai chồng...” Nhưng cũng từ trên bãi cát hoang vu mịt mù ấy đã mọc lên những quả dưa hấu có nguồn gốc từ đất liền: “Tự nhiên, một hôm có một đàn chim lớn bay từ phương Tây lại, đậu đen ngòm cả một bãi cát. Rồi chúng bay đến trước mặt hai vợ chồng kêu váng cả lên, thả xuống năm sáu hạt. Ít lâu sau từ những hạt ấy mọc ra một loại cây dây bò lan xanh um cả bãi” - và chính những quả dưa ngon ngọt đã trở thành sợi dây kết nối giữa đảo hoang với đất liền đưa vợ chồng Mai An Tiêm trở lại hoàng cung.   

Nói đến cát trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian, cũng không thể không nhắc tới bãi cát ven sông mở đầu cho mối lương duyên giữa công chúa Tiên Dung và anh dân chài Chử Đồng Tử - Chử Đồng Tử chữ Hán nghĩa là đứa trẻ ở bãi sông: “Một hôm, Đồng Tử mang cá đi đổi gạo thì chợt có tiếng huyên náo. Mọi người kháo nhau có thuyền của công chúa sắp tới địa phương. Từ đàng xa, chiếc thuyền sơn hiện ra mỗi lúc một lớn, có quân gia cờ quạt, chiêng trống đàn sáo vang rộng cả một khúc sông. Thấy mọi người đổ ra đường, ra bến đi xem rất đông, Chử Đồng Tử bí lối không về được, anh đành rúc vào một bụi lau ở bãi rồi bỗng nghĩ ra một kế giấu mình kín hơn là bới cát thành một huyệt rồi nằm xuống, tự vùi mình lại. Giữa lúc đó thì Tiên Dung sai cắm sào rồi bỏ thuyền lên bộ. Tự nhiên công chúa có ý muốn tắm. Theo lệ thường, người ta quây màn lại một chỗ kín đáo trên đất rồi đun nước thơm vào để công chúa dùng. Không ngờ chỗ mà bọn thị tỳ quây màn hôm nay lại chính là chỗ mà Đồng Tử vùi mình dưới đó.

Chử Đồng Tử nằm dưới cát không biết chuyện gì đang diễn ra bên trên, càng không biết sắp được gặp một người khác giới, “chỉ nghe có tiếng nện, tiếng chân người giẫm thình thịch và tiếng nước dội rào rào. Cho đến lúc anh toàn thân ướt đẫm cả nước. Rồi chỉ một lúc sau, dòng nước dội hẳn vào người anh. Biết là bại lộ. Đồng Tử ngượng ngùng ngồi nhổm dậy. Công chúa xiết bao kinh ngạc, khi thấy có một người lạ cũng trần truồng như nàng trong màn. Thoạt đầu, Tiên Dung tưởng là ma quái, toan la lên để bọn quân hầu vào cứu, nhưng thấy người con trai đó chẳng có chút gì là độc ác, nên nàng cố trấn tĩnh, ôn tồn bảo: Ngươi là ai? Tại sao lại vùi mình ở đây? Nói mau! Nghe người trai lạ kể nông nỗi của mình, công chúa rơm rớm nước mắt. Nàng không ngờ trong đất đai của cha nàng trị vì lại có hạng người đói khổ đến nỗi không có lấy một mẩu vải che thân”. Và từ trong bãi cát và trên bãi cát ven sông, đã hình thành một tình yêu nam nữ và một cuộc hôn nhân được xem là đẹp nhất trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian nước ta.

Liên quan tới cát, thế giới nghệ thuật cổ tích Việt Nam còn có câu chuyện về một tình yêu nam nữ cuồng nhiệt và đầy trắc trở và càng trắc trở lại càng cuồng nhiệt - tình yêu của con gái Thần Mưa và Thần Gió trong Sự tích cây xương rồng: Ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng đã nhỏ giọt nước thần vào một nắm đất và hình thành một chàng trai trên trái đất còn đang hoang vắng. Ngọc Hoàng ban cho chàng trai tài chiến đấu và săn bắn nhưng lại quên ban cho khả năng nuôi dưỡng và trồng trọt, thế là người phải cử một tiên nữ là con gái của thần Mưa và thần Gió xuống giúp đỡ chàng trai. Nhưng chẳng ngờ đôi nam nữ lại nảy sinh tình cảm với nhau, thế rồi cả hai cứ đắm chìm vào tình yêu mà quên đi công việc hằng ngày của mình. Ngọc Hoàng tức giận đã hóa chàng trai thành những hạt cát nhỏ li ti, và cô gái chỉ biết vùi mình vào những hạt cát ấy mà khóc than cho đến kiệt sức thì hóa thành cây xương rồng, cả ngàn đời nay vẫn cứ mãi vùi mình vào cát.

 

Như đã nói trên, trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian, cát xuất hiện không nhiều và chưa bao giờ trở thành “nhân vật chính”. Trong Tiên Dung và Chử Đồng Tử, cát là nơi chàng trai nghèo giấu mình và nếu không có nước “song kiếm hợp bích” thì có thể vẫn không có cuộc kỳ ngộ nên vợ nên chồng kia. Cát trên đảo hoang chắc vẫn ngàn đời hoang vu mờ mịt nếu không có những quả dưa hấu sinh sôi từ cát và lan rộng trên mặt cát. Có điều không vì thế mà cát trong thế giới nghệ thuật văn chương dân gian không tạo nên ấn tượng sâu sắc, trở thành điểm nhấn của số phận con người (như trường hợp vợ chồng Mai An Tiêm, vợ chồng Chử Đồng Tử và Dã Tràng), hay trở thành đường viền tỏa sáng các chân dung (như cô gái Bình Đào và đóa sen trên bãi cát)...

B.V.T