Để Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

26.03.2024
Bùi Văn Tiếng
Với tư cách một người hoạt động văn hoá, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng, tôi cho rằng để thành phố bên sông Hàn có thể sớm trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trước hết những người trực tiếp lao động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nhất là những người quản lý trên lĩnh vực này cần hết sức chú trọng đến tính chất liên kết vùng, đến sức thu hút và nhất là sức lan tỏa của từng trung tâm trong vùng và tiểu vùng.

Để Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Hải Vân Quan sau hai năm trùng tu là kết quả từ sự liên kết giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận - được phân thành ba tiểu vùng: “Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ, trong đó tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng”; đồng thời để nhấn mạnh vai trò động lực của tiểu vùng Trung Trung Bộ trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra nhiệm vụ “phát triển thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế - đều thuộc tiểu vùng Trung Trung Bộ - trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng; thành phố Vinh - thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ - trở thành trung tâm văn hóa phía Bắc của vùng; thành phố Quy Nhơn - thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ - trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng”.

Với tư cách một người hoạt động văn hoá, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng, tôi cho rằng để thành phố bên sông Hàn có thể sớm trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trước hết những người trực tiếp lao động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nhất là những người quản lý trên lĩnh vực này cần hết sức chú trọng đến tính chất liên kết vùng, đến sức thu hút và nhất là sức lan tỏa của từng trung tâm trong vùng và tiểu vùng. Theo quan sát của tôi thì khi nghĩ về liên kết vùng, tất cả các địa phương trong vùng đều nhận thức rõ rằng nếu muốn đi nhanh thì nên đi một mình còn nếu muốn đi xa tốt nhất là nên đi cùng nhau; tuy nhiên trong thực tế của quá trình liên kết vùng nhiều năm nay, có thể thấy địa phương nào cũng muốn vươn lên hàng đầu, muốn vượt lên phía trước, muốn địa phương mình trở thành trung tâm duy nhất trên từng lĩnh vực. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã cùng lúc giao trọng trách là thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cho cả hai địa phương láng giềng trong tiểu vùng Trung Trung Bộ, chỉ cách con đèo Hải Vân được xem là yết hầu của miền Thuận Quảng. Để cùng gánh vác trọng trách này, cả thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng không thể cứ “hải vân”/ “vẫn hai” mà phải thực sự liên kết để trở thành “hai trong một”, “tuy hai mà một” trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Thành phố Huế sẽ càng thuận lợi hơn khi cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 với ưu thế của một đô thị di sản - phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế - theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số
54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một thế mạnh nữa của thành phố Huế trên hành trình trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng là tiềm năng và triển vọng của hệ thống giáo dục và đào tạo đại học ở nhiều chuyên ngành liên quan đến văn hóa, nghệ thuật (trong vùng, chỉ Huế mới có Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế, mới có Học viện Âm nhạc Huế…). Vậy thành phố Đà Nẵng cần làm gì để khi nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng thành trường đại học - có thể trực thuộc Đại học Đà Nẵng hiện nay/Đại học Quốc gia Đà Nẵng tương lai - vẫn có thể tận dụng được thế mạnh về đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của thành phố Huế láng giềng lại vừa phát huy được thế mạnh riêng có của mình - nghĩa là phải tính toán thật kỹ nhằm tạo được những thế mạnh riêng có, “không đụng hàng” với Trường Đại học Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc ở ngay bên kia núi Hải Vân!  

Ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng) đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là sản phẩm nhãn tiền của liên kết vùng với sự góp sức của chín địa phương ở cả ba tiểu vùng - trước hết là công sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở địa phương mình và nghệ thuật bài chòi của một số địa phương cũng từng được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên vào năm 2014; Đà Nẵng vào năm 2016) và công sức cùng nhau xây dựng bộ hồ sơ khoa học về di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam để trình UNESCO. Từ sau lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tổ chức tại thành phố Quy Nhơn tối ngày 5 tháng 5 năm 2018, có thể nói di sản nghệ thuật bài chòi ở chín tỉnh Trung Bộ đều có bước phát triển mới. Tuy nhiên theo quan sát của tôi, đến nay vẫn chưa có một hoạt động liên kết vùng nào về di sản nghệ thuật bài chòi giữa chín chủ nhân di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hết sức độc đáo này, từ sinh hoạt học thuật cho đến liên hoan hô hát… Theo tôi, để có thể sớm trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng, Đà Nẵng nên đầu tư kinh phí từ ngân sách thành phố để đăng cai tổ chức thường niên một số hoạt động liên kết vùng về di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, chẳng hạn mỗi năm nên tổ chức một hội thảo hay tọa đàm khoa học toàn vùng/toàn tiểu vùng nhằm tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật bài chòi của từng địa phương và một liên hoan các câu lạc bộ bài chòi…

Chưa được vinh danh tầm quốc tế như Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, nhưng Nghệ thuật Tuồng/Hát Bội cũng là một di sản đáng trân trọng ở nhiều tỉnh Trung Bộ, được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Bình Định vào năm 2014 với Nhà hát Tuồng Đào Tấn - từ tháng 4 năm 2020 đến nay hợp nhất với Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; Đà Nẵng vào năm 2015 với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến nay vẫn được hoạt động độc lập…). Đà Nẵng cũng nên đầu tư kinh phí từ ngân sách thành phố để đăng cai tổ chức mỗi năm một hội thảo hay tọa đàm khoa học và một liên hoan các nhà hát tuồng trong cả nước (ngoài hai nhà hát tuồng chủ lực là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, còn có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (được hợp nhật từ Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế và Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế vào tháng 3 năm 2006), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa (được hợp nhất từ Nhà hát Tuồng Khánh Hòa và Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa vào tháng 4 năm 2002), Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh (được nâng cấp từ Đoàn Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 9 năm 2001), Nhà hát Tuồng Việt Nam/Trung ương - tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc thành lập năm 1959…). Tương tự, Đà Nẵng có thể đầu tư kinh phí từ ngân sách thành phố để tiến hành các hoạt động liên kết vùng đối với di sản lễ hội Cầu ngư (lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016); thậm chí vượt ra phạm vi vùng như trường hợp nghề điêu khắc đá mỹ nghệ (nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014) …

Nhờ liên kết tiểu vùng giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mà Hải Vân Quan sau nhiều năm hoang phế đã được công nhân di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 4 năm 2017 theo một mô hình ở thời điểm đó là chưa từng có - giao cho hai địa phương cùng chung tay bảo tồn và phát huy một di tích quốc gia. Sau gần hai năm phối hợp trùng tu, khôi phục gần nguyên trạng hệ thống thành lũy, đồn bốt có từ thời Nguyễn, Hải Vân Quan đang trở thành tài nguyên du lịch chung của hai địa phương. Thành quả này hoàn toàn đúng theo hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra là phấn đấu để cả thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế đều trở thành trung tâm văn hóa của toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tuy nhiên diện mạo văn hóa của núi Hải Vân không chỉ tập trung ở Hải Vân quan mà hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng hoàn toàn có thể tiếp tục chung tay để tạo thêm những giá trị văn hóa mới trên đỉnh Hải Vân. TS Trần Đức Anh Sơn trong bài viết Hai bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu và ý tưởng tạo thêm điểm đến cho du khách ở Đà Nẵng đăng trên Tạp chí Non Nước số 164, tháng 3 năm 2011 đã đề xuất hai địa phương nên “xây dựng một công viên văn hóa ở xung quanh di tích Hải Vân Quan, tạo thành một điểm tham quan cho du khách. Ngoài Hải Vân Quan là tâm điểm của công viên văn hoá này, chúng tôi kiến nghị xây dựng một tượng đài, mô phỏng hình chiếc tô sứ ký kiểu có viết bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu (…) như là một biểu tượng vinh danh chúa Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn có công rất lớn với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng xưa kia và với cả xứ Đàng Trong”. Bài viết này TS Trần Đức Anh Sơn công bố năm 2011 lúc Hải Vân Quan vẫn đương còn hoang phế, nay Hải Vân Quan đã được trùng tu, ý tưởng về tượng đài tô sứ ký kiểu với bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu có rất nhiều khả năng trở thành hiện thực.        

*

Trở lên là một số gợi ý nhằm góp phần xây dựng thành phố bên sông Hàn - cùng với thành phố bên sông Hương - trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để từng thành phố có thể phát huy thế mạnh của nhau, vừa cùng nhau liên kết theo mô hình chung tay quản lý Hải Vân Quan vừa nỗ lực tạo khác biệt của riêng mình.

B.V.T