Một Hội nghị mang tính lịch sử

18.04.2025
Bùi Văn Tiếng
Hội nghị Trung ương 11 quả là một hội nghị mang tính lịch sử, bởi cùng lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra “quyết sách chiến lược chưa từng có” với “tầm nhìn xa trông rộng, ít nhất là 100 năm” khi quyết nghị thông qua chủ trương tổ chức chính quyền địa phương chỉ gồm cấp tỉnh và cấp xã, đi đôi với định hướng kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Một Hội nghị mang tính lịch sử

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: TTXVN).

Hội nghị Trung ương 11 của Đảng bế mạc ngày 12/4/2025. Bốn hôm sau, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (dưới đây gọi tắt là Hội nghị toàn quốc) cũng đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Là người làm khoa học lịch sử, qua theo dõi hai phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 11 cũng như khi được dự Hội nghị toàn quốc tại điểm cầu Đà Nẵng, tôi rất tâm đắc với ý kiến nêu trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta”. Ý kiến này được nhắc lại, được nhấn mạnh và nói rõ hơn trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc: “Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá trong giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới”.

Hội nghị Trung ương 11 quả là một hội nghị mang tính lịch sử, bởi cùng lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra “quyết sách chiến lược chưa từng có” với “tầm nhìn xa trông rộng, ít nhất là 100 năm” khi quyết nghị thông qua chủ trương tổ chức chính quyền địa phương chỉ gồm cấp tỉnh và cấp xã, đi đôi với định hướng kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Chưa tính thời quân chủ, chỉ tính từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nước ta cũng đã mấy lần hợp nhất các tỉnh và nhiều lần hợp nhất các xã (lần hợp xã mới nhất trên phạm vi cả nước - trong đó có Đà Nẵng - là vào cuối năm 2024). Cũng không ít lần nước ta kết thúc nhiệm vụ của cấp hành chính trung gian nhưng chủ yếu là trung gian giữa cấp Trung ương với cấp tỉnh (sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, còn kết thúc nhiệm vụ của cấp phủ và cấp tổng). Thế nhưng chưa có lần điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy nào lại có quy mô toàn cục như lần này - từ hợp tỉnh và hợp xã cho đến bỏ cấp huyện, với quy mô gần như cả nước, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đây cũng là cơ sở để khẳng định tính lịch sử của Hội nghị Trung ương 11.   

Ngồi dự Hội nghị toàn quốc, tôi hết sức chú ý quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi người đứng đầu Đảng ta lưu ý các địa phường cần khắc phục cả hai khuynh hướng không đúng khi hợp xã lần này: Một là hợp xã với quy mô nhỏ dễ “dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn khiến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả”; hai là hợp xã với quy mô quá rộng dễ “dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã”. Bản chất của nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng ta khi đề ra chủ trương bỏ huyện, hợp xã lần này chủ yếu là nhằm làm cho đơn vị hành chính cấp cơ sở thực sự là… cơ sở, thực sự sát dân, gần dân, chính vì vậy hợp xã theo hai khuynh hướng mà Tổng Bí thư cảnh báo, nhất là khuynh hướng thứ hai, sẽ khiến toàn bộ quá trình bỏ huyện, hợp xã không thể đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư - và khả năng xa dân, không gần dân sát dân như mong đợi ấy sẽ càng trầm trọng hơn trong bối cảnh hợp tỉnh, dẫu trung tâm chính trị-hành chính đặt ở đâu cũng đều không gần hơn trước khi hợp nhất... Đương nhiên, quy mô đơn vị hành chính cấp cơ sở mới và cự ly đến tỉnh lỵ mới tác động nhiều đến khả năng gần dân sát dân của chính quyền địa phương hai cấp nhưng vẫn không phải là tất cả. Điều quyết định để mô hình chính quyền địa phương hai cấp có hiệu lực, hiệu quả hơn trước nằm ở đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ tỉnh/xã sau hợp nhất, ở những cán bộ công chức vừa có đức vừa có tài, vừa có tâm vừa có tầm, sẵn lòng mang hết sở học phụng sự Nhân dân.

Theo tôi, để Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 sớm đi vào cuộc sống - đúng hơn là sớm trở lại cuộc sống, cần hết sức quan tâm thực hiện thật tốt công tác cán bộ - “then chốt của then chốt”, hết sức tránh tình trạng đáng buồn sau hợp nhất là người làm được thì không được làm, còn người được làm thì… làm không được. Có nhiều việc phải tiến hành về công tác cán bộ nhưng cơ bản nhất là làm thế nào để đội ngũ cán bộ/công chức của thành phố Đà Nẵng sau-hợp-nhất, nhất là những người đứng đầu thành phố cũng như cơ sở xã/phường/đặc khu phải có cái nhìn toàn diện hơn trước. Đơn cử như những cán bộ/công chức lâu nay công tác ở Đà Nẵng sau 1997 có thể không quan tâm đến nạn động đất, nhưng cán bộ/công chức công tác ở Đà Nẵng sau 2025 phải biết thành phố mình vẫn thường xuyên xảy ra động đất ở vùng núi Trà My. Bộ đội Biên phòng công tác ở Đà Nẵng sau 1997 có thể không quan tâm đến an ninh biên giới Việt-Lào, chỉ quan tâm đến an ninh trên biển ngoài đảo, nay trong sứ mệnh bảo vệ biên cương sẽ phải thay đổi theo hướng “rừng núi dang tay nối lại biển xa” và ngược lại… 

B.V.T