Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ bản quyền

04.11.2020
Hà An
Việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ ngày càng khẳng định vị thế Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến thực thi bảo hộ pháp luật bản quyền tác giả.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ bản quyền

Thách thức bảo vệ bản quyền trong bối cảnh hội nhập

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, thể hiện ở việc chúng ta đã tham gia ký kết nhiều điều ước song phương và đa phương. Điều này mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi chúng ta không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Mặc dù, Luật Sở hữu trí tuệ đã được ban hành hơn 10 năm, trước đó những vấn đề về bảo hộ quyền tác giả cũng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự và một số pháp lệnh, nghị định nhưng có thể nói, hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến việc người dân chưa thực sự có ý thức tôn trọng quyền tác giả. Đặc biệt, việc sử dụng các tác phẩm nước ngoài mà không thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền có thể khiến Việt Nam mất uy tín trong việc thực thi các công ước về bảo hộ quyền tác giả mà chúng ta đã ký kết.

Thời gian vừa qua, một số tổ chức quản lý tập thể bản quyền (CMOs) như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… đã liên hệ với chúng ta để hỏi thông tin về chương trình/bài hát nước ngoài đã được cấp phép sử dụng để biểu diễn hay chưa. Cụ thể chương trình "Moonsoon festival" diễn ra ngày 26/3/2019, tại TP.HCM; "BoneyM Joy concert" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, ngày 3/8/2019; "Make Life Flavorful - Independence Palace" diễn ra ngày 5/5/2019, tại Hội trường Thống Nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM…

Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hầu hết các chương trình mà các CMOs quan tâm, hỏi thông tin đều chưa thực hiện xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả. Mặc dù VCPMC sau khi xác minh đã liên hệ, gửi văn bản đến đơn vị tổ chức nhằm đề nghị trả tiền, khắc phục nhưng mọi cố gắng, nỗ lực đều không có kết quả. Các đơn vị tổ chức cũng như nơi tổ chức biểu diễn đều tỏ ra thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm để giải quyết những nội dung tồn đọng, thiếu sót này. Thậm chí đơn vị tổ chức cũng không có bất cứ phản hồi nào hoặc đẩy trách nhiệm qua một đơn vị khác, chưa kể nhiều trường hợp không thể tìm ra và liên hệ được đơn vị tổ chức.

Do đó, hầu hết các cuộc biểu diễn mà một số tổ chức nước ngoài hỏi đều không nhận được thông tin hay có kết quả. Tương tự các tác giả trong nước, các tác giả của các tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng bị thiệt hại về lợi ích, bản quyền tác phẩm/quyền tác giả bị xâm phạm và không được bảo vệ đúng mức. Điều này có thể tác động đến ấn tượng và đánh giá của nước bạn về một thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tích cực trong thực thi bản quyền, cũng như ảnh hưởng đến các cam kết giữa Việt Nam với quốc tế, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định

Để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập và ký kết, cũng như phù hợp với tình hình thực tế khi khoa học, công nghệ phát triển thì việc bảo hộ quyền tác giả và pháp luật về bảo hộ quyền tác giả phải thay đổi để đáp ứng với những thách thức mới.

Năm 2019, Cục bản quyền tác giả đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế về sở hữu trí tuệ thế giới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc… Một số quốc gia khác khi muốn phát triển về hệ thống các tổ chức đại diện tập thể đã tìm đến Việt Nam học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đó là tín hiệu rất đáng mừng trong các hoạt động hợp tác quốc tế về bản quyền.

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt xã hội, Cục Bản quyền tác giả đã triển khai và hoàn thành nhiều hoạt động quan trọng như: xây dựng phương án, báo cáo Ban hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ VHTTDL) nội dung đàm phán quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA); triển khai thực hiện các cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Nhiều chương trình hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã được triển khai...

Qua triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan giai đoạn 2017-2020, thực tế đã chứng minh việc xem nhẹ tác quyền và tùy tiện xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan đã cơ bản được khắc phục; ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Một trong những quan điểm và mục tiêu quan trọng mà Đề án nêu rõ phải khắc phục được những hạn chế, bất cập về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của toàn xã hội; hình thành ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng, khai thác các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Đối chiếu thực tế từ những ngày đầu đề án được triển khai đến nay, những quan điểm và mục tiêu được hướng tới đã dần được thực thi hiệu quả trong xã hội. Công tác truyền thông liên tục đổi mới, sáng tạo đã tác động đến vấn đề nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật về bản quyền tác giả trong cộng đồng.

(Nguồn: Bộ VHTT&DL)