Người Đà Nẵng với những con đường mang tên các danh nhân tuổi Hổ và tên Hổ

08.02.2022
Bùi Văn Tiếng
Thật ra khi đặt tên danh nhân cho những con đường trong thành phố, người Đà Nẵng không mấy khi quan tâm đến năm sinh của từng người, không mấy khi quan tâm đến người nào cầm tinh con giáp nào (trừ phi danh nhân mang tên con giáp theo cách đặt tên mang tính dân dã của người Việt, chẳng hạn như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý 1924, hay như nhà thơ Phạm Hổ sinh năm Bính Dần 1926…). Chính vì thế người viết bài này khó có thể kể cho hết những danh nhân tuổi hổ đã được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường, chỉ xin nêu một số trường hợp có thể tra cứu qua sử sách.

Người Đà Nẵng với những con đường mang tên các danh nhân tuổi Hổ và tên Hổ

Người đầu tiên là Thái sư Trần Thủ Độ - kiến trúc sư trưởng từng thiết kế nên vương triều Trần trong lịch sử nước Đại Việt thế kỷ XIII. Thái sư Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần 1194, được người Đà Nẵng đặt tên cho một con đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2003. Thái sư Trần Thủ Độ từng thể hiện khí chất dũng cảm của một người cầm tinh con hổ qua câu nói nổi tiếng, được xem là truyền cảm hứng cho cả vương triều và đất nước trước ngưỡng cửa cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất năm 1258: Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo! Không phải ngẫu nhiên mà tại khu lăng mộ Trần Thủ Độ được xây dựng năm 1264 ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, người đương thời đã tạc một tượng hổ đuôi vuông rất Trần Thủ Độ…

Người thứ hai là Nhà nghiên cứu Phan Huy Chú sinh năm Nhâm Dần 1782, từng giữ chức Hiệp trấn Quảng Nam năm 1829, được người Đà Nẵng đặt tên cho một con đường ở quận Sơn Trà vào năm 2000. Đóng góp lớn nhất của Phan Huy Chú cho nền học thuật Việt Nam là công trình Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển, chia làm 10 phần: Ðịa dư chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Binh chế chí, Văn tịch chí và Bang giao chí, được xem là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên ở nước ta, do Phan Huy Chú dày công biên soạn trong mười năm từ năm 1809 đến năm 1819, được vua Minh Mạng đánh giá cao và cho khắc in vào năm 1821.  

Người thứ ba là Tuần vũ Đỗ Thúc Tịnh sinh năm Mậu Dần 1818 - tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện Hòa Vang thời quân chủ. Năm 1982, ngôi mộ ông được Ty Văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng ghi rõ là “Mộ phần nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh - một chiến sĩ tiên phong trong phong trào chống Pháp”. Sở dĩ nói ông là “chiến sĩ tiên phong” vì ngay từ năm 1859, khi Pháp đem quân đánh thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ Lục tỉnh, Án sát Khánh Hòa Đỗ Thúc Tịnh đã tình nguyện dâng sớ lên vua Tự Đức xin vào Nam chiến đấu và được giao giữ chức Tuần vũ Định Tường. Khi làm Tri phủ Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa, Đỗ Thúc Tịnh được dân địa phương yêu mến, gọi là Đỗ phụ/người cha họ Đỗ. Từ năm 1998, người Đà Nẵng đã đặt tên Đỗ Thúc Tịnh cho một con đường ở quận Hải Châu - nay thuộc địa phận quận Cẩm Lệ.

Người thứ tư là Chí sĩ Lương Văn Can sinh năm Giáp Dần 1854, được người Đà Nẵng đặt tên cho một con đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2005. Chí sĩ Lương Văn Can có vai trò quan trọng trong việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội năm 1907 như một cách hưởng ứng phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX - người Đà Nẵng cũng đã đặt lại tên đường Đông Kinh Nghĩa Thục ở quận Sơn Trà năm 2010 (năm 1956, người Đà Nẵng từng đặt tên đoạn đường nối đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng với đường Hùng Vương là đường Đông Kinh Nghĩa Thục - trong đó có đoạn chạy ngang trước mặt Sân Vận động Chi Lăng).

Người thứ năm là Nhà yêu nước Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần 1866 - “chính ủy” trong cuộc vận động khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 mang tên ông và Nhà yêu nước Thái Phiên. Xin nói thêm bão táp cách mạng đã nối kết số phận hai con người yêu nước này với nhau - dẫu không cùng sinh một ngày nhưng hai ông cùng hy sinh một buổi, trên cùng một pháp trường, cùng yên nghỉ ngàn năm một chỗ, và ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, tên Trần Cao Vân được đặt cho tỉnh Quảng Nam, còn tên Thái Phiên được đặt cho thành phố Đà Nẵng... Người Đà Nẵng đã đặt tên đường Trần Cao Vân từ đầu thập niên 1960 cho đoạn đường nối đường Khải Định/Ông Ích Khiêm với đường Dũng Sĩ Thanh Khê - trong đó có đoạn chạy ngang trước mặt Trường Trung học phổ thông Thái Phiên.  

Người thứ sáu là Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh năm Nhâm Dần 1902 - người đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương sau người tiền nhiệm Lê Hồng Phong cũng sinh năm Nhâm Dần 1902 và trước người kế nhiệm Nguyễn Văn Cừ. Trong kháng chiến chống Pháp, người Đà Nẵng đã đặt tên Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong cho hai đơn vị hành chính dưới cấp quận - khu phố Hà Huy Tập và khu phố Lê Hồng Phong cùng trực thuộc Khu Tây - tiền thân của quận Nhì trong kháng chiến chống Mỹ và của quận Thanh Khê ngày nay; và đã đặt tên đường Hà Huy Tập ngay trên địa bàn Thanh Khê vào năm 1998 và năm 2010 cho đoạn đường nối đường Trường Chinh với đường Trần Cao Vân.

*

Ngoài những danh nhân tuổi hổ, Đà Nẵng còn có bốn danh nhân mang tên Hổ - Bùi Cầm Hổ, Lê Như Hổ, Phạm Đình Hổ và Tăng Bạt Hổ - được đặt tên đường. Quan ngự sử thời nhà Lê Bùi Cầm Hổ được người Đà Nẵng đặt tên đường ở huyện Hòa Vang vào năm 2014. Gia phả họ Bùi Đậu Liêu (Đậu Liêu là quê Bùi Cầm Hổ, nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh) chép rằng năm Canh Ngọ 1390, khi mẹ Bùi Cầm Hổ trở dạ sinh ông, nghe trong nhà như có tiếng hổ gầm, cho là điềm lành, bèn đặt tên con là Bùi Cầm Hổ nghĩa là họ Bùi bắt được hổ. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi rằng quan ngự sử Bùi Cầm Hổ là người “cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế”. Lưỡng quốc thượng thư Lê Như Hổ được người Đà Nẵng đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2016. Khác với Bùi Cầm Hổ được đặt tên theo tiếng hổ gầm, Lê Như Hổ được đặt tên này là do ăn khỏe như… chúa sơn lâm. Tuy nhiên con hổ gợi cảm hứng đặt tên cho Bùi Cầm Hổ và Lê Như Hổ dẫu sao vẫn là con hổ ảo, chỉ có con hổ gợi cảm hứng đặt tên cho Chí sĩ Tăng Bạt Hổ trong Duy Tân Hội - tên cúng cơm Tăng Doãn Văn, bí danh Lê Thiệu Dần - mới là con hổ thật, từng chắn đường ông trên đèo An Khê vào năm Đinh Hợi 1887 và Tăng Doãn Văn trở thành Tăng Bạt Hổ (Bạt  chữ Hán nghĩa là hơn hẳn, vượt trội) khi ông quắc mắt nhìn thẳng vào mắt hổ và cứ đi tới khiến con hổ sợ phải nhường đường - từ năm 1958, người Đà Nẵng đặt tên Tăng Bạt Hổ cho đoạn đường nối đường Trần Bình Trọng với đường Trần Kế Xương trên địa bàn quận Hải Châu.   

Riêng tên Hổ của Phạm Đình Hổ - tác giả Vũ trung tùy bút và đồng tác giả Tang thương ngẫu lục, được người Đà Nẵng đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2004 - tuy liên quan đến con hổ nhưng không có nghĩa là con hổ như tên của Bùi Cầm Hổ, Lê Như Hổ và Tăng Bạt Hổ, bởi tự dạng chữ Hổ  ở đây thuộc bộ Ngọc có nghĩa là vật chế bằng ngọc hình con hổ dùng để cúng tế thời xưa. Đáng chú ý là Phạm Đình Hổ đã biên soạn cuốn sách địa lý học Kiền khôn nhất lãm trong đó có Đại Nam dư địa chí toàn đồ vẽ quần đảo Hoàng Sa - nay đang thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng. Xin nói thêm, từ năm 1955 người Đà Nẵng cũng đã vinh danh qua việc đặt tên đường đối với một người không phải tuổi hổ cũng không mang tên Hổ nhưng có biệt danh liên quan đến hổ là Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám cho một con đường ở quận Thanh Khê - nối đường Lý Thái Tổ với đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng chạy thẳng vào Ga Lớn Đà Nẵng./.  

B.V.T