Đặc trưng nghệ thuật Bài Chòi ở Quảng Nam - Đà Nẵng - Trần Hồng

11.05.2015

Đặc trưng nghệ thuật Bài Chòi ở Quảng Nam - Đà Nẵng - Trần Hồng

Bài Chòi là trò diễn xướng nghệ thuật dân gian đặc sắc rất thịnh hành ở các tỉnh miền Trung. Bài Chòi phát triển mạnh ở Bình Định rồi đi dần vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, rồi từ Bình Định đi ra các tỉnh phía Bắc như Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng ...

Theo các cụ già nhớ lại thì Bài Chòi có ở Quảng Nam - Đà Nẵng gần 200 năm đến nay. Khi các cụ còn nhỏ đã theo cha mẹ, ông bà nội đi đánh Bài Chòi trong ba ngày Tết rất vui. Cách tổ chức hội Bài Chòi Tết ở các vùng nông thôn từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ra Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng có những cái riêng của từng vùng, nhưng cũng có những cái chung giống nhau, từ cách dựng chòi, con bài, anh Hiệu, trang phục, âm nhạc, hô con bài, làn điệu, cách chia bài, trao thưởng, cây nêu, nhà Hội, treo cờ, trống chiêng, ngày tổ chức, ngày chấm dứt cuộc chơi.

1. Dựng chòi

Chòi ở Quảng Nam - Đà Nẵng dựng bằng 4 đoạn tre gốc dài 3,5 m, có chừa 1 đoạn mỗi mắt tre từ gốc lên làm bậc thang để trèo lên chòi. Chòi cao 2,5m từ mặt đất lên giường ngồi, chòi lợp mái trước ngắn, là mặt trước rộng thoáng, mái sau dài, 2 mái hông nhỏ, ngắn, chòi có giường tre hình chữ nhật, dài 2m, rộng 1,4m, đủ cho 2,3 người ngồi, cột chòi có đục thành mõ ở 2 cột gần chỗ ngồi, thanh giường phía trước có một đoạn chuối nhỏ nằm ngang để cắm cờ tới cho các Chòi con. Chòi dựng theo "Bát quái đồ": Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Hoặc dựng chòi theo "Thập Can": Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, ít nơi dựng hơn. Chòi Trung ương ở giữa cuối 2 hàng chòi con, đối diện với nhà Hội. Chòi Trung ương cao 1 mét, giường chữ nhật dài 3 mét, rộng 2 mét, đủ chỗ ngồi cho một gia đình, gồm ông bà, cha mẹ, con cháu độ 7, 8 người ngồi, tiền đặt mỗi Hội gấp đôi chòi con, nhưng chỉ chia 3 con bài như chòi con mà thôi. Chòi Trung ương giành cho các vị chức sắc và các phú gia trong làng đặt trước tiền Hội để giữ chỗ.

2. Nhà Hội

Nhà Hội làm ở đầu sân, đối diện với Chòi Trung ương, bề dài 6 mét, ngang 4 mét, bốn vách che phên tre, hoặc tranh, rạ, lá dừa, có phản ngồi, bàn ghế để trà nước, rượu, bánh trái và quà thưởng. Các vị chức sắc, ban tổ chức hội họp, nghỉ ngơi trong nhà Hội. Khoảng đất trống giữa sân dựng 1 cây nêu bằng 1 cây tre nhỏ, trảy hết mắt cành, chỉ để lá ở đầu ngọn, 1 lá cờ làng to treo nghiêng và một số lồng đèn, bùa, chú đuổi tà ma. Bên gốc cây nêu có cắm 1 cây cọc, có ống đựng con bài. Nơi anh Hiệu đứng hô con bài bên cạnh.

3. Anh Hiệu

Anh Hiệu xuất thân là những nông dân hoặc là những người bán hàng rong. Là người hát hay, có tài ứng khẩu linh hoạt, có khả năng làm trò, có động tác tay chân mềm dẻo, uốn lượn duyên dáng, nhanh nhẹn, hài hước, nhiều sáng tạo trong lối Hô và diễn xuất hấp dẫn, cả hội Bài Chòi theo dõi say mê, ngưỡng mộ. Anh Hiệu mặc áo dài đen, khăn đóng, hoặc quấn khăn nhiễu đen, quần dài trắng. Thường là mặc áo quần như bình thường hằng ngày. Khi xong hội Bài Chòi, các anh Hiệu nông dân thì về với ruộng đồng, còn anh Hiệu bán hàng rong thì đi hát các bài lẻ ở đình chợ, hoặc có nhà nào tổ chức hội chơi Bài Chòi ghế thì anh tiếp tục làm anh Hiệu. Bài Chòi Ghế là ngồi trên ghế, đặt ở giữa sân, cách thức chơi như chơi hội Bài Chòi ngồi trên chòi.

4. Con bài

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng dùng bộ bài Tổ Tôm có nơi gọi là Bài Tới hay Bài Trùng gồm có 3 Pho:

- Pho Văn: Các con bài có tên: Tráng Hai, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rún, Sáu Miễng, Bảy Liễu, Tám Miễng, Chín Cu, Ông Ầm, Chín Gối.

- Pho Vạn: có Nhứt Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Móc, Ngũ Trợt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa, Bạch Huê.

- Pho Sách: có Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Sách, Ngũ Trưa, Sáu Hột, Bảy Thưa, Tám Dây, Cửu Điều, Tứ Cẳng.

Mỗi Pho có 10 con bài. Với cách chơi 9 chòi chỉ có 27 cặp. Nếu cách chơi 11 chòi phải có 33 cặp, nên người ta thêm vào 3 con là Ông Ầm, Cửu Điều và Tứ Cẳng đều màu đỏ, khác với các con bài kia đều là màu đen.

Anh Hiệu có 2 ống đựng thẻ bài, mỗi ống có 27 hoặc 33 con bài, trùng nhau từng đôi ở ống bài chia và ống bài tỳ. Khi bắt đầu chơi, tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm nổi lên (nếu có), anh Hiệu cầm ống bài chia, xóc đều đưa lên cho người trên chòi rút 3 con bài, lần lượt đi chia cho 9 chòi, cả ống là 27 con bài. Nếu chơi 11 chòi thì chia 33 con bài.

Chia xong bài, anh Hiệu về đứng bên ống bài tỳ, vừa rung, xóc ống bài tỳ và rút ra 1 con bài và hô: "Huớ mà hươ. Chín chòi lẳng lặng mà nghe (mà nghe) tôi hô con bài: (Chớ) Một hai bạn nói (cà cà nói) rằng không, chớ dấu chân (cà cà chân) ai đứng (cà cà đứng) bờ sông hai người? Huớ là con tứ cẳng". Chòi có con tứ cẳng gõ mõ. Anh Hiệu vội cầm con tứ cẳng dâng cho người có con bài tứ cẳng. Xong rồi anh lại về xóc ống bài tỳ và rút ra một con bài. Anh hô tiếp, cứ như thế đến khi nào có tiếng gõ mõ vang reo: "Tới, tới" chòi đó trúng 3 con bài là Tới. Anh Hiệu bưng khay tiền và quà dâng lên cho người Tới, là xong 1 Hội. Anh Hiệu đi đến từng chòi thu tất cả con bài chờ vào ống để sắp xếp lại 2 ống có 27 cặp, hoặc 33 cặp trùng nhau để tiếp tục chia bài và rút bài tỳ để hô tiếp Hội sau...

5. Hình vẽ các con bài

Bộ Bài Chòi có 33 con, người ta vẽ các hình ngoằn ngoèo, họa tiết, hoa văn, đầu con bài có chữ Hán Nhì, Tam, Tứ... (có nơi không có chữ). Các hình vẽ thô mộc phù hợp với tên con bài như Sáu Miễng, hình vẽ là 6 nửa mảnh đồng tiền xếp 2 hàng. Hoặc như con bài Sáu Hột, hình vẽ là 6 vòng tròn xếp thành 3 cặp dễ nhận biết. Hoặc như con bài Ông Ầm, hình vẽ là mặt người ở giữa con bài v.v... Đó là sự sáng tạo mỹ thuật trên con bài của Bài Chòi Nam Trung bộ.

6.  Về văn học và Hô con bài

Nội dung con bài là các câu lục bát hay lục bát biến thể, phản ảnh về các mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, các tập tục, thói hư tật xấu, ca ngợi quê hương giàu đẹp. Nhưng cuối cùng là sự tiết lộ tên con bài, do anh Hiệu hô kéo dài làm cho người chơi hồi hộp chờ đợi. Ngôn ngữ, thổ âm địa phương được biểu hiện trong câu Hô thai của anh Hiệu ở Quảng Nam:

"Huớ mà huơ... Lẳng lặng mà nghe, mà nghe Tui hô, là hô con bài:

Em lấy chồng từ thuở mười lăm

Chồng chê còn nhỏ, không ăn nằm với em

Đến nay mười tám đẹp xinh

Em nằm dưới đất, chồng rinh lên giường

Một rằng thương, hai rằng thương, ba, bốn cũng nói rằng thương

Huớ anh ơi! Anh thương chi hung rứa để bốn cẳng giường nó rung rinh?.

Huớ là con Tứ Cẳng."

(Có lúc hô: Bốn cẳng giường gãy một con ba)

Các thổ âm như: Tui, rinh, ăn nằm, hung, rứa, cẳng1 là tiếng nói của người Quảng Nam. Khi phát âm: Chiều hôm thành chiều hơm, con tôm thành con tơm, cháo gạo thành cháo gộ.... Từ đó, nhà thơ Dũng Hiệp có thơ đả kích Ngô Đình Diệm:

"Tiếng Quảng Nam mình nói rõ thô

Vần ao lại đọc thành ô

Rằng tên lính Mỹ đi chơi phố

Dắt chó ngao2 mà nói chó Ngô."

Vì vậy, anh Hiệu ở địa phương Bình Định, Phú Yên hay ở Quảng Nam đều dùng tiếng thổ ngữ địa phương mình để Hô con bài.

7. Các làn điệu Bài Chòi

Bài Chòi có 6 làn điệu: Xuân Nữ cũ, Xuân Nữ mới, Cổ bản, Hò Quảng, Xàng xê cũ (lụy), Xàng Xê mới (dựng) khi hát Xàng Xê lụy là bậc Rề, chuyển hát Xàng Xê dựng, nhạc lên 1 tông là Mi, Xàng Xê dựng có tính giận dữ, mạnh mẽ.

Giai điệu của các làn điệu Bài Chòi là những câu nhạc hoàn chỉnh có tiết tấu, giai điệu, âm thanh sắp xếp, trật tự riêng biệt, không có nghệ thuật dân gian nào ở Việt Nam có được.

8. Bài Chòi trải chiếu

Khi hội Bài Chòi  chấm dứt, người ta dỡ chòi, nhà Hội hạ cây nêu xuống. Các anh Hiệu về lại với ruộng đồng, hoặc kết nhau với anh Hiệu hàng rong làm thành nhóm từ 3 - 4 người, người nào cũng đánh được đàn, trống và biểu diễn, họ đi hát rong ở đình chợ, đình làng, hoặc nơi có người đi lại đông đúc. Tấm chiếu trải ra đất bà con đứng xung quanh để xem. Đó là các bài Bài Chòi độc diễn, độc tấu, đơn ca có câu chuyện hấp dẫn, hát hay. Anh Hiệu có lúc phải diễn 2, 3 vai. Khi thì là ông Xã, rồi bà Đội, ông Xã đội khăn đóng, bỏ khăn đóng ra, khăn vắt vai hay quấn trên đầu là bà Xã, trong Bài Chòi, ông Xã bà Đội. Người xem càng ngày càng hâm mộ, các anh chị Hiệu đã lấy các truyện kể dân gian phân vai để diễn thành kịch như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thạch Sanh - Lý Thông, Phạm Công - Cúc Hoa v.v... Bà con say mê thưởng thức, họ bỏ tiền vào chiếc khay để khen các anh chị hát hay. Hết chỗ này, đến chỗ khác, nhóm hát rong, "Bài Chòi trải chiếu" đi biểu diễn khắp nơi phục vụ bà con để kiếm sống. Đến Tết Nguyên Đán thì họ trở về quê làm các anh Hiệu cho hội Bài Chòi Tết. Nghệ thuật Bài Chòi được giữ gìn và phát huy sâu rộng trong các tỉnh Trung Bộ từ xưa đến nay.

T.H