NSND Trần Đình Sanh: Ngọc có mài mới sáng - Huỳnh Thị Hoa

11.05.2015

NSND Trần Đình Sanh: Ngọc có mài mới sáng - Huỳnh Thị Hoa

Được phong NSND năm 2007, Trần Đình Sanh đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng, có những vai được xem như một chuẩn mực cho thế hệ sau tham khảo. Ông luôn khẳng định những thành công của mình là nhờ chịu khó học hỏi, khổ luyện.

Bước ngoặt cuộc đời đến từ sự không may mắn

Trần Đình Sanh đến với nghệ thuật cũng hết sức tình cờ. Tháng 6 năm 1967, mới 17 tuổi, ông thoát ly lên chiến khu để tham gia kháng chiến chứ không hề có ý định hoạt động nghệ thuật  nhưng bị chê thấp bé, gầy gò nên không được vào lực lượng vũ trang. Sau đó, NSƯT Tư Bửu về tuyển diễn viên, đang cần người xây dựng Đoàn nên ông  được chọn. Được làm bất cứ công việc gì có đóng góp cho Cách mạng đều là niềm vui, ông rẽ vào con đường nghệ thuật một cách hết sức tình cờ như thế.

Sau 6 tháng được đào tạo cấp tốc, học những gì cần thiết nhất cho nghề, năm 1968, ông chính thức lên đường đi phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân. Ba năm sau, Trần Đình Sanh được chọn ra Bắc học tập cùng với 13 anh chị em khác. Để chuẩn bị cho buổi diễn báo cáo tại trường, ông đã tập rất công phu vai Lê Lợi nhưng sau đó các thầy lại quyết định chỉ diễn một đoạn trích ngắn của vở Lam Sơn khởi nghĩa và phải biểu diễn hồi II của vở Trần Bình Trọng trong khi chỉ có một ngày để tập vai. Trần Đình Sanh còn nhớ thầy Nguyễn Nho Túy hỏi: “Con đã xem vai Trần Bình Trọng chưa?” và thầy khẳng định“. Đã xem rồi tất phải diễn được”. Áp lực khá nặng nề về thời gian cũng như chất lượng nghệ thuật, nhưng bằng sự nỗ lực hết sức, Đình Sanh quyết tâm làm bằng được. Đến khi diễn, vai Trần Bình Trọng được các thầy đánh giá cao. Đây cũng là một bước ngoặt trong nghề, từ thành công của vai Trần Bình Trọng, ông được chuyển sang học vai kép và gặt hái được nhiều thành quả từ những vai kép như vai Trần Bình Trọng trong vở Trần Bình Trọng, vai Đổng Kim Lân trong Sơn Hậu, vai An Dương Vương trong vở Mị Châu - Trọng Thủy, Hoàng Phi Hổ trong vở Hoàng Phi Hổ quá “Giới Bài” quan, Trần Thủ Độ trong Lịch sử hãy phán xét, vai tri huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến, Hòa thượng trong Sư già và em bé…

Người làm sân khấu không được phép sơ suất

Mỗi khi được giao vai, Trần Đình Sanh thường trăn trở, tìm tòi những cách thể hiện đạt hiệu quả cao nhất. Vai Trần Bình Trọng trong vở tuồng Trần Bình Trọng  là một vai diễn không thể quên được đối với Trần Đình Sanh. Dựa trên kịch bản nhưng cũng được quyền sáng tạo trên nền chất liệu của hát, múa tuồng, Trần Đình Sanh trăn trở làm thế nào để khắc họa thành công nhân vật trong cái nhìn của thời cuộc lúc bấy giờ. Cuối cùng ông đã chọn cách diễn dung dị, gần gũi với khán giả, để nhấn mạnh  khí phách anh hùng hiên ngang, khẳng khái nhưng cũng giản dị của nhân vật với mục đích nhắn nhủ với người xem thông điệp: cuộc chiến tranh còn dài, có thể ai đó sẽ rơi vào tay địch, hãy giữ gìn khí tiết trong lúc nguy biến. Niềm vui của người nghệ sĩ sau khi hóa thân thành công vào nhân vật là hoàn thành được nhiệm vụ cao cả của người nghệ sĩ góp phần củng cố tình cảm, niềm tin cho khán giả.

Đổng Kim Lân trong trích đoạn Đổng Kim Lân qua đèo là một vai diễn xuất sắc của Trần Đình Sanh. Đổng Kim Lân là một trí tướng, văn võ toàn tài. Trong lúc Tạ Thiên Lăng cướp ngôi, tống giam thứ phi và thái tử mới sinh vào ngục. Bằng lời hát, bằng nghệ thuật diễn xuất được xử lý khéo léo, Đình Sanh đã lột tả được  một Đổng Kim Lân trung thành nhưng hết sức khôn khéo khi giả hàng trong lúc yếu thế. Khi diễn, ông chăm chút từng ánh mắt, từng điệu bộ. Ông kể rằng, ngay cả chân hia đi thì cách đi cũng biểu hiện tâm trạng: lúc đau đớn, lúc khoan thai kết hợp đồng bộ với tay kiếm, tay roi. Múa trong tuồng không chỉ đẹp mà phải làm sao để người xem cảm nhận được tâm trạng nhân vật. Trong đoạn Kim Lân bế thái tử lạc trong rừng, Trần Đình Sanh đã xử lý được thành công tâm trạng đau đớn của Đổng Kim Lân trước cơn đói của hoàng tử, phải cắt máu tay mình để giữ mạng sống cho hoàng tử mà đầu miên man nghĩ đến sự giúp đỡ của trời đất. Trong đoạn này lời không nhiều nhưng lại đòi hỏi sức lực, kỹ thuật biểu diễn cao khi gò ngựa đứng một chân trong thời gian khá lâu, đòi hỏi diễn viên phải có sức chịu đựng dẻo dai. Bằng cách chăm chút từng chi tiết nên những vai diễn của ông để lại được ấn tượng trong lòng khán giả. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải khổ luyện. Chính vì sự khổ luyện đó mà vai Đổng Kim Lân của ông được đánh giá rất cao.

Khi đóng vai Trần Thủ Độ trong Lịch sử hãy phán xét, ông băn khoăn vì đây là một nhân vật lịch sử mà sự đánh giá, lý giải đôi lúc, đôi chỗ về hành động, về con người vẫn còn sự khác biệt, làm thế nào để trong hai giờ biểu diễn, người xem có thể đồng cảm được. Vì thế Đình Sanh cố tìm ra động tác, làn điệu…cho phù hợp để diễn tả một Trần Thủ Độ mưu lược, quyết đoán nhưng cũng đầy tình người. Làn điệu hát thán mà ông đề xuất thay cho hát nam được công nhận là chính xác.

Trần Đình Sanh quan niệm về nghề hết sức nghiêm túc qua một so sánh vui: Người làm sân khấu và người bán hàng ăn có một điểm tương đồng là không được phép sơ suất dù chỉ một lần. Cuộc đời người làm sân khấu không được lơ là, nếu thất bại dù một lần cũng sẽ đeo đuổi suốt đời, không thể quên được. Quan niệm đó khiến ông lúc nào cũng phải cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình.

Theo ông, có thể tóm tắt yêu cầu đối với một diễn viên vào 6 chữ “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” trong đó quan trọng hơn cả là “tinh, khí, thần”, phải đạt được nó thì mới đạt được chuẩn mực nghệ thuật. Đình Sanh nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải cẩn thận đến từng chi tiết trên sân khấu. Nhiều khi chỉ vì không chú ý đến một vài chi tiết mà làm hỏng cả vở diễn. Động tác trong tuồng cũng được ông đặc biệt lưu ý, ông cho rằng trong tuồng chỉ có 72 động tác và vài binh khí, nhiều khi diễn đúng chưa chắc đã hay, cái đẹp trong tuồng vừa phải đúng chuẩn mực vừa đạt được cái thần của vở diễn, nếu không có khi cả đời cũng khó mà nắm bắt được.

Trần Đình Sanh được đánh giá cao ở giọng hát hay, tiếng nói sân khấu tốt, múa đẹp, diễn xuất tốt, có được những ưu điểm đó theo ông, phần lớn là nhờ học tập, rèn giũa. Ông may mắn được học những bậc thầy về tuồng như NSND Nguyễn Nho Túy, GS Hoàng Châu Ký, NSND Nguyễn Lai, NSND Đinh Quả, NSND Ngô Thị Liễu…rồi từ đó tự tìm tòi nghiên cứu, chắt lọc để tìm được phong cách riêng cho mình. Nhìn lại cả cuộc đời nghệ thuật của ông với nhiều Huy chương vàng, bạc để thấy đằng sau đó là một quá trình miệt mài khổ luyện, lòng đam mê nghề nghiệp hiếm có của ông.

Hết mình với cuộc sống

Không chỉ thành công ở lĩnh vực biểu diễn, ông còn có nhiều đóng góp khác. Ở công việc nào, ông cũng cố gắng làm hết sức. Với vai trò là người chỉ đạo nghệ thuật, cùng với các anh em diễn viên, Trần Đình Sanh đã mang nhiều huy chương, giải thưởng về cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông đã tỉnh táo, sáng suốt khi căn cứ vào tính chất, yêu cầu của cuộc thi, hội diễn mà linh hoạt trong việc dùng người, chọn vở để đạt hiệu quả cao nhất.

Với vai trò là nhà quản lý, ông đã cùng chèo chống để Nhà hát vượt qua khó khăn, trở thành Nhà hát tuồng mạnh của miền Trung. Ông là người đầu tiên đưa tuồng vào phục vụ du lịch từ cuối những năm 80. Ông cũng là người đầu tiên đưa múa rối nước vào sàn diễn Đà Nẵng một cách bài bản, khai thác dân ca dân vũ. Ông kể rằng cái khó nhất lúc bấy giờ là vượt qua những ý kiến, những định kiến lo lắng Tuồng sẽ sa vào thị hiếu dễ dãi của thị trường. Ông vẫn mạnh dạn làm và cố gắng để kết hợp hài hòa việc giữ được yếu tố truyền thống của Tuồng nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu của công việc. Xác định tư tưởng “lấy ngắn nuôi dài”, ông năng nổ tìm mọi cách để giúp anh chị em diễn viên vượt qua những năm khó khăn của Tuồng để giữ được nghề. Nhờ vậy ông đã nhận được sự đồng thuận của mọi người.

Ở tuổi 65, ông vẫn tham gia tập huấn giảng dạy cho các em sinh viên, diễn viên trẻ của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành bạn như thành phố  Hồ Chí Minh, Huế và Thanh Hóa với mong muốn truyền tiếp lửa đam mê và tinh túy nghề nghiệp của một đời tận tụy, như con ong bé nhỏ, bền bỉ chắt mật ngọt cho đời.

H.T.H