Con đường tự trôi

22.04.2015

Con đường tự trôi

Cách đây ít năm, khi được tiếp cận lần đầu với tiếng thơ Nguyên Đăng Khoa, tôi đã có cảm nhận đó là cánh én báo hiệu mùa xuân mới, của cõi-giới thi ca Việt.
 

Từ một lục bát vẫn từ nguồn ca dao, nhưng lại là một lục bát khác. Một lục bát ngồn ngộn tính siêu thực mà, vẫn gần gũi với nhân gian, đời thường:

 

“Thượng đế ban một đôi tay

Hôm xưa anh sưởi vai gầy mùa đông

Rồi Ngài gửi đến cơn giông

Đưa đôi ta đến nơi không có mình

Hàng triệu mảnh vỡ lặng thinh

Mai sau ai chắp nối hình bóng ai?

                         (“Mai sau”)

 

Hoặc:

 

Ngày nợ đêm một câu chào

Ta nợ nhau một phần nào đắm say

Hơi ấm mắc nợ bàn tay

Bờ vai nợ một nét gầy khôi nguyên.

                               (“Nợ”)

 

 Tới năm chữ, một thể thơ vốn khe khắt đòi hỏi chắt, lọc chữ nghĩa tới mức tối đa nơi người làm thơ:

 

“Gió mặc áo mùa đông

Làn da mịn hơi ấm

Nắng gõ nhịp ban mai

Người dài tay phơi mộng

Mặt lá reo hờ hững

Hàng cây đợi quyên sinh

Những qủa tim khô hạn

Không mang nổi máu mình”

                    (“Đông”)

 

(Thì), Nguyễn Đăng Khoa, cũng đã mang lại cho thể thơ này, một trái tim, một hơi thở khác. Nó cho thấy Nguyễn sớm đoạn tuyệt được, với năm chữ của của Lưu Trọng Lư, như:

 

“Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?”

        (Trích “Tiếng thu”)

 

Hoặc gần hơn:

 

“Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly”

(Cung Trầm Tưởng, trích “Chưa bao giờ buồn thế”)

 

Đó là những năm chữ xây dựng trên hình ảnh ngoại giới cụ thể, để tác giả gửi gấm tâm sự. Trong khi năm chữ của Nguyễn Đăng Khoa đã vượt khỏi giới hạn của hữu hình; để tới được những chân trời hư huyễn.
 

Ở cõi hư huyễn này, thơ của Nguyễn đã xóa nhòa được khoảng cách giữa chủ thể và khách thể. Nó trở về nhất nguyên. Về thơ. Để thơ tự gánh vác sự sống hay lẽ chết của mình.

 

Gần đây, tôi lại thấy, biên độ siêu thực, một nét đặc thù trong cõi giới thi ca Nguyễn Đăng Khoa, ngày thêm mở rộng.

 

Như với thơ tám chữ, một thể thơ đã được khai thác rất nhiều từ gần một thế kỷ qua, cũng được Nguyễn trao tặng chúng một bình thịt, xương riêng:

 

“Có khi buồn về tựa vào hoa cúc

Hỏi nhau mùi hương cũ chiếc hôn đầu

Có khi buồn nằm xuống lòng biển cả

Đợi trùng dương dội ký ức vào nhau…”

(Trích “Có khi buồn tay chỉ muốn bàn tay”)

 

Ngay với thơ tự do, Nguyễn cũng cho thấy tài hoa của mình khi viết:

 

“Những giọt nước tọa thiền

Đợi khắc hóa mây bay

Mưa ra đi

Cuống quít đánh rơi hơi lạnh trên vai người hành khất

Một vài thị dân soi mình trong những mảnh vụn trên đường

Tìm vuông tròn đã mất

Từ bãi tha ma

Gã mèo hoang

Mang về trên áo

Những thi hài còn ấm của cơn mưa…”

(Trích “Phố mưa”)

 Trong những đoạn thơ trích dẫn trên của Nguyễn, tác giả luôn có những từ ngữ, như những hòn than cháy bỏng cảm-thức tôi.

 

Vì thế, qua thi phẩm “Con đường tự trôi” hôm nay của Nguyễn, thì thơ của Nguyễn Đăng Khoa, với tôi, không còn là cánh én báo hiệu mùa xuân. Mà mùa xuân thi ca của chúng ta, đã thực sự hiện diện.

Một hiện diện lộng lẫy của những dòng thơ siêu thực, ở tất cả mọi thể loại.

 Tôi muốn nói, tài hoa của người làm thơ trẻ này, luôn cho tôi những giây phút hạnh phúc, mỗi khi được đọc thơ Nguyễn.

 Từ đó, tôi đã hưởng nhận được từ “Con đường tự trôi” của Nguyễn Đăng Khoa, cả một lẵng hoa tỏa hương tài năng và, trí tuệ.

 Lẵng hoa thi ca này, rồi đây, theo tôi, tự thân sẽ có được cho nó, một chỗ đứng đáng kể trong dòng chảy thi ca Việt Nam, những năm đầu thập niên 2010.
 

Calif. Feb. 2015

 Du Tử Lê
(http://nhavantphcm.com.vn/)