Chất tự thân trong Mượn nắng

01.06.2015

Chất tự thân trong Mượn nắng

Ở đây, “mượn nắng” có thể hiểu là mượn cái xuân sắc thuở nào, mượn cái tuổi xanh thuở nào, mượn cái khí lực thuở nào, mượn cái ưu thế thuở nào để ngoái lại, ngoảnh lại và để “xốc” lại mình...

 

Nhà thơ Trương Nam Hương từng viết: “Ra ngoài ngàn năm, em mang váy mới…” Và 4 từ “ra ngoài ngàn năm” là tên gọi một tập thơ của anh. Trong một bài thơ tâm đắc của mình, nhà thơ Thi Hoàng có câu thơ rất gợi và rất ảo: “Bóng ai gió tạt”. Và 4 từ “bóng ai gió tạt” trở thành tên gọi một tập thơ của anh. Trong trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”, nhà thơ Trần Anh Thái có câu: “Bóng tôi đổ xuống bóng mặt trời”. Nói theo kiểu diễn xuôi thì cái bóng của tôi đổ lên cái bóng của mặt trời trong một hồ nước. Hẳn câu thơ này đã gợi ý cho thi sĩ họ Trần đặt tên khác lạ cho trường ca của anh.

    

Đến “Mượn nắng”* của Thanh Yến cũng vậy. Từ câu “Mượn nắng ngày xưa sưởi ấm đến bây giờ” trong “Mượn nắng” mà tập thơ thứ 5 của chị ra đời. Tất nhiên, chị không chỉ “mượn nắng”, mà còn mượn “rét mùa xưa” trong “Sao đêm này trở gió mùa” để sinh hạ một đứa con tinh thần mới.

    

Ở đây, “mượn nắng” có thể hiểu là mượn cái xuân sắc thuở nào, mượn cái tuổi xanh thuở nào, mượn cái khí lực thuở nào, mượn cái ưu thế thuở nào để ngoái lại, ngoảnh lại và để “xốc” lại mình.

    

Trong sự “mượn” ấy, độc giả dù vô tình hay hữu ý thì cũng dễ dàng bắt gặp cái nuối tiếc, cái thở dài ngẫm ngợi vừa có lý, vừa có tình của một người vẫn còn thao thiết  với cuộc sống này lắm.

    

“Em đã gửi mùa đông cho người theo mỗi bước/ Sao đêm nay gió lùa?/ Thêm một lần úp mặt/ Rét mùa xưa” (“Sao đêm nay gió lùa?”); “Qua rồi thời thiếu nữ/ Chiều xa đau lá trở mùa” (“Mùa lá đau); “Vết đời sấp ngửa trên vầng trán/ Ngày xưa ơi! Gió dạt trắng chiều” (“Và bây giờ”); “Một chút xưa vụt về rất lạ/ Ngọn gió xuyên buốt tận bây giờ (“Tựa thềm cuối năm”); “Bây giờ tóc bím về đâu? “(“Vu vơ hè”); “Ngoảnh lại/ Gió đồng thổi tuổi thơ xa ngài/ Mang cả thời xanh đi” (“Dấu ấn tuổi thơ”)…là những dẫn chứng cụ thể, sinh động.

    

Trong cái nuối tiếc, thở dài ấy, liều lượng dành cho tình yêu vẫn chiếm ưu thế. Bởi thế nên trong “Mưa anh” mới có: “Hình như/ Ta lạc nhau rồi”. Bởi thế nên trong “Lửa tự tình” mới có “Thổ cẩm cũng dậy thì”.  Bởi thế nên trong “Thơ tình bên dòng Cổ Chiên mới có: “Bông điển điển nồng nàn hương đất/ Góc vườn xưa rụng trắng hoa cau”…

   

Mặc dù vậy, không phải lúc nào Thanh Yến cũng mang tâm thế như vậy. Cũng có lúc, chị hướng tới để đón đợi, để “Bừng lên đốm lửa vừa khơi/ Nắng vui ngân ngấn phía trời bình yên”. Trong hai câu này, “nắng vui ngấn ngấn” là một chi tiết lạ và đẹp. Rồi từ “mặn” cũng được chị đặt rất đúng chỗ, rất đắt và có sắc màu biểu cảm rõ rệt trong “Dập dềnh sóng mặn vào nhau” (“Sóng tình”) và “Biển mặn hơn trong nỗi nhớ nhà” (“Vang mãi Trường Sa”).

   

Có thể trong một tâm trạng rối bời và có phần giằng xé phân thân, trong “Xin dấu ăn năn”, Thanh Yến mới viết:

 

Xếp vào ngăn còn đó chút riêng

Ngọn đèn khuya viết lời sám hối   

Không xóa nổi giấc mơ tàn lụi

Ta chỉ là sóng gió… tự mình dâng

   

Có thể còn “chút riêng” được “xếp vào ngăn”một cái đó của ngày xưa, là sở hữu của một người độc thoại thành khẩn trước “ngọn đèn khuya” và cái giấc mơ ngày nào dẫu là tàn lụi, nhưng vẫn “không xóa nổi”, không quên đi được đã khiến “sóng gió” trong miền ký ức của Thanh Yến tự dâng lên.

  

Rõ ràng, không giống nhiều người khác, thi sĩ Thanh Yến đã không bị nỗi buồn xưa nghiền nát, mà nỗi buồn chỉ làm chị còn đứng vững cho đến tận hôm nay, nhắc nhở những gì đáng nhớ và có phần ám ảnh, giống như ý của hai câu thơ mà nhà thơ Yến Lan từng viết cách nay đã lâu lắm rồi trong “Uống rượu với bạn đồng hương”: “Có nỗi buồn khỏe ra/ Có niềm vui chạnh mãi”.

  

Theo tôi, chất tự thân của “Mượn nắng” được hàm chứa trong chính khổ thơ vừa dẫn ở trên.

 

__________

* Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 2/2015.

 Đặng Huy Giang
(nhavantphcm.com.vn)