Các nhà văn Đà Nẵng đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trao tặng ảnh lưu niệm cho văn nghệ sĩ tại tọa đàm Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố.
Sau năm 1975, lực lượng văn học, nghệ thuật(1) đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và thống nhất đề nghị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, nhằm tập hợp anh chị em vào một đoàn thể để động viên, giúp đỡ nhau trong hoạt động văn nghệ. Đến năm 1977, Tỉnh ủy có chỉ thị thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 4 năm 1978, Đại hội thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng được tổ chức với sự tham gia của gần 100 hội viên. Từ đây Hội cùng với tờ Tạp chí Đất Quảng của mình là nơi tập hợp, động viên, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ - trong đó có ngành văn học - đi thực tế và học chuyên môn(2). Bên cạnh đó, các cuộc góp ý, hội thảo về các tác phẩm của các hội viên đã làm cho không khí sáng tác văn học trở nên sôi động.
Cứ như thế, từ lúc phân hội Văn học có chừng 30 hội viên, càng ngày càng phát triển đông lên, bao gồm nhiều thế hệ. Từ thế hệ chống Pháp (Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Hồ Hoàng Thanh…) đến thế hệ chống Mỹ (Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngô Thị Kim Cúc, Trương Văn Ngọc, Trương Điện Thắng…) và thế hệ phát triển từ sau năm 1975 như Bùi Xuân, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Khiêm, Võ Kim Ngân, Phan Hoàng Phương…, cứ nối tiếp mãi.
Đến năm 1997, khi tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 02 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, theo địa bàn, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam và Đà Nẵng cũng được tách ra. Số hội viên văn học ở Đà Nẵng đã ngót 100 hội viên. Năm 2003, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng được nâng cấp thành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Hội Nhà văn Đà Nẵng được thành lập với số hội viên là 100 người, đến nay số hội viên đã trên 100 người.
Trên cơ sở lực lượng ngày càng hùng hậu, sáng tác có chất lượng, lực lượng văn học Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp văn học nước nhà.
1. Đóng góp về lực lượng văn học cho nền văn học nước nhà
Với lực lượng viết văn ngày càng đông đảo, nhiều tác phẩm văn học cũng được ra đời, trong đó có những tác phẩm có chất lượng, các nhà văn Đà Nẵng đã ghi dấu son trên bản đồ văn học Việt Nam: Một vùng văn học mạnh mẽ về lực lượng, dồi dào về tác phẩm, có thể sánh vai cùng với những vùng văn học khác của đất nước như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh… Có thể coi đây như lực lượng tại chỗ của nền văn học nước nhà.
Từ trong phong trào sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học ở Đà Nẵng, đã xuất hiện những cây bút có tài năng, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, góp phần vào sự phát triển lực lượng sáng tác chủ lực của nền văn học cả nước:
Lớp từ trong kháng chiến chống Mỹ có Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Đông Trình, Bùi Công Minh… Lớp tiếp theo đông hơn có Vĩnh Quyền, Trần Khắc Tám, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Bùi Tự Lực, Bùi Xuân, Quế Hương, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lê Anh Dũng, Nguyễn Đông Nhật, Đinh Thị Như Thuý, Đỗ Xuân Đồng, Hồ Sĩ Bình, Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Hưng Tiến…
Nhiều cây bút xuất sắc xứng đáng vào Hội Nhà văn Việt Nam nhưng vì nhiều lý do chưa vào như Phan Hoàng Phương, Hồ Trung Tú, Nguyễn Minh Hùng, Võ Kim Ngân, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Phan Thị Thu Loan… và một lớp trẻ đầy triển vọng, chờ kết nạp như Lệ Hằng, Trương Thị Bách Mỵ…
2. Nhiều tác phẩm có giá trị cao
Từ trong phong trào sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học ở Đà Nẵng, đã có nhiều tác phẩm, ở nhiều thể loại có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển văn học nước nhà trong 50 năm qua. Ở đây, tôi xin nhắc đến những tác phẩm được giải cao (nhất và nhì) trong các năm của Hội Nhà văn Việt Nam, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của các Bộ, ngành Trung ương, giải thưởng văn học 10 năm, 05 năm của UBND Quảng Nam - Đà Nẵng và Đà Nẵng. Tôi cũng chú ý đến các tác phẩm (tập sách), không nêu ra đây giải thưởng các cuộc thi của các báo với những bài thơ, truyện ngắn lẻ, cùng với sự đánh giá của đồng nghiệp và bạn đọc mọi lứa tuổi trong nhiều năm qua.
a) Về truyện dài, tiểu thuyết
Bộ tiểu thuyết Người cùng quê còn dang dở của nhà văn Phan Tứ, viết về những người dân xứ Quảng cùng cả nước tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 30 năm từ 1945 - 1975.
Các tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, Trùng tu và Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi, viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ và những vấn đề hậu chiến. Trong đó tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm Tiểu thuyết Trùng tu được giải A của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004. Tiểu thuyết Minh Sư được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải ASEAN năm 2010. Tiểu thuyết Hồi đó ở Sa Kỳ của nhà thơ Bùi Minh Quốc, viết về những hoạt động chống Mỹ của các em thiếu nhi ở một vùng quê Quảng Ngãi. Tiểu thuyết được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 1978 - 1979. Tiểu thuyết Cát cháy của nhà thơ Thanh Quế, viết về một đội du kích thiếu niên ở vùng ven thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách được giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1981. Tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ của nhà văn Vĩnh Quyền, viết về thời cuộc xảy ra trong và sau ngày 30/4/1975 ở một số đô thị lớn miền Nam. Cuốn sách được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2011 - 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết Son ve của nhà văn Hoàng Minh Nhân, viết về cuộc nổi dậy chống chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xari để giải phóng đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng của nhân dân Campuchia, có quân tình nguyện Việt Nam ủng hộ. Cuốn sách được tặng thưởng Giải Mê Kông 2013. Tiểu thuyết Chó hoang của nhà văn Bùi Tự Lực, viết về đạo đức của con người đương đại. Cuốn sách được giải A văn học thiếu nhi 05 năm (2015 2020) của UBND thành phố Đà Nẵng.
b) Về truyện (truyện vừa, truyện ngắn)
Truyện vừa Hai người trở lại Trung đoàn của nhà văn Thái Bá Lợi, viết về vấn đề đạo đức, phẩm chất của người lính sau chiến Đây có thể nói là một trong những truyện vừa xuất sắc, có tác dụng cắm mốc cho sự đổi mới của văn học Việt Nam sau chiến tranh. Truyện vừa Nội tôi của nhà văn Bùi Tự Lực, viết về bà nội mình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuốn sách được giải B cuộc vận động sáng tác truyện, tranh cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng 1999 - 2000. Quán búp bê và Cổ tích của nỗi buồn là hai tập truyện ngắn hay của nhà văn Quế Hương, viết về cuộc sống đời thường của người dân, nhất là những truyện viết cho thiếu Quán búp bê đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Cổ tích của nỗi buồn là tuyển tập truyện ngắn của Quế Hương trong đó có những truyện xuất sắc được giải cao trong các cuộc thi của các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Trầm, tập truyện ngắn của nhà văn Phạm Phát, viết về những người dân ở quê hương Hội An (Quảng Nam) những năm xa xưa và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tập truyện được giải nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018.
c) Về thơ
Tập thơ Tâm hồn của nhà thơ Ngô Thế Oanh, viết về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong và sau chiến tranh chống Mỹ. Giải nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994. Tập thơ Những tháng năm vay mượn của nhà thơ Thanh Quế, viết về mảnh đất và con người miền Trung trong và sau chiến tranh chống Mỹ. Tập sách được giải Nhì của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994, giải A của UBND Quảng Nam - Đà Nẵng (1985 - 1995). Tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh, viết về tình hữu nghị trong chiến đấu của nhân dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Tập thơ được giải A của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng Sông Mê Kông năm 2014. Tập thơ Những chiếc xe màu lửa của nhà thơ Đông Trình, viết cho thiếu nhi, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992. Tập thơ Ngày linh hương tỏa sáng của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, lấy cảm hứng từ vùng đất bạt ngàn màu xanh của Tây Nguyên, với câu thơ dài, mới mẻ, trùng điệp ý tưởng và hình ảnh để nói lên sức sống bên trong của con người Việt Nam đương đại. Tập thơ được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Tập thơ Chân trời của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, giàu triết lý về ý nghĩa cuộc đời của con người, giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019. Tập thơ Một giọt của nhà văn Phạm Phát, viết về những kỷ niệm sâu sắc trong đời mình. Tập thơ được giải A của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
d) Nghiên cứu, lý luận, phê bình, biên soạn
Bộ sách ca dao, dân ca và truyện cổ của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Đây là bộ sách đồ sộ ghi lại được những tác phẩm văn học dân gian Quảng Nam. Đà Nẵng, được bạn đọc và các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Tập phê bình, tiểu luận Cảm nhận văn chương của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, nghiên cứu và phê bình tác phẩm của nhiều thế hệ nhà văn Quảng Nam - Đà Nẵng và cả nước. Tác phẩm được giải A văn học 05 năm (2010 - 2015) của UBND thành phố Đà Nẵng.
e) Dịch thuật
Các tập thơ của Tagor (nhà thơ Ấn Độ) như Bầy chim lạc, Mùa hái quả, Người thoáng hiện được nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân chuyển ngữ xuất sắc, được giới dịch thuật và độc giả cả nước đánh giá Đồng thời, Bùi Xuân còn dịch rất xuất sắc tác phẩm của nhà thơ Kabi (Ấn Độ) và nhiều tác giả nước ngoài qua bản tiếng Anh. Ngoài ra còn nhiều bài thơ, truyện ngắn được các giải cao tại các cuộc thi ở các báo, tạp chí trong nước của các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Kim Huy, Bùi Công Minh, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Anh Dũng …
g) Các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước
Nhà văn Phan Tứ, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, với các tác phẩm Trước giờ nổ súng, Mẫn và tôi… Nhà văn, nhà nghiên cứu Tuồng Hoàng Châu Ký, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2020 với những vở tuồng (sáng tác) và những tác phẩm nghiên cứu về tuồng. Nhà thơ Lưu Trùng Dương được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ năm 2012 với các tác phẩm Tập thơ người lính, Những người đáng yêu nhất và Nỗi nhớ màu xanh. Nhà văn Thái Bá Lợi được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 với các tác phẩm Họ cùng thời với những ai và Trùng tu. Nhà thơ Thanh Quế được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 với tiểu thuyết Cát cháy và tập thơ Một gạch và chuyển động.
Trên đây là những vấn đề và những ý kiến mạo muội của tôi về sự đóng góp của các nhà văn Đà Nẵng vào sự phát triển của nền văn học nước nhà. Có thể có những ý kiến chưa xác đáng, những đề xuất về các tác giả, tác phẩm còn thiếu sót. Xin đồng nghiệp và bạn đọc thông cảm cho một nhà thơ cao tuổi.
(Tạp chí Non Nước số 325)
(1) Từ chiến khu ở miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng xuống, từ miền Bắc vào, các văn nghệ sĩ trong thành thị.
(2) Vào Trường Viết văn Nguyễn Du như Thái Bá Lợi, Hồ Trung Tú, Trương Văn Ngọc, Ngô Thị Kim Cúc. Có người còn được đi học ở Trường Văn học Goóc-ki - Nga như Ngô Thị Kim Cúc, Thái Bá Lợi…