Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố
Tập thể Thường trực Thành ủy năm nào cũng gặp mặt văn nghệ sĩ vào dịp cuối năm âm lịch, nhưng đây là lần đầu tiên tập thể lãnh đạo cao nhất thành phố có buổi làm việc với đại diện những người lao động sáng tạo nghệ thuật trên địa bàn. Và qua buổi làm việc hôm nay, Thường trực Thành ủy muốn lắng nghe văn nghệ sĩ không phải qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm, mà chủ yếu là qua các ý kiến tư vấn của người trong cuộc về việc làm thế nào để phát triển bản thân sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng nói riêng, cũng như để phát triển trên lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa trên các lĩnh vực của thành phố nói chung; đồng thời mong muốn buổi làm việc được tổ chức như một cuộc tọa đàm vừa thân tình vừa khoa học - có chủ đề, có đề dẫn, có tham luận/ thảo luận - chứ không phải như một hội nghị bình thường. Trên cơ sở những định hướng ấy, chủ đề buổi làm việc hôm nay được xác định là Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố.
Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố trước hết với tư cách công dân - những công dân gương mẫu, thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành mọi đường lối/ chủ trương/ chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số văn nghệ sĩ còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách đảng viên - những người luôn tiên phong trong sự nghiệp Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, luôn phấn đấu nêu gương tốt trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu với tư cách những người lao động sáng tạo nghệ thuật, qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm của mình. Nói cách khác, bản thân từng văn nghệ sĩ và cả đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu thông qua các thành tựu trong nghề. Và như đã nói trên, văn nghệ sĩ Đà Nẵng còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách công dân - nghệ sĩ, với tư cách người trong cuộc để tư vấn cho lãnh đạo thành phố về việc làm thế nào để phát triển bản thân sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng nói riêng, cũng như để phát triển trên lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa trên các lĩnh vực của thành phố nói chung, làm thế nào để Đà Nẵng có một thương hiệu văn hóa như mong đợi - trên cơ sở những ưu thế độc đáo/ thuận lợi riêng có của mình.
Trong buổi làm việc hôm nay, trước hết, đại diện Hội Mỹ thuật sẽ hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Văn nghệ sĩ góp phần xây dựng tầm nhìn mỹ quan đô thị giai đoạn 2021-2030 - mỹ quan đô thị ở đây bao gồm cả những ứng xử văn hóa của thị dân. Liên hiệp Hội rất mong Thường trực Thành ủy vừa tạo điều kiện để giới nghệ sĩ tạo hình Đà Nẵng có thể sáng tạo ngày càng nhiều những bức tranh đẹp/ những pho tượng đẹp/ những ngõ phố bích họa đẹp/ những tấm ảnh đẹp/ những công trình kiến trúc đẹp; vừa tạo điều kiện để giới nghệ sĩ tạo hình Đà Nẵng giúp lãnh đạo thành phố điểm danh điểm diện những cái xấu, cái thiếu thẩm mỹ đang chi phối thậm chí đang làm hỏng thị hiếu thẩm mỹ của người Đà Nẵng hiện nay. Trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu dân cử đều tiếp xúc cử tri, vậy nên chăng Thường trực Thành ủy tạo điều kiện để giới nghệ sĩ tạo hình - với đôi mắt thẩm mỹ tinh tế và chuyên nghiệp - được nêu ý kiến chỉ rõ địa chỉ những cái xấu, cái thiếu thẩm mỹ ấy, thông qua một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên biệt - cử tri nghệ sĩ chứ không phải cử tri công dân. Đề xuất này cũng đã được thể hiện trong ý kiến thứ tư do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp. Nếu được như vậy thì cũng là cách để huy động sự cống hiến của giới nghệ sĩ tạo hình trực tiếp phục vụ chính trị/ phục vụ công chúng trên lĩnh vực chính trị.
Cũng xin nói thêm rằng đồng hành với giới nghệ sĩ tạo hình thành phố là các bảo tàng nghệ thuật, nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng là bảo tàng mỹ thuật nhưng rất đặc thù và hấp dẫn nhờ sự đặc thù này, khác với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mang tính tổng hợp với cả hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh nghệ thuật và kiến trúc. Nếu Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cứ dàn hàng ngang mà tiến sẽ khó theo kịp các bảo tàng mỹ thuật có bề dày lịch sử như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Khác biệt mới làm nên giá trị. Sự khác biệt của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có lẽ nên hướng vào tranh thiếu nhi - tranh do thiếu nhi vẽ và tranh vẽ về thiếu nhi. Đây nên là định hướng phát triển lâu dài của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Liên hiệp Hội rất mong lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sớm phát triển theo hướng tạo khác biệt này.
Nằm trong chủ đề Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đồng hành với công nghiệp không khói, đại diện Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Nhiếp ảnh với du lịch. Ảnh nghệ thuật được du khách thưởng thức ở nhiều nơi - từ những không gian công cộng như các bảo tàng, các địa điểm triển lãm… cho đến những không gian riêng tư như trong các phòng khách sạn… Nhưng đấy cũng chưa phải là toàn bộ hấp lực của nhiếp ảnh nghệ thuật đối với du khách. Ý kiến thứ ba do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp có nêu đề xuất về việc tổ chức một cuộc thi ảnh du lịch online dành cho du khách. Nếu được tổ chức thành công và đều đặn, đây có thể là một cách để nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa thì cũng đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của thành phố.
Nằm trong chủ đề Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đồng hành với công nghiệp không khói, đại diện Hội Điện ảnh sẽ hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Để Đà Nẵng trở thành trung tâm liên hoan phim tài liệu quốc tế. Đây là một ý tưởng không quá lãng mạn bởi điện ảnh Đà Nẵng tuy không có thế mạnh về phim truyện nhưng vẫn luôn được thiên hạ nghe tên biết tiếng và đánh giá cao về phim tài liệu. Nếu Đà Nẵng phấn đấu trở thành một Busan trên lĩnh vực phim tài liệu thì không chừng sẽ tạo thêm được một điểm đến hấp dẫn về du lịch giống như thành phố cực nam của Hàn Quốc.
Cũng nằm trong chủ đề Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đồng hành với công nghiệp không khói, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu sẽ hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Để Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên hoan sân khấu tuồng và hô hát bài chòi. Vấn đề nổi lên hiện nay đối với nghệ thuật hô hát Bài chòi - cũng được chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hơn thế nữa là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - là vấn đề đầu tư tài lực và quan trọng hơn đầu tư nhân lực để đủ sức bảo tồn và phát triển. Báo Đà Nẵng từng đăng bài Bài chòi Đà Nẵng: Gian nan tìm người kế cận. Có thể nói cả hai di sản Tuồng và Bài chòi đều đang đứng trước thách thức về nguồn nhân lực biểu diễn chuyên nghiệp - một vấn đề cốt lõi của cốt lõi, đặc biệt là đối với loại hình nghệ thuật biểu diễn vốn xem thanh sắc là yếu tố quyết định trong tác nghiệp - người ta thường nói nghệ sĩ biểu diễn, nhất là nghệ sĩ múa, chả sợ gì/ chỉ sợ già. Từ đó Liên hiệp Hội cũng mong muốn lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu để đưa nghệ thuật tuồng và nghệ thuật hô hát bài chòi vào giảng dạy ngoại khóa trong các trường phổ thông trên quy mô rộng chứ không dừng ở một vài quận, một vài trường như hiện nay. Đương nhiên mục tiêu chủ yếu của việc đưa nghệ thuật tuồng và nghệ thuật hô hát bài chòi vào trường học cốt là để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ vào bảo tồn di sản văn hóa chứ không phải để trực tiếp tạo nguồn nhân lực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Ý kiến thứ mười do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp có nêu đề xuất liên quan đến Tạp chí Non Nước. Có thể nói theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Tạp chí Non Nước là một trong ba cơ quan ngôn luận chính thức được tiếp tục hoạt động sau quy hoạch ở thành phố chúng ta (bên cạnh Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng). Rất mong Thường trực Thành ủy tích cực chỉ đạo để Đề án Nâng cao chất lượng Tạp chí Non Nước bản in giấy và hình thành Tạp chí Non Nước bản điện tử sớm được thông qua, tạo điều kiện để quảng bá hiệu quả hơn các sáng tác của văn nghệ sĩ và qua đó góp phần quảng bá diện mạo văn hóa tinh thần của thành phố chúng ta.
Tuy nhiên vấn đề đầu tư nâng cao chất lượng Tạp chí Non Nước bản in giấy và hình thành Tạp chí Non Nước bản điện tử dẫu quan trọng đến mấy cũng chỉ là một phần trong toàn bộ vấn đề quảng bá văn học nghệ thuật thành phố trên các phương tiện truyền thông. Do vậy đại diện Tạp chí Non Nước sẽ hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Nâng cao chất lượng quảng bá sáng tác văn học nghệ thuật Đà Nẵng trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình thành phố Đà Nẵng - cũng là tham luận cuối cùng trong buổi làm việc hôm nay.
Thực ra còn có nhiều nội dung quan trọng khác liên quan tới chủ đề Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố, chẳng hạn các vấn đề về nghệ thuật ngôn từ, hay vấn đề nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn học nghệ thuật… rất xứng đáng dành nhiều thời gian hơn nữa để trao đổi bàn luận cụ thể. Tuy nhiên do dung lượng thời gian có hạn của buổi làm việc hôm nay, xin được hẹn vào dịp khác Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục hiến kế với lãnh đạo thành phố về những vấn đề ấy. Xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng các vị đại biểu và anh chị em văn nghệ sĩ đã lắng nghe./.
B.V.T