Sơn Trà mây bay

12.05.2021
Nguyễn Nhã Tiên
Núi non nào mà chẳng thường la đà khói sương mỗi khi chiều xuống, nhưng nói như cô bạn đồng hành với tôi vào một chiều ở Sơn Trà rằng: “Cỏ lau phơ phất trong khói sương kia sao nhìn loáng thoáng giống như những linh hồn đang ca múa”, thì quả chỉ có Sơn Trà và mây khói ấy xây thành.

Sơn Trà mây bay

Hình như khi đối diện với núi đồi hoang vu, cây cỏ ấy biết ban phát cho con người cái nhãn quan đầy lãng mạn để từ đó khai sinh những huyền thoại chăng? Bản thể của đối tượng là gì tôi không hiểu cho lắm, nhưng dường như núi non Sơn Trà và biển dưới chân núi ấy thường vang dội một thứ thanh âm chất ngất niềm mê say. Và tôi chợt hiểu ra vì sao bãi Bụt, vì sao Tiên Sa, vì sao bãi Nam, bãi Rạng... vây quanh dưới chân Sơn Trà có sức cám dỗ trí tưởng ta đến thế. 

Báu vật trong lòng phố thị 

Sẽ khó lòng mà lội cho hết cái “buồng phổi xanh” của Đà Nẵng có đến hơn bốn ngàn héc-ta rừng nguyên sinh, nơi tập hợp hàng trăm giống loài động, thực vật quý hiếm được phân bổ trải rộng khắp vùng bán đảo. Thiên nhiên vĩ đại đã ban tặng cho Đà Nẵng một báu vật núi non xanh thẳm ngay trong lòng phố thị. Thực ra, nhiều phố biển như Nha Trang, Vũng Tàu hoặc Đồ Sơn - Hải Phòng cũng không hiếm núi cho lắm. Nhưng Sơn Trà - Đà Nẵng đã chứng minh được cái vị trí có một không hai của mình. Trước hết là lịch sử. Vâng, nếu lịch sử đã từng giao cho Đà Nẵng cái sứ mệnh thay mặt cả dân tộc, lần đầu tiên đối đầu với các siêu cường phương Tây thì Sơn Trà chính là vị trí tiền đồn, tiền tiêu của Tổ quốc. Không hề là một ngẫu nhiên mà là một lựa chọn khoa học bởi vị trí địa lý quan trọng hàng đầu của Đà Nẵng. Ngày nay, khu nghĩa trang của đoàn quân lê dương ở dưới chân núi Sơn Trà, nơi hàng trăm nấm mộ lính Pháp, Y Pha Nho nằm lại còn ghi rõ tên họ là bằng chứng minh họa lại một thời trận mạc hào hùng của người Đà Nẵng cách nay một thế kỷ rưỡi. Lịch sử các cuộc chiến tranh về sau này, Sơn Trà - Đà Nẵng vẫn là vị trí quan trọng hàng đầu trong mọi mưu toan của các thế lực xâm lược. Đối diện với Sơn Trà theo hướng Tây - Bắc còn là Hải Vân, hai thế núi như hai chiếc trụ kình thiên khổng lồ gần như khép kín một vùng vịnh bình yên cửa sông Hàn. Những làng chài Nam Ô, Xuân Đán, Thuận Phước bao quanh vòng cung vịnh bây giờ nằm dưới đường viền ánh sáng của con đường Liên Chiểu - Thuận Phước. Tương lai rất gần cầu Thuận Phước nối nhịp Tiên Sa, con đường lại xuyên qua làng chài Thọ Quang tiếp nối vòng cung biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Cát trắng ơi cát trắng, truyền thống cũng là người và hiện đại cũng là người. Trong liên hoan văn hóa du lịch Đà Nẵng vừa rồi, mở đầu kịch bản là truyền thuyết Chuyện tình Tiên Sa, một chuyện tình trên bãi cát trắng đẹp mê hồn dưới chân đỉnh Sơn Trà. “Tiên Sa em ở đâu”, câu hát của Phan Ngọc bỗng dưng làm cựa mình bầy đàn cát trắng dưới sương khói chiều lõa xõa bay qua. Tôi lại nhớ lời cô bạn vào buổi chiều lang thang trên triền núi Sơn Trà và thay vì nhìn cỏ lau phơ phất, tôi lại thấy những linh hồn ca múa giữa vô vàn lung linh thủy tinh cát trắng. 

Sơn Trà thức dậy 

Trên con đường mới mở tưởng còn bổi hổi mùi nhựa đường vừa trải thảm xuyên qua các triền núi phía Nam đỉnh Sơn Trà, tôi đã nhiều lần ngồi lại hàng giờ ngắm núi đồi và biển xanh bao la. Có người gọi con đường mới vừa mở ra đấy là chiếc roi đánh thức cơn mê ngủ của núi rừng bán đảo Sơn Trà. Đúng là Sơn Trà thức dậy thật! Đất đá thức, hoa hoang cỏ dại thức. Một vệt đất đỏ tươi như nhát cắt khổng lồ nổi bật trên nền xanh thẳm của đại ngàn. Dọc theo con đường xuyên qua các sườn núi, từ hướng bãi Bụt đến bãi Rạng, từng dự án của các nhà đầu tư đang bề bộn đất đá san lấp mặt bằng, xây dựng khách sạn và các khu vui chơi giải trí. Không thể khác hơn được, khai quật tiềm năng du lịch Sơn Trà là nhu cầu chính đáng trong tổng thể phát triển kinh tế Đà Nẵng. Lẽ đương nhiên, cùng với sự mở mang phát triển đó, sẽ khó mà giữ cho trong veo nguyên vẹn cái “buồng phổi xanh” của Đà Nẵng, một khi khói bụi, tạp chất sẽ cùng với xe cộ xăng dầu làm ô nhiễm một vùng bán đảo thuộc vào loại xanh sạch nhất từ trước đến nay. Cũng dọc theo con đường mới mở này, người ta sẽ dễ dàng đếm có bao nhiêu công trình đang tấp nập dựng xây từ Sơn Trà Resort & Spa đến Công ty TNHH Trường Phú... bởi dây kẽm gai được rào kín ngăn ra từng khu vực. Và để xác lập ranh giới từng dự án của các nhà đầu tư, mỗi khu vực trong cái vòng kẽm gai ấy được dựng lên một cái chòi canh cho người đứng gác. Thú thật, nhìn hàng rào kẽm gai và những chòi canh cao lêu nghêu, thấy khó chịu thế nào ấy. Nhưng biết làm sao hơn, cho dù nhìn vào đấy lòng có dấy lên một nỗi buồn thì cũng đành nhờ... mây bay Sơn Trà vỗ về xoa dịu. Mây bay thì không biên giới, cứ vô tận mà bay, đề huề cho cái nhãn quan thích mơ mộng, đắm mình cùng thiên nhiên. Và từ đấy phần nào hiểu ra cái lẽ dịch chuyển không ngừng của đất trời vạn vật, rằng cái gì quá ngược ngạo lại thiên nhiên, tỉ như trồng cây xanh lá nõn mong làm đẹp mùa thu, có ai ngờ làm như thế lại vô ích trước những ngọn phong vàng vương vãi dăm chiếc lá rơi mà thấu tâm hồn người thưởng ngoạn. Hình như những nhà quy hoạch du lịch vùng núi non Sơn Trà khá nhạy cảm qua sự thức nhận về cảm quan của nhiều đối tượng du khách. Chính vì thế, giữa trầm mặc non cao đối diện với hàng loạt các công trình khách sạn, khu giải trí bên bờ ta-luy âm của con đường, người ta quy hoạch cho xây dựng một ngôi chùa khá bề thế ẩn mình giữa rừng lá thấp. Hôm chúng tôi có mặt, là ngày các nhà sư tổ chức lễ rót đồng xây dựng tượng Phật và chuông đồng nơi đây. Đi giữa hoàng hôn rừng núi Sơn Trà, nghe tiếng chuông ngân vọng sâu trong lòng núi, đôi bàn chân bỗng khỏe khoắn nhẹ tênh một cách phiêu bồng. Ngước nhìn phía tiếng chuông ngân, tôi nhận ra Sơn Trà - xanh thẳm đại ngàn rừng nguyên sinh, Sơn Trà - người khổng lồ chắn gió bão cho Đà Nẵng, Sơn Trà cao ngất vai trò tiền tiêu trong lịch sử... Và còn gì nữa? - Sơn Trà đang mở mang các dự án du lịch. Tất cả sẽ hẫng hụt nếu như sự phát triển không song hành với công việc tôn tạo và bảo tồn những báu vật do thiên nhiên ban tặng. 

“Tôi cần núi”

Bây giờ thì đã thành một thói quen hay là hoa hoang cỏ dại Sơn Trà đã biết cám dỗ tôi vào những chiều cuối tuần. Sau những ngày mưa gió do áp thấp nhiệt đới gây ra, con đường dẫn sâu vào núi trong veo và se se gió lạnh. Mới độ hơn mươi ngày mà dây leo các loài giống đã bò ra nhan nhản phủ kín lan can ven đường. Dừng xe đứng tần ngần trước cổng Sơn Trà Resort, người bảo vệ nhìn tôi hỏi một cách lạnh lùng: “Ông cần gì?”. Tôi khẽ cười rồi trả lời nghe lãng xẹt: “Cần núi”. Cho xe chạy chầm chậm đến đoạn cuối con đường, một vài lối mòn gập ghềnh băng xuống phía bờ biển đang tỏa khói lên trời. Tiếng máy nổ ì ầm xa xôi của những chiếc thuyền đánh cá ven bờ đang tập hợp lại chạy về hướng làng chài Thọ Quang. Giờ này, mọi hoạt động xây dựng đã ngừng nghỉ. Các khu giải trí và quán xá nhậu nhẹt đã thưa vắng người. Lác đác một vài chiếc xe máy chạy vù qua rồi lọt thỏm mất hút giữa ngút ngàn quanh co núi đồi. Chợt nhớ câu trả lời ngu ngơ của mình với người bảo vệ lúc nãy: “Cần núi”. Có đúng là tôi cần núi hay không? Dường như câu trả lời là tiếng nói ngẫu nhiên nào đấy của gió núi hú véo von qua một cuộc phiêu du cùng vọng thức. Cũng có thể đó là chân lý khách quan thường nghiệm mà ra, khi mà gió lá khói mây Sơn Trà dặt dìu mê hoặc tôi, bởi cái đẹp đầy bí ẩn không thể nào cắt nghĩa. Còn nhớ, con đường ngoằn ngoèo giữa hoàng hôn Sơn Trà hôm ấy, trên đường về, tôi và người bạn của mình còn gặp một người lượm củi khô trên núi về ngồi nghỉ ven đường. Một bác tiều phu từ cổ tích bước ra hay một mảnh đời buồn của thời khói lam chiều nhạt nhòa dưới chân núi còn sót lại?

Không hiểu nữa, nhưng quả là một nỗi buồn đẹp vừa hoang sơ vừa cổ tích. Sơn Trà với tôi là thế đó, xanh thẳm hiện thực, mênh mông và bí ẩn một cách siêu hình. Đã bao lần chiều tôi đi qua đây mà mây khói đất trời bán đảo ấy cứ nghe chợt lạ, chợt quen, chợt ngu ngơ đến quên mất lối về!

(nld.com.vn)