Sách nói ở Việt Nam - hiện trạng và tương lai

05.04.2021
Nguyễn Thanh Tâm
Thời gian gần đây, khái niệm sách nói (audiobook) ngày càng trở nên quen thuộc, phổ biến (hơn 200 triệu kết quả trong 0.39 giây trên công cụ tìm kiếm google), bên cạnh sách in và sách điện tử (ebook), như là những loại hình chính của hoạt động xuất bản (tương lai có thể sẽ có những hình thức xuất bản khác).

Sách nói ở Việt Nam - hiện trạng và tương lai

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, với hình dung dựa trên phương thức tạo lập cũng như cách tiếp cận công chúng (người nghe), sách nói có nguồn gốc từ truyền thống truyền miệng dân gian. Các hình thức đọc sách trên sóng phát thanh, như thế, cũng có thể là một dạng thức của sách nói. Một khi, được định hình như một loại hình xuất bản, tham gia vào đời sống xã hội như một ấn phẩm, sách nói buộc phải tuân thủ các quy định về xuất bản như sách in. Bàn về sách nói, bên cạnh những yếu tố mới mang tính đặc thù, câu chuyện của chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ vẫn nguyên giá trị đối với loại hình này.


Từ truyền miệng đến phát thanh và dần được định dạng trong các thiết bị lưu trữ như băng cassette, CD, VCD, DVD, USB, thẻ nhớ, smartphone, iPad, hoạt động trên các ứng dụng công nghệ (bao gồm cả thu - phát - quảng bá), sách nói đã tiến một bước khá xa trên con đường chuyên nghiệp hóa. Tương tự như khi ebook xuất hiện, vấn đề cạnh tranh giữa các hình thức xuất bản, nội dung, bản quyền, ưu điểm, nhược điểm, sản xuất, quảng bá, phát hành, tiêu thụ, cộng đồng nghe, sự phản hồi, sức sống và tương lai của sách nói cũng đã được đề cập đến. Trong bài viết này, chúng tôi nhìn lại một cách tổng thể hơn, từ đó mô tả thực trạng đồng thời hình dung về tương lai của sách nói ở Việt Nam.

Về mặt nội dung, quan sát một số diễn đàn sách nói phổ biến ở Việt Nam như Hẻm Audio, Waka, Kho sách nói (đã chuyển thành nhóm nội bộ), Gác sách, Thư viện sách nói Hướng Dương, Sách nói Việt, Sách mp3, Trạm radio, Radio truyện, Radiotoday, Sách nói.me, các tài khoản youTube, facebook, instagram cá nhân…, có thể thấy nội dung thể loại của sách nói khá đa dạng, phong phú (sách văn học nghệ thuật, triết học, lịch sử, tôn giáo, đạo đức, kĩ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy nuôi con…) Không những thế, một số diễn đàn còn thể hiện rõ phân khúc thính giả khi tác phẩm được đọc chủ yếu là tiểu loại ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử, huyễn tưởng… hướng đến người nghe trẻ tuổi.

Về phương thức tiếp cận công chúng, sách nói tồn tại dưới dạng âm thanh, giọng đọc, có thể chèn hình ảnh, video, âm nhạc nhằm làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Đánh giá về ưu điểm, lợi thế của sách nói so với những hình thức xuất bản truyền thống (in) hoặc ebook, các chuyên gia cũng như cộng đồng đều cho rằng: Thành tựu của công nghệ đưa sách nói đến với công chúng một cách rộng rãi hơn, có thể vừa làm việc, vừa đi đường, vừa tập thể thao, vừa nghe đọc sách. Với sách nói, người không biết đọc cũng có thể nghe, người không có thời gian đọc sách giấy có thể nghe (đặc biệt, sách nói là phương thức ưu việt dành cho người mù, khiếm thị). Sách nói tăng cường khả năng nghe hiểu, kĩ năng đọc, mở rộng vốn từ, kích thích trí tưởng tượng nhanh chóng vì phải buộc trí não đuổi theo nội dung đọc, giúp ích cho những người bị hạn chế khả năng đọc trên giấy, tính kết nối, tương tác cao… Ở đặc trưng loại hình, giọng đọc quyết định khá nhiều đến việc tiếp nhận sách. Có người cho rằng, giọng đọc làm cuốn sách hấp dẫn hơn. Qua những bình luận của người nghe trên một số diễn đàn sách nói, có thể thấy, một giọng đọc truyền cảm, ấm áp, rõ ràng, có tiết điệu và nhịp độ thích hợp sẽ được công chúng yêu thích, cổ vũ. Cùng với đó, việc đọc được triển khai trên nền của những bản nhạc, hình ảnh hấp dẫn, có thể là một thế mạnh mà sách giấy hay sách điện tử không có được.

Mặt khác, sách nói tỏ ra tiện dụng khi người sử dụng không cần phải mang theo sách, có thể nghe trực tuyến hoặc tải về các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, iPad, máy tính để bàn - cùng với loa (hình thức tích hợp sách giấy với audiobook cũng đã xuất hiện, khi người đọc có thể mua sách giấy, trong sách có mã để quét chuyển từ đọc sang nghe; đây là hình thức khá tiện ích khi người sử dụng không có thời gian lần giở từng trang sách). Bởi vậy, trong một thiết bị nhỏ gọn, có thể có cả một thư viện. Trong các nền tảng mạng xã hội, website có cài đặt tính năng tương tác, người nghe có thể tương tác với nhau một cách nhanh chóng nhất. Thậm chí, quan sát một số diễn đàn sách nói, ở phần bình luận, có nhiều người muốn nghe những cuốn sách mà mình yêu thích, hoặc góp ý trực tiếp về nội dung sách, giọng đọc, nhịp độ (nhanh chậm), chất lượng âm thanh… Chính từ sự tương tác này, các diễn đàn sẽ nhanh chóng nắm bắt được phản hồi từ cộng đồng để có thể điều chỉnh. Xét về mặt ích dụng, có lẽ điểm nổi trội nhất của sách nói là giúp người nghe có thể tiếp cận sách trong các điều kiện không thuận lợi với việc đọc sách giấy hoặc ebook. Tuy nhiên, sách nói không phải chỉ là giải pháp tình thế, nó thực sự là một loại hình xuất bản và có phân khúc công chúng của riêng mình. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các điều kiện kĩ thuật, pháp lí, chất lượng cũng như tăng cường khả năng tiếp cận công chúng là yếu tố sống còn của sách nói. Mặc dù vậy, sách nói nói chung và sách nói ở Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối diện với những vấn đề có thể xem là trở ngại để tìm kiếm một thế đứng trong thị phần xuất bản và chuỗi giá trị cung ứng - phân phối - tiêu thụ.

Điều hệ trọng đầu tiên mà sách nói ở Việt Nam đang phải đối diện chính là vấn đề bản quyền. Dễ nhận ra, trên các diễn đàn sách nói, chủ yếu vẫn là cá nhân hoặc tổ chức thu âm những cuốn sách đã xuất bản giấy. Đã có không ít bài báo phản ánh tình trạng vi phạm bản quyền từ sách nói. Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở chiều kích sâu hơn, chúng ta sẽ thấy, đó là hệ lụy của một đời sống xuất bản, tiêu thụ văn hóa phẩm còn nhiều sơ hở, nặng cảm tính, thiếu pháp lí. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng các phương tiện truyền thông, các nền tảng kĩ thuật số phục vụ việc thu - phát cùng với những lỗ hổng trong quản lí, chế tài xử lí chưa đủ sức răn đe… khiến cho nhiều diễn đàn sách nói mọc ra, mà thực chất đó là hành vi vi phạm bản quyền. Từ việc vi phạm bản quyền này, có thể hình dung về hậu quả mà các nhà xuất bản, công ti văn hóa truyền thông, các đơn vị có bản quyền cùng với tác giả sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Dễ nhận thấy nhất là thay vì bỏ tiền ra mua một cuốn sách, người ta có thể tìm đến sách nói miễn phí (dù sách nói đó vi phạm). Thiệt hại về kinh tế, thị phần của các đơn vị xuất bản có bản quyền là điều không phải bàn cãi.

Tạo lập trên nền tảng ưu việt của kĩ thuật, công nghệ, sách nói đồng thời cũng phải đối diện với mặt trái của những thành tựu này. Những rủi ro về công nghệ có thể là một cảnh báo trực tiếp đến những dự án sách số. Bởi, như những phân tích đã được nêu lên, sự lỗi thời nhanh chóng của hạ tầng công nghệ dẫn đến việc con người luôn phải chạy theo các tính năng, ứng dụng mới (kẻ thù của cái mới không phải là cái cũ mà là cái mới hơn). Việc thích ứng với các nền tảng dữ liệu số đòi hỏi trình độ của người dùng, tính năng của thiết bị. Và đương nhiên, như những âu lo đã hiện hữu, các kho sách số có thể bị vô hiệu hóa khi thiết bị đầu ra trở nên lạc hậu - không được hỗ trợ, các hãng sản xuất khai tử thiết bị hay dòng máy đọc - nghe. Đây có thể là một lí do tăng cường niềm tin của con người vào sự trường tồn của sách giấy. Tuy vậy, có lẽ cũng không nên quá hoang mang, bởi văn minh tiến bộ sẽ cải thiện đời sống của con người, và công nghệ dần trở nên phổ cập, trở thành những sinh hoạt đời thường, thay vì những biểu hiện có phần đua đòi “sang chảnh” hay hao tổn tiền bạc.

Về đời sống trực tiếp của sách nói, đối sánh với những trải nghiệm đọc truyền thống, có thể nhận ra những nhược điểm khiến cho loại hình này vướng phải những đắn đo từ phía công chúng và các chuyên gia. Có thể nêu lên một số băn khoăn cụ thể như sự phụ thuộc của người nghe vào lựa chọn của diễn đàn sách nói. Người nghe không được lựa chọn, dù thư viện sách nói khá phong phú. Bằng chứng là nhiều bình luận trong các diễn đàn sách nói muốn được nghe những tác phẩm mà mình yêu thích. Một vấn đề nữa đó là, khi nghe, cảm xúc của người nghe bị dẫn dắt bởi người đọc. Như thế, tính tự do trong tiếp nhận cũng như kinh nghiệm thẩm mĩ của chủ thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Điển hình như việc vừa đọc một vài câu lại dừng để đọc chú giải (trong một số sách nói văn học cổ điển), khiến cho mạch văn, mạch truyện bị ngắt quãng, gây ức chế cho người nghe… Cảm xúc của người đọc thể hiện trực tiếp qua ngữ điệu, cách nhấn nhá, nhanh chậm, khiến cho người nghe không có được trải nghiệm chủ động mang tính cá nhân. Cũng ở khía cạnh này, bỏ qua các trở ngại không mong muốn, dòng cảm xúc của người nghe trôi theo giọng đọc, khiến cho việc lưu tâm đến một tình tiết, chi tiết, điểm nhấn nào đó có thể bị mất đi. Trong chính đặc thù của sách nói - giọng đọc, những bất cập về ngôn ngữ vùng miền, khả năng diễn đạt, năng lực thói quen ngôn ngữ thậm chí là tật lỗi của người đọc có thể lại chính là điểm trừ mà sách nói không thể không nghĩ tới trong vận mệnh của mình. Thêm vào đó, các quảng cáo tự động trong một số nền tảng ứng dụng (youTube, spotify, soundcloud) có thể phá vỡ cảm xúc, tư duy của người nghe. Một điểm nữa cũng được các nhà nghiên cứu nêu lên đó là, việc nghe sách nói đánh mất hình dung về không gian vật lí của người đọc. Trước một sự kiện, nếu trên sách giấy, người đọc có thể hình dung ra vị trí của tình tiết trong chính cuốn sách (đơn giản như ở đầu hoặc cuối, phần đã đọc dày hay mỏng, phần còn lại nhiều hay ít…) để tiên lượng các khả năng có thể của tình tiết đó (đây cũng là một khoái cảm của trải nghiệm sách giấy).

Vẫn còn những trở lực đối với sách nói đến từ truyền thống đọc sách in. Không khó để nhận ra những diễn giải về khoái cảm của việc thưởng thức một cuốn sách giấy đến nỗi người ta đã viết cả một cuốn sách với nhan đề Đừng mơ từ bỏ sách giấy (Jean-Claude Carrière, Umberto Eco). Những người yêu sách (giấy) cũng cổ vũ cho việc trải nghiệm sách từ nội dung, ý nghĩa đến hình thức vật lí của nó với các diễn giải có phần lãng mạn hóa, làm gia tăng quyền lực của sách giấy trước áp lực của sách điện tử và sách nói. Bản thân các tác giả cũng tỏ ra chưa mặn mà với hình thức xuất bản nói. Họ vẫn muốn ra sách giấy như là một minh chứng của lao động chữ nghĩa. Gần đây, một số tác giả tự chuyển đọc tác phẩm của mình nhưng vẫn là trên cơ sở sách in. Từ phía nhà xuất bản và các công ti văn hóa truyền thông, các diễn đàn sách, có thể cảm giác được sách nói chỉ như một phiên bản demo, giới thiệu, nhằm kích thích nhu cầu tiếp cận sách giấy của công chúng.

Sự thực, sách nói đang hoạt động như một kênh, một phương thức sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sách ở Việt Nam. Những bất cập trên, có thể chính những người làm sách nói đã biết, nhưng do những điều kiện, thôi thúc nào đó, đã không được lưu tâm đến. Bên cạnh các ưu điểm thuộc về đặc trưng loại hình (nói - đọc), giá trị về mặt văn hóa, xã hội, lịch sử… như phân tích, giá trị thương mại của sách nói ở Việt Nam chủ yếu thể hiện dưới hình thức mua bán các USB, thẻ nhớ lưu trữ sách nói. Mặc dù, doanh thu từ sách nói trên thế giới luôn tăng, tỉ lệ người nghe tiếp cận loại hình sách này cũng phát triển đáng kể ở những thị trường nghe - đọc lớn như Mĩ, Trung Quốc, châu Âu, nhưng ở Việt Nam, dường như sách nói vẫn đang ở dạng tiềm năng và đối mặt với không ít những cảnh báo có tính tiêu cực. Bản thân sách nói, trong tư cách một loại hình xuất bản, trong chuỗi cung ứng - phân phối - tiêu thụ văn hóa phẩm là tốt, tuy nhiên, những hạn chế cần phải được nhanh chóng khắc phục, bằng nền tảng kĩ thuật, công nghệ, pháp lí và ý thức của người sử dụng văn hóa phẩm trong môi trường xã hội văn minh. Chỉ có như vậy, sách nói mới có thể trở thành một loại hình xuất bản độc lập ở Việt Nam, nếu không, nó sẽ mang thân phận của một tiểu ngạch, một hình thức phụ trợ hoặc chỉ là một giải pháp tình thế.

(vannghequandoi.com.vn)